| Hotline: 0983.970.780

Trên đường và dưới cánh bay…

Thứ Tư 04/12/2024 , 10:45 (GMT+7)

Từ trên đường hay là trên cánh bay ngắm xuống, Tây Bắc hiện ra bóng dáng một miền cây trái mới, một vùng du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, thiên nhiên.

Nhiều khi ngồi nghĩ, cứ thấy như trong một giấc mơ. Tôi đã sống ở Tây Bắc từ thời tuổi thơ, mỗi lần về xuôi, là nối tiếp những chặng đường dài dằng dặc, núi non hiểm trở, xa xôi cách trở… Cảnh vật ban đầu thì đầy cảm giác hùng vỹ, thích thú, sau rồi thì nhanh thành nhàm chán, đơn điệu… Bây giờ, đường bộ đã nối Tây Bắc lại gần, rồi thú vị nhất là đi trên máy bay. Từ trên đường nhìn sang hay là trên cánh bay mà ngắm xuống, Tây Bắc hiện ra bóng dáng một miền cây trái mới, một vùng du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, thiên nhiên, đầy bất ngờ và lạ lẫm. Thật đấy mà chả như mơ sao?

Tà Xùa - một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam, thuộc huyện Bắc Yên (Sơn La) giáp với huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Ảnh: Nhật Quang.

Tà Xùa - một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam, thuộc huyện Bắc Yên (Sơn La) giáp với huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Ảnh: Nhật Quang.

Sơn La thành một cung đường hoa trái mới

Chừng độ gần chục năm trở lại đây, con đường bộ dẫn lên Tây Bắc đã hiện ra với rất nhiều hoa trái. Từ thị trấn Cao Phong của Hòa Bình đã bạt ngàn cam ngọt. Rồi đến Mộc Châu, qua Yên Châu, Mai Sơn, Nà Sản, tới thành phố Sơn La, đâu đâu cũng thấy những vườn cây ăn trái xum xuê với rất nhiều thứ hoa quả dịu dàng. Cứ thế, còn dẫn tiếp lên nữa, tới Tuần Giáo, Điện Biên, Lai Châu… Sơn La giờ đã có khoảng 100ha đồi núi trồng cây ăn quả, xếp thứ 2 trong các tỉnh thành của cả nước. Một nhà máy chế biến hoa quả xuất khẩu hiện đại do Tập đoàn TH xây dựng ở huyện Vân Hồ bên Quốc lộ 6 được khánh thành…

Người dân ở các bản nhỏ, dân tộc Thái, dân tộc Mông, đã là xã viên của những hợp tác xã kiểu mới. Họ canh tác, trồng cây ăn quả theo công nghệ tiên tiến của nền nông nghiệp mới, hiện đại. Những vườn lớn trồng mận tam hoa, xoài đường, bơ thịt, chuối ngọt, chanh leo, cam đường, nhãn cùi dày, đều đạt chất lượng VietGAP, rải từ Vân Hồ, thảo nguyên Mộc Châu, lên vùng Yên Châu, Mai Sơn, cao nguyên Nà Sản, kéo vào tận biên giới, những huyện heo hút thời xưa như Quỳnh Nhai, Sông Mã…

Hoa quả trồng ở vùng Tây Bắc đã đi ra thế giới. Xoài Sơn La xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Anh, Úc, hiện giờ lại thêm chuối Yên Châu và nhãn Quỳnh Nhai nữa. Gần đây, Sơn La đã xuất khẩu mỗi năm vài chục tấn hoa quả các loại vào thị trường EU và các nước Anh, Úc, Mỹ, Campuchia, Trung Quốc...

