Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Nhà văn Hồ Anh Thái: Bông hoa xanh biếc trước ngực

Nhà văn Hồ Anh Thái: Bông hoa xanh biếc trước ngực

Nàng loay hoay trên ruộng hoa thế nào hái được một bông hoa xanh biếc. Cả ruộng trăm màu hoa nhưng chỉ có một bông hoa màu xanh.

Anh có bà chị quanh năm chỉ thấy rủ nhau đi họp lớp. Lớp cao học tại chức. Lớp đại học chính quy. Lớp phổ thông cấp ba cấp hai cấp một. Mỗi lớp may riêng một bộ đồng phục. Phần lớn là áo dài, đôi khi váy ngắn. Màu sắc thì tùy theo thị hiếu của mỗi lớp. “Chinh phụ ngâm”: Áo chàng đỏ tựa ráng pha, ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in. Còn đồng phục của các chị là đại học đỏ tựa ráng pha, phổ thông sắc trắng như là tuyết in.

Họp lớp không chỉ là những chuyến đi dã ngoại. Các chị văn minh hơn, thỉnh thoảng mua vé tập thể kéo nhau đi nhà hát. Cải lương chèo tuồng cho đến kịch nói cho đến phim Hàn Quốc. Nhân tiện mua vé tập thể, mua thêm vé cho người nhà. Chị hẹn em trai đến trước cửa nhà hát lấy vé rồi vào xem luôn. Tay chị cầm một tập vé phân phát cho bạn cùng lớp. Hôm ấy chị tổ chức luôn cho mấy lớp phổ thông của chị cùng xem. Các cấp phổ thông được dịp gặp gỡ cùng một lúc. Chị đứng trên mấy bậc cấp trước nhà hát. Một bà khoảng bảy mươi đi đến, chị chỉ bà ta, giới thiệu với em trai: Con này lớp một. Ý nói “con này” là bạn học cùng lớp một. Anh nhẩm tính trong đầu: như vậy là sáu mươi sáu năm rồi, hai con sáu - 66. Ngay lúc đó một “con” khác dắt tay ông chồng cỡ kém chục tuổi đi đến, chị chỉ tay vào con ấy mà nói: Con này lớp sáu.

Lây luôn cái niềm vui họp lớp. Anh lâu nay vẫn trốn họp lớp, phần vì bận đi làm ăn ở nước ngoài, phần vì nghĩ chỗ họp lớp dành cho mấy ông bà già khoe con khoe cháu, khoe thành đạt bản thân, kể thêm dăm thứ bệnh và phổ biến cho nhau cách chữa. Nhưng giờ thấy bà chị đi họp lớp vui quá, anh bèn nhận lời ngay cuộc hẹn đi họp lớp phổ thông của mình, hầu hết đều hơn ba chục năm rồi chưa gặp.

Người tổ chức gọi điện thoại hẹn cả lớp ngày ấy giờ đến nhà con ấy. Con ấy tên một loài hoa, ngày xưa là hoa khôi của lớp. Nhắc đến tên con ấy, lòng anh hơi xáo động, giữa hai người cũng có một kỷ niệm về hoa. Mùa hè cuối, tốt nghiệp phổ thông, cả lớp kéo nhau ra một cánh đồng hoa ở ngoại thành. Nàng loay hoay trên ruộng hoa thế nào hái được một bông hoa xanh biếc. Cả ruộng trăm màu hoa nhưng chỉ có một bông hoa màu xanh. Hiếm hoi lắm. Nàng ngẩng lên khoe với anh đang đứng gần đó. Cành hoa lạ ấp vào khuôn ngực. Mắt long lanh, miệng líu ríu nói câu gì cảm thán. Phản ứng tự nhiên, anh chìa tay chia vui với nàng, bàn tay chỉ là đưa ra muốn chạm vào cành hoa ấy. Nhưng sự cố thế nào mà cái bàn tay chàng trai lại chạm ngay vào chỗ không được phép chạm. Cặp mắt đang long lanh đột ngột long lên. Cái miệng líu ríu bất chợt tắc nghẹn vì kịp ghìm một tiếng ré lên. Nàng đánh rơi cả cành hoa, quay người bỏ chạy. Anh xấu hổ nhặt cành hoa, định đi theo để trả lại cho nàng. Nhưng đi vòng qua vài luống hoa thì nhận ra mình không thể giáp mặt nàng với cành hoa ấy. Bông hoa xanh biếc chỉ càng khiến cho hai người lúng túng thêm mà thôi.

