Người thầy của một vị tướng

Phùng Văn Khai - Thứ Năm, 06/04/2023 , 06:19 (GMT+7)

Người trò - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã rất may mắn khi được người thầy - nhà tình báo chiến lược xuất sắc Ba Quốc đào luyện.

Tôi đọc một mạch cuốn sách “Người thầy” (do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa ấn hành) của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, mà cứ bâng khuâng mãi. "Người thầy" xanh thẳm nỗi đời chất chứa yêu thương. Cuộc sống của chúng ta có được hôm nay chính là từ sự đóng góp vô cùng to lớn của biết bao máu xương, trí tuệ, có cả những thiệt thòi oan khuất của thế hệ cha anh đã đổ ra, gánh chịu trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thần thánh của dân tộc.

tien sanh 1

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tại buổi ra mắt "Người thầy".

Người đã khuất thật nhiều. Người còn sống, những nhân chứng sống trong chiến tranh dần thưa vắng. Có người ra đi thanh thản. Nhưng không ít người còn nhiều trăn trở, gửi gắm cho thế hệ tương lai. Đọc xong cuốn sách thấy lòng thanh thản, thấy trưởng thành hơn, được bồi đắp những thiếu khuyết để sống trung thực hơn, bao dung độ lượng hơn.

“Người thầy” viết về Thiếu tướng tình báo huyền thoại Ba Quốc - Đặng Trần Đức. Ông cùng với Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo… đã tạo nên những dấu mốc quan trọng của ngành tình báo Việt Nam. Cái hay nhất ở cuốn sách không phải là mô tả những chiến công, xác định vị thế từng dấu mốc lịch sử, mà là viết về con người với chiều sâu nội tâm của nó, vẻ đẹp của trí thức, vẻ đẹp của kẻ sĩ, vẻ đẹp của con người kiên trung, sâu sắc, hy sinh cái riêng đến tận cùng, chung tay góp sức cho ngày toàn thắng mà không đòi hỏi bất cứ cái gì cho riêng mình, tận tới khi nhắm mắt.

Người trò - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã rất may mắn khi được người thầy - nhà tình báo chiến lược xuất sắc Ba Quốc đào luyện. Cái cách rèn người của ông Ba Quốc thật khác thường. Người trò học nghề cũng rất phi thường. Có lúc rất nao lung. Nhiều khi rất ngặt nghèo vì liên quan tới sống - chết, mất - còn. Vậy mà người thầy ấy, trái núi sừng sững ấy đã bằng toàn bộ cuộc đời mình, trao truyền trí tuệ và niềm tin, khát vọng và lẽ sống, và nhất là tất thảy đều hướng về Tổ quốc, hướng đến nhân dân.

Tác giả đã viết vô cùng trung thực. Chỉ có người trong cuộc mới viết ra được những dòng văn ấy, tình cảm chân thật ấy. Ở chỗ này, với văn học, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có một đóng góp quan trọng ở thể loại hồi ức, cao hơn cả hồi ức, đó chính là những trang viết xuất sắc về hình ảnh người chiến sĩ của chúng ta, hình tượng cao đẹp bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Chúng tôi đã từng trò chuyện, trao đổi, phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Đã đọc nhiều bài viết của ông. Đã nghe các chương trình ông đối thoại trên truyền hình, những phát biểu tâm huyết của ông và luôn tin rằng, tố chất văn học luôn đậm đặc trong con người Nguyễn Chí Vịnh. Đến khi "Người thầy" ra mắt bạn đọc, những suy nghĩ từ trước càng trở nên đúng đắn, có sức nặng hơn.

Tôi là người biên tập và in cuốn sách "Tình báo không phải là nghề của tôi" của nhà văn Khuất Quang Thụy và vô cùng sửng sốt trước nhà tình báo huyền thoại Ba Quốc - Đặng Trần Đức. Những chiến công thầm lặng còn con người thì càng lặng lẽ âm thầm, không muốn một dòng nào nói đến mình, nhắc đến thành tích cá nhân. Cuốn sách là một nỗi ám ảnh lớn với nhiều người về một nghề hết sức đặc biệt - nghề tình báo. Và dường như, nghề tình báo là điều gì đó quá bí ẩn, quá hiểm nguy, đến nỗi không ít người chờn chợn, e sợ nó.

Tôi cũng được biết, khi các nhà văn được giới thiệu tới gặp ông Ba Quốc để viết về ngành tình báo, ông đã chọn Khuất Quang Thụy chứ không phải ai khác. Khuất Quang Thụy không chỉ là một lính chiến lầm lì mà viết văn cũng vô cùng lì lợm, chuyên cần như máy ủi.

Nhưng phải đến "Người thầy" thì mới là mảnh ghép hoàn hảo nhất của nhà tình báo huyền thoại Ba Quốc theo cách nói dân dã của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là "điền vào chỗ trống". Tác giả đã tinh tế và chuẩn mực khi chọn cách thể hiện "Người thầy". Người thầy chính là một cuộc song hành của hai chân dung đặc sắc, đặc biệt, đặc thù, có một không hai. Với văn học, một trong những yếu tố làm nên thành tựu của nó phải là sự độc đáo, độc nhất vô nhị. Không thể nào có hai Nguyễn Du, hai “Truyện Kiều”. Như thế sẽ không còn là văn chương nghệ thuật.

