Có nhiều định nghĩa về trí thức: “Trí thức là người có kiến thức sâu xa về một hay nhiều lĩnh vực, hơn sự hiểu biết của mặt bằng chung của xã hội từng thời kỳ”. “Trí thức là người mà trong ngành của mình, tạo ra và truyền bá những ý tưởng mới.” Nhưng đại lược thế hình như vẫn chưa đủ? Trí thức (知 識) ở phương Đông xưa dùng như một động từ chỉ có nghĩa là hiểu biết; khi muốn dùng khái niệm này như một danh từ người ta nói là “kẻ sĩ”, còn “sĩ phu” tương đương với “intellectuality elite” trong tiếng Anh, nghĩa là trí thức ưu tú hay tinh hoa của trí thức.
Nhưng nội hàm của “trí thức” thuần túy là danh từ ở phương Tây cũng mới hình thành. Nó xuất hiện sau những bài báo của nhà văn Émile Zola bênh vực viên sĩ quan gốc Do Thái là Alfred Dreyfus thoát khỏi tội (vu khống) làm gián điệp cho Phổ; ông cũng đứng đầu bản kháng nghị của nhiều danh sĩ, rằng để chống chủ nghĩa bài Do Thái và bảo vệ danh dự của mình, nước Pháp phải tuyên Alfred Dreyfus vô tội. Kháng nghị thành công vào năm 1906 (khi Zola đã chết được 3 năm) và được Thủ tướng Pháp, tiến sỹ Clemenceau gọi đó là Tuyên ngôn của Trí thức. Từ đấy, trí thức được ghi chép trong từ điển Larousse và có thêm nội hàm phản biện.
Nhắc càng nhiều định nghĩa càng thấy, trí thức dường như rất ít bao hàm bằng cấp học vị. Những Khổng tử, Lão tử thì hầu như không có ai là thầy, lấy đâu ra bằng cấp? Đại diện các bên đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam là một ví dụ điển hình cho trí thức không bằng cấp đấu thắng trí thức bằng cấp đầy mình: Cố vấn Lê Đức Thọ và TS Henry Kissinger, Giáo sư Đại học Harvard. Tôi đọc Sổ vàng HTX Khánh Phú ở Ninh Bình, có mấy dòng viết tay ký tên Lê Đức Thọ, trong đó cụ viết “sây dựng” - là đặc trưng chính tả của người ít luyện viết chữ. Nhưng Kissinger nhận xét cụ là người “kiên định, thông minh, mấy lần mắng tôi”. Trong một lần chụp ảnh với phái đoàn Việt Nam sang hội thảo về chiến tranh Mỹ - Việt, khi đã 88 tuổi, Kissinger còn nói “ông Lê Đức Thọ làm tôi già đi như thế này”. Rồi kể, trong phiên họp hai bên đã ấn định thời gian chỉ có 45 phút, ông Thọ nói đến 40 phút. Tôi hỏi, bây giờ ra khỏi phòng, các nhà báo đang chờ kia để hỏi, ví như họ hỏi hai bên đã thỏa thuận được những gì, thì tôi biết trả lời thế nào? Ông Thọ nói, cứ bảo với họ rằng ông vừa nghe tôi giảng về lịch sử Việt Nam chiến thắng các loại giặc ngoại xâm là được!
Vâng, người ta có nhiều cách thu nạp tri thức để trở thành trí thức. Dễ nhất là học trong nhà trường và vào thời niên thiếu; đặc biệt nhất là nhờ tố chất não thông minh, học một biết mười, thường gọi là trời phú – tự mình nghĩ ra mà học, Phật giáo gọi là độc giác trí. Cụ Võ Nguyên Giáp học nhiều hơn cụ Lê Đức Thọ, nhưng chủ yếu cũng chỉ học môn sử chứ không qua bất kỳ khóa trường quân sự nào. Nhưng tài thao lược, tư duy chiến lược, tổ chức thế cuộc và đặc biệt là trí lự - được hiểu như là biết đến thấu đáo cạn nhẽ về một sự vật của cả hai thì đều thuộc danh nhân lịch sử không phải ở đâu và thời nào muốn có mà có ngay được. Nói chung, ở tất cả các trí thức lớn, sách vở nhà trường chỉ là cái vạch xuất phát trong cuộc chạy marathon cả đời học hỏi và tự học; khi tất cả đã rớt lại phía sau, trí thức chân chính sẽ chạy đua với chính mình, vượt mình để chiếm lĩnh cái mới nhất, tốt nhất trong ngành hoạt động mà ông ta thuộc về.
