Câu chuyện về sách giáo khoa và đổi mới giáo dục làm tôi nhớ đến sự kiện cách đây 3 năm khi Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép học sinh sử dụng điện thoại (laptop, ipad...) trong lớp học. Đa số phản đối, phản đối dữ dội.
Lúc ấy tôi đã viết một bài ủng hộ chủ trương này và đăng trên trang cá nhân, sau đó Báo Vietnamnet xin đăng lại. Ở đó, tôi đặt câu hỏi rằng: “Tại sao việc mang 10 cuốn sách trên lưng lại được ủng hộ như một điều tự nhiên mà việc mang một vạn cuốn trong lòng bàn tay lại là điều không thể chấp nhận được? Trong khi nó tiện lợi hơn vì giúp ta lật đến trang mà ta cần ngay tức khắc; và nếu ta muốn đọc nguyên cả cuốn thì cũng không có cản trở gì (chỉ cần thay bằng một chiếc Ipad để có màn hình lớn tương đương 1 một trang sách cho đỡ mỏi mắt)”.
Lúc ấy tôi cũng đã viết: “Sách giáo khoa, sách tham khảo (cứng) hoàn toàn có thể số hóa để đựng gọn lỏn trong một chiếc điện thoại, bên cạnh hàng vạn cuốn khác. Đây có phải là một cách để chấm dứt vấn nạn làm tiền từ sách vở của học sinh mà xã hội đang bất bình?”.
Dân tình đưa ra đủ thứ lý do để phản đối. Lạ là, chính những người ấy bây giờ lại đang đòi phải có những bộ sách giáo khoa điện tử để học sinh được dùng miễn phí.
Thứ nhất, nếu không ủng hộ dùng thiết bị điện tử thì sử dụng bản điện tử kiểu gì đây?! Thứ hai, chắc nhiều người không biết và không cần biết rằng bản điện tử đã có, cứ Google là thấy, ai muốn thì cứ mở ra mà dùng. Nhưng khốn nỗi, giá của một chiếc điện thoại/iPad lại lớn gấp nhiều lần một bộ sách giáo khoa, vậy đối với người nghèo lại thành cái vòng luẩn quẩn. Phải chăng, nếu không miễn phí sách giáo khoa thì nhà nước nên trang bị cho mỗi em (có nhu cầu) một chiếc như nhiều nước đã và đang áp dụng?
Từ ví dụ trên, điều tôi muốn nói ở đây là lối tư duy đứt đoạn, chắp vá, thấy cây không thấy rừng của nhiều người. Cứ cái gì mới/khác là auto phản đối cái đã.
Chuyện sách giáo khoa bị thao túng, chuyện móc ngoặc để ăn phần trăm giữa lãnh đạo địa phương và hiệu trưởng với nhà xuất bản/nhà sách, chuyện “bán bia kèm lạc”, v.v, đó là các vấn đề thuộc về quản lý hành chính, nó hoàn toàn có thể giải quyết được mà không cần phải xóa bỏ một xu hướng đổi mới đang được khởi xướng theo tinh thần tiến bộ.
Câu chuyện phản đối dùng điện thoại hay phản đối chương trình đổi mới giáo dục bây giờ, cơ bản giống nhau, là sa vào tiểu tiết, thầy bói xem voi, lấy cái bất cập trước mắt che lấp đi đường hướng lớn, lấy cái khó khăn ban đầu để quay lưng với hi vọng ngày mai...
Theo tôi, trong câu chuyện này, Bộ Giáo dục & Đào tạo và các cơ quan hữu quan đã chưa có sự chuẩn bị tốt, ít nhất là về mặt truyền thông và “tập huấn” để cho dân tình và giáo viên thật sự hiểu thấu đáo cũng như có tâm thế tốt sẵn sàng đối diện và đón nhận những khó khăn tất yếu khi bắt tay vào cái mới. Thành ra, khó khăn đến từ cả 2 đầu, ngành giáo dục bị kẹt ở giữa, đó là một điều đáng tiếc. Nhưng chưa phải đã quá muộn.
Còn rất nhiều việc phải làm bên cạnh việc giúp người dân hiểu về cuộc đổi mới lần này, nhưng quan trọng nhất vẫn là công tác đào tạo giáo viên. Phải có con người mới về cả nhận thức lẫn năng lực, thì mới có thể đảm đương công việc mới được; nếu vẫn tư duy cũ, cách làm cũ, lỗi nghĩ cũ, thì không sao tránh được tình trạng đối phó, bàn lùi và đi giật lùi.
Công cuộc đổi mới giáo dục đang phải đối diện với rất nhiều rào cản, vì thế cần phải “dọn đường” bằng cách tổ chức môi trường giáo dục sao cho lành mạnh, tránh tình trạng quan liêu, áp đặt từ phía những người quản lý như hiệu trưởng; cần tạo ra được mối quan hệ dân chủ, cởi mở và bình đẳng giữa giáo viên và “cấp trên”. Bên cạnh đó, cần đảm bảo đời sống cho người thầy, có thực mới vực được đạo.
Nếu giáo viên (và xã hội) chưa thông, chưa đủ sống, và nhất là chưa được tôn trọng thì mọi nỗ lực đều có thể không mang lại được kết quả, thậm chí sẽ để lại những hậu quả khó lường.