Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Sóc Trăng - Kỳ tích và huyền thoại (tiếp theo)

Sóc Trăng - Kỳ tích và huyền thoại (tiếp theo)

Tôi về Bãi Xàu nhiều lần với anh Hồ Quang Cua khi điều tra giống lúa. Thích nhất giếng khoan cho nước khoáng rất ấm. Bãi Xàu là tên gọi đầu tiên của huyện Mỹ Xuyên.

 
 

Huyện Mỹ Xuyên có giồng cát lớn: Đại Tâm, Tham Đôn, Thạnh Phú, thị trấn Mỹ Xuyên. Những giồng cát xen lẫn đất ruộng thấp, cao trình biến động từ 0,3 đến 1 mét. Tài nguyên nước ngọt chịu ảnh hưởng của sông Mỹ Thanh. Nhiều kênh đào được đầu tư với quy mô lớn: Thạnh Mỹ, 19/5, Thanh Nhàn, Phú Thuận, Đại Tâm, Tám Thước, Sà Lôn, Chế Hưng, Bưng Cóc, Cà Lăm, Tầm Lon, Cống Đá,... Nhiều con rạch có tên tuổi lâu đời như: Dù Tho, Cổ Cò, Nhu Gia, Bãi Xào, Chàng Ré, Trà Cuôn,... Tôi đã lang thang sưu tập mẫu giống lúa mùa ở các vùng dày đặc kênh rạch ấy. Rạch Nhu Gia là nơi đua “ghe Ngo” truyền thống vào dịp lễ lớn hàng năm.

Sản xuất lúa mùa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản xuất lúa mùa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mỹ Xuyên có giao thông rất thuận lợi nhờ quốc lộ 1, và các tỉnh lộ. Hầu hết được mở rộng và phủ nhựa bằng phẳng. Đường bộ thuận tiện để đi từ Mỹ Xuyên đến thị xã Vĩnh Châu, huyện Thạnh Trị, huyện Trần Đề, thành phố Sóc Trăng. Thời bao cấp, tôi muốn đi Vĩnh Châu phải mất cả ngày đường để xếp hàng chờ mua vé xe, rồi chờ con nước ở bến phà Mỹ Thanh. Hồi xưa, chưa có cây cầu Mỹ Thanh hiện đại như bây giờ. Đường đất đỏ xấu lắm.

Bài liên quan

Cầu Mỹ Thanh (2003) là công trình đầu tiên ở phía Nam áp dụng kết cấu 5 nhịp dầm liên tục dự ứng lực. Cầu được thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng trên xe treo. Chiều dài 390 mét. Tỉnh lộ 11 bây giờ thông suốt, nối Mỹ Xuyên về Vĩnh Châu, xe chạy êm ru.

Vú sữa tím Đại Tâm: huyện Mỹ Xuyên có những đặc sản nổi tiếng như bưởi Năm Roi ở Kế Thành, cam sành Ba Trinh, nhãn tím Phong Nẫm; đặc biệt hơn hết là vú sữa tím Đại Tâm. Mùa vú sữa chín từ tháng 12 đến tháng 2 hàng năm. Sạp bán dọc theo quốc lộ 1, hết sức nhộn nhịp.

Bắp cải KK Cross và dưa hấu ở xã Đại Tâm, Tham Đôn, Thạnh Phú, Thạnh Quới có thể được xem là nét độc đáo ở làng nghề truyền thống này, hơn nửa thế kỷ rồi. Buôn bán rất nhộn nhịp cả trong thời vụ chính và trong mùa nghịch. Đặc biệt, cải bắp bán vào dịp Tết. Dưa hấu bán vào dịp lễ Thanh Minh của người Hoa vào tháng Ba âm lịch. Dưa được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngoài canh tác theo truyền thống, nông dân hiện nay đã biết sử dụng màng phủ nông nghiệp, xây dựng hệ thống tưới phun, tích hợp công nghệ số qua điện thoại thông minh. Dưa hấu tháp bầu và bí đỏ là kỹ thuật truyền thống, để có bộ rễ khỏe giúp cây hút nhiều dinh dưỡng nuôi trái.