Vì quá chuyên tâm vào tìm học, trí thức luôn luôn hở sườn, nhiều khuyết điểm về mặt tác phong, nề nếp sinh hoạt và tập quán xu nịnh nói chung ở cơ quan. Thậm chí là nói năng trung ngôn nghịch nhĩ, chết người như bỡn. Trong lịch sử quan liêu, tha hóa quyền lực không thể kể xiết các sĩ phu bị chém đầu vì tội can gián. Nhưng lại có hai ví dụ nhờ can khéo mà giữ được thân. Chúng ta biết cụ Chu Văn An thấy hôn quân Trần Dụ Tông thích nghe nịnh, làm nhiều việc ác đã viết trong thất trảm sớ những tội lừa dối vua của các gian thần, nhờ vậy mà được từ quan về dạy học. Ấy cũng nhờ đã thấu đáo cạn nhẽ vậy! TS Tô Văn Trường gửi cho tôi qua zalo câu chuyện về Sở Trang Vương, như sau: Khi Sở Trang Vương lên ngôi, nước Sở tao loạn bởi đám quan lại tha hóa đến cùng cực. Biết mình không có phe cánh, nên Sở Trang Vương giả vờ say rượu, suốt ngày nghe cung nữ múa hát. Vì quá sốt ruột, Ngũ Cử khảng khái tâu rằng: “Tôi thấy hơn 2 năm qua, trên núi Sở có một con chim suốt ngày say rượu và xem cung nữ múa hát. Không biết chim ấy là loài gì”. Sở Trang Vương bèn nhổm dậy, đĩnh đạc tuyên: “Đó không phải là con chim thường. Loại chim này, không bay thì thôi, đã bay là lên tận trời; không hót thì thôi, đã hót là làm mọi người kinh sợ. Ngươi lui ra, ta đã hiểu rồi”. Đoạn, tuyên xử trảm ngay lập tức 8 vị “tinh hoa dân tộc” đang giữ các chức thượng thư, rồi gọi 8 vị nhân sĩ từng tu thân trong rừng sâu ra thay thế và phong Ngũ Cử, Tô Tòng làm tả hữu tướng quốc. Nước Sở nhanh chóng trở nên hùng mạnh và tranh bá thiên hạ.
Ngược lại, cũng không thể không xếp những anh chị có bằng cử nhân, kỹ sư vào tầng lớp trí thức. Cho nên vẫn còn đó các khoảng trống giữa các trí thức. Để nhắc nhở khoảng trống ấy, ông bà xưa đặt vè: Dại gì mà lấy học trò/ Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm. Thực trạng đông đảo các trí thức bằng cấp đầy mình mà ngành ngành đều thiếu chuyên gia là phổ biến. Như trong văn chương, những tiếng nói quyền uy về chuyên môn như Tô Hoài, Chế Lan Viên là hiện thời không có; cỡ đạo diễn như Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang cũng không. Đây là vấn nạn đã tồn lại từ lâu, nhưng năm mới có lẽ cũng chưa vội đụng đến?
Người Việt Nam mình đánh giá rất cao trí thức, xếp họ đứng đầu tứ dân: sĩ, nông, công, thương. Vào thế kỷ XVIII, Bảng nhãn Lê Quý Đôn đã nói: “Phi trí bất hưng, phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt”. Còn sang đầu thế kỷ XX, cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm trong bữa yến vua Thành Thái đãi tân khoa hỏi về kế sách làm cho nước mạnh, cụ đáp bằng bài tứ tôn châm: “Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy”. Như thế, việc nhà nước sử dụng nhân tài – trí thức là điều hiển nhiên đúng và cần thiết, không còn phải bàn cãi.
Điều cần bàn bạc là dùng nhân tài như cưỡi ngựa bất kham, thủ trưởng không bản lĩnh và kỹ năng kém thì rất dễ ngã ngựa. Vì nhân tài thì hay bàn việc tốt nên làm cho dân, làm việc tốt thì lợi cho dân mà hại (lao tâm, nhọc thân) cho quan. Đã thế còn hay can quan không nên thân gần đám xu nịnh, không gần kẻ xu nịnh thì quan chả được lợi lộc gì. Nhân tài lại thường nhận ra rất nhanh và chính xác các mưu đồ lợi quyền riêng nhân danh ích nước lợi dân và thế là lên tiếng phản đối. Đó là ba điều căn bản khiến những vị quan kém không muốn dùng nhân tài.
Ngược lại, những trí thức dài lưng tốn vải thường rất đông. Họ ngồi trong cuộc họp, phần lớn biết ngay ai đúng ai sai. Nhưng họ im lặng, im lặng là vàng. Khi buộc phải phát biểu hay biểu quyết, họ luôn ủng hộ kẻ xu nịnh nói dựa theo ý quan. Bàng quan, a dua, xu nịnh quan là thói tật đã sâu rễ bền gốc trong giới trí thức. Vì họ đông đảo, khôn ngoan, tài ăn nói nên đây là thế lực mạnh nhất tạo nên tình trạng trì trệ cho xã hội; đồng thời, họ tự phá vỡ hệ giá trị cao quý của trí thức. Lịch sử từng biết Tần Thủy Hoàng đã tạo nên nhà nước lớn mạnh nhất thế giới vào thời của ông ta, lấy ruộng của vua chúa quan lại chia cho dân, đặt danh địa làm căn cứ để chuyển đổi tích tụ với tham vọng một nền kinh tế điền trang tương đương với thể chế kinh tế dân chủ đại nghị - đại điền trang của Hy Lạp thế kỷ V trước Công nguyên, đắp Vạn Lý Trường Thành, khai mương máng thủy lợi khắp nước. Vậy rồi do độc đoán chuyên quyền, tin bọn xu nịnh Triệu Cao chỉ hươu bảo ngựa, mọi người đều biết ai bảo hươu sẽ bị chém, cho nên cả triều đình đua nhau gọi hươu là ngựa. Thời Vãn Đường, nhà thơ Đỗ Mục (803 – 852) viết: Tộc Tần giả, Tần dã, phi thiên hạ dã (Kẻ diệt nhà Tần, chính là Tần, không phải thiên hạ).
