Mạch nha Thi Phổ
Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.
Đời người, lẽ dĩ nhiên phải cần có những người thầy dạy dỗ cho dù đấy là bất cứ ai, kể cả những thiên tài xuất chúng bẩm sinh. Đúc kết “không thầy đố mày làm nên” là một thành ngữ dân gian hết sức giản dị nhưng chính xác tuyệt đối, nhất là ở thời đại hôm nay. Chẳng có kẻ mù chữ nào lại có thể thành công trong đại nghiệp. Nhưng chữ nghĩa học trong trường ốc còn những gì ở cuộc sống thì sao?
Vâng, mỗi một cuộc đời không thể thiếu những người thầy không hề đứng trên bục giảng một ngày dạy dỗ. Họ cho ta nhiều thứ từ kiến thức đến kinh nghiệm và quan trọng nhất là những phẩm hạnh làm người. Những người thầy đó đến từ cuộc sống và đó cũng chính là cuộc sống.
Năm 1964 tôi lên tám tuổi buộc phải về quê sơ tán vì chiến tranh phá hoại xảy ra. Quê ngoại tôi, một làng quê ở Hà Nam, vùng đồng chiêm trũng mùa mưa nước mênh mang bể sở ngập trắng đồng. Đây có lẽ là một làng quê nghèo đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ ngoài lúa nước ra không thể canh tác bất cứ hoa màu gì khác. Nghèo đến mức dù có đủ đình, chùa nhưng làng Quỳnh của tôi không có nổi một ngôi chợ làng. Không có chợ nghĩa là chẳng có sự thông thương nào của hàng hóa, đó là một chỉ số của cái sự nghèo.
Nghèo dĩ nhiên kéo theo nhiều thứ nhưng chưa hẳn là tệ hại toàn bộ, rõ nhất là chính từ sự nghèo đã thành nền tảng nên những nếp cũ được giữ y chang. Đền chùa miếu mạo kể cả qua đợt hòa bình 1954 trong khi thiên hạ bị phá dỡ thì làng Quỳnh giữ được nguyên vẹn bởi làng nghèo nên đình chùa cũng nhỏ bé đơn sơ.
Nếp xưa hầu như không bị mai một trong cách ứng xử làng xóm, họ hàng. Người dân hiền lành thân thiện luôn giúp đỡ nhau. Thứ tình đồng bào đậm bản sắc văn hóa đó dĩ nhiên gieo vào tâm hồn thằng bé thành phố mới chập chững lớn là tôi bao nhiêu điều bổ ích và kỳ thú. Mỗi khi làng có việc thì đấy thật sự là những ngày hội. Tôi giữ mãi được ấn tượng tốt đẹp về quyền lợi khi chứng kiến chia thịt ngày tết. Từ con lợn mổ được định ra bao nhiêu suất thì ngần ấy bộ phận của con lợn được chia đều đến từng mẩu ruột. Sau này lớn lên thì tôi hiểu đó là lẽ công bằng được tạo dựng từ xửa xưa.
Ở làng tôi được tiếp xúc với những người thầy cuộc sống đầu tiên và thật vô cùng biết ơn những người thầy đó trang bị cho tôi rất nhiều hành trang cuộc đời trong đó có cả những kiến thức văn học ban đầu để tôi đi được trên con đường trở thành nhà văn sau này.
Bang là tên người đàn ông bị bệnh bại liệt. Tôi gọi bằng chú vì chú có họ hàng bên mẹ tôi. Chú Bang bị liệt từ nhỏ, khi tôi gặp chú cũng không rõ chú bao nhiêu tuổi và một thằng bé choai choai như tôi bấy giờ chẳng bao giờ có ý niệm tìm hiểu về những điều ấy. Trong ngôi nhà ngói 3 gian, chú Bang luôn ngồi trên chiếc võng gai đay được mắc ở gian giữa chếch về phía buồng. Lần nào vào nhà tôi cũng thấy chú ngồi ở võng với đôi mắt rất sáng. Cạnh đấy là một rổ đầy tro để chú bài tiết.
Bị liệt từ nhỏ, chú không đi học và dĩ nhiên chưa một lần chú được ra khỏi làng. Có lẽ đến ra khỏi nhà cũng không. Nhưng thật kỳ lạ chú có một trí nhớ thiên thần, suốt cuộc đời tôi chưa thấy ai có trí nhớ như chú. Không ra ngoài nhưng chú kể rành rẽ mọi chuyện trong làng ngoài xóm nhất là những chuyện xưa. Chuyện vui, chuyện buồn cả những thâm cung bí sử của từng nhà. Và điều này mới là nhất thống, chú kể chuyện “Tam quốc diễn nghĩa” từ đầu đến cuối hấp dẫn làm mê say lũ trẻ nhất là tôi. Cứ hết giờ học là tôi chầu hẫu bên cạnh võng chú để nghe kể chuyện.