Hành lá Mỹ Xuyên. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hành lá Mỹ Xuyên. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hành lá: hay hành hương (Allium fistulosum) là đặc sản của Mỹ Xuyên. Người Nhật gọi là “negi”, người Anh gọi là “Welsh onion-bunching onion”. Trời nắng càng tốt, hành lá phát triển càng xanh trên đất rẫy Mỹ Xuyên, bởi có tưới phun từ giếng nước ngầm. Hành lá đi theo bước chân của người Minh Hương (Chệt Rẫy) đến đây, từ thế kỷ 17, 18 cho đến nay.

Hiện giờ, giá tại ruộng biến động từ 8.000 đến 15.000 đồng/kg, giá tại chợ đội lên 20.000 đồng/kg. Nông dân có nguồn thu nhập đáng kể. Năng suất trung bình 10 tấn/ha. Vùng chuyên canh thuộc ấp Đại Ân, xã Đại Tâm vào mùa thu hoạch rất sôi động giữa thương lái và nông dân. Ở đây có hợp tác xã trồng “rau an toàn” khá thành công.

Bông hẹ (Allium ramosum, hay A. odoratum) là đặc sản của huyện Vĩnh Châu. Tuy nhiên, gần đây cây hẹ cũng được canh tác ở Mỹ Xuyên. Từ khi trồng cho đến thu hoạch là mất 2 tháng rưỡi. Trồng lấy bông hẹ phải đợi 5 ngày để cắt một đợt bông. Giá thị trường trên 10.000 đồng/kg. Giá bán trong mùa nắng cao gấp 2 - 3 lần so với mùa mưa. Nông dân biết cách trồng trái vụ để có lợi nhuận cao. Lá hẹ cũng bán được với giá biến động 5.000 đến 6.000 đồng/kg.

Xá bấu: ở đây có đặc sản “xá bấu” giống như Bạc Liêu. Đây là món củ cải muối của người Triều Châu để ăn với cháo trắng. Xá bấu được đọc từ tiếng Tiều là “chái pấu”. Nguyên liệu chính là củ cải trắng, muối và đường. Tôi ngắm những cánh đồng trồng củ cải trắng (Raphanus sativus L. var. longipinnatus) chạy thẳng tắp theo từng luống dài. Tôi thấy giống như đồng ruộng trồng Daikon bên Nhật, được chăm sóc như cây kiểng, với củ cải rất to (bởi chữ đại căn có nghĩa là bộ rễ lớn).

Nông sản Sóc Trăng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông sản Sóc Trăng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bãi Xàu: Tôi về Bãi Xàu nhiều lần với anh Hồ Quang Cua khi điều tra giống lúa. Thích nhất là giếng khoan ở đây cho nước khoáng rất ấm. Bãi Xàu là tên gọi đầu tiên của huyện Mỹ Xuyên. Thương cảng Bãi Xàu vào thế kỷ thứ 17 và 18, lừng danh một thời. Nó còn có tên khác là thương cảng Ba Thắc.

Ngày xưa tại ngôi miếu cổ tên Neak Tà Bassac có cây bồ đề cổ thụ. Bóng cây che mát cả một vùng rộng lớn. Có cặp rắn thần trú ẩn dưới gốc cây này. Những cư dân lưu lạc nghỉ qua đêm, bắt gặp bên trong gốc cây có ổ trứng. Họ lấy trứng bỏ vào nồi cơm để luộc. Cơm đang sôi thì cặp rắn thần trở về. Rắn rượt đuổi đám người kia chạy bán sống bán chết. Đến khi yên ắng, họ lén quay trở lại thì thấy trứng rắn không còn trong nồi cơm đang nửa sống nửa chín. Họ gọi nơi đây là Srok Bai Xau (xứ cơm sống). Một cách giải thích khác là Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi trong khi nồi cơm nấu vẫn còn sống, phải bỏ chạy.

Thương cảng Bãi Xàu trước đây phần lớn do người Hoa quản lý buôn bán. Lúa gạo giao thương với tàu buôn của Trung Hoa. Ghe xuồng tấp nập. Thị tứ có hơn 6.000 dân cư, đa phần là người Hoa, người Kinh. Một ít cư dân người Khmer. Gạo Bãi Xàu ngon nổi tiếng. Nơi đây còn là chợ đầu mối cá tươi, cá khô, tôm khô. Hàng hóa trao đổi từ nước ngoài bao gồm đồ gốm sứ, thuốc bắc, vải sợi, tơ lụa của Trung Hoa, Mã Lai, Campuchia, Nhật Bản.

Sóc Trăng nổi tiếng có nhiều chùa đẹp.

