Quế - cú trở mình mạnh mẽ trong vòng 20 năm
Quế tại Việt Nam phân bố tập trung ở miền Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Thái Nguyên... và một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Diện tích quế tăng tăng trưởng mạnh, từ 13.863ha năm 2000 lên 26.288ha năm 2005 và 58.739ha năm 2010, gấp hơn 4 lần.
Đến năm 2015 diện tích quế tăng chậm lại nhưng vẫn ở mức cao, với tỷ lệ tăng 57,3% đạt 92.375ha. Các năm tiếp theo người nông dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng quế nhưng tốc độ tiếp tục chậm lại.
Kể từ năm 2018 trở đi, giá quế liên tục tăng cao đã kích thích người nông dân mở rộng diện tích trồng quế. Năm 2018, diện tích quế cả nước đạt 109.368ha, năm 2020 tăng lên 122.200ha, năm 2021 đạt 138.800ha, năm 2022 đạt 148.790ha và năm 2023 đạt 186.000ha. Trong đó, tỉnh Yên Bái chiếm 47,8% và Lào Cai chiếm 33,3%.
Đây là giai đoạn tăng trưởng nóng nhất của ngành quế và đưa Việt Nam trở thành nước có diện tích quế lớn nhất trên thế giới. Cũng trong giai đoạn này, sản lượng quế đạt 4.852 tấn vào năm 2000, tăng lên đến 21.172 tấn vào năm 2010, 44.000 tấn năm 2020, 50.000 tấn năm 2021, 53.225 tấn năm 2022 và mức cao nhất khoảng 72.000 tấn năm 2023.
Từ năm 2021, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế. Năm 2023, Việt Nam chiếm khoảng 34,4% thị phần, với các thị trường tiêu thụ chính là Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Hoa Kỳ...
Thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), năm 2023 Việt Nam xuất khẩu được 89.383 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 260,9 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và nhưng giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022. Giá bình quân xuất khẩu quế trong năm 2023 đạt 2.918 USD/tấn, giảm 22,1% so với năm ngoái.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam, chiếm 42,6% đạt 38.038 tấn, tăng 14% so với năm trước. Tiếp theo là các thị trường Hoa Kỳ chiếm 11,4% đạt 10.163 tấn, tăng 7%; Bangladesh chiếm 6,2% đạt 5.564 tấn, tăng 32,1%...
Các doanh nghiệp xuất khẩu quế hàng đầu là Prosi Thăng Long 13.839 tấn, chiếm 15,5%, giảm 8,4%; Senspices Việt Nam 5.131 tấn, chiếm 5,7%, tăng 39,0%; Gia vị Sơn Hà 4.677 tấn, chiếm 5,2%, giảm 0,7%; Olam Việt Nam 3.445 tấn, chiếm 3,9%, giảm 27,1% và Tuấn Minh 3.115 tấn, chiếm 3,5%, giảm 0,1%.
Trước năm 2018, giá quế liên tục tăng cao đã tạo điều kiện cho người nông dân mở rộng diện tích. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, giá quế giảm do nguồn cung dồi dào từ Trung Quốc và Việt Nam, dẫn tới giá xuất khẩu giảm.
Bộ NN-PTNT cùng VPSA đã liên tục khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích quế, mà cần chú trọng nâng cao chất lượng, đặc biệt là kiểm soát được nguồn nước để tránh tồn dư kim loại nặng cũng như phòng trừ bệnh sâu ăn lá.
Hoa hồi - thủ phủ Lạng Sơn
Sản lượng hồi của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc, với sản lượng hàng năm ước đạt 22.000 tấn trên diện tích trồng khoảng 55.000ha. Trong đó, Lạng Sơn chiếm 72,7% về diện tích.
Hoa hồi là loài cây có giá trị kinh tế cao, cho ra các sản phẩm đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như dược liệu, hương liệu, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ... với thị trường tiêu thụ rộng, bao gồm Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, hoa hồi chỉ có thể sinh trưởng tốt, cho năng suất cao khi được trồng ở những vùng có độ cao từ 300 - 700m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa, mát, ẩm ở như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Quảng Ninh.
Nhờ được thiên nhiên ưu đãi về đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng, hoa hồi Lạng Sơn vẫn được đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt nhất, có hàm lượng tinh dầu cao. Sản lượng hoa hồi của Lạng Sơn hàng năm thu hoạch chiếm 87,5% sản lượng cả nước.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 16.136 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 83 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 26,0%. Giá xuất khẩu bình quân đạt 6.376 USD/tấn, giảm 8% so với năm 2022.
Ấn Độ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam, lần lượt đạt 7.860 tấn và 4.116 tấn, chiếm 48,7% và 25,5% thị phần xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu hoa hồi gồm Prosi Thăng Long 2.396 tấn, chiếm 14,8% thị phần; Nedspice 1.243 tấn, chiếm 7,7% và Tuấn Minh 550 tấn, chiếm 3,4%.
Nhiều dư địa cho các cây gia vị khác
Ớt được trồng tại nhiều khu vực tại Việt Nam, với tổng diện tích khoảng 68.100ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Lạng Sơn. Sản lượng ớt khô hàng năm khoảng 100.000 tấn.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 10.173 tấn ớt, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 20 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, lượng xuất khẩu tăng 107,4%. Trung Quốc và Lào là 2 thị trường xuất khẩu chính, đạt 8.651 tấn và 1.108 tấn, lần lượt chiếm 85,0% và 10,9%.
Với gừng, nghệ, Việt Nam xuất khẩu được 34.976 tấn vào năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 49,3 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 lượng xuất khẩu tăng 222,4%.
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm Trung Quốc chiếm 29,4% đạt 10.271 tấn, tăng 437,2%; Bangladesh chiếm 18,8% đạt 6.585 tấn, tăng 100%; Ấn Độ chiếm 12,6% đạt 4.394 tấn, tăng 49,9%; Lào chiếm 8,4% đạt 2.927 tấn, tăng 2.401,7%; Hoa Kỳ chiếm 4,3% đạt 1.498 tấn, tăng 33,0%...
Bạch đậu khấu và nhục đậu khấu cũng có dư địa lớn. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 3.551 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 27,4 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu giảm 36,5%, kim ngạch giảm 15,4%.
Nedspice Việt Nam là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất đạt 1.471 tấn, chiếm 41,4%, giảm 10,1%. Tiếp theo là các doanh nghiệp Olam Việt Nam đạt 822 tấn, chiếm 23,1%, giảm 4,2%; Tuấn Minh đạt 323 tấn chiếm 9,1% và tăng 48,2% so với năm trước.
Hà Lan, Trung Quốc và Hoa Kỳ là 3 quốc gia nhập khẩu trọng điểm mặt hàng này, lần lượt đạt 923 tấn, 756 tấn và 484 tấn.
Năm 2024, dự báo thời tiết còn diễn biến phức tạp, với hiện tượng El Nino có thể kéo dài tới tháng 6. Do đó, sản lượng hồ tiêu, quế, hồi… sẽ chịu ảnh hưởng, nhất là tại các khu vực bị tác động bởi biến đổi khí hậu.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA dự báo, năm 2024 bắt đầu vào chu kỳ tăng giá trong nhiều năm của hồ tiêu (thường kéo dài 10 năm). Điều này hoàn toàn có khả năng tác động đến các cây gia vị khác, như quế, hoa hồi.