Chưa hết, không biết bằng cách nào đó chú có hẳn bộ truyện Tam quốc. Tôi cũng không rõ chú học chữ bao giờ mà chuyện chú kể đúng như trong truyện viết. Với bộ sách, chú cho bọn trẻ con chúng tôi thuê để đọc. Bọn trẻ làng chuyền tay nhau đọc miên mải và tôi ngờ rằng có không ít đứa trẻ ngày ấy được nghe kể, được đọc truyện đã tự trang bị cho mình những kiến thức đầu đời vô cùng quý giá.
Những năm sơ tán ở quê tôi luôn quanh quẩn bên chú Bang nghe chuyện của chú kể, đọc những cuốn sách chú có. Ngoài “Tam quốc diễn nghĩa” chú còn có “Tây du ký”, “Thủy hử”… Ít thôi nhưng chừng đó cũng đủ là vốn liếng tôi tích cóp được. Chú Bang khen tôi có năng khiếu văn học sẽ làm được ông này bà nọ. Điều này thì chú sai bét ở vế sau nhưng thực sự chú là một thầy giáo làng vĩ đại với văn nghiệp của tôi sau này bằng những gì chú có. Ít về làng nên tôi chỉ nghe nói chú mất sau ngày đất nước thống nhất năm 1975.
Tôi có 5 năm quý giá sơ tán ở quê cho đến năm 1969 thì trở lại Hà Nội đi học khi chiến tranh phá hoại tạm dừng. Mỗi làng quê Việt Nam là một xã hội thu nhỏ. Ở đó có đủ hết mọi thứ, mọi thành phần. Người liệt như chú Bang lại là thông thái ở làng. Trong làng có người điên, có thầy cúng, thầy bói, có sư sãi, thủ từ và đương nhiên có hệ thống chức sắc cùng dân làng với muôn màu muôn vẻ. Tôi học được nhiều bài học từ nông thôn chính ở những năm tháng này và điều đó lý giải cả ở văn học hay kịch bản truyền hình tôi luôn sáng tác bằng tâm thế người trong cuộc dù chỉ có 5 năm sơ tán ở làng Quỳnh.
Cũng ở làng Quỳnh, có một người thầy nhỏ tuổi nhưng cho tôi sự mạnh mẽ đương đầu với khó khăn trở ngại đường đời. Anh này tên là Thành. Chắc cũng bằng trang tôi hoặc hơn chút xíu. Không hiểu anh học được ở đâu mấy ngón võ nên đi đứng nói năng khác người có chút khệnh khạng. Đối với bọn trẻ Hà Nội sơ tán có dăm đứa anh tỏ ra không mấy ưa và luôn phân biệt đối xử. Tợn hơn anh còn ăn hiếp mấy đứa non gan khiến bọn này rúm ró trước Thành.
Tôi thì khác, từ rất bé tính tôi đã cương cường không để kẻ mạnh lấn át. Thế nên tôi là mồi ngon của Thành. Thành không kiêng dè, gặp tôi đâu là bắt nạt đấy, thậm chí đấm đá. Cay mũi lắm nhưng tôi không sợ, quyết chí trả đũa. Đỉnh điểm một hôm tôi rủ em trai đón đường đêm khi Thành vừa tập võ ở đình làng về. Từ tối tôi đã dày công sắp xếp cho cuộc phục kích trả thù này. Vốn nghịch ngợm và cũng có phần thông minh kiểu láu cá, tôi biết tỏng anh em tôi dù có yếu tố bất ngờ cũng không lại được với sức vóc Thành nên tôi chuẩn bị tro bếp cùng hai khúc gậy tre dài. Thành áo khoác vai vừa đi vừa ư ử hát đến đúng bụi cúc tần gần nhà thì bị tôi ném vụt cả gói tro vào mặt. Tất nhiên là ngần ấy tro thì chỉ có nước là dúi dụi là mù dở. Cứ thế hai anh em tôi phang gậy tre cật lực. Thành loay hoay đỡ đòn, miệng gầm gào tức giận nhưng biết đằng mù nào ai làm chuyện động trời này.
