Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.
Ai về thẳng tới Năm Căn,
Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu.
Mắm nêm, chuối chát, khế, rau,
Tôm càng Đại Ngãi, cặp vào khó quên! (Ca dao)
Tôi đến Sóc Trăng lần đầu tiên vào cuối năm 1974 để nghiên cứu giống dưa hấu Sugar Baby, vùng đất giồng Sài Ca Nã (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên). Đây là quê hương bạn Diệp Kỉnh Tần, Trầm Chài Pố. Thời sinh viên trong trắng, bạn bè quý nhau lắm. Tôi nhớ bốn anh em bạn về Sóc Trăng bằng xe đò từ cư xá sinh viên Sài Gòn. Đến nhà vào lúc nửa đêm. Mẹ anh Tần lúi húi nấu cơm “giống lúa Ba Thiệt”, gạo chà còn lứt, ăn rất đậm đà. Cơm được nấu trong nồi đồng (bây giờ hiếm rồi). Món ăn chỉ có mắm bò hóc (mắm chưng với trứng vịt) và bắp cải trắng, nguyên lá còn tươi, thêm mấy trái ớt hiểm. Ngon vô cùng ở cái tuổi 21, với sức ăn cả nồi cơm lớn.
Gặp cơm Ba Thắc thơm ngon,
Chan nước mắm Hòn, ăn chẳng muốn thôi. (Ca dao)
Sóc Trăng có diện tích khoảng 330 ngàn ha. Tỉnh Sóc Trăng nằm ở hạ nguồn của sông Hậu (sông Ba Thắc). Nơi đây có cửa biển Định An và Trần Đề thuộc những cửa sông chủ lực của đất Chín Rồng. Dân số 1,2 triệu người (thống kê 2019). Dân tộc Kinh chiếm 64,8%; dân tộc Khmer chiếm 29,2%; dân tộc Hoa chiếm 5,9%.
Địa danh Sóc Trăng do từ “Srok Kh'leang” mà ra. Srok có nghĩa là “xứ, cõi”. Kh'leang có nghĩa là “kho, vựa, chỗ chứa bạc”. Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Người Việt đọc là “Sốc Kha Lang” rồi thành “Sóc Trăng” lúc nào không biết. Vua Minh Mạng đã đặt tên Sóc Trăng là Nguyệt Giang (Sông Trăng).
“Đại Nam nhất thống chí” viết về sông Ba Xuyên như sau: “Sông Ba Xuyên ở phía Nam hạ lưu sông Hậu Giang, cách huyện Vĩnh Định 8 dặm về phía Bắc, trước là sông Ba Thắc, rộng 15 trượng sâu 8 thước, đi về phía Nam 15 dặm, đổ ra cửa biển Ba Xuyên, đi về phía Tây 60 dặm đến trường Tàu, tức là chỗ tàu biển đỗ. Ở đây, người Trung Quốc và người Cao Miên ở lẫn lộn, chợ phố liên tiếp, lại 65 dặm đến ngã ba sông Nguyệt, tục gọi là Sóc Trăng... Năm Kỷ Dậu (1789) hồi đầu thời trung hưng đặt bảo Trấn Di ở phía Bắc sông Ba Thắc, tức sông này”.
Sóc Trăng tiền thân là vùng đất Ba Thắc thuộc dinh Vĩnh Trấn, phủ Gia Định của Đàng Trong (thế kỷ 18). Ba Thắc sau đó trở thành phủ Ba Xuyên thuộc tỉnh An Giang. Do vậy, có giống heo bản địa mang tên Ba Xuyên, lừng danh một thời.
Sơn Nam viết trong “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” như sau: “Vùng Ba Thắc (Sóc Trăng, Kế Sách), Vua Gia Long khi còn ở đất Gia Định thì cho người Miên (người Khmer) ở địa phương lập đồn điền mỗi năm nạp lúa sưu thuế. Năm 1792, Nặc Ấn ở Xiêm về, vua đem đất ấy cho lại; năm 1835, các quan lại người Miên ở địa phương yêu cầu ta giúp đỡ, vua Minh Mạng cho người Miên hưởng chế độ tự trị rộng rãi với quan phủ coi việc nội an, mãi đến khi người Pháp đánh nước ta, quan phủ vẫn là người Miên”.
Người Pháp đổi phủ Ba Xuyên thành Hạt Ba Xuyên. Tới năm 1867, Ba Xuyên là Hạt thanh tra Sóc Trăng, gồm 11 tổng, do Bertaux Levillain làm Chủ hạt đầu tiên. Năm 1900, tỉnh Sóc Trăng có tên trên bản đồ Đông Dương. Tỉnh lỵ Sóc Trăng đặt tại Khánh Hưng. Chủ tỉnh đầu tiên là Gustave H. Delanoue (1900 - 1901).
Năm 1956, Việt Nam Cộng Hòa hợp nhất Sóc Trăng và Bạc Liêu thành tỉnh Ba Xuyên. Tỉnh lỵ đặt tại Sóc Trăng (lúc này vẫn còn tên Khánh Hưng). Năm 1964, tỉnh Bạc Liêu được tách ra riêng.
Năm 1976, tỉnh Hậu Giang hợp nhất ba tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ và Chương Thiện.
Năm 1991, tỉnh Sóc Trăng được công nhận là một đơn vị hành chính thuộc trung ương cho đến nay. Tỉnh bao gồm thành phố Sóc Trăng, huyện Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Vĩnh Châu, Cù Lao Dung. Tôi đã đến công tác nhiều nhất ở Vĩnh Châu và Mỹ Xuyên.
Nông nghiệp: Đất nông nghiệp chiếm chiếm 82,89% diện tích đất tự nhiên. Diện tích đất trồng trọt, chăn nuôi chiếm 62,13%, đất rừng 11.356 ha chiếm 3,43%, đất nuôi trồng thủy sản 54.373 ha chiếm 16,42%, còn lại là đất làm muối chiếm 0,97%. Cây lúa có vị trí quan trọng làm nên thương hiệu gạo Sóc Trăng trên thương trường quốc tế. Sản lượng lúa cả năm đạt 2,13 triệu tấn.
Sài Gòn chà gạo lứt,
Bến Lức chà gạo vàng,
Sóc Trăng chà gạo lộn trấu càng.
“Thương em ăn nói dịu dàng,
Không vì em bịt răng vàng mà thương”. (Ca dao)
Sóc Trăng nằm trên ven bờ biển lớn. Do vậy, kinh tế biển được xác định là chiến lược phát triển ưu tiên. Khu công nghiệp và cảng cá Trần Đề được đầu tư trọng điểm.
Sóc Trăng ở ven sông Hậu, đông nam giáp với biển Đông. Nơi đây dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, bởi khô hạn và xâm nhập mặn cực đoan. Người xưa cám cảnh “họa vô đơn chí” như sau:
Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn,
Tôi ra Vàm Tấn, chở nước về xài.
Về nhà, sau trước không ai,
Hỏi ra, em đã theo trai mất rồi. (Ca dao)
Vàm Tấn là tên đầu tiên của Đại Ngãi. Nó còn có tên khác là Vàm Ba (cửa sông Ba Xuyên). Ngày xưa, Vàm Tấn là nơi sinh sống duy nhất của loài “Cá Cháy”, cá nước ngọt có thịt rất thơm ngon, hầu như tuyệt chủng. Cư dân ở đây kể lại: thịt cá cháy rất đắt tiền, chỉ dành riêng cho bậc quyền quý. Cá cháy có buồng trứng khá đặc biệt, trứng to. Tên khoa học của nó là Tenualosa thibaudeaui, họ Cá Trích Clupeidae. Loài cá cháy có đuôi dài thuộc Tenualosa macrura.
Diện tích đất trồng cây hàng năm là 208.882 ha. Đất trồng lúa là 188.067 ha, trồng được 2 vụ. Diện tích đất trồng cây lâu năm là 21.257 ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 10.737 ha. Ban đêm xe chạy ngang qua Mỹ Xuyên về Bạc Liêu, chúng tôi thấy đèn điện sáng trưng. Từ những vuông tôm, ánh đèn hắt lên trời thành những quầng sáng. Quê mình đang tiếp cận với nuôi tôm công nghiệp, làm rạng danh thủy sản đồng bằng. Khác với cái nghèo thời xưa:
Câu tôm không đủ kho khô,
Tiền đâu mà lấy mấy cô răng vàng. (Ca dao)
Quê hương nhà nông học Lương Định Của.
