| Hotline: 0983.970.780

Giã gạo

Thứ Hai 11/07/2022 , 06:41 (GMT+7)

Giã gạo còn là hành vi đo mức độ hòa hợp tâm hồn! Nó giống phần nào với hành động yêu đương. Tuyệt nhất là vợ trước, chồng sau, làm tăng hương vị cuộc sống.

Tranh 'Giã gạo' của họa sỹ Ngô Xuân Khôi.

Tranh "Giã gạo" của họa sỹ Ngô Xuân Khôi.

Nếu cối xay lúa hầu như nhà nào cũng phải có vì không tiện xay nhờ, thì giã gạo nhờ lại là phổ biến trong bất cứ làng quê nào xưa kia.

Có hai lý do giải thích điều này.

Bài liên quan

Thứ nhất, cối xay lúa thường để trong nhà, hoặc trong nhà ngang, là không gian ít nhiều bí mật của người nhà quê. Ngay cả khi gia chủ xởi lởi không coi đó làm điều, thì người ngoài cũng vẫn nên ý tứ tránh, nhất là lúc họ vắng nhà. Trong khi đó cối giã gạo thường đặt ở cuối hiên, vị trí đắc địa nhất là đầu hồi, nơi để cày bừa, cuốc xẻng… và thuộc phần không gian mở. Gia chủ có mặt ở nhà hay không cũng không thành vấn đề với người bên ngoài. Thậm chí họ cứ đến giã gạo khi không thể xin phép chủ nhà trước (do họ đi vắng) cũng không sao. Đang giã mà chủ nhà về, họ hỏi cũng chưa muộn. Hôm sau gặp nói vớt vát cũng chả hề gì.

Nhưng lý do thứ hai mới là chủ yếu: Cối xay lúa là vật dụng thuộc loại “đắt” tiền nhưng dễ hỏng, qua vài vụ là phải đóng lại nên việc xay nhờ thành ra gây thiệt hại cho người khác, trong khi cối giã gạo chỉ cần đóng một lần là có thể dùng đến hết đời. Việc đóng một cái cối giã gạo thường không quá khó và cũng ít tốn kém.

Chỉ cần một khúc gỗ đảm bảo kích thước, bất cứ loại gỗ gì cũng được nên cũng khá dễ kiếm, một chút khéo tay để tạo cái mỏ cối, thường bằng gỗ ổi, gỗ nhãn lại càng không hề hiếm. Ngay cả khi mỏ cối cần gắn vài cái đinh hoặc vật kim khí nhằm tạo ma sát, cũng không quá phức tạp. Cái còn lại là cho nó một không gian cố định. Tất cả những yêu cầu đó đều nằm trong tầm tay của bất cứ gia đình nông thôn nào.

Mặc dù đơn giản thế nhưng lạ ở chỗ, hầu như mỗi làng luôn chỉ có vài cái cối, theo cụm dân cư, mặc dù không hề có sự phân công mang tính chủ ý nào. Đây là điều thú vị về mặt sinh tồn và văn hóa làng. Một nhà giàu có nứt đố, đổ vách nhưng vẫn có thể đi giã gạo nhờ năm này qua năm khác ở một gia đình kinh tế kém hơn mình. Người giã gạo nhờ không hề coi đó là phiền toái, không hề thấy việc giã nhờ ấy là mất thể diện. Trong khi chủ của chiếc cối cũng không mảy may xét nét, bực bội hay gợn lên chút so kè nào. Vào lúc cần yên tĩnh mà cứ có tiếng giã gạo thùm thụp do người khác gây ra, chả đáng để bực mình lắm sao! Bực mình hơn là nhà hắn ta thừa khả năng làm một cái cối nhưng hắn không chịu làm mà cứ chỉ đi giã nhờ. Bất cứ suy diễn thông thường nào thì cũng sẽ là như vậy và phải như vậy.

Nhưng nếu thế thì chúng ta làm gì có cái gọi là văn hóa làng, ít ra là văn hóa làng của một thời, để nương vào đó mà làng quê, dù tai ương, giặc giã, lại vẫn cứ giữ được nét thanh bình?