Đấy, bây giờ cả lớp hẹn nhau ở nhà con ấy. Hoa khôi gây bối rối vương vấn cho nhiều đứa thời học sinh. Nhà của hoa khôi thực ra chỉ là điểm hẹn để xuất phát. Đúng ngày ấy giờ ấy, tập trung đông đủ rồi, tất cả sẽ lên xe đi về một bãi biển cách thành phố hơn một trăm cây số. Bãi biển. Họp lớp nào rồi cũng chỉ là bãi biển.

Anh đến nhà hoa khôi. Mới đến cửa đã nghe tiếng đám đàn bà ríu rít trên tầng hai khoe váy khoe áo. Đàn bà cả rồi, nhưng họ là bạn học phổ thông cho nên anh chỉ muốn dùng từ “đám con gái”. Cửa nhà mở sẵn chờ bạn bè đến. Đám con gái lâu lâu mới gặp lại cho nên đã kéo nhau chạy tuốt lên tầng trên râm ran tíu tít. Ở tầng một chỉ duy nhất có bà ô sin đang dẹp đám ba lô túi xách của khách vào một góc cho gọn. Anh chào bà ô sin và hỏi cho phải phép, đại loại cho tôi hỏi cô hoa, hoa khôi. Bà ô sin thản nhiên chỉ lên tầng trên: Cả lớp đang ở trên gác rồi.

Anh thầm đặt ngay cho bà ô sin biệt hiệu: bà lò xo. Cái quần đồ bộ mặc trong nhà là chất vải ny lông, chắc ngồi nhặt rau làm cá nhiều, hai ống quần xếp nếp lại như cái đèn xếp, xếp từng lớp như lò xo. Loại vải ny lông này đã xếp nếp thì không bàn là nào có thể làm cho nó thẳng ra được. Thành ra hễ bà ta bước đi là hai cái ống quần hình lò xo cứ co duỗi như thể bà ta nhún nhảy.

Bà ô sin đi lên gác. Rồi nghe cả đám con gái cười vỡ ra, chắc một nàng nào đang thử bộ mới thì quần ơi ở lại chân đi nhé. Chuyện đàn bà con gái thì bất tận. Đàn ông thường khoe nhau theo kiểu: - Vợ tớ có thể nói hàng giờ đồng hồ về bất cứ một vấn đề nào - Ấy, vợ tớ thì không cần một vấn đề nào cũng có thể nói hàng giờ.

Đám con gái cứ nháo nhào trên gác như thế trong khi đám con trai đến dần dần. Tự xưng tên trước, rồi từ tên mới nhận ra nhau. Ngày xưa mày trắng như bạch tạng cơ mà. Ngày xưa mày gầy gò loẻo khoẻo như dải khoai héo cơ mà. Ngày xưa mày có biệt hiệu Ruồi vì có cái nốt ruồi to tướng ở cằm cơ mà, xóa rồi à, sang tận Hàn Quốc xóa à.

Tập hợp đầy đủ rồi, tất cả lên xe. Đi thẳng xuống bãi biển phía đông nam thành phố. Sự kiện đầu tiên, hai nàng trong đám con gái chạy ra bãi biển rồi về khoe vung lên. Người họ gặp đầu tiên là một nữ nghệ sĩ cỡ sáu mươi nhưng tác phong như mười sáu. Cỡ nghệ sĩ ưu tú hẳn hoi. Nghệ sĩ nhận ra một trong hai nàng là người quen, nghệ sĩ nói tục như ranh, nghệ sĩ bắn một tràng xối xả giọng Thanh. Đại loại, mịa chúng mầy, chúng mầy có phải là diễn viên đâu, cần điếu gì cái mặt, thế mà vừa trỉa vừa điệp thế này.

Được khen trẻ và đẹp, lại còn được khen gián tiếp là mặt đẹp. Hai nàng lập tức bắn luôn ảnh chụp cùng nghệ sĩ yêu tú lên phây, kèm theo nguyên văn câu khen của nghệ sĩ, giọng Thanh đặt trong ngoặc kép hẳn hoi. Nàng có gương mặt tầm thường thì nhận câu khen đẹp, nàng nhiều nếp nhăn hơn thì nhận câu khen trẻ. Cả hai nàng cùng lãi. Thế là phây của hơn bốn chục bạn cùng lớp tràn ngập comment bình luận, ngồi cạnh nhau nhưng hội thoại trên không gian mạng. Bà ô sin của hoa khôi cũng giở điện thoại ra. Bà không quên vẫy tay chỉ phục vụ bãi biển bê đến cho mỗi người một quả dừa nước. Vừa hút nước dừa vừa rôm rả tọa đàm về sự kiện nghệ sĩ. Anh bất chợt lên tiếng hỏi hoa khôi đâu nhỉ. Đám con gái nhao nhao trả lời, hoa khôi đi công tác chưa về kịp, có thể chiều tối nay hoa khôi mới đến được. Bà ô sin mang đủ sáu bộ áo dài cho hoa khôi đây rồi. Chỉ chờ nàng đến để mặc thôi.

Hoa khôi, nếu gặp lại nàng, anh có nên nhắc đến cái bông hoa xanh biếc? Ba mươi mấy năm rồi, đời họ đã gặp mọi chuyện ô trọc, tai đã nghe thừa những câu còn bậy hơn nữ nghệ sĩ yêu tú nói tục kia, chẳng còn gì khiến cho họ phải tránh nhắc lại một kỷ niệm ngượng ngùng. Có khi chỉ vì sự ngượng ngùng ấy mà hai người sau đó đã lảng tránh thổ lộ bày tỏ cùng nhau. Bày tỏ được thì có thể đời họ đã khác. Bày tỏ được thì chuyến đi này anh và nàng đã cùng có bà ô sin khuân vác cho mấy chiếc túi quần áo.

Anh cứ ngồi bên bãi tắm nghĩ vẩn vơ suốt buổi chiều. Đám con trai đã tản đi hết. Cứ suy bụng ta ra bụng người thì đám tiền mãn dục đang tranh thủ một vài tiếng chui vào các nhà nghỉ. Suy bụng mình thế thôi chứ anh không vào. Anh lại tế nhị ngồi cách xa một quãng, bởi vì đám con gái đang chơi trò team building, thiết lập nhóm, xây dựng phe phái, tạo dựng khối đoàn kết. Một nhân viên bãi tắm mặc đồ tắm hai mảnh, chít khăn đỏ trên đầu, mồm ngậm còi tuýt tuýt. Đấy là người chủ trò. Bên thua bên thắng cứ chạy xô vào nhau díu vào nhau quấn cuộn vào nhau. Cười khanh khách cười hồng hộc cười rũ rượi cười hết hơi. Trò chơi này phải gọi là cởi mở. Cởi hết mở hết. Hầu như đều hai mảnh, nhưng chỉ lát sau là chỉ còn mảnh dưới, mảnh trên bị giật phắt ra, những bộ ngực đón gió bốn phương. Ngực trần. Nhỏ nhoi có, bành trướng có, sa sút có, lệch lạc có, kiên cường có. Cả tự nhiên cha sinh mẹ đẻ lẫn cứng rắn silicon. Mảnh trên cứ vứt tới tấp xuống bãi cát. Bà ô sin lon ton chạy ra nhặt, xếp vào một góc. Gió thốc mạnh, bà nhặt những chiếc dép nhựa cắt mép chặn lên đống quần áo. Ngồi trông, tay lướt ai phôn, miệng mỉm cười bao dung.

Anh không dám nhìn chằm chằm vào đám team building, kẻo lại bị bảo là biến thái, sao đàn ông đàn ang không vào nhà nghỉ đầy gái non, lại ra ngồi nhìn đám con gái theo kiểu nhìn giàn mướp và khổ qua chi chít quả. Cái trò chơi này thiết lập tinh thần đồng đội và đoàn kết phe nhóm. Thắng cùng hưởng thua cùng chịu. Trong cuộc chơi mê cuồng, cần thì phải hy sinh vì đồng đội, phải cởi hết ra mở hết ra. Cuộc thử thách tinh thần mình vì mọi người. Các tập thể các công ty tuyên truyền thế. Mãi anh mới liếc về phía bà ô sin trông quần áo và hỏi vóng sang, hoa khôi vẫn chưa đến bác nhỉ. Bà cũng vóng sang trả lời hoa khôi bị chậm chuyến, có thể ngày mai hoa khôi mới đến được.

