Phó giáo sư Phan Thị Hà Dương học Đại học tổng hợp Toán đến hết năm thứ ba thì sang Pháp. Chị làm tiến sĩ Toán - tin và làm maitre de conférences tại Paris 7 năm 26 tuổi. Năm 2005 chị về nước công tác tại Viện Toán học. Phan Thị Hà Dương là con gái cố giáo sư Phan Đình Diệu, nhà toán học, nhà khoa học máy tính nổi tiếng của Việt Nam.
Ðó là câu hỏi của cậu học trò khi chúng tôi ngồi ở bến xe Cần Thơ, trong một quán nước nhỏ bé, xập xệ, ghế đá chen ghế mây, ngay bên cạnh cặp vợ chồng chủ quán đang vừa cười, vừa mếu, vừa hát cho con - thằng cu 1 tuổi cởi truồng - ăn cháo. Nắng chiều chói, nhưng không gắt, chiếu lên những bước chân vội vã đi, những dáng người mệt mỏi đến, chiếu đến chân chúng tôi ngồi, và hắt lên ly nước dừa nhàn nhạt.
Những bóng người trên sân ga, ừ nhỉ, những bóng người trên sân ga.
Tôi đã bỏ chuyến đi cách đây 30', để có thêm 30' ngồi trong bến xe xập xệ này - dù như vậy nghĩa là 30' tối thêm, lo lắng thêm khi xe về đến Sài Gòn, dù trước đó tôi đã vội vàng, hấp tấp đến bến xe cho sớm mấy phút - chỉ để nghiêng nghiêng nhìn những bóng người trên sân ga? Hay vì tôi muốn kéo dài cái khoảng thời gian này, cái khoảng thời gian xa nhà, ở một thành phố lần đầu đặt chân đến, những con người mới, những cảm xúc mới.
Cô đi đường xa có mệt không cô?
Trong câu hỏi vẫn có vẻ gì lo lắng, phiền toái vì nỗi tôi đã không chịu đi xe của trường mà cứ nhất định đi xe khách, vì nỗi tôi đã không cho học trò tiễn chân lên Sài Gòn mà nhất định chia tay ở đây, Cần Thơ.
Có thể chăng giải thích cho cậu hiểu rằng tôi không hề mệt. Ðã bao lâu rồi mới có cái cảm giác háo hức như trẻ nhỏ khi đến một thành phố mới, bao lâu rồi mới có cái cảm giác khoan khoái thanh thản khi ngồi một mình không ai quen biết trên một chuyến xe - cái cảm giác thích thú vì đã không làm phiền một ai đưa đón, bao lâu rồi mới có thể nhìn ra cửa sổ 4 tiếng đồng hồ liền, thả sức nghĩ về tất cả những gì mình muốn nghĩ mà không có cái day dứt là thời gian đang trôi đi, là đáng lẽ phải làm việc gì chứ không được ngồi không hàng giờ như thế. Ừ nhỉ, bao lâu rồi.
Có lẽ là cậu sẽ hơi hiểu, cậu vốn thông minh và độc đáo. Ðộc đáo từ câu trả lời đầu tiên khi tôi hỏi "Cần Thơ có gì hay?". "Thưa cô, có con người". Mới ngày hôm qua thôi, ngỡ ngàng với câu trả lời ấy, trước một Cần Thơ đang muốn khám phá, mà bây giờ đã vội chia tay như chia tay một nơi thân thuộc, và gắn bó, vì những con người.
Ngày hôm qua, đón tôi từ bến xe và đến thăm trường xong, cậu đưa tôi đi xuồng trên nhánh sông Hậu, chúng tôi đã chọn một con xuồng nhỏ 3, 4 chỗ ngồi thay vì một thuyền lớn để có thể đi vào các rạch nhỏ. Chợ nổi đã tầm chiều, lơ thơ vài chiếc thuyền cuối ngày đang thu dọn. Sông nước mênh mông, những chiếc canô đi qua làm gợn sóng, xuồng tròng trành. Rồi xuồng đi vào những rạch nhỏ, những cành lá xanh non lan man ngay trên đầu, lòa xòa trên mặt nước. "Tất cả những cảnh đẹp này rồi sẽ biến mất, cô ạ, cũng như vườn cây nhà ông bà em giờ cũng đã xơ xác, chỉ có lá rụng trên nền đất, còn ngày xưa rất nhiều quả và xanh tươi". Trên bờ, hiện dần những nhà nhỏ, không, những nhà tạm, như túp lều, và những tấm gỗ lung lay để những bà mẹ ngồi giặt quần áo, rửa rau... "Có những nơi còn khổ hơn, bẩn hơn, tạm bợ hơn, cô ạ, và không hiểu người ta sinh con ra làm gì khi mà chăm con như vậy". Người ta đang bán dần đất để nuôi tôm, để có tí tiền, làng quê giờ đang biến thái, đang nham nhở và xơ xác.
