Giám định chất lượng nước, giúp người nuôi cá lồng sớm tái sản xuất
Thứ Sáu 20/09/2024 , 06:25 (GMT+7)Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NN-PTNT) giám định chất lượng nước ở các khu vực nuôi cá lồng giúp người dân tái sản xuất an toàn.
Sau bão số 3, ngoài thiệt hại trực tiếp về cá và hạ tầng, người nuôi cá lồng ở Hải Dương còn gặp khó khăn do môi trường bị ảnh hưởng bởi cá chết, lượng bèo, rác ứ đọng trong lồng và nước sông không đảm bảo chất lượng. Đã hơn 10 ngày sau bão nhưng ở các sông có nuôi cá lồng nước vẫn đục ngầu màu phù sa, dòng chảy nhiều nơi vẫn còn mạnh.
Ngoài việc người dân tự dọn dẹp, vệ sinh và tái thiết lại cơ sở vật chất, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị khoa học trong ngành thủy sản cũng đang cố gắng tăng cường hỗ trợ nhằm sớm sản xuất ổn định trở lại. Những ngày qua, các cán bộ của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NN-PTNT) đã có mặt tại nhiều khu vực nuôi cá lồng ở miền Bắc để hỗ trợ bà con nông dân.
Theo ghi nhận của cán bộ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, chất lượng nước trên sông Thái Bình qua một số khu vực nuôi cá lồng của tỉnh Hải Dương có nồng độ oxy hòa toan đang vào khoảng 3,5 - 3,8mg/l. Chỉ số này cho thấy oxy trong nước vẫn ở mức thấp hơn tiêu chuẩn, mặc dù một số chỉ số khác đã ở mức đảm bảo.
Trước tình hình đó, cùng với các thiệt hại khác chưa thể khắc phục triệt để, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hải Dương và Cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi chưa tổ chức tái đàn cá vào thời điểm hiện nay. Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), trước mắt người dân nên tập trung dọn dẹp, vệ sinh và sửa chữa các lồng nuôi bị hư hỏng do bão.
Sau đó cần cách ly số cá còn sống, khỏe mạnh ra những khu vực lồng đã được vệ sinh, gia cố hoàn chỉnh. Cá đã chết cần được sớm thu gom, đem đi tiêu hủy ở nơi quy định để tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nước tại khu vực nuôi.
"Ngoài nồng độ oxy còn khá thấp, bằng mắt thường cũng có thể thấy lượng phù sa trên sông vẫn còn nhiều và lơ lửng, nếu thời tiết nắng lên sẽ tiếp tục làm cá bị thiếu oxy và chết", ông Trần Đình Luân phân tích khi kiểm tra hiện trường tại huyện Chí Linh, Hải Dương và khuyến cáo chưa tái đàn ngay để tránh thiệt hại.
Theo Cục trưởng Cục Thủy sản, người dân cần thường xuyên kiểm tra mực nước, màu nước và các yếu tố môi trường... để sớm trở lại hoạt động sản xuất bình thường. Nếu điều kiện thời tiết bất thường cần tăng lượng oxy, bổ sung vitamin C để tăng đề kháng cho đàn cá... Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo sau khi tái đàn, người nuôi cần tuân thủ các chỉ tiêu kỹ thuật, đặc biệt là giảm mật độ nuôi về mức an toàn, tránh tình trạng nuôi mật độ quá cao, khi xảy ra mưa lũ cá dễ bị va đập vào nhau, có thể bị chết.
Sở NN-PTNT Hải Dương cũng khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra môi trường nước khu vực nuôi và sức khỏe của thủy sản nuôi. Đo các chỉ số môi trường như pH, độ kiềm, hàm lượng oxy hòa tan, khí độc để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong thời điểm hiện nay cần giảm lượng thức ăn để tránh gây ô nhiễm môi trường nước. Sử dụng thức ăn bảo đảm chất lượng và bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
Phòng tránh một số bệnh thường gặp cho cá sau mưa lũ
- Bệnh trùng bánh xe thường tấn công vào da và mang cá sau mưa lũ. Để trị bệnh, có thể tắm cá bằng nước muối NaCl 2 - 3% trong 5 - 15 phút hoặc dùng CuSO4 phun trực tiếp xuống ao, lồng, bè.
- Bệnh rận cá gây ngứa và khiến cá bị stress. Dùng Iodine với liều lượng 2g/m³ nước để tắm cho cá liên tục 3 - 5 ngày, đồng thời bổ sung kháng sinh Oxytetracycline vào thức ăn cho cá trong 5 - 7 ngày.
- Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra, thường làm cá bị lở loét da và bơi lờ đờ. Người nuôi có thể sử dụng Formol để tắm cho cá và kết hợp bổ sung vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá nuôi.
tin liên quan
Trại gà Móng 7.000 con, đặc sản trứ danh của Hà Nam
Gà làng Móng hay còn gọi là gà Móng cùng với cá kho làng Vũ Đại là những đặc sản trứ danh của tỉnh Hà Nam.
Bình minh trên những đầm rươi
Khi mặt trời ló rạng, nước bên trong đầm dần rút đi để lộ ra những lỗ nhỏ chi chít trên mặt bùn, đó chính là lỗ rươi.
Đào rừng cổ thụ giá hàng chục triệu đồng xuống phố
Hà Tĩnh Những gốc đào rừng tuổi đời hàng chục năm vừa được hạ sơn, đem về thành phố Hà Tĩnh phục vụ khách hàng chơi Tết. Giá bán trung bình từ 10 đến 60 triệu đồng/gốc.
Mộc Châu chính thức trở thành thị xã, ngày hội lớn của người dân Sơn La
Với nhiều thành quả xuất sắc, Mộc Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV và khu vực dự kiến thành lập phường đủ điều kiện hạ tầng đô thị theo quy định.
Thương lái săn lùng gà ‘thái giám’
Thời điểm này, các thương lái từ khắp nơi đổ về thị xã Sơn Tây thu mua gà phục vụ thị trường Tết. Gà 'thái giám' có giá đắt đỏ được tiểu thương săn lùng.
Về làng cổ Bát Tràng, thưởng thức 'món ăn trăm tuổi'
Vào các dịp lễ, Tết, người Bát Tràng lúc nào cũng có 2 món đặc trưng là su hào xào mực và canh măng mực trên mâm cơm.