Hôm sau gặp Thành ở đường làng có lẽ mặt tôi hiện điều gì đó khiến anh này giật mình túm lấy tôi. Mày phải không, thằng Hà Nội? Tất nhiên là tôi đủ trí khôn để thoái thác trách nhiệm. Dày công tìm hiểu điều tra nhưng Thành bất lực chịu chết không thể tìm ra thủ phạm. Đến một hôm chợt Thành vẫy tôi lại bảo:
- Tao nghĩ mãi rồi, ở làng Quỳnh này chỉ có mày mới đủ gan và mưu mẹo làm chuyện đó với tao. Im đừng cãi, tao cho qua chuyện này vì phục mày can đảm. Nếu mày muốn học võ thì tao cho làm học trò.
Tôi sướng mê tơi theo Thành ngay tắp lự, tất nhiên là phải nhận vụ ném tro. Gần Thành tôi mới biết nguyên nhân anh ghét bọn Hà Nội vì học giỏi hơn lại hay gọi trẻ con làng là nhà quê nên trả thù cho bõ. Lúc ấy tôi đã 11 tuổi và phổng phao như một gã trống choai háu đá. Nghiệp võ tôi chả học được mấy nả bởi môn đó tôi không thích vì hay dính đòn đau tê tái khi tập luyện. Nhưng theo Thành tôi học được vô khối thứ mà một đứa trẻ thành phố không bao giờ có thể làm nổi, tỷ như việc bắt cua cá ngoài đồng và cả trộm cắp cá ở ao hồ hợp tác xã. Việc học theo Thành cũng có hai mặt, nhận về cả cái dở đó là tôi không ít lần tham dự cuộc chiến với trẻ làng bên. Những trận đánh nhau nhừ tử kiểu trẻ con. Thành cho tôi sự can đảm, điều cần có để trưởng thành trên đường đời. Mới đây nhất tôi hỏi một người em họ về Thành. Anh vẫn còn sống nhưng bị tâm thần nặng. Âu cũng là số phận.
Còn rất nhiều điều tôi học được trong những năm tháng tuổi thơ đi sơ tán về quê. Nơi đó những người thầy là người dân quê chất phác đã cho tôi những bài học đầu đời vô cùng quý giá về mọi phương diện. Còn một môi trường nữa cũng đào luyện cho tôi những kỹ năng sống để có thể trở thành một con người như mong muốn. Đó là môi trường quân ngũ.
Đầu năm 1974 từ miền Bắc, đơn vị cao xạ của tôi hành quân vào Nam theo đường mòn Trường Sơn. Sau hai tháng hành quân chúng tôi vào đến chiến trường Đông Nam bộ. Tôi được biên chế làm pháo thủ số 2 ở một đại đội pháo cao xạ 57 ly. Lính tráng đơn vị đa phần là người Hà Nội cùng nhập ngũ năm 1972. Trung đội trưởng của tôi tên là Văn, tôi không nhớ họ của anh vì chỉ ở gần nhau quá ít thời gian. Văn là sinh viên một trường đại học nếu tôi nhớ không nhầm là Tổng hợp Văn. Anh nhập ngũ mấy năm trước, là người Nghệ An. Trong ba lô của Văn mang theo vào chiến trường có mấy cuốn sách.
Bấy giờ tôi đã bắt đầu sáng tác thơ và kịch nói một cách bản năng. Là sinh viên, tất nhiên sự hiểu biết của anh hơn hẳn tôi vốn còn đang là học sinh trung học. Biết tôi có năng khiếu về văn học, Văn không giảng giải nhiều về lý thuyết mà chỉ ép tôi đọc mấy cuốn sách anh mang theo, trong đó có bộ sách triết học Mác - Lênin về chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử là giáo trình cho hệ đại học. Anh cũng hệ thống cho tôi hiểu về các dòng văn học trong nước và nước ngoài từ cổ điển đến đương đại. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi học được vô khối kiến thức văn học từ người trung đội trưởng của mình.
