Thư về quê

Nguyễn Cảnh Bình - Thứ Bảy, 15/10/2022 , 06:49 (GMT+7)

Cùng với những điều tốt đẹp thì thực sự cũng có những mối lo ngại và nguy cơ, mà nặng nề nhất là sự suy giảm về chất lượng con người.

Anh Nguyễn Cảnh Bình, hiện là chủ tịch HĐQT Alpha Books. Ảnh: NVCC.

LTS: Sau 30 năm Đổi mới và Mở cửa, diện mạo của nông thôn Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Cuộc sống vật chất của người dân đã cải thiện đáng kể về mức sống, tiện nghi, giao thông và truyền thông như internet, truyền hình đã đến với hầu hết các xã nhưng cùng với những thay đổi đó, nhiều vấn đề xuất hiện và đặt ra ở nông thôn. Một trong những thách thức hiện nay đó là chất lượng con người, chất lượng cộng đồng và các yếu tố văn hóa, tri thức do tác động của công cuộc di dân mà để lại một số khoảng trống cần được bù đắp.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết - bức thư của anh Nguyễn Cảnh Bình, hiện là chủ tịch HĐQT Alpha Books, Viện trưởng Viện lãnh đạo ABG, một người con của quê hương Nghệ An, gửi cho Hội đồng Gia tộc dòng họ Nguyễn Cảnh. Những vấn đề đặt ra không chỉ là của riêng một dòng họ mà của nhiều dòng họ, nhiều cộng đồng và địa phương.

Hà Nội ngày 12/9/2022

Kính gửi chú Cảnh Sợi, chú Cảnh Dinh và các chú, các bác, các anh trong hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Cảnh.

(Về các vấn đề của dòng họ Nguyễn Cảnh hiện nay và vài suy nghĩ, đề xuất…)

Thưa các chú.

Cháu định gọi điện thoại cho chú Sợi mấy lần, nhưng thấy là không nói hết được những suy nghĩ về các vấn đề của dòng họ nên cháu xin phép soạn bức thư này gửi các chú, các bác (và những thành viên khác của Hội đồng Gia tộc - HĐGT) về các vấn đề của dòng họ ta mà mọi người trăn trở trong nhiều năm qua.  

Mấy chục năm Mở cửa và sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã mang lại những thay đổi lớn lao cho quê mình. Từ những ngôi nhà gỗ lợp tranh hoặc xây dựng đơn giản, thấp bé thì ngày nay, ở Đô Lương, ở Thanh Chương, Nam Đàn, Yên Thành… quá trình xây dựng và cuộc sống hiện đại đã lan khắp nơi. Những ngôi nhà đã khang trang hơn, tiện nghi vật dụng đầy đủ hơn. Cháu nhìn thấy những cửa hiệu xe Honda, Thế giới Di động ở khắp các huyện, rồi ô tô, xe máy và internet, truyền hình cùng với mạng xã hội đã về tới mọi làng xã, giúp cho nông thôn có khuôn mặt và diện mạo mới: trẻ trung, hiện đại và giàu có hơn rất nhiều so với 1-2 thập niên trước.

Cháu mới về Đô Lương, thấy con đê sông Lam bao nhiêu đời nay vừa bị san phẳng để xây những khu đô thị mới. Ngay cả những khu đất ở mấy xóm Đông Sơn gần với các mộ tổ chỉ sau vài năm cũng đã thành những ngôi biệt thự hoặc khu chung cư hiện đại. Cháu cũng biết Nghệ An là tỉnh xếp thứ 3 cả nước về số lượng đăng ký ô tô mới, và những khu đô thị hiện đại của VinGroup, của EuroWindow, Ecopark và nhiều tập đoàn khác. Đó chắc chắn là mặt tích cực của quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa.

Nhưng cùng với những điều tốt đẹp này thì thực sự cũng có những mối lo ngại và nguy cơ đối với dòng họ và cả địa phương chú ạ, mà nặng nề nhất là sự suy giảm về chất lượng con người. Vấn đề lớn nhất cháu nhận thấy là không chỉ ở chi họ nhà cháu (Đông Sơn & Tràng Sơn, huyện Đô Lương), mà còn cả ở các chi họ khác và cả các dòng họ khác chứ không chỉ dòng họ Nguyễn Cảnh. Đó là không có những gương mặt có tư duy và chất lượng về văn hóa - học thuật, có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, gia đình, dòng họ, quê hương. Thu nhập, cuộc sống của xã hội đã tốt hơn trước đây nhưng đó chỉ là mặt vật chất chứ về tinh thần, văn hóa, truyền thống và tri thức, hiểu biết dường như có phần suy giảm. Cảm tưởng rằng học thức chung của mọi người tăng lên, cũng như trong xã hội có nhiều người đỗ đại học hơn nhưng những tấm gương, những nhân vật có thành tựu và uy tín nổi trội cùng kiến thức và tư duy lại ít đi so với trước đây. Cháu về quê, dự các lễ hội, gặp gỡ mọi người mà thấy thiếu vắng các tri thức và văn hóa trong hoạt động, trong tư duy và cả trong thực tiễn. Cái hiệu sách giữa phố Đô Lương giờ gần như không nhìn thấy khi để cửa hiệu Thế giới Di động thuê lại và thay thế. Không còn sách báo trong quê như xưa nữa và mọi người nói rằng chỉ đọc thông tin qua mạng, nhưng chắc chú cũng biết là đa phần chỉ đọc tin giải trí thôi, phải không chú?

Có nhiều người tham gia vào việc họ, rất nỗ lực và có nhiều đóng góp trong việc xây dựng mồ mả, nhà thờ và các hoạt động khác nhưng số đó ít hơn trước đây và họ ta thiếu đi nhiều những hoạt động có tính văn hóa và chiều sâu, đặc biệt là ở lớp trẻ trong quê. Sự thiếu hụt nhóm kế cận có trình độ, kiến thức và hiểu biết về văn hóa là điều đáng lo ngại nhất. Ai sẽ tiếp nối những hoạt động hiện nay trong 10-20 năm nữa? Việc kế tục về con người rồi sẽ có nhưng trình độ của họ thế nào? Như trong chi nhà cháu, sự kế tục là điều rất đáng lo ngại và không thấy có giải pháp khả thi nào trong 1-2 thế hệ tới đây. Dòng họ, hoạt động thờ cúng tổ tiên, tôn tạo… sẽ thế nào nếu có sự đứt gãy lớn về tri thức, hiểu biết và năng lực?

Trong 20 năm qua, dòng họ ta ở khắp nơi đã tôn tạo, xây dựng lại các di tích, lăng mộ, nhà thờ. Nhưng thật ra, cháu thấy đáng lo nhất là nền tảng văn hóa, kiến thức, tư duy và học vấn của dòng họ, mà đây mới là nền tảng vững chắc kết nối và để lại di sản chứ không phải đền đài, mồ mả. Mức sống của người dân đã được nâng cao lên nhiều so với trước đây, khi về quê cháu đến nhiều nhà đều thấy các tiện nghi hiện đại, nhưng hầu như không nhà nào có tủ sách, tri thức, học tập, cũng không có những buổi trò chuyện về văn hóa như những ngày xưa mỗi lần cháu về quê nghe các ông già và bố cháu nói chuyện nữa. Giờ đây, các cuộc gặp nhau cũng chỉ bàn việc hàng ngày, mua sắm, ăn uống…, thật buồn. Ngày xưa, khi bố cháu đưa cháu về quê, cháu gặp những thầy giáo, những bậc trưởng lão trong làng có uy tín và thường họp bàn trang nghiêm, sâu sắc thì nay dường như bị lấn át bởi những câu chuyện tiền bạc và lợi ích. Cuốn sách Hoan Châu ký đã được tổ tiên viết cách đây 400 năm, là sợi dây vô cùng vững chắc, là nền tảng lịch sử và tinh thần để gắn kết dòng họ. Nhưng giờ đây, cháu không thấy những cuốn sách, những ghi chép về dòng họ như vậy nữa, mà phần nhiều chỉ là những bữa liên hoan, ăn uống tụ tập có phần hơi ầm ĩ và tốn kém nhưng sự thân tình lại không được như xưa.

Một điều cũng đáng buồn là trong giai đoạn Cải cách ruộng đất, Nghệ An và Thanh Hóa là những địa phương hăng hái nhất trong việc phá bỏ những chùa chiền miếu mạo. Hàng trăm, hàng nghìn những ngôi đền chùa, di tích lịch sử bị đập phá. Ngay Đô Lương và Thanh Chương, những di tích đẹp nhất mà bố cháu kể, nay đã không còn chút dấu tích nào. Hậu quả của việc tàn phá này là vô cùng nặng nề, ảnh hưởng đến tâm lý, văn hóa và truyền thống của vùng đất mà đến tận bây giờ hầu như không thể nào khôi phục được. Còn giờ đây lại có xu hướng dường như cũng cực đoan như thế, nhưng ở chiều ngược lại, đó là phong trào xây dựng mồ mả, đền thờ, nhà thờ khắp nơi. Thậm chí nhiều câu chuyện rất buồn cười là chỉ có chữ “hạ mã” tức là chỗ dừng xe xuống ngựa để đi bộ vào trong đền thì cũng được thờ tự. Qua đó mới thấy văn hóa và sự hiểu biết của người dân thấp đến đâu khi lâu nay đã không còn học được/ được học chữ Nho.

Thực trạng này ở nông thôn có nguyên nhân sâu xa. Trước kia, trong giai đoạn phong kiến, những người đỗ đạt thành danh ở các địa phương, sau này khi ra Hà Nội làm quan trong triều đến khi về hưu thì đều quay trở về quê. Nhiều người khác cũng giỏi giang và có học vấn nhưng do điều kiện đi lại và địa lý xa xôi cách trở nên không ra Hà Nội mà đều sống ở nông thôn, họ chính là những “mỏ neo” là những thầy đồ hay trưởng lão, là các cụ có uy tín và đạo đức để dẫn dắt và định hướng các hoạt động ở nông thôn. Nhưng tình hình hiện nay thì khác rất xa khi những người thành đạt đỗ đạt đều đã ra Hà Nội sinh sống hoặc đi những vùng đất khác mà rồi không trở về nữa. Cùng với quá trình đó rất nhiều người khác rời quê hương xuống Vinh, vào Sài Gòn, ra Hà Nội và cả nước ngoài để lập nghiệp. Quá trình di dân này từ những năm 1954 kéo dài đến nay, đặc biệt là sự dịch chuyển của những người có hiểu biết và có trình độ cao này làm tổn thương cộng đồng nông thôn, góp phần làm suy giảm chất lượng tri thức và văn hóa của cộng đồng, mà địa phương và dòng họ không có những hoạt động bù đắp được sự mất mát này.

Anh Nguyễn Cảnh Bình tặng sách cho học sinh ở Nghệ An vào năm 2016. Ảnh: NVCC.

Nếu như trước đây những “mỏ neo”, những giá trị trụ cột về văn hóa và tinh thần được tạo ra bởi những di tích đình chùa miếu mạo, những vị quan và những người đỗ đạt thành danh để cả cộng đồng ở trong quê noi theo, học tập, lấy đó làm gương, thì giờ đây số lượng này càng ngày càng ít đi, thậm chí không còn nữa. Những “mỏ neo”, những điểm tựa về mặt văn hóa và tinh thần đã mất mát rất nhiều, vì thế, ngày nay chỉ còn cái vỏ bề ngoài theo kiểu ngôi mộ nào to hơn, đền thờ họ nào lớn hơn thì họ đó oách hơn, chứ ít chú trọng các nền tảng tri thức & văn hóa. Thành thật mà nói, dù có thể hơi quá lời, nhưng chất lượng những hoạt động trong dòng họ ngày xưa và bây giờ khác nhau nhiều lắm. Sự chênh lệch quá lớn về uy tín, văn hóa, tầm nhìn và những giá trị giữa các cụ trong dòng họ ngày xưa với nhóm đang phụ trách hôm nay khiến cho nhiều hoạt động văn hóa trở nên mờ nhạt, lỏng lẻo, thiếu nghiêm cẩn, thiếu ngăn nắp, tôn ti, trật tự.

Có nhiều lần cháu về quê dự những buổi giỗ trong dòng họ trong chi họ nhà cháu mà thực sự thấy buồn… Trong khuôn viên nhà thờ vừa được tôn tạo với chi phí hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, vậy mà nhìn khuôn mặt của mọi người xung quanh không vui. Những khuôn mặt lo âu, băn khoăn hoặc chỉ thích nhậu nhẹt, uống rượu, tụ tập, chứ cháu không nhìn thấy sự đoàn kết, chia sẻ thân tình giữa các con cháu. Những đứa trẻ con nhìn nhà thờ ngơ ngác, không còn cảnh đầm ấm, thân thiết và những câu chuyện kể về tổ tiên, mà thay vào đó là chuyện tiền nong, cãi cọ, tranh tỵ và so bì, rồi rượu chè có khi gây thành cãi nhau, không ai chịu ai…

Giờ đây, chúng cháu là những thế hệ Nguyễn Cảnh đầu tiên sinh ra ở Hà Nội, ràng buộc và gắn bó với trong quê hương là vì hay về quê, bởi đó là quê hương của bố mẹ ông bà sinh ra ở trong đấy, và có mối quan hệ với các bác chú, o mự… Nhưng các thế hệ tiếp theo thì ngày càng mờ nhạt và ít có gắn bó, ràng buộc với quê hương. Chắc chắn là rồi đây sẽ không còn sự gắn bó nữa; thậm chí chỉ trong 10-20 năm qua, thế hệ bố cháu, ông Cảnh Toàn, Cảnh Chất, Cảnh Phụ… qua đời khiến cho mối quan hệ trong dòng họ cũng mờ nhạt, yếu ớt hơn. Vậy dòng họ Nguyễn Cảnh sẽ thế nào sau 20 năm hay 50 năm nữa?

Chỉ sau vài thập niên, chúng ta đã thấy có nhiều biến động và thay đổi rồi. Như chú cũng đã thấy, với những người trẻ sinh ra sau năm 2000 ở Hà Nội, mối quan hệ gắn bó với vùng đất Nghệ An chỉ còn là một sợi dây mờ nhạt. Vì thế, tương lai của dòng họ, chỉ 1-2 thế hệ nữa thôi sẽ phải chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc. Có thể chi họ ở Hà Nội sẽ lại phát triển nhưng dần dần trở nên cách biệt với trong quê, cách biệt về văn hóa, về lịch sử và cách biệt với cộng đồng; và những thế hệ sau này nếu có về quê thì chắc cũng chỉ trong dịp Thập niên Sự lễ hoặc cùng lắm vài năm một lần, như những chuyến du lịch.

Thế hệ trẻ sinh ra ở Hà Nội thì có nhiều mối bận tâm hơn, nhiều cháu thế hệ 9X hay 2000s còn đi du học ở nước ngoài. Lứa trẻ này có lẽ là lứa rất giỏi giang sẽ ở lại nước ngoài và rồi bố mẹ cũng ra nước ngoài sinh sống, ví dụ như thế hệ 5X, 6X và thậm chí rồi đây là 7X, cũng ra nước ngoài, và nếu không ra nước ngoài thì cũng chỉ sống ở Hà Nội hay Sài Gòn... Mối quan hệ giữa nhóm cư dân/con cháu sinh ra ở Hà Nội và các con cháu ở quê chắc chắn sẽ mờ nhạt đi rất nhiều so với thế hệ của chú và bố cháu – mà cháu gọi là thế hệ kết nối, và thế hệ của bọn cháu là thế hệ chuyển giao. Ngay cả những người như cháu vẫn còn nhiều mối bận tâm lo toan và bị chi phối ngoài dòng họ. Mạng xã hội, mối quan hệ trong công việc, đồng nghiệp, các ngành nghề, bạn học… ngày càng phát triển, khiến cho sự gắn bó với dòng họ trở nên mờ nhạt và tổ chức, ý nghĩa của dòng họ, của quê hương trong kỷ nguyên số hiện đại này sẽ đặt ra câu hỏi lớn về mô hình và cách thức tồn tại.

Anh Nguyễn Cảnh Bình, hiện là chủ tịch HĐQT Alpha Books, Viện trưởng Viện lãnh đạo ABG. Ảnh: NVCC.

Thưa chú và các thành viên của HĐGT.

Tổng hợp lại, theo cháu, về cơ bản có mấy vấn đề lớn mà HĐGT cần suy nghĩ:

1. Việc duy trì và tổ chức các hoạt động của dòng họ Nguyễn Cảnh trong bối cảnh xã hội hiện đại và công nghệ sẽ thế nào? Đây không chỉ là thách thức của dòng họ Nguyễn Cảnh mà của nhiều dòng họ khác nữa. Sau Thập niên Sự lễ 2024, vấn đề này sẽ được đặt ra càng rõ ràng hơn.

2. Việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo, vận hành và quản lý các di sản của dòng họ nên thế nào, cả di sản vật chất và di sản tinh thần? Làm sao để có một hệ thống có giá trị mà không quá nặng nề, không quá thiên về vật chất, và có tính văn hóa - truyền thống sâu sắc?

3. Mối quan hệ và vai trò của các chi họ trong đại tôn/hội đồng gia tộc sẽ phát triển ra sao…? Một mặt, các chi họ vừa phải tìm ra cách thức hoạt động và kết nối giữa con cháu trong chi họ, giữa chi họ mình với các chi họ khác & đại tôn, rồi cả những thành viên chi họ sống ở nông thôn và những người đã hoặc sẽ thoát ly định cư ở những địa phương khác. Và rồi đây, vai trò và vị thế của liên chi họ Nguyễn Cảnh ở khắp nơi trên cả nước sẽ cụ thể ra sao?

Cháu nghĩ rằng không thể hết được những khác biệt nhưng điều làm con cháu dòng họ vẫn còn kết nối với nhau, cùng chung tay cho một số hoạt động, đấy chính là văn hóa, là lịch sử và kiến thức, hiểu biết. Đó mới thực sự là nền tảng vững chắc giúp các thế hệ tiếp theo duy trì được truyền thống… Cháu nghĩ, giảm bớt 100 triệu trong 800 triệu xây mộ tổ không làm mộ tổ kém sang trọng hơn. Cháu đã đi nhiều nơi trên thế giới, đến thăm mộ các vĩ nhân và như Boris Yelsin - Tổng thống Nga - cũng chỉ có 20m2. Hàng trăm, hàng nghìn nhân vật lịch sử lớn lao của thế giới cũng chỉ có ngôi mộ 10-20m2, trong khi khu đất xây mộ tổ ở Đô Lương trong quê vừa đề nghị mua rộng tới hàng trăm m2. Cháu từng đề nghị không nên mở rộng/xây quá lớn các khu mộ mà dành tiền bạc và công sức nuôi dạy thế hệ trẻ, công việc mà nhiều năm nay ở quê gần như quên lãng. Cháu đã vận động dòng họ làm thư viện, mà chắc chắn chỉ chiếm một phần nhỏ tiền xây mồ mả nhưng quá ít người ủng hộ...

Sau cùng, giải pháp lớn lao nhất cho dòng họ chỉ có thể là nâng cao dân trí, văn hóa và, hiểu biết truyền thống dòng họ, mà ở đó nền tảng vững chắc nhất là trình độ và phẩm chất con người.

- Quyết tâm triển khai những hoạt động nâng cao dân trí, văn hóa..., sự hiểu biết giúp chúng ta tránh các suy nghĩ cực đoan... Nâng cao dân trí và hiểu biết giúp tạo dựng thế hệ kết nối tiếp theo của dòng họ, và tạo sự kết nối giữa các chi họ, với cả quê hương và cộng đồng.

- Nâng cao dân trí và hiểu biết giúp con người nhân văn hơn, văn minh hơn, và dù có những khác biệt nhưng sẽ không gây xung đột, mà ngược lại còn giúp phát triển – vì mang đến sự đa dạng, và vẫn giữ được sự đoàn kết. Sự tranh luận của 2 người hiểu biết/có văn hóa chắc chắn mang lại kết quả tốt hơn sự tranh cãi của những người ít học.

- Nâng cao dân trí và hiểu biết giúp con cháu giỏi giang hơn, hiểu biết về dòng họ, quê hương và giàu có, thành đạt hơn. Rồi thế hệ đó sẽ đóng góp xây dựng di sản, kế thừa lịch sử vẻ vang của tổ tiên. Thật đáng buồn là trong vài thập niên qua, ngoài một số hoạt động kinh doanh thì con cháu trong dòng họ chưa có những thành tựu nổi bật về học thuật và văn hóa.

Thưa các chú, các anh, đây chỉ là những suy nghĩ của cháu về một trong những vấn đề của dòng họ ta, cũng là của quê hương mà cháu xin gửi đến các chú và Hội đồng Gia tộc để mọi người cùng suy nghĩ thêm, với mong muốn có những nỗ lực đóng góp vào việc duy trì các giá trị của dòng họ và của quê hương mà hơn 600 năm qua, tổ tiên họ ta đã sống và dựng xây.

Cháu kính chúc chú, chú Cảnh Dinh và mọi người trong HĐGT mạnh khỏe.

Cháu Nguyễn Cảnh Bình,

Chi Can Hầu Thiêm/Trí Nghĩa hầu/Tấn Quốc công.

Nguyễn Cảnh Bình
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.