Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Những mảnh hồn làng

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến - Thứ Năm, 08/02/2024 , 06:00 (GMT+7)

Mỗi làng quê Việt Nam có những dấu ấn riêng biệt về địa lý, tập tục vùng miền nhưng tôi tin cái gọi là hồn làng đều chung một tâm thế văn hóa gốc rễ cội nguồn.

Tranh chân dung nhà văn Phạm Ngọc Tiến của họa sỹ Tuấn Dũng.

Tranh chân dung nhà văn Phạm Ngọc Tiến của họa sỹ Tuấn Dũng.

Có thể nói, chuyện làng quê là câu chuyện muôn thuở không bao giờ xưa cũ. Bất kỳ ai cho dù đã tha phương xa tít tắp nơi cùng trời cuối đất vẫn đau đáu về một miền ký ức, nơi đã từng chôn nhau cắt rốn hay ít ra cũng là nơi cha ông từ đấy phôi thai, lớn lên trưởng thành và phiêu dạt tứ xứ hay còn ở lại làng.

Làng quê tôi vừa nhắc, nói cụ thể là quê gốc. Là nơi từng một thời trong mục khai đề gốc rễ gọi là nguyên quán. Vâng, đó là nguyên quán, là nơi mỗi đời người luôn đau đáu nghĩ về, trở lại. Thẳm sâu đó chính là gốc rễ văn hóa nguồn cội, là hồn làng ký thác trong mỗi một con người.

Quê nội tôi ở Xâm Dương, Ninh Sở, Thường Tín. Trước là tỉnh Hà Tây nay thuộc về Hà Nội. Một làng quê bình thường như bao làng quê khác. Số phận và thời thế khiến cho tôi không được hưởng tuổi thơ làng quê gốc rễ. Gia đình tôi tan tác và phiêu bạt sau những biến cố thời cuộc. Những năm thơ ấu có chiến tranh tôi theo về quê mẹ sơ tán. Bởi vậy những gì thuộc về nông thôn tôi bị ảnh hưởng đậm nét ở quê ngoại của mẹ, một vùng chiêm trũng Hà Nam. Chỉ đến khi trung niên, khi tuổi tác đã chớm bên này triền dốc tôi mới thúc bách trở về gốc cũ. Một sự trở về muộn mằn nhưng thật sự cần thiết. Đến mức sau này tôi phải tự hỏi nếu không có sự trở về ấy tôi hoàn toàn trở thành người không có nguồn cội, gốc rễ và đó thật sự là nỗi bất hạnh lớn nhất cuộc đời.

Ngày trở về ấy cũng là một sự khác biệt. Hôm đó cha tôi sau nhiều năm bị bạo bệnh đã trở về quê gốc trên chiếc xe tang. Ở làng tôi luôn có tục lệ những người gốc làng khi chết đều được trở về nằm ở bãi mả của làng. Gia đình tôi cũng vậy, cả mấy đời trước đó đều quần tụ trong một khoảnh của nghĩa địa. Đám tang cha tôi, ở làng vẫn còn một số người họ hàng xa gần ra đón tiễn.

Tôi cứ ám ảnh mãi về một bà bác đã già chít khăn trắng hờ khóc nhưng mắt xa xăm. Bác chỉ cho tôi chỗ này, chỗ kia nhà mình xưa rộng lắm, nhà to nhất làng bị tháo dỡ hết cùng đất nền bị trưng mua chia cho các hộ cốt cán, đấy cái quán rượu đằng đó, trước là ao nhà, khi mày nhỏ xíu, chạy nghịch bị rơi xuống suýt chết đuối may mà vớt kịp. Bà bác tuôn một thôi và sau cùng nói chắc khừ, về làng ở đi cháu, mày cứ đi biền biệt bỏ quên quê cha đất tổ, về đi cháu. Về đâu, sau cú trưng mua (còn may là không bị tịch thu) nhà tôi không còn một tấc đất cắm dùi. Bà mở hầu bao dúi vào tay tôi tờ biên nhận trưng mua luôn cất theo người, mày là nhà văn về đòi đất đi, đòi được đấy, nhà tao và nhà mày, các cụ ở chung trên đất đó. Tôi chỉ biết vâng dạ. Không dám nói với bác rằng đó là chuyện của một thời bác ạ, những gì đã qua chẳng thể thay đổi và hãy chấp nhận những chuyện đã rồi. Chí ít với cội gốc của mình ngoài những gì đã xảy ra, tôi còn đây khuông nghĩa địa với mồ mả ông cha và chắc chắn là cả phần hậu sự của mình. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ sau này trong bãi mả này mình cũng trở về theo cách cha tôi đã về, vậy là đời người mãn nguyện.

