Phía sau sự mất mát do bão lũ

Nguyễn Thị Mai Hiên - Thứ Bảy, 21/09/2024 , 07:27 (GMT+7)

Phía sau câu chuyện bão lũ là quá trình nhìn nhận lại các chính sách, ưu đãi, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp thời gian qua.

Hệ thống nhà màng, nhà lưới bị xé toạc, quật đổ trong bão số 3 ở Bắc Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Những ngày qua thực sự là những ngày chứa chất nhiều tâm tình của không chỉ riêng tôi, mỗi buổi sáng, buổi trưa, buổi tối tôi đều dành thời gian để cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, lũ lụt, sạt lở đất và dõi theo đời sống của bà con các tỉnh miền núi phía Bắc cũng như các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 YAGI.

Mất mát là vô cùng to lớn, không gì có thể tả hết được. Toàn đảng, toàn dân đang chung tay khắc phục, ổn định đời sống cho bà con các vùng chịu thiệt hại của mưa, bão. Các tấm lòng hảo tâm, những chia sẻ, những lời động viên kịp thời đang dần giúp bà con vùng bị thiệt hại gượng dậy để tiếp tục sống.

Gạt đi những đau thương, mất mát, hy sinh, mỗi người con vùng bão lũ sẽ phải tiếp tục đối diện với cuộc sống sau mưa lũ. Bà con sẽ bắt đầu từ đâu khi nhà đã sập, tài sản hư hỏng nặng, ruộng vườn, hoa màu, vật nuôi đã bị nước cuốn trôi…? Ổn định đời sống, trước mắt là có đồ ăn, nước uống, được bảo vệ tính mạng, đảm bảo an toàn, được khám chữa bệnh đang được chính quyền các địa phương, các nhà hảo tâm quan tâm chăm lo, ủng hộ. Nhưng rồi sau đó, sau sự mất mát này, bà con phải bắt đầu cuộc sống mới, phải lao động sản xuất, trong đó có khôi phục lại sản xuất nông nghiệp.

Phía sau câu chuyện bão lũ là quá trình nhìn nhận lại các chính sách, ưu đãi, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp thời gian qua.

Vùng nuôi cá lồng ở Chí Linh, Hải Dương tan tác, xơ xác sau bão số 3. Ảnh: Tùng Đinh.

Trước hết là chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Ngày 9/1/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2017/NĐ-CP quy định Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại). Việc hỗ trợ được thực hiện kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, con, hiện vật. Giống cây, con, hiện vật hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện sinh thái và thực tế của địa phương. Theo đó:

Đối tượng được hỗ trợ là Hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh.

Nội dung hỗ trợ, gồm: (i) Hỗ trợ đối với diện tích cây trồng bị thiệt hại, gồm lúa thuần, mạ lúa thuần, lúa lai, mạ lúa lai, ngô và rau màu, cây công nghiệp và cây ăn quả; (ii) Hỗ trợ đối với diện tích sản xuất lâm nghiệp bị thiệt hại, gồm cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống; cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm; (iii) Hỗ trợ đối với diện tích nuôi thủy, hải sản bị thiệt hại, gồm nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp), nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa, nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh, nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh, nuôi nhuyễn thể, nuôi cá tra thâm canh, lồng, bè nuôi nước ngọt, nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh, nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh; lồng, bè nuôi trồng ngoài biển (xa bờ, ven đảo); nuôi trồng các loại thủy, hải sản khác; (iv) Hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đối với nuôi gia súc, gia cầm, gồm gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng), lợn; bê cái, trâu, bò thịt, ngựa, hươu, nai, cừu, dê; (v) Hỗ trợ thiệt hại đối với sản xuất muối. Mức hỗ trợ đối với từng loại thiệt hại đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP.