Sơn La đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu nông sản. Cùng với nhiều chính sách thu hút đầu tư, Sơn La đã hình thành nền móng căn bản cho ngành hàng rau quả từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu…

Sơn La giờ đã có khoảng 100ha đồi núi trồng cây ăn quả, xếp thứ 2 trong các tỉnh thành của cả nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Sơn La giờ đã có khoảng 100ha đồi núi trồng cây ăn quả, xếp thứ 2 trong các tỉnh thành của cả nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Bây giờ, chặng đường bộ nối Hà Nội với thành phố Sơn La chỉ mất chừng 5 giờ ô tô thong dong. Nhưng mỗi khi đi trên tuyến ấy, trong tôi vẫn bật ra từ ký ức những năm tháng nhọc nhằn tuổi thơ trên đó. Cha mẹ tôi thường gom phép lại, hai ba năm một lần, tha theo đàn con nhỏ lếch thếch, về thăm quê dưới xuôi. Đi đi về về, chặng đường từ thị xã miền núi Sơn La bé teo tới Hà Nội, phải mất hai đến ba ngày. Tôi đã từng ngủ đêm ở Km 22, Suối Rút, rồi Mộc Châu, Yên Châu trong những dãy nhà trọ ẩm thấp bên con đường cheo leo núi non ấy… Đến khi lớn hơn, đi học đại học, thì thời gian này đã rút lại thành một ngày rưỡi và vẫn phải ngủ đêm dọc đường…

Thời của nghèo khó nhưng mơ mộng và nhiều hứng thú. Tôi gà gật trên xe xóc nẩy mong nhanh đến điểm dừng, bởi biết là sẽ có những thứ đang chờ đợi. Ở thị trấn Yên Châu là những nải chuối ngọt lựng, là những quả xoài nhỏ ruột đỏ hồng, thơm ngào ngạt. Đến Mộc Châu trời se se lạnh, có ngô nương nướng, có đào mận của người Mông gùi trên núi cao xuống. Ở Km 22, Suối Rút, có xôi nếp lam trên than hồng, chiều sương giăng mờ mặt sông Đà…

Những năm học đại học, một năm có hai lần về Sơn La vào dịp hè và Tết. Khi trở lại trường, qua Yên Châu, tôi thường mua mấy buồng chuối, chục cân xoài xanh, nói khó với lái xe, cho buộc lên nóc xe. Thời ấy, quả xoài Yên Châu, Thuận Châu còn bán được ở Hà Nội, nó nhỏ nhưng ngọt và thơm. Chuối ở đấy mang về cũng không bị chê. Món măng khô, mộc nhĩ hay mấy sản vật núi rừng mua ở Mộc Châu thì hấp dẫn vì lạ và rẻ. Nhưng rồi theo thời gian, bao cấp bị xóa bỏ, hàng hóa thông thương. Xoài cát cùng bao nhiêu thứ hoa quả hấp dẫn được chuyển từ miền Nam ra. Mộc nhĩ, nấm hương, măng nứa măng giang từ vùng núi Việt Bắc mang xuống. Cái loại ngô nương, ngô răng ngựa trồng tự phát trên núi Tây Bắc chỉ còn đáng làm đồ ăn dành cho chăn nuôi, chả mấy có giá trị nữa khi gạo lúa ở đồng bằng Nam bộ được chuyển ra... Chuyển sang thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, bỗng nhiên Sơn La, Tây Bắc không còn là vùng miền núi đẹp đẽ nữa, vì chả có sản vật gì đóng góp được với đời sống chung của cả nước, ngoài… thủy điện.

Có một đôi lần trở lại, đi trên những con đường đã rộng mở hơn rất nhiều. Nhìn qua cửa xe, đồi núi vẫn nối nhau trùng điệp, thầm hỏi, bao giờ thì Tây Bắc, Sơn La mới thành một vùng đất giàu có và tươi đẹp? Hỏi thế rồi lại nghĩ, chắc rồi Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng, phải tìm cho ra những loại cây nào đó để làm nên thế mạnh. Những thứ cây ấy sẽ mọc tràn lên xanh tốt trên những núi đồi trùng điệp, mang đến những giá trị kinh tế mới cho nơi đây. Rồi cùng với đó là làm du lịch văn hóa… Tôi đã từng run lên, hồi hộp theo dõi kết quả khi nghe người ta tiến hành kế hoạch trồng cây công nghiệp ở Sơn La, như cây cà phê, cây cao su, trồng cỏ nuôi bò sữa, trồng mía để sản xuất đường… Nhưng rồi lại buồn bã khi biết các loại cây trồng ấy không phát triển được, không trở thành cây của Tây Bắc, của Sơn La.