Sóc Trăng nổi tiếng có nhiều chùa đẹp.

Chùa Luông Bassac Bãi Xàu hay chùa Bãi Xàu là một ngôi chùa cổ, hơn 500 tuổi. Công trình kiến trúc đẹp, đậm đà màu sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ.

Chùa Chén Kiểu (chùa Sà Lôn): tiếng Khmer là Wat Sro Loun, hay Wat Chro Luông, hiện nay thuộc xã Đại Tâm. Chùa là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Chữ “Sro Loun” bắt nguồn từ chữ “Chro Luông”. Đây là tên của một con rạch ở gần chùa. Năm 1815, chùa được lợp bằng lá. Năm 1969, sư cả Tăng Đuch (trụ trì đời thứ 9) tu sửa lại chánh điện, sala, nhà Tăng, nhà để sách kinh, khu tháp bằng vật liệu kiên cố.

Năm 1980, việc xây dựng cơ bản hoàn thành. Nhà chùa có sáng kiến dùng chén dĩa kiểu để trang trí phần sau ngôi chánh điện. Do vậy, chùa có tên Chén Kiểu. Giữa sân chùa có tượng rắn thần Nagar xòe ra 5 đầu, để chở che đức Phật ngồi thiền. Chùa còn lưu giữ một số di vật đồ gỗ của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ trường kỷ, hai chiếc giường ngủ mùa đông và mùa hè, được chạm khắc và khảm sơn mài rất tinh tế.

 

Thành phố Sóc Trăng trước đây có tên là Khánh Hưng. Đây là trung tâm tổ chức lễ truyền thống Chol Cho Nam Thomay mừng năm mới (ngày 13-15 tháng Ba âm lịch) và Ok Om Bok hay còn gọi là Lễ cúng trăng (ngày 15 tháng 10 âm lịch). Ngoài ra còn có lễ cúng ông bà “Đôn ta” từ ngày 29/8 đến 1/9 âm lịch, theo văn hóa Khmer Nam Bộ. Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 200 chùa Khmer. Riêng thành phố này hiện hữu 50 chùa. Chùa là kiệt tác nghệ thuật Khmer, đáp ứng yêu cầu tâm linh.

Chùa Dơi hay chùa Mã Tộc (Mahatup) có hàng ngàn con dơi sinh sống trên cây rừng ở khuôn viên chùa, chủ yếu cây sao và cây dầu. Chúng treo mình đen kịt trên đọt cây cao. Chúng đi ăn vào sáng sớm, rồi về chùa vào chiều hôm. Vị sư cả giải thích rằng bầy dơi này là phúc lành của nhà Phật. Do đó, các vị sư sãi và đồng bào địa phương đã tích cực bảo vệ chúng hàng trăm năm rồi. Chùa cổ đã có trên 400 tuổi. Chùa được trùng tu lại sau vụ hỏa hoạn vào năm 2007.

Theo lịch sử, nơi này đã từng diễn ra một trận đánh rất khốc liệt. Nông dân vùng lên chống lại thế lực phong kiến áp bức người yếu thế. Sau khi kết thúc cuộc chiến, cư dân trở về sinh sống tại đây. Họ xem đó là vùng đất lành. Tên chùa Mahatup có nghĩa là trận kháng cự lớn, để nhắc nhở sự tích cho con cháu về sự kiện quê mình. Đây là quần thể kiến trúc có tính thẩm mỹ cao, trong một khuôn viên rừng cây luôn xanh mát suốt năm.

Chùa Dơi Sóc Trăng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chùa Dơi Sóc Trăng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chùa Đất Sét (Bửu Sơn Tự) tọa lạc số 286 Tôn Đức Thắng là ngôi chùa nổi tiếng, vì có hàng ngàn pho tượng bằng đất sét và 4 đôi đèn cầy (nến) cao lớn. Chùa được xây vào đầu thế kỷ 20 của dòng tộc họ Ngô. Bốn đôi đèn cầy cao lớn ấy được đúc vào năm 1940. Ba đôi đèn cầy cao 2,6m, đường kính 1m (200 kg sáp). Cặp còn lại nhỏ hơn (100 kg sáp). Hiện nay, hai nến nhỏ vẫn cháy suốt ngày đêm từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời (1974). Chùa Đất Sét nổi tiếng vì có 1.901 pho tượng Phật, trên 200 linh thú, bảo tháp, lư hương được làm bằng đất sét. Có những cây nến nặng 200 kg có thể cháy hàng chục năm. Tháp Đa Bảo tại đây cao tới 13 tầng, mỗi tầng có 16 cửa, mỗi cửa được đặt một tượng Phật.