Tuy nhiên, để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn và những thay đổi của các quy định pháp luật có liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 02/2017/NĐ-CP. Theo đó, ngoài những nội dung kế thừa tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, dự thảo Nghị định đã điều chỉnh nâng mức hỗ trợ đối với cây trồng, cây lâm nghiệp, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật cho phù hợp với kinh phí để khôi phục sản xuất hiện nay (tăng so với mức hỗ trợ cũ từ 1,33-3,7 lần). Trong đó, đã có điều chỉnh hỗ trợ đối với cây trồng theo loại cây trồng và giai đoạn gieo trồng; đối với cây lâm nghiệp, hỗ trợ theo diện tích cây rừng, cây lâm nghiệp lấy gỗ và diện tích cây giống ươm trong giai đoạn vườn; đối với vật nuôi hỗ trợ theo ngày tuổi nuôi và đơn vị tính là con…

Chị Trần Thị Vinh, Giám đốc Dự án án Nông nghiệp Công ty Hòa Bình Minh bật khóc khi chứng kiến trại lợn tan hoang sau bão số 3. Ảnh: Hùng Khang.

Ví dụ như theo quy định hiện hành hỗ trợ gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000 - 35.000 đồng/con; còn tại dự thảo Nghị định mức hỗ trợ cho gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 15.000 - 30.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 31.000 - 45.000 đồng/con.

Đối với nuôi trồng thủy sản, dự thảo Nghị định điều chỉnh hỗ trợ thiệt hại theo diện tích, ví dụ như đối với diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha; diện tích nuôi nhuyễn thể hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha….

Đối với lúa, tại dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể hỗ trợ diện tích lúa theo thời gian gieo trồng và mức hỗ trợ đã tăng, từ diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP lên tối đa đối với gieo trồng trên 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha tại dự thảo Nghị định.

Bà con nông dân ở miền Bắc đã sớm bắt tay vào dọn dẹp, vệ sinh và tái sản xuất sau khi bão số 3 đi qua. Ảnh: Tùng Đinh.

Đối với sản xuất lâm nghiệp, mức hỗ trợ đã tăng và được tính theo chu kỳ khai thác, từ quy định diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP lên tối đa hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha với thiệt hại trên 70%, 7.500.000 đồng/ha với thiệt hại từ 30%-70% tại dự thảo Nghị định.

Đồng thời, về điều kiện, thủ tục hỗ trợ, dự thảo Nghị định đã có điều chỉnh đảm bảo phù hợp với thực tiễn, bảo vệ quyền lợi của bà con khi bị thiệt hại do thiên tai. Ví dụ, điều chỉnh điều kiện để cơ sở sản xuất bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh thực vật được xem xét hỗ trợ, từ phải đáp ứng điều kiện “sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch” thành “sản xuất không trái với quy định của pháp luật chuyên ngành” bởi nhiều quy hoạch, kế hoạch sản phẩm nông nghiệp đã bị bãi bỏ; quy định rõ điều kiện về công bố dịch thực hiện đối với trường hợp đủ điều kiện công bố dịch bệnh theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc có văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành xác định mắc dịch bệnh thực vật.

Ngay trong thời điểm này, bên cạnh việc tích cực hoàn thiện, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP để tăng mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, sửa đổi điều kiện, thủ tục hỗ trợ, thì việc cần triển khai ngay là các cơ quan trên địa bàn cần hỗ trợ, phối hợp cùng bà con tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã để phối hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp giải quyết để bà con sớm nhận được hỗ trợ.

Ngoài thiệt hại trước mắt, cơn bão cùng mưa lũ còn gây ảnh hưởng về môi trường, khả năng sinh trưởng của nông sản về lâu dài. Ảnh: Tùng Đinh.