'Lên Sơn La hôm nay có thể dễ dàng cảm nhận một màu xanh của cây trái, rau quả, cùng với đó là màu xanh của rừng đang dần tái sinh trên những đồi cao', nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cảm nhận. Ảnh: Tùng Đinh.

"Lên Sơn La hôm nay có thể dễ dàng cảm nhận một màu xanh của cây trái, rau quả, cùng với đó là màu xanh của rừng đang dần tái sinh trên những đồi cao”, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cảm nhận. Ảnh: Tùng Đinh.

Thật vui biết bao nhiêu, sau những tìm kiếm, sau nhiều nỗ lực, Sơn La và Tây Bắc đã tìm ra tiềm năng mới, đã vào mùa quả chín. Sơn La đã rõ ra là một thủ phủ mới của cây ăn quả. Lại càng vui khi thấy các loại cây hoa tươi cao cấp có giá trị thương mại, đã được trồng, phát triển rất tốt ở cao nguyên Mộc Châu. Lại thấy cả hoa hồng đã nở bung khoe muôn sắc thắm ở thung lũng Ngọc Chiến trong tận Mường La…

Cánh bay mới lên Điện Biên

Quốc lộ số 6 được cải tạo, mở rộng, nâng cấp từ dịp chuẩn bị Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1984). Sau đó được nâng cấp tiếp khi làm Thủy điện Tạ Bú, Mường La. Đường lên Sơn La, Điện Biên, Lai Châu của Tây Bắc ngày một thênh thang dần… Tuyến đường Hòa Bình - Sơn La đã được bổ sung vào Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được khởi công, khi được hoàn thiện sẽ kết nối với cao tốc Láng - Hòa Lạc, Hòa Lạc - Hòa Bình, rút ngắn thời gian Sơn La - Hà Nội chỉ còn hơn 2 giờ chạy xe.

Vào cuối năm 2023, để chào mừng và chuẩn bị cho những bước phát triển mới sau cái mốc Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Dự án nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ được khánh thành và đi vào hoạt động nhịp nhàng cho đến nay. Đường bay lên Điện Biên Phủ vươn lên một tầm vóc mới so với lịch sử hình thành của mình, đã nối gần lại một vùng đất biên giới miền Tây Bắc đất nước với nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử và cũng nhiều tiềm năng cần được khơi mở sung sức hơn nữa…

Phải bốn năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, vào năm 1958, vận tải hàng không dân dụng do quân đội thực hiện mới được mở ra tại sân bay Điện Biên Phủ, nhưng hoạt động rất hạn chế trong điều kiện đất nước đang còn chiến tranh, chia cắt. Đến năm 1984, mới bắt đầu có những chuyến bay dân dụng chở khách đi đến bằng các loại máy bay như AN24, AK40… Rồi phải thêm đến hơn mười năm nữa, vào năm 1995, sau khi được nâng cấp cải tạo khá cơ bản, tần suất các chuyến bay đến sân bay này mới tăng dần lên, loại máy bay chở khách cỡ nhỏ hiện đại là ATR72 được sử dụng thường xuyên. Cho đến đầu năm 2024, sau khi nâng cấp hiện đại, đầu tư hơn 1.500 tỷ để mở rộng và nối dài đường cất hạ cánh lên 2.400m, cùng hệ thống sân đỗ, khu vực phụ trợ và phục vụ, sân bay Điện Biên Phủ đã hiện ra dáng vóc của một cảng hàng không cho các loại máy bay chở khách thông dụng như Airbus A320, A321 và tương đương đi đến. Không chỉ có một tuyến bay Hà Nội - Điện Biên Phủ, mà còn mở thêm các tuyến nối với TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ... Nay mai, có thể mở thêm các tuyến nối với nhiều quốc gia để thành một cảng hàng không quốc tế.