"Ở làng em ít trẻ con đi học lắm, chỉ có hai đứa học hết cấp ba. Em may mắn được vào đại học chứ đáng lẽ cũng thôi học lâu rồi". "Ngày trước, em cũng lái xuồng cho bố em đi bán hoa quả, chỉ chơi thôi. Rồi năm lớp 11 ráng học cho hết cấp, rồi tự nhiên thấy nếu cố gắng thì mình học cũng được, rồi vào đại học, học hào hứng quá, nên ra trường được ở lại trường". Tôi biết, tôi biết cậu đã rất nỗ lực, chỉ riêng việc khăn gói quả mướp mấy lần ra Hà nội học là tôi hiểu. Tôi biết, không chỉ ở đây, những học trò của tôi ở Vĩnh Phúc, ở Nam Ðịnh cũng nói vậy, cũng nói rằng trẻ con làng em chẳng đi học được mấy đứa. Học rồi, cố hết sức mà có đỗ đại học thì cũng làm gì có tiền đi học, còn nếu không đi học đại học thì cố học cấp 3 để làm gì. Và tôi cũng biết, giờ đây còn nhiều em bỏ học nữa qua những kỳ thi trượt, bỗng chốc phải thi thật mà xưa nay chỉ học giả, và rơi khỏi nền giáo dục. Các em, có lẽ sẽ chẳng có cái cơ hội một năm lớp 11 nào đó nhận ra là nếu cố gắng thì mình sẽ học được, và học tiếp. Các em sẽ rất ít cơ hội mong được đến trường đại học mà không phải đóng khoản học phí nặng nề. Giáo dục phổ thông là cái gì khó đến vậy, đến mức không cho các em cái cơ hội hiểu ra là nếu cố gắng thì mình sẽ học được.
Các em có khác chăng cánh bèo đang trôi. Những cuộc cải cách, những thay đổi là cần thiết, nhưng nếu nhanh và mạnh quá thì có khác gì một cuộc cách mạng. Tôi sợ những cuộc cách mạng, như dòng nước lũ cuốn trôi phăng những cánh bèo, và những số phận nhỏ nhoi sẽ về đâu, có ai đã tính cặn kẽ trong dòng thác hào hứng của cuộc cách mạng?
Trở về bến Ninh Kiều, cô lái xuồng chào nhỏ nhỏ, khác với lúc nãy cô cứ theo gót chúng tôi nài nỉ đi xuồng cô. Cậu học trò của tôi bảo: "Lúc nãy họ nhiệt tình quá cô nhỉ, nhưng mà thực ra họ lành lắm, mình đi cho họ là họ cứ lành lành, còn những người khác cũng không nói chi nữa". Ừ nhỉ, cậu dùng từ "nhiệt tình" chứ không phải một từ nào như "bám" chẳng hạn, những con người lành lành.
Tôi còn trở lại bến Ninh Kiều vào tối ấy, trăng 16, với các anh chị ở trong khoa. Tôi rất vui vì các anh chị năng động, cởi mở và rất chân tình. Tôi cũng vui và cảm động vì tất cả được tổ chức thật là chu đáo. Chỉ lần đầu gặp mà như thân quen.
Trên chuyến xe đêm về Sài Gòn, tôi không ngủ, tôi nhớ về những con người tôi đã gặp. Tiếng rì rầm trò chuyện trên xe, giọng miền Tây ê a, lành lành. Những người lần đầu gặp nhau trên một chuyến xe, họ bàn với nhau về sầu riêng, của Cái Mơn là ngon lắm. Tôi không cần không gian yên tĩnh như trước đây để được suy nghĩ yên lành, tôi thích nghe cái âm thanh rì rầm hiền hiền ấy. Tôi cũng không cảm thấy phiền toái khi họ hỏi tôi sau khi nghe tôi nói điện thoại "em là thông dịch viên hả em", "dạ, không, em là cô giáo", "vậy à, thích thật hà". Từ khi nào mà câu chuyện của họ đã quay sang các bài thuốc chống tiểu đường sau khi tâm sự và nhận ra người khác cũng bị bệnh giống mình.
Và cứ rì rầm như thế, tôi về đến Sài Gòn.
Tôi còn nhớ gì về Cần Thơ, tôi đã ngắm được bao nhiêu cảnh ở Cần Thơ? Hay chỉ bến Ninh Kiều, trường đại học, và những con đường qua công viên Lưu Hữu Phước? Nếu như tôi theo một đoàn khách du lịch thì tôi có nghĩ về Cần Thơ nhiều như vậy?
Tôi còn nhớ gì về Cần Thơ, ngoài những con người?
Ðể rồi khi trở về Hà Nội, ngồi cafe "Không lời" với cô bạn thân, tôi kể mãi cho nó chuyến đi về Phương Nam.
Thế mà nó, nghe xong, phá ra cười "Hà Dương ơi, mày đúng là lâu lắm không đi đến nơi nào mới. Bây giờ được một lần thì eureka như tìm ra thế giới mới vậy".
Ừ nhỉ, lâu lắm rồi. Từ bao giờ? Ngày trước hồi ở Pháp mình rất hay đi xa, và khi nào xong công việc cũng ở lại thêm mấy ngày để đi chơi, để khám phá một thành phố hay đất nước mới. Ngày trước, khi ra về mình hay ngồi nhìn những máy bay đến và đi ngoài ô cửa kính của phòng chờ, hoặc là ngắm những tòa tháp giả ánh vàng, những cửa hàng nước hoa, hay những vườn phong lan nhỏ rực rỡ. Tất cả đều rất ngăn nắp và đẹp đẽ. Nhưng ngày trước, suốt nhiều năm dạy học ấy, có học trò nào hỏi mình:
Cô đi đường xa có mệt không cô?