Tiếp đến là chính sách về dự trữ quốc gia. Theo Luật Dự trữ quốc gia, Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh. Tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc gia, các mặt hàng dữ trữ lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm hạt giống (lúa, rau, ngô), thuốc thú y, vắc xin các loại, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất khử khuẩn, khử trùng làm sạch môi trường, xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản. Đây là những mặt hàng rất cần thiết giúp bà con sớm sản xuất nông nghiệp trở lại, tuy nhiên nó đã chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của bà con ở các địa phương khác nhau? Câu trả lời chỉ có khi chúng ta khảo sát, đánh giá, thống kê tổng hợp nhanh nhu cầu của các địa phương bị thiệt hại để có hỗ trợ kịp thời. Và giải pháp lâu dài hơn là cần có nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi các quy định về dự trữ quốc gia các mặt hàng này đảm bảo phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Thêm một chính sách cần quan tâm hoàn thiện đó là chính sách về bảo hiểm nông nghiệp. Hiện nay, chính sách về bảo hiểm nông nghiệp đang được quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp nhưng mới chỉ xác định có 7 loại cây trồng (Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau), 4 loại vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm); 3 loài thủy sản (Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm cho các cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc hộ nghèo và cận nghèo tại một số tỉnh, thành phố do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhưng trên thực tế triển khai doanh nghiệp bảo hiểm mới quan tâm triển khai với cây lúa, trong khi rất nhiều ngành hàng sản xuất nông nghiệp đang cần tham gia bảo hiểm và đối tượng bảo hiểm không chỉ là lúa mà còn là các loại cây ăn quả, là vật nuôi, là nuôi trồng thủy sản...

Theo đó, chính sách về bảo hiểm không dừng lại ở chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp mà là một chính sách bảo hiểm nông nghiệp toàn diện, coi sản xuất nông nghiệp, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp là đối tượng bảo hiểm. Điều này, đòi hỏi cần có đánh giá, đề xuất điều chỉnh chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, trước hết là sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ nhất là trong thời điểm hiện nay khi đứng trước những thiệt hại to lớn đối với sản xuất nông nghiệp sau cơn bão YAGI gây ra.

Khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, hỗ trợ sản xuất cho bà con sau thiên tai là sự chung tay của cả hệ thống chính trị cũng như sự cố gắng vượt qua của mỗi người con vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Cơn bão YAGI qua đi không chỉ để lại các thiệt hại, mất mát về người, tài sản mà chúng ta còn đang phải đối diện với hàng loạt vấn đề về chuyển, nhận, điều phối hỗ trợ, khắc phục hậu quả sau thiên tai mà truyền thông đưa tin gần đây. Điều này, thiết nghĩ cần có thêm quy định, chính sách để điều tiết chung, khu vực công hay khu vực tư đều có thể tham gia miễn là thực hiện đúng mục đích, yêu cầu.

Nguyễn Thị Mai Hiên
Tin khác
Đào tạo kiến thức về thuốc BVTV sinh học cho 40.000 nông dân
Đào tạo kiến thức về thuốc BVTV sinh học cho 40.000 nông dân

Hợp tác giữa Cục BVTV và UPL Việt Nam sẽ xây dựng 2 mô hình trên sầu riêng, lúa; đồng thời phổ biến kiến thức đến nhiều đối tượng trong chuỗi sản xuất.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Khoa học công nghệ nông nghiệp lan tỏa trên đất Nghệ An
Khoa học công nghệ nông nghiệp lan tỏa trên đất Nghệ An

Ứng dụng khoa học và công nghệ đã tác động toàn diện đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Nghệ An, thể hiện qua 5 dự án cấp quốc gia...

Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia
Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia

THỪA THIÊN - HUẾ Nghề làm bún Vân Cù (thị xã Hương Trà) và lễ hội điện Huệ Nam (thành phố Huế) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 12/2024.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật: Ngành Nông nghiệp, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục phối hợp tốt trong triển khai quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM.

Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM
Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM

Trình bày và đề xuất của đại diện Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về lực lượng khuyến nông tham gia triển khai chương trình IPHM.

Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái
Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ giới thiệu cách triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái và cảnh quan.

Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Chia sẻ của ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật về những lợi ích trong áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM, đảm bảo an toàn sản xuất và xuất khẩu.

Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'
Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'

Theo GS.TS Trần Văn Hâu, nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, những cây trồng có yêu cầu kỹ thuật, giá trị kinh tế cao cần có phân bón 'chuyên dụng'.

Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO
Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO

Ông Lê Văn Hải, Tổng Giám đốc BiOWISH Việt Nam trình bày về dòng phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng hữu hiệu (BIO EFF).