Cao su bạt ngàn trên đất Điện Biên. Ảnh: Hoàng Anh.

Cao su bạt ngàn trên đất Điện Biên. Ảnh: Hoàng Anh.

Từ chuyện phát triển sân bay Điện Biên Phủ làm ta nhớ lại và hình dung lịch sử của vùng đất biên viễn xa xôi này. Cảng hàng không Điện Biên Phủ nằm giữa cánh đồng Mường Thanh, vốn là một thung lũng rộng rãi bằng phẳng, được bao bọc bởi các dãy núi. Mường Thanh là một trong bốn mường lớn ở miền Tây Bắc, phiên âm từ Mường Then, nghĩa là Mường Trời hay Xứ Trời trong tiếng Thái, mà ra. Vùng đất này thuộc châu Lâm Tây từ thời hậu Lý, đến đầu thời Trần thuộc vào lộ Đà Giang, cuối thời Trần đổi thành trấn Thiên Hưng. Nơi đây vốn là một vùng đất do các thủ lĩnh người Thái, người Lự làm chủ giống như tự quản, đến thời vua Lê Thánh Tông hành binh dẹp loạn trên vùng Tây Bắc thì mới thực sự dưới quyền quản lý của nhà Lê nước Đại Việt. Vua Lê Thánh Tông phân đất nước thành 12 thừa tuyên và vùng này nằm trong thừa tuyên Hưng Hóa.

Nhà Nguyễn, trong gần nửa thế kỷ thịnh trị ban đầu, sau khi thống nhất và mở mang bờ cõi tới biển Hà Tiên, đảo Phú Quốc, vươn ra cả Hoàng Sa, Trường Sa, đã tăng cường quản lý những miền biên viễn phía Bắc đất nước. Trong công cuộc ấy, vùng đất này được vua Minh Mạng đổi thành tỉnh Hưng Hóa vào năm 1831, tiếp đến đời vua thứ ba của nhà Nguyễn là Thiệu Trị, một vị vua uyên bác Nho học, yêu thích thơ ca, đã đặt tên mới là Điện Biên vào năm 1841. Điện có nghĩa là kiến lập vững chãi, biên nghĩa là biên viễn. Điện Biên theo đó đã mang kỳ vọng của đất nước, được chọn làm phủ lỵ, gọi là Phủ Điện Biên, cai quản ba châu là Ninh Biên, Tuần Giáo và Lai Châu…

Cái tên Phủ Điện Biên, rồi sau này gọi là Điện Biên Phủ, được đặt ra từ nửa đầu thế kỷ 19 như thế, chưa nhiều người biết đến. Vậy mà hơn 100 năm sau, vào năm 1954, Điện Biên Phủ vang danh ra khắp thế giới gắn với một chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử không chỉ là lời cáo chung cho cuộc chiếm đóng của quân đội Pháp, lập lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam, làm vang danh tên gọi Điện Biên Phủ ra thế giới, mà còn là điểm khởi đầu cho một hành trình dựng xây nên Điện Biên đến hôm nay.

Sau năm 1954, từ chiến trường, Điện Biên Phủ dần dần chuyển sang là một nông trường, rất nhiều người người lính tham gia chiến dịch giải phóng Điện Biên đã ở lại làm nông trường viên. Nhiều cư dân ở đồng bằng Bắc bộ được huy động đi lên xây dựng quê hương mới. Ban đầu, Điện Biên Phủ có dáng dấp là một thị trấn nông trường, bốn năm sau, vào năm 1958, Điện Biên Phủ trở thành thị trấn huyện lỵ của huyện Điện Biên thuộc tỉnh Lai Châu. Đến năm 1992, Điện Biên Phủ chuyển thành thị xã. Vào tháng 9/2003, thị xã Điện Biên Phủ được mở rộng và nâng cấp lên thành thành phố. Tháng 11/2003, Quốc hội ra nghị quyết chia tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Ngày 1/1/2004, tỉnh Điện Biên chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra phần đất phía Tây và Tây Nam từ tỉnh Lai Châu trước đó. Thành phố Điện Biên Phủ trở thành thủ phủ của tỉnh Điện Biên.