Vậy là hoa khôi không có dịp tham gia trò team building. Cũng có thể ngày mai đám con gái lại chơi tiếp trò này và sẽ có mặt nàng. Nàng có chịu giật phắt mảnh trên như họ không nhỉ? Cái chỗ mảnh trên mà ngày trước anh đã chạm vào. Chạm vô tình, hay là sự cố tình trong vô thức? Bây giờ anh nghi ngờ cái sự ngày ấy mình coi là vô tình.

 

Bỗng nhiên đám con gái nhốn nháo cả lên. Họ như bừng tỉnh lại sau một cơn thôi miên tập thể. Chạy rầm rập đến lục tung đống quần áo lên nhặt lấy cái mảnh của mình. Nhặt. Giật lấy từ tay nhau. Của tao. Của tao. Rồi xô nhau chạy sang bãi bên cạnh. Đánh nhau rồi. Đánh nhau to rồi.

Anh nhặt giúp bà ô sin một đống quần áo dép nhựa túi ví. Hai người chạy theo đám con gái như đang lên đồng tập thể. Họ quây lại quanh hai người đàn ông. Hóa ra là hai đàn ông lớp mình. Một anh là Ruồi và anh kia là Cồng Kềnh. Ruồi còi dí trong khi Cồng Kềnh mặt to bụng to người to như hộ pháp. Ruồi kém Cồng Kềnh hai tuổi vì Cồng Kềnh hai năm cuối cấp đều ở lại lớp, ngôn ngữ ngày ấy gọi là đúp. Lạ lùng, hai anh này không đi theo tiếng gọi nơi hoang dã trong các nhà nghỉ như đám bạn trai cùng lớp, giờ lại gườm gườm đứng đối mặt nhau. Mày muốn gì, Cồng Kềnh hỏi. Bố mày muốn thanh toán một lần cho xong, Ruồi đáp.

Hai anh cứ hầm hè đối đáp qua lại. Mọi người nghe họ đối đáp mà dần dần hiểu ra. Học cùng lớp năm cuối cấp, Ruồi toàn bị Cồng Kềnh bắt nạt. Cồng Kềnh đúp từ những lớp trên xuống, nó cao to bóng bẩy, nó giật bút giật sách của Ruồi. Mua được cái bánh mì đút cặp, chưa kịp ăn thì bị nó giật ngay trên tay. Nó ăn mất. Nó đón đường để đánh vì Ruồi không chịu chép bài giúp nó. Nhưng tất cả những cái đó không đáng gì so với điều Ruồi ôm hận ba mươi mấy năm nay. Nó theo Ruồi vào nhà vệ sinh bóp chim Ruồi. Nó diễn lại trò ấy mấy lần. Ngày ấy Ruồi chỉ biết rấm rứt khóc một mình.

Giờ là lúc mày phải đền tội. Một bên má của Ruồi đỏ lựng. Trước đó trong cuộc cãi vã Ruồi đã bị Cồng Kềnh tát cho một cái. Tát lệch má. Tát đỏ má. Đến nước này thì không còn gì có thể hòa giải. Ruồi rút từ túi áo ngực ra một cái bút. Chĩa thẳng vào Cồng Kềnh. Không phải bút, nó là loại súng nhập qua biên giới theo đường tiểu ngạch. Tiểu ngạch tức là luồn rừng lội suối không qua kiểm tra kiểm soát đường biên. Loại súng này bắn một phát, vết đạn không toét ngực, chỉ là một cái lỗ nhỏ, mãi lâu sau mới thấy máu rỉ ra. Nhưng trúng tim thì bảo đảm cuộc đời thăng thiên. Cồng Kềnh to như một ông hộ pháp, chứ mười ông hộ pháp thì quả tim cũng chỉ cần một cái lỗ nhỏ.