Lúc đó tôi mang từ Hà Nội cuốn “Phía tây không có gì lạ” của nhà văn Erich Maria Remarque. Hai anh em đọc và thảo luận nhiều chiều về cuốn truyện. Văn có vẻ ngạc nhiên về quan điểm phản chiến ở cuốn sách của một chàng lính rất trẻ là tôi. Có lẽ anh cũng không ngờ tôi sau này trở thành một nhà văn có tư tưởng tương đối cấp tiến khi nhìn nhận về chiến tranh, về cuộc đời. Tiếc rằng khi chiến sự ác liệt, đơn vị vào chiến dịch Phước Long thì Văn chuyển về cơ quan trung đoàn bộ. Chúng tôi thất lạc từ đó và tôi cho đến tận bây giờ vẫn chưa hề có thông tin nào về anh dù đã gắng công tìm hiểu. Thâm tâm tôi coi những gì anh mang đến cho tôi dạo ở chiến trường là thứ hành trang quý giá để hành trình của tôi trên con đường văn học có những sự khởi đầu thuận lợi. Anh chính là một người thầy không đứng trên bục giảng của tôi.
Trong tất cả các nghề tôi cho rằng nghề văn là một nghề khó nhọc hơn cả, từ sự khởi đầu đến khi kết thúc. Những nghề khác được đào tạo thế nào cứ thế mà làm mà phát huy, riêng văn chương thì khó ngay từ sự đào tạo. Chẳng có trường lớp nào dạy thành nhà văn được. Đã thế suốt hành trình làm nghề, nhà văn luôn phải đào luyện, học hỏi không ngừng để làm mới mình. Có thế mới cho ra được tác phẩm.
Dạo khởi đầu nghiệp văn tôi làm thơ, sau bỏ thơ chuyển sang viết văn xuôi. Bắt đầu là những truyện ngăn ngắn. Lúc đó những năm thập kỷ tám mươi việc in ấn còn khó. Sách thì tác giả phải xếp hàng ở nhà xuất bản cho dù đã thành danh. Báo chí đăng tải các sáng tác cũng không phải là dễ. Viết phải có bản sắc có dấu ấn mới được báo chí chấp nhận cho đăng tải. Bấy giờ tôi còn công tác bên ngành điện. Việc viết là tay trái. Đam mê văn chương của tôi lớn hơn tất cả nên tôi dành nhiều thời gian cho sáng tác. Và may mắn cho tôi có được một bà đỡ mát tay. Anh là nhà báo Nguyễn Văn Anh, khi tôi gặp, anh đang là Thư ký tòa soạn báo Văn hóa.
Nguyễn Văn Anh xuất thân dân Tổng hợp Văn nên anh am hiểu văn chương một cách thấu đáo. Khi tôi gửi truyện đến tòa soạn, anh đọc kỹ và mời tôi đến trao đổi. Những nhận xét góp ý của anh chính xác khiến tôi tâm phục khẩu phục. Có điều này anh không bao giờ từ chối in bất cứ thứ gì tôi viết. Một lần anh bảo tôi, Tiến viết được lắm, cố gắng lên, em sẽ thành nhà văn, nhất định thế.
Khỏi nói tôi sung sướng và hạnh phúc biết chừng nào. Cho đến một hôm tôi mang đến một truyện ngắn mới, anh đã từ chối dù chưa đọc bản thảo. Anh bảo tờ Văn hóa này có trang văn nghệ nhưng không phải tờ chuyên văn học, em in ở đây thế đủ rồi, giờ nghe anh gửi đến những tờ văn chương như Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, tin anh đi em sẽ thành công. Tôi nghe lời anh và truyện ngắn đầu tiên tôi gửi cho Văn nghệ quân đội đã đoạt giải nhì trong cuộc thi năm 1989 - 1990.
Nguyễn Văn Anh mất năm 2003 vì một căn bệnh hiểm nghèo khi anh đang đương nhiệm Tổng Biên tập báo Văn hóa. Biết ơn anh, một người thầy một người anh đã dạy dỗ chỉ bảo tôi từ những chập chững ban đầu, hướng tôi đến sự thành công đầu tiên. Chính giải thưởng này đã thay đổi tôi để đi vào con đường viết văn chuyên nghiệp.
Còn có rất nhiều người nữa đã giúp tôi trong cuộc sống và sự nghiệp. Họ thật sự là những người thầy dù không đứng trên bục giảng nhưng từ chính họ tôi đã nhận được những bài học quý giá về văn chương về cuộc đời về cách sống làm người. Viết đôi điều về họ lúc này, với tôi sự ghi nhận là chưa đủ bởi những gì họ mang đến chính là những điều tốt đẹp nhất mà cuộc sống này có được.
Vâng, cuộc sống đó cũng chính là người thầy của tất cả chúng ta - người thầy vĩ đại không đứng trên bục giảng. Biết ơn lắm lắm.
Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.
Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.
Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.
Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.
Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.
Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.
Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.
Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.
Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.