Chùa Kh’leang một ngôi chùa Khmer cổ, tọa lạc tại số 53 Tôn Đức Thắng. Đây là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được công nhận vào năm 1990. Chùa được xây vào năm 1553. Nhà sư Thạch Sóc là trụ trì đầu tiên.

Ngôi chính điện Sala hiện nay được lợp ngói từ thế kỳ 16. Khuôn viên rộng 3.800 mét vuông, có hàng cây thốt nốt, rất đẹp. Hàng rào được trang trí với nhiều hoa văn, họa tiết, màu sắc rực rỡ. Mái nhà chính điện được xây dựng theo ba cấp. Mỗi cấp lại có 3 nếp. Bờ viền mái nóc có tượng rồng uốn lượn. Đầu rồng xòe ra hình rẽ quạt. Đuôi cong lên cùng với những đuôi rồng khác. Đầu cột hành lang bao quanh chính điện đều có tượng Krud (Garuda) dang tay chống đỡ. Xung quanh chính điện có các tượng thần Teahu và chằn Yeak. Chùa được trùng tu lớn vào năm 1994. Bảo tàng Khmer lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của người Khmer, nằm trong khuôn viên chùa.

Chùa Som Rông: “Wat Pătum Wôngsa Som Rông” hay chùa Som Rông, tọa lạc tại số 367 Tôn Đức Thắng. Kiến trúc chùa kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Ngôi chùa vàng trông thật uy nghiêm giữa nền trời xanh. Nổi bậc nhất là gian tháp chính. Tôi cứ tưởng như đang thăm chùa Thái ở Khon Kaen.

Khu Văn Hóa Hồ Nước Ngọt: được xem là “lá phổi xanh” của thành phố Sóc Trăng. Festival lúa gạo lần hai (2011); vợ tôi đã thực hiện thành công gian hàng giống lúa. Đặc sắc hơn hết là nội dung trưng bày nhiều loài lúa hoang dại trong và ngoài nước, thu hút sự hiếu kỳ của người xem.

Tỉnh lỵ Sóc Trăng thời Việt Nam Cộng Hòa có tên là Khánh Hưng. Người ta đã thực hiện nơi đây hình ảnh một bản sao của hồ Tịnh Tâm trong đại nội Huế. Năm 1982, chính quyền làm thêm một hồ khác xuất phát từ nhu cầu dự trữ nước ngọt, ở phía sau hồ Tịnh Tâm. Diện tích toàn khu 20 ha. Khung cảnh hữu tình với hai hồ nước, soi bóng hàng cây phi lao thướt tha ở bờ hồ. Đan xen là hàng phượng vĩ, cây sao, cây cảnh thuộc họ Cau. Người ta tổ chức triển lãm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật vào những ngày lễ lớn tại đây.

Tới đây lạ bến đậu nhờ,

Vái trời bớt gió, sóng hồ bớt chao. (Ca dao)

Sóc Trăng là quê hương của nhà văn hóa lớn Vương Hồng Sển, người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ.

Vương Hồng Sển (1902-1996): Ông sinh ngày 27 tháng 9 năm 1902, tại Sóc Trăng. Ông có cả ba dòng máu Kinh, Hoa và Khmer. Tên thật là Vương Hồng Thạnh (Vương Hồng Thịnh). Chữ “Sển” theo cách phát âm chữ “Thịnh” của tiếng Triều Châu. Ông là nhà văn hóa, học giả uyên bác về Nam Bộ. Ông còn là người sưu tập đồ cổ, rất được trọng vọng trong giới sử học và khảo cổ học ở Việt Nam.

Khi qua đời ông đã hiến tặng ngôi nhà (Vân Đường Phủ) và toàn bộ sưu tập đồ cổ của mình cho nhà nước. Tổng cộng 849 mẫu vật khác nhau.