Long Phú đầu tiên có tên là Bang Long; tên của một làng thuộc tổng Định Mỹ. Thời Pháp thuộc, nó được nâng lên thành quận Bang Long. Sau đó người ta tiến hành hợp nhất Bang Long và Phú Đức thành quận Long Phú, bao gồm 3 tổng: Định Chí, Định Mỹ và Định Phước. Thị trấn Đại Ngãi là trung tâm của huyện Long Phú ngày nay.
Cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối Trà Vinh và Sóc Trăng đang được xúc tiến khởi công. Tổng công trình dài hơn 15 km. Phần cầu dài gần 3,5 km. Cầu Đại Ngãi 1 (dây văng) dài 2,56 km, vượt qua luồng Định An đến cù lao Dung. Cầu Đại Ngãi 2 (bê tông, dài 0,86 km) vượt luồng Trần Đề.
Ngày mai sẽ thổi cơn gió riêng của nó (tục ngữ Nhật).
Lương Định Của là người Thầy đáng kính của thế hệ chúng tôi. Ông sinh ngày 16 tháng 8 năm 1920, tại Đại Ngãi, Long Phú. Sau khi tốt nghiệp Tú Tài ở Sài Gòn, ông sang Hồng Kông thi vào Đại học Y khoa (năm 1937). Học xong năm thứ 3, ông sang Thượng Hải theo học ngành Kinh tế. Năm 1940, trường bị đóng cửa do chiến tranh. Ông sang Nhật học Đại học Quốc gia Kyushu, ngành Sinh vật học. Năm 1946, ông sang ĐH Kyoto làm luận án Tiến sĩ di truyền nông nghiệp. Ông bảo vệ xuất sắc luận án với đề tài “Xử lý đa bội thể nhằm tạo giống lúa mới” (1951). Tôi có dịp đọc công trình này của Thầy khi thực tập nghiên cứu sinh ở Ấn Độ năm 1986-1987, trong thư viện của Viện Lúa Cuttack. Tôi đọc được những bức thư của sinh viên Mỹ trao đổi với Thầy về thao tác xử lý colchicine và những đột phá khi lai giữa indica và japonica. Ông là người nước ngoài trẻ nhất (31 tuổi), và người nước ngoài đầu tiên được cấp học vị Tiến sĩ Di Truyền tế bào học (Cytogenetics) tại Nhật Bản vào thời ấy. Ông còn nhận được bằng khen của Viện nghiên cứu Sinh học Kihata về công trình “di truyền tứ bội hóa” cây lúa. Ở Malaysia, người ta ứng dụng đột phá giữa cặp lai indica x japonica nhờ tứ bội hóa, làm ra giống Mahsuri hết sức thành công. Trước đó, điều này gần như không thể, vì khả năng tiếp hợp di truyền giữa japonica và indica rất kém.
Sau khi chiến tranh kết thúc (1945); cô Nakamura Nobuko 23 tuổi, đã gật đầu đồng ý cưới anh sinh viên Lương Định Của ở Fukuoka. Bà Nobuko là sinh viên Đại học Nữ công. Sau đó, hai ông bà cùng làm việc tại Viện thực nghiệm của Đại học Kyushu. Tháng 9/1945, Lương Định Của sung sướng báo tin với vợ “Nobuko ơi! đất nước anh đã được độc lập rồi”. Bà Nobuko kể lại rằng: “Từ ngày ấy, cơn gió thổi từ Hà Nội đã len vào tổ ấm nhỏ của đôi vợ chồng trẻ, theo chúng tôi từ Fukuoka đến Kyoto, Tokyo. Ông Của từ chối các cơ hội đi làm nghiên cứu ở Mỹ, làm việc cho Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI). Ông tìm cách về nước, làm cái gì đó đóng góp cho quê hương”. Ở Việt Nam, người ta thường nói “sau con mưa trời lại sáng”. Cùng ý nghĩa như vậy, người Nhật nói “ngày mai sẽ thổi cơn gió riêng của nó”. Bà Nobuko đã tự nguyện theo chồng về Việt Nam vì cơn gió định mệnh ấy, với hai con trai còn nhỏ, để lại đằng sau vinh hoa phú quý. Hai ông bà sau này sinh thêm hai con gái nữa. Bà làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách bản tin tiếng Nhật.
