Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Quẻ Vị Tế - Chim huyền hạc – Con gà đất của tôi

Quẻ Vị Tế - Chim huyền hạc – Con gà đất của tôi

Những con gà đất lần lượt vỡ dọc theo tuổi thơ mãi để lại trong tôi một nỗi gì sâu thẳm, giống như một linh hồn…

Nhan đàm Hoàng Phủ Ngọc Tường: Quẻ Vị Tế - Chim huyền hạc – Con gà đất của tôi

lời tâm sự về Hoàng Phủ Ngọc tường

LTS: Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa qua đời ở tuổi 86 (9/9/1937-24/7/2023). Sự nghiệp sáng tác của ông không chỉ nổi tiếng với những trang bút ký, mà còn để lại ấn tượng cho công chúng ở thể loại thơ và khảo cứu. Tiếc nuối sự ra đi của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, không có hành động nào ý nghĩa bằng việc đọc lại những tác phẩm của ông. Đọc thật chậm rãi và thật nghiêm túc, chắc chắn nghe được những thanh âm tâm hồn Hoàng Phủ Ngọc Tường ngân lên qua mỗi câu chữ chắt lọc và hào hoa...

Chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số nhàn đàm đặc sắc của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trích trong tập Người Ham Chơi, Nhà xuất bản Thuận Hóa - 1998.

Quẻ vị tế

Quẻ Vị Tế

Quẻ Vị Tế (chưa qua sông) nằm ở vị thứ sau cùng, kết thúc chuỗi liên hoàn của 64 quẻ Dịch. Tôi thường đọc Vị Tế bằng nỗi xúc động thật sự như đọc một bài thơ cuộc đời; bởi nó phát đi một dự báo đầy lo âu về cuộc hành trình mà con người phải vượt qua suốt cõi nhân sinh: rằng, có một dòng sông đang ở phía trước, và đừng quên rằng anh là một người chưa qua sông.

Người đi trong Ngũ Hành, vòng đời trải qua đủ 64 thời kỳ của Dịch, trải đủ nỗi gian nguy (quẻ Truân, Khảm, Kiến…), chia lìa (quẻ Khuê, Phong...), hưởng được niềm vui (quẻ Thắng, Quy muội...): hết thời âm thịnh (quẻ Bát) đến buổi dương hồi (quẻ Phục), hết Bĩ lại Thái. Vận mệnh thịnh suy, đường thế gập ghềnh, người đi tới cuối cuộc lữ hành ngồi thở phào nhẹ nhõm ở quẻ Tế (đã qua sông; quẻ 63). Đến đây, người tưởng rằng việc đã xong, nợ đời đã trả, chỉ còn một bước nữa thôi là đi hết đường dài. Điều hoàn toàn bất ngờ của Kinh Dịch, ở cái bước sau cùng ấy lại chính là quẻ Vị Tế: Một dòng sông khác lại hiện ra trước mặt, và con người phải tiếp tục cất bước, khởi đầu trở lại cuộc hành trình. Ðúng như thế, Vị Tế là một thông điệp vĩnh hằng về phận người: “Hỡi người, người sinh ra không phải để yên nghỉ mà lên đường, lên đường bằng tất cả lo âu của kẻ vượt sông”.

Tôi còn nhớ trong một thiên tùy bút tuyệt vời, Thanh Tịnh đã tả lại nỗi ám ảnh sâu sắc của ông về tiếng gọi đò: Nhà ở bên bến đò chợ Dinh, nhà văn nằm gối tay theo dõi tiếng gọi đò bạt gió, biết chừng đâu có người con không kịp mang thuốc về cho mẹ ốm nặng, biết chừng đâu có người yêu đã lỡ hẹn để xảy ra cuộc chia lìa... Người bộ hành cứ tưởng hắn đang qua sông một mình, không biết rằng vẫn có một người mất ngủ, lòng với theo từng chuyến đò đêm mưa, nỗi lo sông nước, đò giang nặng trĩu trên từng bước chân người xưa suốt dọc đường đời. Bên bờ phá Tam Giang có bến đò Ca Cút, bờ xa sóng lượn nổi danh về tiếng gọi đò vô vọng. Truyền thuyết kể rằng có một người tình lỡ hẹn vì không có đò, cứ gọi mãi đến vỡ cổ, chết hóa thành con chim Ca Cút kêu đò khắp bốn phương trời:

“Ơi đò Ca Cút, cho qua một chút!”