Nét xưa.

Nét xưa.

Xâm Dương, một ngôi làng không phải là lớn lắm (nay tách thành 3 thôn), ở hai bên đê sông Hồng, xưa từng là nơi trên bến dưới thuyền. Làng có ít ruộng và hầu như không theo nghề nông, chủ yếu sống bằng nghề buôn bán gỗ và đan lát mây tre thủ công mỹ nghệ. Thời ấy bãi sông chật kín các bè gỗ, tre nứa. Thấm thoắt thời gian trôi, rừng kiệt gỗ, bè về xuôi không còn, nghề gỗ và đan lát sống bằng bãi sông dần biến mất. Cuộc sống mưu sinh khiến dân làng chuyển những nghề khác. Một số rất ít vẫn trụ lại với nghề đan lát bằng cách nhập nguyên liệu từ những nguồn khác. Sơ lược về làng về nghề để tôi nói đến điều này, tuy nhỏ nhưng Xâm Dương có đủ đền, đình, chùa. Kỳ lạ đó lại là những nơi khá nổi tiếng. Đền Dầm và đình Xâm Dương đều là những di tích lịch sử được xếp hạng. Ngôi chùa nhỏ nép khiêm tốn sát làng nhưng đó là một ngôi chùa thanh tịnh đúng nghĩa. Chùa có vẻ như chỉ dành riêng cho dân làng, khác với đền và đình thu hút rất nhiều khách thập phương.

Trong cụm đền, đình, chùa của làng nổi bật nhất là đền Dầm. Đền Dầm nằm ngoài đê sông Hồng và thờ Mẫu Đệ Tam Thoải Cung, một trong Tam Tòa Thánh Mẫu theo tâm thức của người Việt. Tôi đã rất bất ngờ khi biết đền Dầm là một trong những điểm du lịch của tuyến đường thủy sông Hồng. Hàng năm có rất nhiều du khách đã ghé thăm ngôi đền, nhất là vào dịp lễ hội đầu tháng 2 âm lịch. Ngôi đền bề thế vòm cổng cao, chánh điện rộng theo kiến trúc cổ được ước tính có 800 năm tuổi. Hiện đền còn lưu giữ 7 sắc phong trong tổng số 28 sắc phong của các triều vua Trần, Lê, Nguyễn. Theo truyền thuyết công chúa Hoàng Long đầu thai đày xuống thủy cung làm con vua Thủy Tề vì làm vỡ chén ngọc được chàng Liễu Nghị giải oan. Để trả ơn, nàng đã hiện về báo mộng giúp Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng giặc ngoại xâm và được vua Trần Nhân Tông phong thần, có chiếu chỉ cho nhân dân đời đời thờ phụng. Truyền thuyết là thế và hiện tại ngôi đền thật sự là một địa điểm văn hóa tín ngưỡng bốn mùa tấp nập khách.

Cùng với đình làng và ngôi chùa phải công nhận đền Dầm là niềm tự hào của dân làng. Sau lần trở về quê gốc, tôi dần dà nhập vào với đời sống của một ngôi làng có bề dày văn hóa nguồn cội. Bên những người họ hàng và người làng, tôi cảm thấy thật đáng xấu hổ cho dù là vì hoàn cảnh riêng gia đình mà sao nhãng lâu đến thế cái gốc của mình. Đáng nói nhất là khi trở về nhà thờ họ Phạm tôi mới biết rằng dòng họ của mình cũng có một lịch sử lâu đời. Họ Phạm ở Xâm Dương có vài nhánh và có nhà thờ riêng nhưng ở cùng trong một ngôi làng hẳn tổ tiên họ phải có chung gốc rễ.

Đền Dầm.

Đền Dầm.