Trời ơi, án mạng đến nơi rồi. Anh thầm kêu lên trong đầu. Đúng ra là đã mất tiếng, không hét lên được nữa. Thoáng nhớ chuyện vài năm trước ở Thái Lan, cũng một buổi họp lớp, ông sáu lăm tuổi gặp lại ông sáu tám tuổi là thù xưa. Ông sáu lăm rút súng bắn chết ông sáu tám.

Ai giật lấy khẩu súng kìa. Anh lại hét lên, tiếng hét không âm thanh. Bất ngờ với chính mình, anh dốc lực toàn thân chồm vào người Ruồi. Định bằng cách ấy xô ngã Ruồi cho khẩu súng văng ra. Nhưng Ruồi chỉ hơi nhích người một tí, anh bay trượt qua, ngã lăn xuống bãi cát. Nằm tênh hênh. Đám con gái ồ lên.

Anh bẽn lẽn lồm cồm đứng dậy. Lần này định dùng lời thuyết phục. Nòng súng như cái bút chì vẫn chĩa thẳng vào tim Cồng Kềnh. Chỉ một li nữa thôi. Một li thôi. Ruồi sẽ bấm cò.

Thình lình Cồng Kềnh ngã lăn quay. Đám con gái rú lên. Bắn rồi à. Chết rồi à. Ruồi tái mét mặt, vứt toẹt khẩu súng xuống bãi cát. Một đứa con gái vồ ngay lấy khẩu súng. Anh thì xông vào khóa chặt hai tay Ruồi. Bắn rồi à. Lại một người hét lên. Không, Ruồi gào lạc giọng, tôi chưa bắn, tôi chưa bắn.

Chưa bắn sao chết người. Cồng Kềnh nằm ngửa, lăn lộn, giãy giụa. Mặt cát vẽ những đường ngoằn ngoèo uốn lượn theo cơn giãy của Cồng Kềnh. Mắt trợn ngược, sùi bọt mép. Những cơn nấc và rền rĩ nho nhỏ.

Hướng dẫn viên team building đã nhanh trí kịp gọi cấp cứu. Xe cấp cứu chớp nháy rú còi đã hiện ra ở đầu hàng dừa. Xe không vào được trong bãi cát, phải khiêng nạn nhân ra thôi. Cồng Kềnh giãy đành đạch thêm vài cái nữa rồi nằm im. Chết rồi. Một người đoán. Ruồi đang bị anh khóa tay bỗng bủn rủn rồi ngồi phịch xuống. Anh buông tay Ruồi ra. Ruồi ôm đầu rên rỉ. Tôi không bắn. Tôi không bắn.

Xe cấp cứu chưa kịp dừng lại chỗ gần nhất. Cồng Kềnh bỗng ngồi bật dậy. Mắt đã bớt trợn ngược, chuyển sang lờ đờ như say thuốc. Nó vừa nhổ vừa đưa tay quệt đám bọt mép sùi ra nhoeo nhoét. Nó ngồi đờ đẫn một lúc. Rồi đứng dậy. Trên người nó không một vết đạn. Rồi nó bỏ đi về phía khách sạn.

Anh đứng lại cùng đám con gái ngẩn ngơ. Cùng một đám khách tắm hiếu kỳ mới xúm đến. Cùng hai nhân viên cấp cứu khiêng cáng vừa chạy đến. Đến lúc này mới nhớ ra Cồng Kềnh mắc bệnh động kinh. Động kinh. Ngày trước ở lớp nó từng kể rằng lần nó về quê, đang đi đò qua sông, nó cãi nhau với ông lái về tiền đò, nó định hành hung ông ta thì đúng lúc nó lên cơn, đang đứng nó giật nảy lên sùi bọt mép rồi rơi tòm xuống sông, ông lái đò phải buông chèo nhảy xuống vớt nó lên, ông lái đò thành ân nhân cứu mạng nó. Động kinh.