Kinh nghiệm gay gắt của thực hữu dồn nén trong nỗi hàm quẻ Ký Tế đứng ngay trước Vị Tế, cảnh giác con người bằng nỗi lo âu về cuộc hành trình làm người còn đang tiếp nối. Chính vì thế, khi làm thầy dạy vua Lê Thánh Tôn, Nguyễn Mộng Tuân khuyên vua trong bài thơ “Dân như thủy”:

Người làm vua hãy thấy mình như đứng bên vực thẳm

Qua sông rồi, phải nhớ lại nỗi lo lúc chưa qua…

(Quân tâm khả cảm uyên biên ngộ

Ký Tế hồi Vị Tế ưu).

Hoàng Phủ Ngọc Tường: quẻ vị tế-chim huyền hạc-Con gà đất của tôi
Hoàng Phủ Ngọc Tường: quẻ vị tế-chim huyền hạc-Con gà đất của tôi

Người Trung Hoa bảo rằng vua Phục Hy đã phỏng theo bức hình đồ trên lưng con long mã ở sông Hoàng Hà vạch ra tám quẻ Dịch cơ bản. Có lẽ quẻ Vị Tế kết đọng nỗi ám ảnh sông Hoàng Hà, con sông mẹ của văn hóa phương Bắc, cuồn cuộn, dữ dội, đã một lần hiện bóng trong thơ Lý Bạch: “Sông Hoàng Hà ngọn nước tự lưng trời”… (Quân bất kiến: Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai...).

Điều lạ lùng đối với tôi, là hình như nhiều dòng triết học về con người đều tụ nơi quẻ Vị Tế của Kinh Dịch. Trước hết là Khổng Tử, câu nói kinh điển của ông: “Mến người có nhân là dân, nhưng chở thuyền và làm lật thuyền cũng là dân” là tư tưởng chính trị căn bản nhất triển khai từ bài học của quẻ Vị Tế.

Phật dạy con người phải chèo, chèo mãi vì giác ngạn hãy còn xa: gatê, gatê Paragatê, parasamgatê, buddhi svaha! (đi qua bờ bên kia, giác ngộ, reo vui!). Văn hóa dân gian Việt Nam có điệu múa Bả Trạo (chèo thuyền) để đưa linh hồn vượt dòng sông cuối cùng sang thế giới khác, và như vậy quẻ Ký Tế đích thực chỉ chờ con người ở bên kia dòng sông đó. Còn nỗi lo âu (angoisse) thường trực trước hiện hữu là hạt nhân của triết học hiện sinh, đặc biệt với S.Kierkegaard và J.P.Sartre, chắc nhiều người biết.

Hoàng Phủ Ngọc Tường: quẻ vị tế-chim huyền hạc-Con gà đất của tôi

Nên chi, trong cuộc dấn thân giữa cõi đời, dù đường dài chỉ còn một bước nữa thôi, con người không được quên lời dạy minh triết của quẻ Vị Tế, rằng đời người vẫn còn đầy những bất trắc khôn lường, phải biết nghiêm cẩn giữ mình, đừng bao giờ tự buông thả trong ảo tưởng về một cuộc “hạ cánh an toàn”. Sự thâm thúy của Kinh Dịch hàm chứa trong chính ký hiệu sau cùng của nó là trên lửa - dưới nước (quẻ Ly/quẻ Khảm). Hèn chi, đến bậc Thánh đã san định Kinh Dịch như Khổng Tử mà vẫn hằng run sợ: “Cho ta sống thêm ít năm nữa. Để học Kinh Dịch, hầu không mắc lầm lỗi lớn”.

Hoàng Phủ Ngọc Tường: quẻ vị tế-chim huyền hạc-Con gà đất của tôi

Chim huyền hạc

Chim Huyền hạc

Các cụ xưa thường tặng nhau trên hoành phi ba chữ “Tri sở chi” (Biết chỗ dừng); ngụ ý khuyên bảo hoàn thiện nhân cách để dừng lại ở chỗ chí thiện (Chỉ ư Chí Thiện).

Chu Hy, hiền triết đời Tống, đã dùng hình tượng chim hoàng điểu để giảng ý niệm về “chỗ dừng”, nói rằng - Chim hoàng điểu bay qua bay lại - Đậu nơi gò đống (Giao giao hoàng điểu - Chi vu kỳ ngung).

Hoàng điểu là con chim nhỏ bay xập xòe ngoài đồng để kiếm mồi; Kinh Thi nói rằng hoàng điểu đậu trên cây gai, đậu trên cây dâu, đậu trên cây sở... Chu Hy khen chim hoàng điểu “biết đậu đúng chỗ của mình” và láy lại rằng: “Huống nữa con người lại không bằng chim hay sao”. Chỗ đậu mà con người phải đạt tới, chính là chí thiện vậy.

Ấy, các bậc tiên nho đều dùng chim hoàng điểu làm biểu tượng cho đức tính "tri sở chi”, để học theo nó.

Nhưng Cao Bá Quát thì khác.