Lần đầu tiên thắp hương ở ngôi nhà thờ họ tôi mới biết từ ngày bé tôi đã được ông bà nội cho đến đây không ít lần. Sự giãn cách một thời gian dài có thể đổ tại cho hoàn cảnh lịch sử nhưng không khỏi khiến tôi mặc cảm. Hóa ra những người họ hàng xa gần đang ở làng đều biết tôi cả. Có một ông già vai vế trong họ bảo, cuối cùng các anh đều phải lần về gốc. Không trách móc thậm chí rất bao dung ông chấp nhận những kẻ tha phương như tôi trở về. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi những lời ông nói cho dù ông chỉ là một nông dân cả đời quẩn quanh trong làng. Ai cũng thế thôi anh nhà văn ạ, cho dù các anh có làm ông to bà nhớn đến đâu thì rút cục cũng không rời xa được nơi này bởi nó là gốc rễ máu mủ ruột rà là hồn cốt làng quê, anh có tin không có hồn làng đấy. Chao ôi, tận đến lúc đó dù đã viết được một số tác phẩm về đồng quê, tôi mới thấm ra cái nhẽ hồn làng ở nơi gốc rễ. Một người nông dân từng trải việc đời việc làng nói ra được những điều mà những người như tôi lại lãng quên không thể biết đến. Họ Phạm của tôi ở Xâm Dương chưa nói quá khứ chỉ thời hiện tại có tướng lĩnh, bí thư, chủ tịch tỉnh và một bộ trưởng. Những người đang làm việc chưa bàn, còn những ai đã nghỉ đều như lời ông già nông dân vai vế trong họ nói, tất cả đều bằng cách này hay cách khác trở về ngôi làng của cha ông.

Có lẽ cũng không ít những người như tôi ngắt đoạn với quê gốc của mình. Chiến tranh loạn lạc, phương kế mưu sinh và những hoàn cảnh thế thời đặc biệt đã tạo ra sự ngắt quãng ấy. Chỉ có điều sớm hay muộn những người rời xa quê gốc sẽ trở về dù chỉ một lần hoặc chỉ là trong ý nguyện với những hoàn cảnh bất khả kháng. Buồn cười có một chuyện thật như đùa. Họ Phạm ở Xâm Dương có hai nhà văn. Tôi và một vị tướng là Tổng biên tập một tờ báo. Cùng sinh hoạt ở Hội Nhà văn, cùng sống và sáng tác ở Hà Nội, biết nhau chơi với nhau, chia sẻ với nhau nhiều chuyện nhưng không hề biết mình cùng họ cùng làng cùng chung nhà thờ họ. Phải đến khi đọc kỷ yếu nhà văn trong mục thân thế sự nghiệp sáng tác, cả hai mới ồ ra ơ thế anh em mình cùng họ à mà họ chắc cũng chẳng xa lắm chỉ là cành trên, chi dưới. Một lần về tiết thanh minh, chúng tôi còn phát hiện ra mộ ông nội của vị tướng nằm gần sát cạnh mộ ông nội tôi. Tôi nửa đùa nửa thật bảo, tệ thật anh với chú đều là những thằng thiếu tình yêu quê hương nên mới vô tình đến thế. Càng về già tôi càng năng về lo việc làng việc họ trong khả năng có thể. Tôi biết chắc chừng nào hết bận bịu công tác vị tướng kia hẳn cũng như tôi cũng sẽ lại như vậy. Và nữa, nói điều này hơi xa, có thể mai này khi rời cõi tạm, chúng tôi lại chả gần bên nhau ở nghĩa địa làng. Tại sao lại không nhỉ.

Những mảnh hồn làng. Đình Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Triệu Chiến.

Những mảnh hồn làng. Đình Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Triệu Chiến.

Mỗi làng quê Việt Nam có những dấu ấn riêng biệt về địa lý, tập tục vùng miền nhưng tôi tin cái gọi là hồn làng đều chung một tâm thế văn hóa gốc rễ cội nguồn. Con người ở đâu cũng vậy đều có đức tin và ý thức gìn giữ những gì cha ông để lại ở nơi quê gốc. Từ ngày tôi trở về nguyên quán và đắm dần vào cốt cách làng quê của mình, đi đến đâu tôi luôn quan sát và đúc kết những gì tôi thấy ở mỗi nơi tôi đến. Năm 2016 trong chuyến đạp xe xuyên Việt tôi dừng chân ở Kỳ Anh nơi đang xảy ra những ồn ào về một dự án lớn.

