| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 04/08/2023 , 16:14 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

16:14 - 04/08/2023

Cái tên – những chiếc bình thần kỳ lưu giữ văn hóa

Ồn ào xung quanh câu chuyện tách - nhập liên quan đến quận Hoàn Kiếm, làm tôi nhớ đến xã tôi: Tào Sơn.

Làng (xã) Tào Sơn, theo sách “Ký ức dân gian làng Tào Sơn”, đã có từ thế kỷ 16. Làng có một lịch sử rất thú vị và nhiều ý nghĩa, do gắn với một danh nhân, là Quan Yên Phủ Sứ Lương Văn Phụng. Ông là một trong 28 người đã tham gia hội thề Lũng Nhai, tương truyền là người đã xung trận đánh giặc giết Liễu Thăng, lập được nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, được ban họ vua và được phong hầu phong đất, chính là vùng đất Tào Sơn này. Tào Sơn sau trở thành nơi hội tụ, có truyền thống hiếu học và khoa bảng bậc nhất của đất Tĩnh Gia với cả 3 văn chỉ đều chọn đặt nơi đây...

Bài liên quan

Tào Sơn gồm Đông Tào và Tây Tào, tồn tại hơn 4 thế kỷ, lưu giữ biết bao nhiêu trang sử với ký ức văn hóa, nếp sống, hồn người. Làng và tên làng thành máu thịt. Sau 1945, làng không những mất tên mà còn bị cắt làm đôi thành 2 xã, Thanh Sơn và Thanh Thủy. Lịch sử mấy trăm năm đứt đoạn.

Cái tên Tĩnh Gia cũng có một lịch sử lâu đời như thế. Từ thời Hậu Lê (năm 1435) là phủ Tĩnh Gia, sau đổi tên vài lần vì kỵ húy cùng với những thay đổi về mặt địa giới nhưng vẫn giữ lại chữ “Tĩnh” (Tĩnh Ninh => Tĩnh Giang). Đến thời nhà Nguyễn, năm 1838, vua Minh Mạng lại khôi phục tên Tĩnh Gia. Cái tên này tồn tại cho đến ngày 22 tháng 4 năm 2020, khi chính thức đổi thành (thị xã) Nghi Sơn, chấm dứt 500 năm trường viễn của một danh xưng.

Mỗi vùng đất, mỗi cái tên, đối với người Việt không chỉ đơn thuần là một cái nhãn hành chính vô hồn. Nó là căn cước của mỗi người, thậm chí là máu thịt và thiêng liêng. Chẳng thế mà họ mới phải “Gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (Trường ca mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm).

Xã hội biến chuyển, kéo theo yêu cầu phải sắp xếp lại nhiều vấn đề, nhưng những việc ấy cần hết sức thận trọng. Không thể chỉ căn cứ trên lợi ích kinh tế trước mắt hay những nhu cầu ngắn hạn mà xem nhẹ những nội dung lịch sử, văn hóa, con người. Trong khi, ví dụ như việc giảm biên chế cho bộ máy hành chính, thì hoàn toàn có thể tìm những giải pháp khác, khoa học hơn, hiện đại hơn, và hiệu quả hơn, như tinh giản biên chế, áp dụng thành tựu của công nghệ thông tin... Việc sáp nhập hay đổi tên một địa danh, đó là cách làm rất cơ học, cứng nhắc, không đáp ứng được yêu cầu linh động, mềm dẻo và thông minh của một thời đại mà mọi thứ luôn thay đổi không ngừng hàng ngày, hàng giờ. Đó lại là cũng chưa nói đến những sự thay đổi theo kiểu “cảm thấy hạp lý” này sẽ gây ra vô vàn xáo trộn và nhiêu khê liên quan đến đủ các việc trên đời như giấy tờ, hồ sơ, nhân thân của mỗi người, và cũng là chưa kể đến việc tốn kém, lãng phí đủ bề.

