Xuất khẩu cá ngừ trước cơ hội tái lập kỷ lục 1 tỷ USD. Trồng nhãn Ido rải vụ, lợi nhuận từ 200 - 400 triệu đồng/ha/vụ. Thủ tướng giao 3 bộ làm rõ nguyên nhân lúa chết do nhiễm mặn 'bí ẩn'. Phủ xanh nhiều diện tích rừng phòng hộ Xuân Lộc bị chết khô.
Năm 2022, Việt Nam ghi nhận cột mốc kỷ lục khi kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 1 tỷ USD, cho thấy tiềm năng phát triển của ngành chế biến và xuất khẩu. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt có các nhà máy chế biến cá ngừ có công nghệ cao, kinh nghiệm, kỹ năng - sản phẩm có uy tín ở hàng trăm thị trường.
Tuy nhiên, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sụt giảm, chỉ đạt 845 triệu USD. Theo báo cáo của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, lũy kế tới hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 388 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 44%, cá ngừ nguyên con đông lạnh tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng, năm 2024 cá ngừ Việt Nam sẽ có cơ hội quay lại mốc 1 tỷ USD nếu những bất cập về vấn đề nguyên liệu được tháo gỡ.
Hiện nay nhiều nhà vườn ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ áp dụng mô hình trồng nhãn Ido theo hướng hữu cơ cho trái rải vụ, xử lý ra hoa theo ý muốn đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Nhãn Ido cho năng suất tốt và hầu như không bị bệnh chổi rồng, lại có thể xử lý cho ra trái rải vụ quanh năm. Nhiều lao động nông nhàn của địa phương cũng có thu nhập ổn định từ 9 - 12 triệu đồng/tháng với công việc hái, phân loại, vận chuyển nhãn thuê.
Theo ông Phạm Văn Lơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa, hiện nay các xã viên trong HTX bắt đầu cho hoạch hoạch trái, năng suất nhãn trung bình đạt 20 tấn/ha, giá bán từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Chi phí phân bón, thuốc BVTV, nhân công lao động khoảng 100 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận từ 200 - 400 triệu đồng/ha/vụ.
Thủ tướng giao 3 bộ làm rõ nguyên nhân lúa chết do nhiễm mặn ‘bí ẩn’
Văn Vũ sx
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp vừa ký văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan xem xét vụ việc thiệt hại 2 vụ lúa (nếu có) tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, làm rõ nguyên nhân gây thiệt hại và giải pháp xử lý.
Theo phản ánh của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhiều diện tích đất lúa cạnh Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau bị nhiễm mặn đến gần 7 phần nghìn.
Tình trạng này làm cho ruộng lúa của nhiều hộ dân ấp 9, xã Vị Thắng bị ảnh hưởng với diện tích gần 3 ha; chỉ đạt năng suất dưới 7 tấn/ha; tổng sản lượng thiệt hại trên 5,4 tấn lúa. Theo ước tính, với giá bán 8.000 đồng/kg, vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, các hộ dân nơi đây thiệt hại gần 44 triệu đồng.
Phủ xanh nhiều diện tích rừng phòng hộ Xuân Lộc bị chết khô
Minh Sáng sx
Rừng phòng hộ Xuân Lộc vừa phải trải qua một mùa khô khốc liệt kéo dài tới gần 8 tháng. Đến nay vẫn có nhiều ngày nắng gay gắt, do đó, phải chờ mưa xuống mới có đủ độ ẩm để Ban quản lý phát động trồng rừng.
Ghi nhận của Báo Nông nghiệp việt Nam, nhiều diện tích cây rừng bị chết khô, cần phải được trồng dặm lại, chủ yếu các cây gỗ lớn như giáng hương, trắc, dầu sao… nhằm đảm bảo tính năng phòng hộ cũng như đạt mật độ trên 600 cây/ha và đạt chuẩn quy hoạch 3 loại rừng.
Lễ Phát động trồng rừng năm 2024 được Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc tổ chức tại tiểu khu 200, phân trường Trản Táo (xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) là hoạt động thường niên của đơn vị với sự tham gia của rất nhiều người dân, các thầy cô giáo, học sinh, chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm, cùng tham gia. Nhân hoạt động này, Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã trao tặng quà hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó có thành tích học tập tốt của nhà trường trên lâm phận thuộc Ban quản lý.