Cả lớp lúc này cũng mới nhớ có lần xa xưa nó vừa đấm được Ruồi một quả, thì lên cơn. Động kinh. Nó ngã quay lơ ra giữa sân trường. Giãy đành đạch, mắt trợn mép sùi. Kẻ đi uy hiếp bắt nạt bị trời đánh thánh vật nhãn tiền. Kẻ bành trướng bá quyền bị trời đất trừng phạt ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Thế rồi trời đất cũng trớ trêu thế nào, trời đất lại phù hộ, nó bây giờ vốn hàng chục triệu đô, nhiều lần làm sác lên ti vi dạy cách sống cách làm giàu. Chẳng ai nghe nói có lần nào nó đang hôn hoa hậu mà sùi bọt mép hay không. Chuyến đi họp lớp này là nó tài trợ. Hoàn toàn.

Về đến nhà rồi, anh mới hoàn hồn như mới trải qua một vụ án mạng. Ở Thái Lan kia, ông sáu lăm bắn chết ông sáu tám. Ở bãi biển này, tí nữa ông năm ba bắn chết ông năm lăm. Nhìn bình hoa trên mặt bàn anh lại thấp thoáng trong đầu bông hoa xanh biếc. Ơ, sao lại thế nhỉ, cuối cùng thì hoa khôi cũng không đến. Nhỡ chuyến bay, không về kịp. Bà ô sin phải ôm cái túi du lịch đựng sáu bộ áo dài của hoa khôi mà theo xe đi về. Nói cho chính xác thì bà ta cũng tận dụng sáu bộ ấy. Buổi chiều cuối, đám con gái múa hát tập thể tựa vào nhau rì rào như hàng dương mà hát. Biển chiều đầy sóng vỗ / Giấc mơ đã qua bao giờ / Ai cách xa phai mờ nỗi nhớ / Em vẫn như ngày xưa… Bà ô sin cũng hí hửng giở luôn sáu bộ áo dài ra, bà thay luôn sáu bộ để chụp chung với đám con gái chẳng có gì chỉ nhiều nhất là váy áo.

Ơ, sao lại thế nhỉ. Sao chủ không đi mà lại để cho ô sin đi thay mình. Nhỡ chuyến bay gì mà nhỡ cả hai ngày. Hôm đến nhà hoa khôi để tập trung lên đường, anh ngồi nhà dưới, bà ô sin đi lên tầng trên báo là anh đến, rồi nói gì đó mà đám con gái cười ầm lên. Trong suốt chuyến đi, đám con gái cứ thì thầm rồi lại đưa mắt nhìn anh, nhìn đám con trai. Nhìn tinh quái. Nhìn mưu mô.

Vẫn nhớ dáng ngồi của bà ô sin buổi sáng buổi chiều trên bãi biển. Ngồi trông cả đống quần áo dép guốc túi ví, mỉm cười đằm thắm bao dung. Nhớ cái dáng đi khi bà ở nhà, hai cái ống quần ny lông xếp nếp như lò xo, mỗi bước đi trông như nhún nhảy.

Anh thầm phục bà chị mình. Bảy chục tuổi mà vẫn say đắm họp lớp đủ các cấp, đủ đại học và sau đại học. Con này lớp một. Con này lớp sáu. Hôm ấy nhìn thì thấy vui. Giờ đây nghĩ lại thì thấy “con” nào cũng nhăn nheo cả. Phải can đảm lắm, dũng cảm lắm, anh hùng lắm, tuổi ấy mới hí hửng đi họp lớp để nhìn nhau, khen nhau.

Anh không bao giờ đi họp lớp nữa. Mình nhìn thấy các nàng sau ba mươi mấy năm trông rất kinh. Thì ngược lại, mình trong mắt các nàng cũng rất kinh.

Cái bà lò xo ấy, có khi bà ấy cũng có lúc đi họp lớp. Có khi ngày xưa bà ấy cũng từng ấp một bông hoa xanh biếc trước ngực. Giật thót. Hay bà ô sin ấy chính là hoa khôi. Ừ nhỉ. Có khi đám con gái đã lừa mình. Nghi lắm.

Bông hoa xanh biếc ngày xưa. 

-------

(Trong truyện có trích lời bài hát “Em vẫn như ngày xưa” của Trần Tiến)

Nhà văn Hồ Anh Thái

Tin khác

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15h trước
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/12/2024
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 29/11/2024
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 28/11/2024
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 27/11/2024
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 22/11/2024
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/11/2024
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 19/11/2024
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 19/11/2024
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/11/2024
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/11/2024
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 17/11/2024