Một đêm tôi vào nghỉ ở một nhà dân trong một ngôi làng mới được xây dựng sau khi phải di dời toàn bộ làng cũ để nhường đất cho dự án. Đó là một làng công giáo toàn tòng theo nghề biển. Ngôi làng mới được làm tốt hạ tầng từ đường sá đến điện nước, trường mẫu giáo, nhà văn hóa… Cả nghĩa trang cũng được quy tập chu đáo. Mỗi hộ dân được cấp đất và tiền đền bù để xây nhà. Chủ nhà cho tôi nghỉ là một thanh niên trẻ không đi biển mà làm nghề buôn bán hải sản. Thôi không nói chuyện biển độc biển chết ở đây vì nó không ăn nhập. Làng định cư vẫn là một làng chài vì biển sát cạnh bên chỉ cách quốc lộ. Chính quyền còn đầu tư cả cảng cá cho ngôi làng. Nhưng đêm ấy anh thanh niên miền biển bảo tôi, nhà thờ vẫn gần đó mọi sinh hoạt chẳng khác gì nhưng chú biết không từ ngày chuyển về đây cháu rất khó ngủ không như trước đặt lưng là ngáy. Tại sao? Cháu cũng không biết nữa, ngôi nhà mới này đẹp hơn ngôi nhà cũ của cháu nhưng cháu không thể quen nhất là khi ra đường nhìn hai dãy nhà to rộng nhưng tăm tắp giống nhau cháu không thấy yên ổn như trước. Tôi cười động viên chàng thanh niên chỉ là vấn đề thời gian thôi, rồi sẽ quen. Anh thanh niên lắc đầu, khó lắm chú ạ, ở đây cứ xa cách thế nào ấy, nghĩa trang gần nhưng ông bà tổ tiên của cháu hình như không biết đường về đây. Tôi im lặng không thể nói ra cái ý nghĩ vừa ập đến trong tôi. Anh thanh niên kia đã cảm nhận được cái sự thiếu vắng của hồn làng được hun đúc, kết tụ từ nhiều đời trước mà ngôi làng mới chưa có. Có lẽ là như vậy chăng.

Dạo viết kịch bản phim “Sinh tử” tôi đang rất bế tắc câu chuyện của một đại án tham nhũng thì trong một lần đi thực tế ở Nghệ An được nghe trao đổi của các kiểm sát viên Viện Kiểm sát tỉnh về một vụ án xảy ra ở một xã khi xây dựng nông thôn mới. Chính quyền xã đang được cấp trên đầu tư xây dựng xã nông thôn mới, vì để có tiền theo tiêu chuẩn địa phương đóng góp đã có sáng kiến thu gom một số lô đất ven đường trong quỹ đất của xã, quy hoạch lại để bán. Xây dựng nông thôn mới đương nhiên gắn với bản sắc giá trị làng quê nên người dân ủng hộ và cả vì lẽ dù việc mua bán đó không được phép nhưng có lợi cho dân. Việc sẽ không có chuyện gì nếu cán bộ xã liêm chính không xà xẻo tiền bán đất bằng những hình thức rất tinh vi trong khâu mua bán. Không ai có thể biết chuyện xà xẻo mà chỉ là tự thân những người trong cuộc làm lộ ra một cách không thể hiểu nổi. Người không biết thì thần đất biết, tôi nghe được câu nói đó và gần như òa vỡ sự bế tắc. Thần đất phải chăng là hồn làng. Chính hồn làng đã vạch mặt những kẻ tham nhũng chỉ đường cho pháp luật vào cuộc. Có đôi chút tâm linh nhưng tôi có được một thực tế ngồn ngộn để vạc vỡ vun đắp từ nhỏ đến lớn thành một vụ đại án về đất đai trong kịch bản.

Hôm rồi em trai tôi, một người theo đuổi binh nghiệp gần như cả đời mới nghỉ hưu đột nhiên bảo tôi, em nghĩ kỹ rồi anh ạ, sau này em về bên cạnh bố mẹ nằm. Tôi đã rất ngạc nhiên vì em trai tôi được thừa hưởng đất đai nhà cửa bề thế ở quê mẹ Hà Nam đã xác định cố định ở đấy kể cả khi rời thế giới này. Tôi hỏi tại sao lại thay đổi thế. Em tôi nói đùa anh không có con trai lúc anh mất con gái sao có thể chu đáo được, chúng nó còn lo bên nhà chồng, chết cũng theo về đấy, con em sẽ lo phần mộ của anh của em, của bố mẹ ông bà. Chỉ là đùa nhưng tôi biết phải có gì đó thay đổi rất mạnh nên em tôi mới có quyết định như thế. Không cần đợi lâu, em tôi đã nói ra lý do. Về đây có ông bà bố mẹ có anh em gần gũi cho ấm áp, xa quê cả đời người rồi, về anh ạ. Tôi quay mặt giấu đi giọt nước mắt đang tứa ra, rớt xuống.

Viết đến đây tôi chạnh nghĩ, hồn làng ở cái làng biển định cư có lẽ cũng như hồn làng ở làng quê xã xây dựng nông thôn mới kia và cả làng Xâm Dương của tôi nữa, không, hơn thế, tất cả mọi làng quê Việt Nam đều giống nhau là một. Những mảnh đời, những thân phận, những thế hệ kế tục nhau chính là những mảnh hồn làng ghép lại. Để làm nên một tầng thẳm văn hóa gốc rễ nguồn cội. Vâng, những mảnh hồn làng… 

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ6

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?10

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.