Năm 1952, ông đưa cả gia đình vào Sài Gòn. Thoạt tiên, ông làm việc tại Viện Khảo cứu nông nghiệp, trước khi cả nhà tập kết ra Bắc vào năm 1954. Thầy mất do nhồi máu cơ tim vào ngày 28-12-1975, ở tuổi 55, với biết bao ấp ủ về một Viện nghiên cứu nông nghiệp tầm cỡ cho đồng bằng sông Cửu Long. Thầy đã lặn lội đến nông trường Cờ Đỏ, để tìm kiếm địa điểm xây dựng Viện (theo lời kể của anh Nguyễn Thanh Trung, thư ký của Thầy Của).
Giáo sư Lương Định Của là người có công lớn trong đào tạo nhiều thế hệ học trò. Một số đã trở thành những cán bộ đầu đàn trong khoa học nông nghiệp. Giáo sư là tác giả của công trình lai tạo thành công giống Nông nghiệp 1 (lúa “Ba Thắc” ở miền Nam lai với lúa Nhật “Bunko”). Nó trở thành nguồn vật liệu bố mẹ sau này cho chương trình lai lúa. Ông còn làm ra giống mùa muộn Saisubao, giống lúa Chiêm 314, giống NN75-1, chọn cá thể ưu việt từ dòng NN8-388 (IR8). Các giống cây trồng khác như: dưa hấu không hạt, dưa lê, khoai lang, rau muống, đu đủ, cũng có bàn tay của Thầy.
Giáo sư Lương Định Của đã đề xuất mô hình canh tác “bờ vùng, bờ thửa”, “cấy nông tay thẳng hàng”, “đảm bảo mật độ”. Kết quả lan rộng, tạo nên một cuộc cách mạng thật sự trong nông nghiệp đồng bằng sông Hồng. Ông là nhà nghiên cứu di truyền suốt đời lặng lẽ. Ông không tranh cãi lý thuyết giữa di truyền Mendel và trường phái Trofim Denisovich Lysenko. Có lẽ đó là bản tính của người miền Nam. Làm việc đi, thay vì tranh luận. Lương Định Của đã từng công tác ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm, Hải Dương. Nhiều trường học mang tên người. Có Giải thưởng Lương Định Của cho nhà nông trẻ xuất sắc, vượt rào cản số phận, quyết tâm lập thân, lập nghiệp.
Tượng đài Giáo sư Lương Định Của được đặt trang trọng tại quê hương Sóc Trăng vào năm 2020. Tấm gương học tập và nghiên cứu di truyền của nhà khoa học lớn đã là tượng đài của thế hệ chúng tôi gần 50 năm rồi. Tôi đã biết tên Lương Định Của khi còn là sinh viên Sài Gòn vào năm 1971. Thỉnh thoảng Thầy Tôn Thất Trình lúc giảng bài, đã nhắc đến tên “Ông Của”.
Bà Nobuko đáng kính đã quyết định ở lại Việt Nam, với câu trả lời rất đơn giản: “Thuyền theo lái”. Bà đã về trời theo bác Của vào ngày 10 tháng 5 năm 2022 (thọ 100 tuổi).
Bên nhau chua ngọt đã từng,
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.
Ở đời nhân nghĩa làm đầu.