Lúa chín vàng trên cánh đồng Mường Thanh tạo nên cảnh sắc đặc biệt nơi núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Thành Chương.

Lúa chín vàng trên cánh đồng Mường Thanh tạo nên cảnh sắc đặc biệt nơi núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Thành Chương.

Tỉnh Điện Biên là nơi có điểm cực Tây A Pa Chải của đất nước, có đường biên giới kéo dài hơn 450 km, tiếp giáp với hai nước Lào và Trung Quốc. Điện Biên được gọi với biệt danh thân thương là Miền Hoa Ban, là địa bàn sinh sống của cộng đồng 10 dân tộc anh em Kinh, Thái, Mông, Dao, Giáy, Tày, Hà Nhì, Si La, Lào, Cống với gần 640.000 người trên diện tích hơn 9.500km2. Tỉnh Điện Biên hiện có một thành phố, một thị xã và 8 huyện.

Thành phố Điện Biên Phủ ngày nay đã rộng hơn cả phạm vi bao trùm của thung lũng Mường Thanh xưa. Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, hoa mơ đã trắng, vườn cam lại vàng, để làm cho miền đất này trở nên trù phú, xanh tươi, lãng mạn, hòa vào trong những chuyển mình lớn lao của cả đất nước. Bây giờ, từ trên cánh bay lên Điện Biên Phủ, dưới đôi mắt của chúng ta, vẫn hiện lên những cung đường từ Thanh Hóa, Ninh Bình đi sang, từ Phù Yên, Bắc Yên vượt sông Đà đi tới, từ Hòa Bình, Mộc Châu, Yên Châu đi lên, rồi tất cả hội lại nơi đèo Pha Đin, một trong “tứ đại đèo” vùng núi non Tây Bắc, để mà dồn sức người, sức của, cả những máu xương cho “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chuẩn bị cho trận công đồn lịch sử. Hạ cánh xuống sân bay, chúng ta có thể đi dần dà qua những dấu tích trận địa xưa nơi đồi Độc Lập, đồi A1, cầu Mường Thanh… rồi đến Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ để hồi ức lại những gian nan mà hào hùng, kiên gan đã làm nên chiến thắng…

Điện Biên hiện nay là một vùng đất của du lịch với những điểm đến độc đáo như: Điểm cực Tây A Pa Chải, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, cao nguyên đá Tủa Chùa, các hồ nước Pá Khoang, Huổi Pẹ, các suối nước nóng U Va, Hua Pe, các động đá Pa Thơm, Khó Chua La, Pê Răng Ky, thành Bản Phủ, Tam Vạn… Là một tỉnh nằm ở ngã ba biên giới, đã có cảng hàng không hiện đại rồi, nay mai con đường xuyên Á sẽ đi qua địa bàn tỉnh này, rồi đường cao tốc từ Sơn La lên tới Điện Biên và nối dài đến cửa khẩu biên giới Tây Trang nữa…

Từ đường bay lên Điện Biên Phủ bây giờ, từ những con đường cao tốc sẽ mở ra trong tương lai, đã mở ra cho chúng ta những tầm nhìn mới để thấy miền Tây Bắc thân thương dường như đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ và mới mẻ, thế đất của miền biên viễn sẽ không còn xa xôi mà như là sẽ bay lên cao hơn…

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội

Tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn.

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Kè chống sạt lở bờ sông Hiếu tiếp tục bị sụt lún

Kè chống sạt lở bờ sông Hiếu, đoạn qua thôn Mộc Đức và Trương Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ tiếp tục bị sụt lún, nứt toác, nghiêng về phía lòng sông.