Thơ Cao Bá Quát nói nhiều về loại chim. Tựu trung có con chim hồng chí lớn tung trời, bay cao tận mây xanh; chim phượng cốt cách thanh quí, đói chỉ ăn quả trúc; con hạc nội thảnh thơi bên ngoài bụi hồng... Chúng ta đều biết, thời và mệnh của Cao Bá Quát mang những yếu tố đối kháng với những khát vọng cao lớn của tâm hồn ông; vâng, cái thời ấy, cái mệnh ấy mà ông đã mô tả bằng sự im lặng bất cần đời:

Nhãn khan cao điểu độc phàn lung

Tự ý thằng sáng bất ngữ trung

(Mắt nhìn những con chim có sức bay cao mà bị nhốt trong lồng - Một mình trên võng lẳng lặng không nói...).

Hoàng Phủ Ngọc Tường: Quẻ Vị Tế - Chim huyền hạc - Con gà đất của tôi

Cao Bá Quát đã xác định như thế để khỏi ảo tưởng về thời ông đang sống, thời đất nước ảm đạm kéo dài dưới vương triều Tự Đức, thời ấy “chim hạc ốm, chim hồng đau, và niềm hy vọng đã chững lại” (Bệnh hạc thương hồng vọng dĩ cô).

Chính vì thế, làm gì có chuyện chim hoàng điểu bay về đậu ở nơi Chí Thiện như Chu Hy nói; hoàng điểu chẳng qua là con chim bay lượn kiếm ăn nơi gò đống.

Lúc này, trong thơ Cao Bá Quát hiện bóng một con chim lạ: chim hạc đen. Theo truyền thuyết, chim hạc sống hai nghìn năm thì lông thành màu xanh, sống thêm một nghìn năm nữa thì lông thành đen, gọi là huyền hạc. Ông nói:

Quân bất kiến hồng hộc cao phi thanh vân thượng.

Huyền hạc độc túc thanh sơn hạng.

Hoàng điểu hoàng điểu quy thực trường...

(Há chẳng thấy: chim hồng hộc bay tít tận mây xanh.

Chim huyền hạc ngủ đêm một mình bên sườn núi.

Chim hoàng điểu về chỗ kiếm ăn).

Thuở vào đời, Cao Bá Quát đã từng nuôi một giấc mơ hùng tráng lạ thường, trèo lên đỉnh núi cao hát một bài ca vang dậy cả mây nước. Hiển nhiên là giấc mơ đã không thực hiện được. “Hẹn thế mà được đâu - Phàm sự đều như vậy”.

Giấc mơ đầy hùng tâm tráng chí đó rốt cuộc đã vỡ ra thành vị đắng của hiện hữu vướng vất trong văn chương Cao Bá Quát.

Có lẽ trong những năm làm ông thầy đồ dạy trẻ ở núi rừng Sơn Tây, Cao Bá Quát đã nhìn thấy hình ảnh của ba con chim nói trên hiện ra trong tầm mắt. Và nếu Cao Bá Quát đã không làm được con chim hồng bay cao chín tầng mây, thì ông cũng không bao giờ là con hoàng điểu kiếm ăn bên cây gai, bên cây dâu…

Có một con huyền hạc, thân xác rỗng không như khí trời, tâm linh tràn đầy ánh sáng, đêm đêm qua giấc ngủ của ông.

Hoàng Phủ Ngọc Tường: quẻ vị tế-chim huyền hạc-Con gà đất của tôi

Con gà đất của tôi

Hoàng Phủ Ngọc Tường: quẻ vị tế-chim huyền hạc-Con gà đất của tôi

Ở Huế có một cái chợ rất lạ, mỗi năm chỉ đông trong ba ngày Tết, sau đó thì dẹp tiệm. Đó là chợ Gia Lạc, do ông Hoàng Định Viễn (con vua Gia Long) lập nên, lúc đầu chỉ nhằm làm nơi mua bán vui chơi cho các vương gia tôn nữ thuộc các Phủ vùng Vỹ Dạ, sau lan rộng thành chợ dân gian. Đây là một chợ phiên ngày Tết rất nổi tiếng ở Huế, tôi có ý định sẽ quay lại giới thiệu vào dịp khác. Chợ nào cũng là của người lớn; nhưng trong tâm thức tôi, Gia Lạc là chợ của trẻ con, ở đó tôi có thể thấy bao nhiêu đồ chơi dân dã cho tuổi thơ ngày xưa.

