Giải quyết nạn bạo lực học đường cần một sự thay đổi nhiều mặt và sâu xa, chứ không thể chạy theo chữa triệu chứng mà được. Tuy nhiên, trước mắt, trong bối cảnh khắc nghiệt này, gia đình và bè bạn phải là nơi nương náu của các cháu; và tôi thắc mắc rằng chúng ta, những người làm cha mẹ, có đang biết rõ bạn thân của con mình là ai không?
Bắt nạt và bạo lực học đường đã trở nên phổ biến và độc ác đến mức gần như vỡ trận, không kiểm soát được nữa. Quý vị phải tự bảo vệ con mình. Con của quý vị có người bạn thân nào ở lớp/ở trường không? Quý vị biết gì về (những) người bạn ấy của con? Quý vị đã từng tiếp xúc, gặp gỡ, đã từng mời bạn của con về nhà chơi và ăn tối chưa? Quý vị có dành tình cảm cho bạn của con như một người nhà thân thiết?...
Tôi hỏi tất cả những câu này vì con của quý vị phải có ít nhất một vài người bạn thân ở lớp, đó là nguồn sức mạnh phòng vệ và bảo vệ của con, cả về tâm lý lẫn thể chất. Chỉ cần con không đơn độc, các cháu sẽ ít phải làm điều dại dột. Chúng sẽ tâm sự với nhau, sẽ giúp đỡ nhau, và sẵn sàng bênh vực nhau, dù có thể bằng những cách ứng phó thoạt đầu là tiêu cực.
Năm ngoái, lúc con trai tôi mới chuyển từ miền Nam về học ở quê, cháu cũng bị sốc về nhiều thứ, có cả hiện tượng bắt nạt nữa. Tôi dự đoán trước về những điều ấy, nên luôn theo sát con, và thường xuyên trò chuyện hỏi han con, rằng trên lớp các bạn có đánh nhau không, có ai bắt nạt con không, có ba ở đây, ba sẽ bảo vệ con...
Tôi nói con, con hãy mời những người bạn mà con quý mến về nhà mình chơi, ba sẽ mua bánh và làm đồ ăn cho mấy đứa; các con sẽ lên núi nhà mình cắm trại, đốt lửa, nướng thịt... Và rồi sau một thời gian, cuối cùng chúng nó cũng đã kéo nhau lên. Không ít lần, ngày cuối tuần, tôi cho con tiền ăn sáng đủ để hắn mời những người bạn thân cùng đến quán.
Tụi nhỏ cũng cần tập làm người lớn và cần được tôn trọng. Và hơn hết, là để chúng gắn bó với nhau, như những người anh em. Thời gian đầu, con cũng có những biểu hiện chán và sợ đi học, nhưng bằng những cách như thế, con có bạn bè, mỗi lúc một nhiều; và rồi vui vẻ đến trường mà không bạn nào bắt nạt và dám bắt nạt nữa - một phần là hắn đã có nhiều “đồng minh” bên cạnh, phần khác vì “thêm bạn thì bớt thù”.
Không nên nghĩ rằng đó là bọn trẻ con ham chơi, chúng tụ tập với nhau là việc của chúng, mình không ngăn cản hay khó chịu là tốt lắm rồi! Quý vị, khi thấy bạn của con, hãy hỏi han và trò chuyện, hãy tạo mối quan hệ thân thiết với chúng, hãy để cho chúng yêu quý cả cha mẹ của bạn chúng; hãy cho chúng cảm giác đến nhà bạn như được trở về chính ngôi nhà của mình, và gặp cha mẹ của bạn mình như được gặp chính người thân, chứ không phải là những ông bà già khó tính và đáng sợ.
Tôi tin rằng, trong nhiều quý vị đang đọc bài này, sẽ có không ít người không biết bạn của con mình là ai, và chưa một lần nói chuyện với chúng. Sẽ nhiều hơn nữa những người chưa bao giờ mời tụi nhỏ đi uống nước một lần; và càng nhiều hơn đối với những người chưa từng ngỏ lời mời chúng về nhà để làm một bữa tiệc nhỏ. Chúng ta thường rất vô tâm.
Hãy nghĩ đến những đứa trẻ yếu đuối và dễ bị tổn thưởng, nhất là trong cái môi trường độc hại này. Nên dứt khoát, bạn vừa phải làm bạn với con, vừa tham gia cùng con xây dựng những tình bạn đẹp ở trường ở lớp. Để đến mức con phải bị sang chấn tâm lý, hay tồi tệ hơn là tự tử, thì bạn là người có tội đầu tiên.
Bắt nạt và bạo lực học đường đang là khủng khiếp và đáng sợ. Nó hoành hành dữ dội hơn những gì bạn đang nghe và thấy – vốn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ bên dưới. Nếu bạn không sát cánh với con, nghĩa là đồng thời cũng đang đẩy chúng vào những hoàn cảnh đau khổ hoặc hiểm nạn.
Ngay cả ở một hệ thống giáo dục tốt nhất, cũng đừng phó mặc con cái bạn cho nhà trường; huống hồ khi mà mọi thứ đang đầy bất an và nguy hiểm thế này, nếu bạn không ở bên cạnh con, thì hậu họa là khôn lường. Có rất nhiều điều phải làm cho con, nhưng đầu tiên và giản dị nhất, là hãy làm bạn với bạn của con mình.