Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), Việt Nam đã tham gia thị trường xuất khẩu nông sản khoảng 30 năm. Từ năm 1990, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 20 triệu USD, thì đến nay xuất khẩu nông sản đã đạt được mức tăng trưởng rất lớn, năm 2023 đạt khoảng 53 tỷ USD và năm nay trong 5 tháng đầu năm đã đạt được 24 tỷ USD và là một trong những nước xuất khẩu nông nghiệp lớn trên thế giới.
Trong đó, ngành hàng rau quả là ngành hàng có sự phát triển vượt bậc trong 5 năm vừa qua. Từ mức xuất khẩu khoảng 500 triệu USD trong những năm 2015 - 2016, thì năm 2023 đã đạt được hơn 5 tỷ USD, trong đó ngành hàng sầu riêng đóng góp hơn 2 tỷ USD.
Là trung tâm giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhiều năm qua, Đồng Nai đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước về đầu tư kho, nhà máy chế biến sâu. Qua đó, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng, và là một trong những địa phương tốp đầu có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn nhất cả nước trong nhiều năm.
Thống kê của Cục Thống kê Đồng Nai, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 21,6 tỷ USD, dự kiến 2024 xuất khẩu tăng 8%. Trong đó, 3 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là cà phê, nhân hạt điều, hạt tiêu. Ngoài ra, Đồng Nai cũng có nhiều loại nông sản có tiềm năng xuất khẩu như các loại trái cây khác như sầu riêng, thanh long, rau ăn lá, rau gia vị, thịt heo, gà, vịt.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá, dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế và tiếp tục khẳng định năng lực sản xuất dồi dào, sản phẩm phong phú đa dạng, có khả năng cung ứng lớn cho thị trường thế giới với lợi thế cạnh tranh từ 16 FTA phủ khắp các thị trường lớn như CPTPP, EU, ASEAN…
“Việt Nam hiện là nhà cung ứng đứng thứ hai thế giới về cà phê, thứ nhất về hạt điều, thứ nhất về hạt tiêu, và lớn thứ ba về gạo”, bà Phan Thị Thắng nhận định.
Những năm gần đây, xuất khẩu nông sản, thực phẩm luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam với tốc độ phát triển bứt phá ngoạn mục kể cả trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường sụt giảm.
5 tháng đầu năm 2024, đà tăng trưởng được duy trì ổn định, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính đều có kim ngạch tăng trưởng dương như Hoa Kỳ (tăng 23,9%), Trung Quốc (tăng 8,6%), Nhật Bản (tăng 6,6%). Giá trị xuất khẩu các mặt hàng trong ngành nông nghiệp cũng đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái như cà phê đạt 2,9 tỷ USD (tăng 44,1%), gạo 2,65 tỷ USD (tăng 38,2%), rau quả 2,59 tỷ (tăng 28,1%), tôm 1,3 tỷ USD (tăng 7,5%)…
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, trong thời gian tới, ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt với 3 thách thức lớn: Tiêu chuẩn chất lượng, các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao; Các nước đều có xu hướng bảo vệ nền sản xuất trong nước, dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện thương mại ngày càng nhiều; Phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Do đó, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp đã được triển khai, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đặc biệt, chú trọng sinh thái, môi trường, con người và phát triển bền vững, kịp thời bắt nhịp với xu thế phát triển của thị trường thế giới.
“Chính phủ và các Bộ ngành tiếp tục tạo điều kiện phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng”, bà Phan Thị Thắng cho hay.
Trong nhiều năm qua, song song với việc triển khai có hiệu quả các đề án của Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, và đặc biệt là công tác “đi trước mở đường” đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam. Có thể kể đến những thành công của việc mở đường xuất ngoại này như chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang (sang Trung Quốc), nhãn (sang Nhật Bản) bưởi, chanh (sang New Zealand, dừa (sang Hoa Kỳ)…
Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, để nông sản, thực phẩm của Việt Nam có thể xuất khẩu vào các thị trường trong thời gian tới một cách bền vững, khẳng định vị thế xuất khẩu nông sản Việt Nam, thì việc tiên quyết là phải đảm bảo các vấn đề kỹ thuật, tiêu chuẩn, kiểm soát dịch bệnh, đánh giá rủi ro...
“Thời gian tới, các chương trình phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NN-PTNT luôn đồng hành cùng Chính phủ trong cam kết giảm phát thải khí nhà kính, NetZero đến năm 2050”, ông Lê Thành Hòa nói.