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền. (Thơ Bùi Giáng)
Huyện Cù Lao Dung có 8 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Cù Lao Dung là thủ phủ trồng mía cao sản của cả nước, năng suất trung bình hơn 100 tấn mía cây/ha. Nhiều năm, người trồng mía ở huyện Cù Lao Dung thật sự nếm “trái đắng” khi tiền bán mía không đủ để bù đắp chi phí đầu tư. Nông dân rất muốn chuyển đổi cây mía sang cây trồng khác kinh tế hơn. Vào thời hoàng kim, diện tích mía ở Cù Lao Dung lên đến 15.000 ha/diện tích đất tự nhiên 23.000 ha. Nay diện tích mía xứ cù lao chỉ còn khoảng 3.000 ha.
Cù Lao Dung từ bờ Long Phú nhìn sang, giống như một tấm thảm xanh trải dài đến tận cửa biển Định An và Trần Đề. Địa danh này có nhiều tên gọi như Huỳnh Dung Châu, Hổ Châu, Kắc Tung, Cù Lao Vuông, Cù Lao Chằng Bè. Có địa danh rạch Long Ẩn, bởi vì Nguyễn Ánh đã lợi dụng hệ kênh rạch chằng chịt để trốn sự đuổi bắt của quân Tây Sơn.
Cù lao Dung hôm nay có vườn cây ăn trái bốn mùa (An Thạnh Nhứt, An Thạnh Tây), nhiều vuông tôm được đầu tư bài bản. Cánh rừng bần che chắn sóng gió, tạo nét đẹp riêng cho đất cù lao. Đặc sản cù lao là giống xoài mới được du nhập về trồng khoảng chục năm qua. Xa xa, hàng dừa xõa tóc nghiêng ngả trước gió biển Đông, làm điểm nhấn cho cánh đồng mía xanh mượt đang lượn sóng nhấp nhô, đến tận chân trời.
Rừng bần ngập nước có khoảng 1.500 ha ở cuối xã An Thạnh Nam. Đây là rừng bần rộng lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Rừng nguyên sinh, cảnh vật hoang sơ. Bầy khỉ treo mình đong đưa trên ngọn bần chót vót. Khu rừng còn có dơi, cò, chim hoang dã hàng ngàn con. Nhiều tổ ong rừng trên cây bần già, hái ra tiền của cho cư dân cù lao. Vào đêm “ba khía hội”, không biết bao nhiêu con ba khía từ các nơi tập trung về bu kín rễ, thân cây bần, chiếm hết một đoạn ven sông.
Đừng lo cưới vợ miệt đồng,
Ba khía, cơm nguội, ăn ròng cả năm. (Ca dao)
Nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ cây bần như: canh chua cá ngát, cá bông lau, cá tra nấu với trái bần chín. Trái bần sống ăn với mắm sống hoặc làm gỏi. Nhiều ca dao xứ này nói về cây bần, về cái nghèo của đôi vợ chồng nông dân trước thách thức của dòng đời:
Bần gie, bần ngã, bần quỳ,
Vợ chồng chịu cảnh chia ly rất buồn.
Cây bần soi bóng ghe nghèo,
Qua sông gặp gió em chèo cùng anh.
Neo ghe vô dựa gốc bần,
Em thương nói vậy, biết gần đặng không.
BÙI CHÍ BỬU, biên soạn từ tư liệu công tác nhiều năm
(Còn nữa)
Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.
‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.
Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.
‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu hai cuốn sách mới viết về đời sống văn hóa, với công chúng đô thị phương Nam sáng 26/10.
Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.
Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.
Vẻ đẹp phụ nữ Việt không chỉ được nhắc đến trong những dịp nhộn nhịp như Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mà luôn giống như điểm tựa cảm xúc thi ca bất tận.
Lão thi sĩ Trần Duy Hiển ngoài tuổi tám mươi vẫn chứng minh sức nghĩ và sức viết chưa mệt mỏi, với tập thơ ‘Ai cũng có ngày xưa’ vừa ra mắt công chúng.
Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng được tác giả đang công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng phục dựng bằng các tư liệu lịch sử ít được phổ biến.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Di truyền Nông nghiệp, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của GS.TSKH Phan Phải.
Gã trai xứ Nghệ với bút danh Đinh Nho Tuấn trong tập thơ ‘Năm ngón chưa đặt tên’ đã bày tỏ 'dành cho lúa những lời thứ nhất, dành cho lúa những lời sau cùng’.