Khoa xã hội học chỉ ra rằng, tha hóa quyền lực, tha hóa trí thức là bệnh chung thời nào cũng có, nước nào cũng có; khác nhau chỉ ở mức độ nặng nhẹ, mới nhiễm hay kinh niên mãn tính mà thôi. Vào năm 1966, McNamara đã trình Tổng thống Mỹ dự án thiết lập hàng rào điện tử chống quân đội miền Bắc xâm nhập vào Nam, gọi tắt là Mcnamara Line, nối từ Cửa Việt đến Mường Phin, Lào. Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã bác bỏ rằng dự án đặt ra những yêu cầu không thực tế về quân lực cũng như tiền bạc, nó cũng không thể đạt hiệu quả. Nhưng với tham vọng của Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, của các nhà sản xuất thiết bị cùng với đám trí thức a dua; dự án Mcnamara Line vẫn được triển khai, từ dự toán 1 tỉ đội vốn lên 18 tỉ USD (tiền năm 2023) nó đã thất bại cùng với việc mất chức của Mc.
Lyndon Baines Johnson, trải qua hơn một nhiệm Tổng thống Mỹ (1963 – 1968) trong bi kịch; ông đứng giữa cơn bão cực đoan đổi chiều: Năm 1964, sau cuộc lừa đảo vĩ đại có tên gọi tàu Maddox, Hạ viện thông qua “Nghị quyết Vịnh Bắc bộ” 100% Hạ viện (416 nghị viên) và 98% Thượng viện tán thành cho phép Tổng thống Mỹ có quyền sử dụng vũ lực ở mức độ bất kỳ tại Đông Nam Á mà không cần phải yêu cầu tuyên chiến chính thức. Đến năm 1968, giới tinh hoa đã có cơ sở xác định vụ tàu Maddox là bịa đặt cùng với phản biện gay gắt của giới tinh hoa rằng, Mỹ không thể thắng trong chiến tranh Việt Nam. Một trong những trí thức đầu tiên phản biện là GS.TS đại tá tình báo J. Jeff từng tham gia chỉ huy dự án Mcnamara Line. Chính trong quá trình thám thính địa hình vùng thượng Quảng Trị để triển khai dự án, tiếp xúc với dân chúng và binh lính Việt Nam Cộng hòa, ông nhận ra Mcnamara Line là vô nghĩa và rằng Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến này. Ông đề xướng và được cả giới think tank (nhóm tư vấn) lập danh sách để L. B. Johson mời họp, ra thông điệp phản đối chiến tranh, yêu cầu Tổng thống rút quân Mỹ khỏi Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ, ông Dean Lusk đến, bị ngăn không cho vào; nhờ Johson, Tổng thống xin ý kiến hội nghị nhưng bị phản đối đành phải nhún vai bất lực. Ngay sau khi thông điệp của những cái thủng tư duy được truyền đi, tất cả các báo đều lên tiếng rồi sau đó là biểu tình chống chiến tranh lan ra rộng khắp.
Như vậy là, năm 1964, cả nước Mỹ đứng sau ủng hộ Tổng thống gây chiến; năm 1968, cả nước Mỹ đứng sau ủng hộ giới tinh hoa - think tank phản đối Tổng thống gây chiến. Think tank ở Mỹ là một quyền lực. Nhờ coi think tank là quyền lực, mọi sai lầm của nước Mỹ được sửa sai chóng vánh, triệt để; giúp cho nước Mỹ không ngừng phát triển vững mạnh.
Viết đến đây thì gặp trên VTV1 hình ảnh GS Võ Tòng Xuân đang nhận Giải thưởng lớn VinFuture 2023. Xin chúc mừng Giáo sư - một người thật cơm nặng áo dày với nông dân nông nghiệp Việt Nam. Đây cũng là điều đáng mừng của toàn giới trí thức nông nghiệp nói chung. Tôi chợt nhớ từ 30 năm trước, tôi đã viết trên Báo NNVN rằng, các nhà khoa học kỹ thuật ngành nông nghiệp đứng ở hàng đầu trong sự nghiệp ứng dụng tri thức vào thực tiễn, vừa tạo ra nền tảng để đất nước đổi mới vững vàng vừa tự mình vẻ vang và làm vẻ vang giới trí thức. Nhân sự kiện GS Võ Tòng Xuân nhận tôn vinh của VinFuture, tôi xin nhắc lại như một lời chúc năm mới.