Thế mới biết nghèo chưa phải là thứ đáng sợ nhất.

Xay lúa: Tranh họa sỹ Ngô Xuân Khôi.

Xay lúa: Tranh họa sỹ Ngô Xuân Khôi.

Thông thường giã gạo phải từ hai người trở lên. Một người giã thường tốn sức, mau mệt. Giã gạo là cả một sự khéo léo và mang tính thẩm mỹ cao! Nhà quê, khi chưa cưới hỏi, không bao giờ có chuyện trai gái lạ giã gạo cùng nhau. Sẽ lập tức bị dị nghị, độn thổ cũng không thoát tai tiếng. Vì thế đa phần việc giã gạo đều được thực hiện bởi những người thân trong nhà. Tuyệt nhất là vợ trước, chồng sau, loại bỏ mọi rắc rối của sự đụng chạm. Thậm chí đụng chạm trong trường hợp đó còn có khả năng làm tăng hương vị cuộc sống. Sự nhịp nhàng để cộng hưởng lực, mới chỉ đạt một nửa yêu cầu. Thời điểm nhún tiếp theo khi mỏ cối đã nện xuống là cả một sự kỳ diệu về cảm giác. Nếu mỏ cối vừa chạm gạo (chưa kịp tận dụng hết lực ma sát) mà đã nhún chân, sẽ làm phí mất lực vừa tạo ra, thậm chí có thể dính đòn “phản lực” bong gân như chơi! Nhưng nếu để mỏ cối ở trạng thái “chết” rồi mới nhún tiếp, thì phải mất nhiều lực hơn cho một lần giã mới. Vì thế, phải cảm nhận, phải “nghe” vào đúng khoảnh khắc mỏ cối bắt đầu tự nảy lên theo quán tính để nhún chân. Việc này tinh tế đến nỗi nếu người giã chỉ cần có một chút ý thức về điều đó là hỏng ăn. Nó phải đạt đến mức phản ứng bản năng.

Vì thế, có thể nói không quá: giã gạo còn là hành vi đo mức độ hòa hợp về tâm hồn! Nó giống phần nào với hành động yêu đương. Hai người xung khắc nhau mà làm tình thì chả có tí hứng thú nào, thậm chí tạo ra tội ác. Cũng hai người ấy mà giã gạo thì rất mệt và khiến người ta sợ đến già.

Giã gạo là công việc nặng nhọc chẳng kém gì xay lúa nhưng thú vị và đỡ nhàm chán hơn. Trong khi “xay lúa thì thôi ẵm em”, giã gạo vẫn có thể kết hợp hai việc một lúc trong trường hợp neo người.

Muốn biết người nào nhân hậu, có văn hóa, sống xởi lởi, chỉ cần xem cách họ múc gạo lên từ cối là biết. Họ trân trọng, nâng niu, vỗ về, an ủi những hạt gạo phải qua biết bao khó nhọc và đau đớn mới thành ra hạt ngọc thực. Trong khi nhặt từng hạt bị bắn ra ngoài, họ luôn để lại trong cối một vài lẻ tay cho nhà chủ, tùy họ làm gì thì làm. Kể cả chủ nhà chả bao giờ cần đến số gạo đó và chúng lại thành của người đến giã sau, nhưng nhất định cứ phải để lại thì mới yên lòng, mới ra người tử tế.

Lạ thế cái tình nhà quê!

Tạ Duy Anh

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

 

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười hai: Câu chuyện cây cam hạnh phúc

'Cây cam của tôi', 'Cây xoài nhà tôi', 'Cây dừa vườn tôi', 'Gạo ruộng nhà mình', v.v là những câu chuyện sáng tạo mang nhiều ý nghĩa.

Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật: Ngành Nông nghiệp, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục phối hợp tốt trong triển khai quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM.

Ra mắt câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền'

Câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền' chính thức ra mắt, đánh dấu bước ngoặt phát triển nông nghiệp bền vững. 18 thành viên Ban chủ nhiệm là những doanh nông tiêu biểu.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá của Na Uy

Đánh bắt cá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Na Uy. Ngành này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu.