| Hotline: 0983.970.780

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Sóc Trăng - Kỳ tích và huyền thoại (tiếp theo và hết)

Sóc Trăng - Kỳ tích và huyền thoại (tiếp theo và hết)

Sóc Trăng đang mở cánh cửa ngày mới. Vùng đất huyền thoại Sông Trăng của bán đảo Cà Mau hôm nay thay đổi với giống gạo ngon nổi tiếng và điệu hát Yike đậm đà.

 
 

Giả đò buôn hẹ, bán hành,

Vô ra chợ Cống thăm anh kẻo buồn. (Ca dao)

Bài liên quan

Thời nhà Nguyễn, làng Vĩnh Châu thuộc tổng Thạnh Hưng, tỉnh Bạc Liêu. Năm 1976, Vĩnh Châu là đơn vị hành chính cấp huyện. Năm 2011, Thị xã Vĩnh Châu được thành lập cho đến nay. Năm 1990, chúng tôi đến đây vì cây hành tím. Vĩnh Châu có diện tích sản xuất hành tím lớn nhất nước.

Giống “hành tím” Vĩnh Châu (Allium ascalonicum) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00075. Cây hành tím được trồng từ rất sớm và người dân thường gọi là “hành Tàu”. Hành tím Vĩnh Châu còn được gọi là “củ hành đỏ”. Vỏ củ mượt, giòn, mùi cay nồng nhưng không hắc. Hàm lượng đường trong củ 7,5%. Diện tích trồng hành tím của Sóc Trăng 6.500 ha.

Từ năm 2018 tỉnh đã sản xuất khoảng 1.000 ha hành tím theo hướng nông nghiệp hữu cơ và diện tích sản xuất hướng hữu cơ, GAP ngày một tăng. Thị xã quy hoạch 1.500 ha làm hành giống. Giá hành tím ổn định trong khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Năm 2021, khủng hoảng vì Covid, hành tím Vĩnh Châu tồn đọng giống như khoai lang Bình Tân, Vĩnh Long. Sản lượng tồn đọng khoảng 50 ngàn tấn. Thị trường nông sản là vậy, nhưng món dưa hành ở đây vẫn luôn nồng thơm trong bữa cơm của cư dân.

 

Gỏi bồn bồn chấm kho quẹt bữa cơm,

Dưa hành tím nồng thơm không phai nhạt. (Đoàn Thái Châu, Sóc Trăng một khúc tình quê)

Vĩnh Châu có những di tích lịch sử như Mộ Hoàng Cô, Giếng Ngự của thời Nguyễn Ánh. Có khu di tích chiến thắng Xẻo Me. Có cửa sông Mỹ Thanh đón đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về ngày 23/9/1945. Cụ Tôn Đức Thắng đã vào đất liền trong đợt ấy. Vĩnh Châu có hơn 50 ngôi cổ tự theo kiến trúc người Hoa, người Khmer, khá ấn tượng với nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc.

Bờ biển tại ấp Huỳnh Kỳ, được gọi là Hồ Bể, có bờ cát trắng mịn màng, mềm mại, trải dài gần 10 cây số. “Mộ Cá Ông” tại chùa Khmer Sala PhoThi, Phường 2, luôn thu hút khách du lịch.

 

Sóc Trăng nước mặn đồng bằng,

Dân lành lúa tốt, của hằng trời cho.

Kế Sách, Ba Rinh, Xà Mo,

Lắm vườn nhiều ruộng, không lo mất mùa. (Ca dao)

Kế Sách còn có tên là Cái Sách, xuất phát từ vàm sông Kế Sách thuộc sông Hậu. Cư dân gọi là chợ Cái Sách hoặc chợ Ruộng. Vương Hồng Sển và Đào Văn Hội giải thích: Kế Sách theo tiếng Khmer là “Kh’sách”. Nó xuất phát từ cách gọi tên “đất giồng cát” là “phnor kh’sách”, rồi thành Kế Sách hồi nào không biết. Tại Phú Tâm, huyện Châu Thành, có ấp mang tên Giồng Cát.

Một dãy đất giồng cát chạy dài từ ấp Tập Rèn (nay là An Hòa và An Nhơn), xã Thới An Hội, đến thị trấn Kế Sách, xã Phú Tâm, ngã ba An Trạch và Bưng Trốp của Châu Thành. Vì là đất giồng, nên từ xưa Kế Sách đã hình thành vùng trồng khoai lang nức tiếng lục tỉnh. Bây giờ Hợp tác xã nông nghiệp Thiều Văn Chói của xã Ba Trinh vẫn đang sản xuất giống khoai lang Nhật khá thành công. Bên cạnh đó, cà tím và đậu bắp vinh dự lọt vào danh mục nông sản xuất khẩu. Vú sữa tím của Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng, Kế Sách, được công nhận là sản phẩm OCOP của Sóc Trăng. Cồn Mỹ Phước (1.020 ha) đang trở thành khu du lịch được đầu tư bài bản. “Cá lóc luộc hèm” là món ngon của vùng Mỹ Phước.

 

Thời Pháp thuộc, quận Châu Thành thuộc tỉnh Sóc Trăng bao gồm cả các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú và thành phố Sóc Trăng ngày nay. Quận lỵ Châu Thành đặt tại làng Khánh Hưng thuộc tổng Nhiêu Khánh.

Huyện Châu Thành chính thức có trên bản đồ hiện nay vào ngày 1/1/2009, với 23.600 ha. Đến đây, người ta không thể quên “Bánh Pía Sóc Trăng” ngon nhất của Vũng Thơm, xã Phú Tâm. Còn phải kể đến đặc sản “Mè Láo” nữa. Người Hoa gọi nó là “chí mà chả liéo” có nghĩa là “bánh mè để uống trà”. Bánh được làm từ khoai môn, bột nếp, mè và đường mạch nha. Đó là hai món bánh đặc trưng cho Sóc Trăng, nổi tiếng cả nước. Bánh ngon luôn đi liền theo một bình “trà ngon” với bạn tri âm, tri kỷ cùng nhau đối ẩm. Có khi là chén rượu Ba Xuyên với lạp xưởng Châu Thành.

Ngó lên trời, mưa sa lác đác,

Ngó xuống đất, hạt cát nằm nghiêng.

Rượu Ba Xuyên đãi người hiền,

Trước là đãi bạn, sau giải phiền cho anh. (Ca dao)

 

Ngã Năm chợ nổi bình yên,

Nào ai mua bán tình duyên bao giờ. (Thiên Ân, Về với Sóc Trăng)

Thị xã Ngã Năm có tên, khi người Pháp đào kênh Phụng Hiệp - Cà Mau (còn gọi là Quản Lộ - Phụng Hiệp). Nó cắt ngang rạch Xẻo Chích tạo thành một ngã năm trên sông. Năm 1969, quận Ngã Năm được thành lập bao gồm 5 xã: Tân Long, Mỹ Quới, Vĩnh Lợi, Vĩnh Quới và Vĩnh Tân. Năm 1975, quận Ngã Năm bị giải thể, sáp nhập vào huyện Thạnh Trị. Năm 2003, Chính phủ thành lập huyện Ngã Năm, rồi chuyển thành thị xã Ngã Năm vào năm 2013.

Chợ nổi Ngã Năm là nơi hội tụ của năm ngả sông: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp. Đây là thủy lộ nối Bán đảo Cà Mau với sông Mê Kông, nơi trung chuyển lúa gạo quan trọng. Ở đây chúng ta có thể đi thăm vườn cò Tân Long, với không gian yên bình. Nơi bảo tồn tập đoàn chim cò hoang dã khá đa dạng. Gần đây, một địa danh “hàng rào xương rồng” mới nổi lên ở phường Hai. Vào tháng Năm, bông xương rồng nở trắng trên thân đầy gai góc. Hoa nở vào sáng sớm, tạo nên một hình ảnh tuyệt đẹp, hết sức thân thiện của thị xã vùng sâu. Mắm ngon cá lóc là đặc sản của Ngã Năm. Thương hiệu bà Sáu Bảnh nổi tiếng giống như bà Giáo Khỏe ở Châu Đốc.

 
 

Thời vua Minh Mạng, Mỹ Tú là một làng của tổng Thạnh An, huyện Phong Thạnh, phủ Ba Xuyên. Năm 1916, làng Mỹ Tú thuộc quận Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1976, Mỹ Tú trở thành huyện của tỉnh Hậu Giang, rồi thuộc về Sóc Trăng vào năm 1991. Thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của huyện. Huyện Mỹ Tú đã bị mặn xâm nhập do biến đổi khí hậu, là vùng dễ bị tổn thương do thời tiết ngày càng cực đoan. Rất nhiều mẫu giống lúa chịu phèn mặn được thu thập tại đây, như giống Đốc Phụng, Sóc Nâu, Cà Đung. Diện tích tự nhiên gần 37 ngàn ha. Đất nông nghiệp 35 ngàn ha. Đất phèn chiếm 35%. Đất phù sa chiếm 44%. Đất giồng cát khoảng 0,44%. Tài nguyên nước mặt lấy từ hệ thống Quản Lộ, Phụng Hiệp, Cà Mau. Tài nguyên nước ngầm sâu khoảng 30 mét. Vùng bưng biền xưa đang thay đổi nhiều lắm.

 

Thạnh Trị khi xưa là vùng đất trũng sình lầy, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”. Thạnh Trị bây giờ là cánh đồng cò bay thẳng cánh, vựa thóc lớn của Sóc Trăng. Thị trấn là Phú Lộc. Năm 1868, Thạnh Trị thuộc tổng Thạnh An, huyện Phong Thạnh, hạt Ba Xuyên. Năm 1958, huyện Thạnh Trị thuộc tỉnh Ba Xuyên. Năm 1991, huyện Thạnh Trị thuộc tỉnh Sóc Trăng, được xem là huyện nghèo thời ấy.

Mười năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bức tranh kinh tế - xã hội của Thạnh Trị thay đổi rất đáng khích lệ. Trên 30% nông dân tham gia vào các tổ kinh tế hợp tác, sản xuất tập trung. Huyện xây dựng thành công nhãn hiệu “gạo Tài Nguyên Thạnh Trị”. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 là 6,68% (so với 25% trước đó). Xã Vĩnh Lợi, Lâm Tân, Thạnh Trị đạt chuẩn “nông thôn mới”. Đường nông thôn phủ bê tông sạch đẹp, lề đường trồng hoa đủ màu sắc, ong bướm dập dìu.

 

Trần Đề là huyện ven biển của Sóc Trăng, dân số khoảng 130 ngàn người. Dân tộc Khmer chiếm 48%, người Kinh chiếm 47%, và dân tộc Hoa 4%. Đất giồng cát chạy dài qua các xã Trung Bình, Đại Ân 2, Lịch Hội Thượng, thị trấn Trần Đề.

Cách đây hơn trăm năm, sông Ba Thắc có 3 cửa biển: Định An, Ba Thắc và Trần Đề. Sau thời gian dài, phù sa bồi lắng, cửa biển Ba Thắc đã bị lấp dần. Hiện tại vị trí nằm sâu trong đất liền. Đoạn sông Hậu ở đầu Cù Lao Dung, vàm Đại Ngãi cũng bị phù sa bồi lắng. Dòng chảy đổ vào sông Ba Thắc ngày càng yếu. Lượng phù sa rất lớn đã lấp dần cửa sông Ba Thắc. Dòng nước phù sa đổ ra cửa Định An cũng bị bồi lắng. Người ta phải mở Kênh Quan Chánh Bố để tàu trọng tải lớn vô cảng Cái Cui, Cần Thơ.

 

Năm 1739, Mạc Thiên Tứ tiến hành mở mang từ Hà Tiên về Tây sông Hậu. Ông cho lập thêm bốn đạo: Long Xuyên, Kiên Giang, Trấn Giang và Trấn Di. Trong đó, Trấn Di thuộc đất Bassac. Do lỗi in chữ Hán, chữ Trấn Di thành ra Trần Đề.

Năm 1953, quận Lịch Hội Thượng được thành lập, thuộc tỉnh Sóc Trăng. Trước năm 2009, vùng đất của huyện Trần Đề ngày nay thuộc Long Phú và Mỹ Xuyên. Đến năm 2009, huyện Trần Đề chính thức là đơn vị hành chính tuộc tỉnh Sóc Trăng. Diện tích tự nhiên là 38 ngàn ha, với 11 đơn vị trực thuộc. Có hai thị trấn: Lịch Hội Thượng và Trần Đề.

Ngó hoài ra tận biển Đông,

Thấy mây, thấy nước, sao không thấy chàng? (Ca dao)

Cảng Trần Đề nằm tại vàm Kinh Ba là một khu phố mới, nhà cửa sầm uất. Tàu bè, xe container, vận chuyển tôm cá tấp nập. Tôi đã đến Lịch Hội Thượng thời bao cấp. Xứ nghèo, chỉ toàn thấy cỏ năng, lác, sậy, đế, ráng, ô rô, dừa nước. Mùa khô, cư dân đào củ năng, bắt chuột, cua biển, cá kèo ở ven rạch để mưu sinh. Bây giờ, Trần Đề có 3 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới: Thạnh Thới Thuận, Lịch Hội Thượng và Viên Bình. Diện tích trồng lúa 45.906 ha, trong đó lúa đặc sản chiếm 87%, năng suất bình quân 6,1 tấn/ha. Diện tích nuôi thủy sản 6.358 ha, riêng nuôi tôm 5.115 ha. Huyện có 620 tàu, trong đó có 353 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác, hàng năm đạt trên 50.000 tấn. Bến cá Mỏ Ó, khu du lịch Mỏ Ó, tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, khu công nghiệp Trần Đề, khu thương mại Trần Đề đang thu hút đầu tư rất tích cực.

***

 

Cuối năm 2020, tỉnh Sóc Trăng công bố thêm 2 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Khmer: “Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm”, “Nghệ thuật múa Rom Vong”; một di sản của dân tộc Hoa: “Nghề thủ công truyền thống làm bánh pía”. Ngay cả thức ăn cũng là kết quả giao hưởng của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa như bún nước lèo, lạp xưởng, bánh cống. Sóc Trăng là xứ có nhiều lễ hội trong năm. Lễ hội Chrôi Rum Chếk (Vĩnh Châu), lễ Thắk Côn (cúng dừa), lễ hội Lôi Protip (thả đèn nước), lễ hội Nghinh Ông. Trong đó, lễ hội cúng trăng Ok Om Bok - đua ghe ngo, tết Chôl Chnăm Thơ Mây và Đôn Ta được chuẩn bị hết sức chu đáo với quy mô lớn cho cộng đồng người Khmer.

Tôi rất thích thú khi tìm hiểu điệu múa Lâm Thôn (Rom Vong) qua nhiều lần hội diễn văn nghệ ở Ô Môn, thập niên 1990. Điệu múa đã gắn kết mọi người với nhau trong cộng đồng. Xem qua thấy đơn giản, nhưng múa cho đúng bài bản không hề dễ chút nào. Điệu múa này có trong các buổi lễ tế thần linh, lễ rước thần, lễ cầu an và lễ Arăk. Các động tác múa Lâm Thôn bao gồm: Chíp (nụ lá), Khuôn (nụ hoa), Chòn-ol (chỉ), Rồn (che), Thồ Thuôl (đón lấy), Vong (thể hiện vui tươi), Sêk (dáng đi con két, lật đật, khôi hài), và Lia (mở). Nghệ thuật múa có ảnh hưởng rất lớn đến kiến trúc, hội họa và đời sống văn hóa người Khmer, qua hình ảnh thần nữ Apsara.

Người Khmer tôn thờ Neak Ta (Ông Tà) giống người Kinh thờ Thành Hoàng ở đình làng. Hình tượng Neak Ta biến thiên vô cùng, được thờ trong miếu. Có khi là người đàn ông trung niên, có khi chỉ là những hòn đá to, nhỏ, hình bầu dục, mặt nhẵn bóng. Khoảng tháng 5 dương lịch, đầu mùa mưa, người Khmer cúng Neak Ta một lần. Ảnh hưởng Phật giáo ngày làm thay đổi tục thờ Neak Ta ngày nay so với xa xưa. Thủ tục cúng kiếng cũng tinh giảm nhiều lắm.

Ngày mai là một ngày mới.

(Magaret Mitchell, tiểu thuyết Gone with the wind)

Sóc Trăng đang mở cánh cửa ngày mới, với đà phát triển ngoạn mục. “Ngày mai sẽ thổi cơn gió riêng của nó”, trời lại sáng trong, sau cơn bão đêm qua. Cơn mưa giông ấy đã dạy rằng có nhiều điều xảy đến bất ngờ trong đời, chẳng hề mong đợi. Chỉ còn cách dũng cảm vượt qua thách thức và học hỏi kinh nghiệm vào lúc khó khăn nhất. Mất ý chí là mất tất cả. Tôi nhớ một đoạn trong tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của Colleen McCullough: “Hãy cứ sống, hãy cứ yêu, dù phải lao ngực mình vào gai nhọn. Bởi những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được, khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau rất lớn”. Vùng đất huyền thoại “Sông Trăng” của bán đảo Cà Mau hôm nay đang yêu và đang sống hết mình, với giống gạo ngon nổi tiếng và điệu hát Dù Kê (Yike) đậm đà, để tiếp tục làm nên nhiều kỳ tích mới.

Bùi Chí Bửu

(Biên soạn từ tư liệu công tác nhiều năm)

.
Xem thêm