Có loại đồ chơi nho nhỏ, những con cá, những con chim, nhiều loại hoa trái, có cả ông Trạng cưỡi ngựa bạch, bà Trưng cưỡi voi… tất cả đều làm bằng bột sắn sặc sỡ đủ màu. Chúng tôi rất thích các món đồ bột này, về bày cỗ cúng tế, và sau đó đem… nướng ăn, ngon làm sao! Loại thứ hai lớn hơn, nặn bằng đất sét tô màu, gồm những cầm thú như voi, cọp, ngựa, trâu, gà, tu huýt, vân vân…, tất nhiên có cả con heo mập ú dùng để bỏ xu, hào suốt năm. Loại thứ 3 làm bằng tre và giấy ngũ sắc, có các thứ chong chóng, trống lùng tung, con ve ve, con nhảy vọt… Tuổi thơ của tôi chỉ quanh quẩn với bấy nhiêu thứ đồ chơi ấy, nhưng không bao giờ chán, và suốt đời không quên nổi.

Hoàng Phủ Ngọc Tường: quẻ vị tế-chim huyền hạc-Con gà đất của tôi

Trong các món đồ chơi, tôi say mê nhất là con gà đất: Một chú trống đẹp mã, oai vệ, với chiếc kèn lá tơi cài vào ức để tạo ra tiếng gáy. Đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm nhận được niềm vui kỳ diệu ấy tái sinh trong tâm hồn, khi nhớ lại buổi sáng sớm, tôi mang con gà ra đứng trước thềm, ấp nó giữa lòng bàn tay, dồn hơi đầy ngực, ngửa mặt lên trời và gập người dần dần lúc hạ giọng, giống y như dáng điệu con gà lúc gáy. Còn gì vui hơn với một đứa bé, khi nó được hóa thân thành con gà trống để dõng dạc cất lên điệu nhạc sớm mai: “Ó… ò…o”! Bao giờ tôi cũng thử rất lâu để chọn được một con gà đất có giọng trầm; biết cách bụm hai bàn tay để điều khiển giọng gáy thật sinh động, giống như người nghệ sĩ thổi kèn đồng.

Bây giờ tôi hiểu ra, những đồ chơi trẻ con thời ấy rất hấp dẫn bởi tính mong manh của chúng. Chiếc trống lùng tung bị thủng trong chốc lát, con ve bị đứt dây, con gà đất rồi cũng vỡ trên tay đứa bé. Vâng, thử tưởng tượng một quả bong bóng không bao giờ vỡ, không thể bay mất, nó cứ còn mãi như một vật lì lợm… Ôi, nếu thế thì còn đâu là quả bong bóng bay? Đồ chơi trẻ con, đó là nỗi vui mừng khi có được trong tay, và còn là nỗi tiếc nuối khi bỗng dưng bị mất nó. Những con gà đất lần lượt vỡ dọc theo tuổi thơ mãi để lại trong tôi một nỗi gì sâu thẳm, giống như một linh hồn.

Hoàng Phủ Ngọc Tường: quẻ vị tế-chim huyền hạc-Con gà đất của tôi

Suốt mười năm sau chiến tranh, Tết nào tôi cũng trở lại chợ Gia Lạc tìm con gà đất cho hai bé của tôi. Nhưng tôi không bao giờ tìm thấy. Tuổi nhỏ cùng thời của chúng đã lần lượt chơi đùa với những gươm súng bằng nhựa, xe tăng bằng sắt, và bây giờ là trò chơi điện tử với những cuộc săn đuổi và tiêu diệt lẫn nhau. Cũng thật say mê hấp dẫn, nhưng liệu những đồ chơi kia sẽ nuôi nấng được chút gì cho tâm hồn trẻ thơ của chúng? Tôi không chống lại sự phát triển kỹ thuật hiện đại, cả trong đồ chơi trẻ con. Tôi chỉ thương cho những con tôi, tuổi thơ qua đi không hề biết tới những đồ chơi dân gian kia, vốn dĩ chất phác thôi, nhưng đã truyền cho tôi hơi thở sâu dày ngàn vạn năm của điều mà ta gọi là “văn hóa dân tộc”.

Hôm nọ, đêm khuya tôi nằm nghe tiếng kèn saxo của Trần Vĩnh từ hải ngoại gửi về cho, chơi toàn những bài hát xưa. Tự nhiên tôi quặn lòng, tưởng nghe lại tiếng gà đất đang gáy từ một cõi trời nào xa hút.

Xem thêm các tin liên quan về Hoàng Phủ Ngọc Tường:

Đại học chi đạo - Thầy Đào Duy Từ - Chim Nhạn và cây thông

Chốn 'Đào Nguyên' của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trọng Tạo

Nhàn đàm đặc sắc Hoàng Phủ Ngọc Tường

.

Tin khác

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/05/2024
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 12/04/2024
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/04/2024
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 08/04/2024
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 31/03/2024
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Hà Giang hút khách

Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 24/03/2024
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/03/2024
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/03/2024