Ông học tại Collège Chasseloup Laubat Sài Gòn (nay là Phổ thông Trung học Lê Quý Đôn). Sau khi đậu bằng Brevet (1923), ông làm công chức ngạch thư ký và phục vụ nhiều nơi, từ 1923. Ông công tác trong dinh Thống Đốc Nam Kỳ từ 1939 đến 1943. Ông giữ chức “Quyền Quản thủ” Viện Bảo Tàng Quốc Gia tại Sài Gòn vào năm 1948-1964, rồi nghỉ hưu, viết sách báo. Trong suốt cuộc đời, ông sưu tầm được hơn 800 cổ vật, trong đó nhiều nhất, độc đáo nhất là “đồ gốm men xanh trắng”, xuất xứ từ thế kỷ thứ 17 đến 19. Ông mất ngày 9 tháng 12 năm 1996 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 94 tuổi.

Sơn Nam viết về ông như sau “Những gì ông viết ra như trăng trối, có khi chỉ là chuyện lụn vụn "tào lao", "loạn xà ngầu", nhưng với những người đến sau, nó mang một giá trị to lớn, nó chất chứa những niềm say mê và quyến rũ”.

Cuối năm 1947, ông chắp nối với Bà Năm Sa Đéc, một nghệ sĩ lừng danh ở miền Nam. Ông làm công chức, viết sách, nghiên cứu các thú chơi đồ cổ. Bà tham gia hát bội, diễn cải lương. “Ngôi nhà cổ tích” của ông bà tràn ngập hạnh phúc, được cụ Vương nhắc lại như sau:

Anh hồi tưởng: Chòi lá năm xưa, Cù lao xóm cũ.

Ngồi nghe em hát, giọng du dương trưa sớm chẳng nhàm tai,

Bàng hoàng giấc mộng trầm tư, đành chết điếng khúc quanh chiều rẽ lối.

Long lanh ngấn lệ trào dâng,

Lặng lẽ trang tình xếp lại (...).

Đôi vợ chồng ra vào khắng khít, mắm muối mà vui,

Một chòi tranh sau trước đìu hiu, ghế bàn chẳng có. (Văn tế Năm Sa Đéc)

Một đoạn viết hết sức cảm xúc để nhớ người vợ hiền thời cam khổ:

Bút rè ngòi, tiền cạn túi, anh khoe đồ cổ, chúng chẳng thèm mua.

Nhà dột nóc, gạo lưng nồi, em bán bánh bao, lời không đủ sống (...).

Tôi la cà quán sách giải buồn,

Bà cắp củm, túi tiền nhỏ giọt.

Năm Sa Đéc là nghệ danh của bà Nguyễn Kim Chung (1907-1988). Sau năm 1973, do đời sống sân khấu khó khăn, Bà Năm đã mở quán hủ tiếu ở Sài Gòn. Hai món ngon thời ấy là Bánh bao Cả Cần và Hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc. Hai người có một con trai Vương Hồng Bảo (sinh 1951). Bà Năm là một nghệ sĩ nổi tiếng ở sân khấu hát bội, cải lương, kịch nói, điện ảnh. Bà Năm mất ở tuổi 81, để lại thương tiếc cho chồng, con và biết bao khán giả hâm mộ bà, người con của Sa Đéc.

BÙI CHÍ BỬU, biên soạn từ tư liệu công tác nhiều năm

(Còn nữa)

.

Tin khác

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 13h trước
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 01/11/2024
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 28/10/2024
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 27/10/2024
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu hai cuốn sách mới viết về đời sống văn hóa, với công chúng đô thị phương Nam sáng 26/10.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/10/2024
Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/10/2024
Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 24/10/2024
Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca

Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca

Vẻ đẹp phụ nữ Việt không chỉ được nhắc đến trong những dịp nhộn nhịp như Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mà luôn giống như điểm tựa cảm xúc thi ca bất tận.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 20/10/2024
Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’

Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’

Lão thi sĩ Trần Duy Hiển ngoài tuổi tám mươi vẫn chứng minh sức nghĩ và sức viết chưa mệt mỏi, với tập thơ ‘Ai cũng có ngày xưa’ vừa ra mắt công chúng.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/10/2024
Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng được tác giả đang công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng phục dựng bằng các tư liệu lịch sử ít được phổ biến.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/10/2024
GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp

GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Di truyền Nông nghiệp, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của GS.TSKH Phan Phải.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 10/10/2024
Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'

Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'

Gã trai xứ Nghệ với bút danh Đinh Nho Tuấn trong tập thơ ‘Năm ngón chưa đặt tên’ đã bày tỏ 'dành cho lúa những lời thứ nhất, dành cho lúa những lời sau cùng’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 07/10/2024