"Người thầy" không chỉ là toàn bộ cuộc đời ông Ba Quốc đã hiện hình một cách đặc sắc, kể cả những khúc quanh, bước ngoặt cam go nhất, mà thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của người trò cũng đã hiện ra một cách trung thực, toàn diện, nhất quán. Xưa nay, còn có người chưa hiểu hết về tác giả, nhất là vẻ đẹp trí thức của ông, thì nay, qua "Người thầy", chắc chắn nhiều người sẽ hiểu, cảm thông và yêu mến ông.

Đã viết được trung thực, khách quan, sâu sắc và văn chương đến thế, tất phải là một bậc người hiền. Cái chất Hiền tài là nguyên khí quốc gia ở hai thầy trò Ba Quốc - Nguyễn Chí Vịnh đã nổi lên, ăn sâu bám rễ trong tâm thức, trái tim người đọc không bởi những gì to tát, mà bằng vào chất người trong hai con người. Cái cách hy sinh toàn bộ cuộc đời mình, gia đình mình, hạnh phúc riêng tư vì Tổ quốc của ông Ba Quốc thật khác thường, thì cái cách rèn luyện, chiến đấu, học tập, trưởng thành của Nguyễn Chí Vịnh cũng hết sức đặc biệt.

Ở hai thầy trò, nổi lên là sự lao động miệt mài không ngừng nghỉ. Các ông luôn suy nghĩ không ngừng, đào thật sâu, suy thật rộng, nhìn thật xa, tất cả đều vì Tổ quốc. Tình yêu Tổ quốc của ông Ba Quốc là có một không hai. Ở địa hạt tình báo luôn không chỉ phải giáp mặt với hiểm nguy rình rập tới tính mạng, mà còn phải chống chọi với cám dỗ xa hoa vật chất, tiền, tình… hết sức phức tạp đã quật đổ nhiều người.

tien sanh 2

Cuốn sách hé lộ cuộc đời một nhà tình báo.

"Người thầy" hấp dẫn nhất là những trang viết về đời tư của ông Ba Quốc, một đời tư vô số sóng ngầm với vô vàn cung bậc khổ đau và hạnh phúc. Không ai khổ như ông mà cũng không ai hạnh phúc như ông. Cái cách tác giả mô tả những cuộc tình duyên của người thầy trung thực mà như không có thật. Có lẽ nghề tình báo là phải như vậy chăng? Rất lạ lùng là nhiều người con gái xinh đẹp yêu và sống với ông Ba Quốc đều đặc biệt. Cả cuộc đời họ là cống hiến cho Tổ quốc chứ không riêng dâng hiến cho ông Ba Quốc. Mỗi người phụ nữ vừa làm mát trái tim ông vừa như khoan những lỗ khoan sâu hoắm vào trái tim ông. Ai cũng bằng xương bằng thịt. Càng những người như ông Ba Quốc thì xương thịt càng dễ tổn thương. Bởi ông luôn phải đơn độc chiến đấu một mình.

"Người thầy" mở ra nhiều thông điệp đằng sau những trang viết xanh thẳm nỗi đời chất chứa yêu thương. Có lẽ, tác giả với người thầy của mình phải có cơ duyên đặc biệt lắm mới càng về sau càng trở thành tri âm, tri kỷ.

Không dừng ở biên độ độc nhất một người thầy. Tác giả thông qua cuộc đời chiến đấu, học tập, rèn luyện của mình đã được tiếp xúc, học hỏi từ nhiều người thầy khả kính. Họ đều là những huyền thoại trong ngành tình báo, nhất là lĩnh vực tình báo quốc phòng. Đó là các bậc thầy lớn: Hai Trung - Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn; Sáu Trí - Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm… với cá tính và tài năng riêng biệt nhưng đều chân thành trao truyền, chỉ bảo những điều cốt yếu không chỉ trong nghề nghiệp, mà họ còn là tấm gương mẫu mực trong đời sống.

Nói tới cái riêng tư để hướng tới cái chung dài rộng, phục vụ cách mạng và Tổ quốc bằng tất cả tài hoa và trí tuệ của mình, sẵn sàng gạt đi những đớn đau, thua thiệt. Bởi vậy, tác giả đã dành tâm huyết để nói nên những điều tâm huyết của ngành tình báo: "Cuốn sách này không chỉ nói về công lao của ông Ba Quốc, mà nói về những trăn trở, hy sinh, những khó khăn phải vượt qua, về đạo đức, tình cảm của ông, đặc biệt là tình vợ chồng, cha con, thầy trò… Những bài học về nghề, về người, về đời của ông để giúp cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ trong ngành tình báo tiếp thu trong quá trình trưởng thành".

Xin được kết bài viết này bằng câu nói như tổng kết cuộc đời của nhà tình báo huyền thoại Ba Quốc - Đặng Trần Đức của người học trò cũng là sản phẩm ưng ý nhất của ông: "Tôi nhớ câu nói cuối cùng của ông Ba trong cuốn sách "Tình báo không phải là nghề của tôi". Đối với ông, có hai điều quan trọng nhất trong cuộc đời, đó là tình yêu và lý tưởng. Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một mà thôi. Tình yêu của ông Ba là tình yêu Tổ quốc, tình yêu gia đình, tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng vậy, điều cao nhất ông hướng tới là hy sinh tất cả những gì mình có để đất nước có độc lập và hòa bình, người dân được hưởng hạnh phúc".

Trang sách gấp lại rồi sao cứ mãi bâng khuâng.

Phùng Văn Khai
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.