Một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả nhờ cách cấu trúc khoa học và sự hỗ trợ đắc lực của các thành tựu công nghệ, đó mới là điều cần nghiên cứu để áp dụng; việc “khắc xuất - khắc nhập” là tối kỵ, chỉ nên nghĩ đến khi mọi giải pháp đã đi vào ngõ cụt.

Bất cứ một thay đổi hay chính sách nào cũng cần được tính toán toàn diện trước khi quyết định. Vấn đề “quê hương bản quán”, chuyện “chôn rau cắt rốn” của dân tộc nào cũng đều rất quan trọng, nhưng đối với người Việt thì còn hơn thế, vì họ được sinh ra và gắn bó đời đời với nền “văn minh lúa nước” chứ không phải dân du mục; sống, với người Việt, là đồng nghĩa với việc cắm rễ linh hồn sâu vào lòng đất quê hương, vào lòng núi non, sông hồ. Người Việt hễ quần tụ lại nơi nào thì lập tức một thiết chế văn hóa hữu hình và vô hình sẽ liền được dựng lập. Nó không đơn thuần là “nơi sinh” hay “thường trú”, mà là cả một sinh quyển bất phân ly với mỗi người. Cho nên người Việt, dù cùng là công dân của một quốc gia nhưng lại có cách nói người Hà Nội, người Sài Gòn, người Vĩ Dạ, người Tào Sơn... Hiểu được điều này, cho nên khi người Pháp đặt chân đến Annam và thực hiện chính sách cai trị, họ đã rất ít tạo ra sự xáo trộn với chuyện tách - nhập và đổi tên như ta đã và đang làm.

Người Việt nói Giữ làng giữ nước, cái đầu tiên mà họ sờ chạm được là làng, tức nơi sinh ra, lớn lên, gắn bó suốt đời. Họ khó khăn hơn nhiều khi quan niệm về nước, như cụ Phan Châu Trinh đã nói về tính tình người Việt. Cái đặc tính này, chưa nói chuyện hay dở, nhưng phải thừa nhận rằng nó tồn tại và có sức chi phối rất lớn, không thể lờ đi khi làm chính sách.

Các tri thức về quy hoạch đô thi, về hành chính công, về quản trị xã hội nói chung..., vốn đã là các ngành học bài bản mà các nước tiên tiến đều tổ chức đào tạo nghiêm túc. Đó là khoa học, và các cán bộ của ta trước khi nắm giữ một cương vị nào đấy thì phải được đào tạo đúng chuyên ngành, không thể dùng ý chí cá nhân để thay cho khoa học. Vì hệ lụy của nó để lại là quá lớn và khắc phục không biết khi nào mới xong được. Về vấn đề này tôi đã có dịp nói kỹ hơn ở một bài báo đăng trên Nông nghiệp Việt Nam: Chợ Nồn, và yêu cầu thận trọng khi đổi tên các địa danh.

Xã Tào Sơn của tôi dù đã mất tên hơn nửa thế kỷ nay, nhưng nó vẫn sống dai dẳng trong ký ức người dân như một niềm tiếc nuối, ngậm ngùi chưa tan. Một tờ A4 mỏng manh thôi nhưng đủ sức chặt đứt phăng và trở thành “giấy báo tử” cho một lịch sử mấy trăm năm của một địa danh, há chẳng đau xót lắm sao?

Không nên lặp lại những sai lầm ấy, vì sự mất mát và hậu quả là quá lớn. Những cường quốc như Mỹ mà còn tối kỵ chuyện tách - nhập và đổi tên, thì với một đất nước chưa giàu như nước ta, văn hóa là sức mạnh cốt lõi. Mà một trong những chiếc bình lưu giữ nền văn hóa đã được chưng cất qua hàng trăm hàng nghìn năm, rất đơn giản nhưng thần kỳ chính là những cái tên gắn với mỗi vùng đất. Vạn lần chớ nên khinh suất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm