Khoảng trống trong "giỏ" 35 tỷ Euro
Hiện nay, thị trường Halal hiện đang rất phát triển trên toàn thế giới nhờ nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng và phù hợp về mặt đạo đức ngày càng tăng, không chỉ trong cộng đồng người Hồi giáo, mà còn cả người tiêu dùng các tôn giáo khác.
Ông Miran Ismael, Giám đốc Trung tâm chứng nhận Halal châu Âu - ECC Halal cho biết, lục địa này là nơi cư trú của khoảng 25 triệu người Hồi giáo, với các cộng đồng theo đạo Hồi đặc biệt lớn tại các quốc gia như Pháp, Đức, Vương quốc Anh và Hà Lan. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Theo một báo cáo gần đây của Pew Research, dân số Hồi giáo được dự đoán có thể chiếm 14% tổng dân số toàn châu Âu vào năm 2050. Sự gia tăng dân số theo đạo Hồi đã mở ra một cơ hội lớn cho các sản phẩm Halal tham gia vào thị trường châu Âu.
Thị trường Halal tại châu Âu hiện trị giá hơn 70 tỷ Euro và được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể trong những năm tới. Các sản phẩm được ưa chuộng thường phục vụ cho nhu cầu của những người tiêu dùng quan tâm đến Halal, đặc biệt trong các lĩnh vực như thực phẩm - đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm và thậm chí là thời trang. Tính trong năm 2021, thực phẩm và đồ uống Halal chiếm hơn 35 tỷ Euro trên tổng giá trị thị trường châu Âu.
Điều này đã khẳng định nhu cầu to lớn đối với các sản phẩm chất lượng cao và đạt chứng nhận Halal tại thị trường này. Tuy nhiên, nguồn cung của các sản phẩm Halal vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu.
“Đây chính là một khoảng trống mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để bước chân vào thị trường châu Âu”, ông Miran Ismael nhấn mạnh.
Theo ông, Việt Nam có năng lực sản xuất mạnh mẽ và chuyên môn ngày càng cao trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Do đó, Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi có thể đáp ứng nhu cầu đang gia tăng đối với các sản phẩm Halal tại châu Âu.
Cần làm gì để thành công?
Theo người đứng đầu ECC Halal, để các doanh nghiệp Việt Nam thành công xuất khẩu sản phẩm Halal sang châu Âu, cần đến một số giải pháp, đầu tiên là đa dạng hóa khách hàng.
Ông Miran Ismael nói: “Nhóm khách hàng Hồi giáo tại châu Âu rất đa dạng, đặc biệt là ở thế hệ thứ hai và thứ ba. Đây là nhóm người đã đã có sự hội nhập sâu vào xã hội châu Âu và phát triển các thói quen tiêu dùng tinh tế. Do vậy, họ sẽ tìm kiếm các sản phẩm vừa đạt tiêu chuẩn Halal nhưng cũng phải phù hợp với lối sống của họ”.
Hiện nay, nhiều quốc gia châu Âu có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm Halal nhập khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Đây chính là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp các nguyên liệu Halal cao cấp, thực phẩm chế biến sẵn, hải sản và nhiều sản phẩm khác.
Ngoài ra, người tiêu dùng châu Âu bao gồm cả những người theo Hồi giáo và không theo đạo Hồi ngày càng ưu tiên các phương thức sản xuất bền vững và phù hợp theo các tiêu chuẩn đạo đức.
“Đây cũng là một lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát huy thế mạnh, đặc biệt nếu Việt Nam tập trung vào canh tác bền vững và bao bì thân thiện với môi trường”, lãnh đạo ECC Halal khẳng định.
Để có thể thành công với sản phẩm Halal ở thị trường châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tận dụng thế mạnh của hệ sinh thái thương mại điện tử để tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.
“Nhiều người Hồi giáo tại châu Âu, đặc biệt là thế hệ trẻ rất ưa chuộng công nghệ và thường xuyên mua sắm các sản phẩm Halal trên các nền tảng trực tuyến”, Giám đốc ECC Halal phân tích và gợi ý các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu và cung cấp trải nghiệm mua hàng trực tuyến tốt.
Về sản phẩm, Việt Nam có thể tập trung vào 3 lĩnh vực chính, đầu tiên vẫn là thực phẩm và đồ uống với các sản phẩm đáp ứng được cả tiêu chuẩn của châu Âu nói chung và Halal nói riêng.
Dòng sản phẩm tiếp theo là dược phẩm và mỹ phẩm với giá trị thị trường hàng tỷ Euro. Cuối cùng là các sản phẩm nguyên liệu đạt chuẩn Halal, đặc biệt là các nguyên liệu như gelatin, enzyme, chất nhũ hóa…
Rào cản & Giải pháp
Bên cạnh tiềm năng, thì việc nhận biết được các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu là vô cùng quan trọng.
Giám đốc Miran Ismael cho rằng, rào cản đầu tiên cần lưu ý là về thương mại và dịch vụ. Cụ thể, việc xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu đòi hỏi những hiểu biết sâu rộng về ngành dịch vụ (logistics), các chính sách về thương mại và các mức thuế tiềm tàng.
“Tuy vậy, Liên minh Châu Âu vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giao thương thông qua các hiệp định như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhờ đó giúp giảm mức thuế quan và đơn giản hóa việc tiếp cận thị trường châu Âu”, ông nói.
Vấn đề tiếp theo là nhận thức của người tiêu dùng và thương hiệu sản phẩm. Do đó, để thành công chinh phục thị trường châu Âu, các doanh ghiệp Việt Nam cần đầu tư vào việc xây dựng độ nhận diện thương hiệu và định vị chỗ đứng của mình như là nhà cung cấp đáng tin cậy các sản phẩm Halal.
Bao bì sản phẩm và việc quảng bá thương hiệu cần đảm bảo nguồn gốc an toàn, có tính bền vững và chất lượng cao, qua đó không chỉ tiếp cận được người tiêu dùng Hồi giáo, mà còn đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường châu Âu rộng lớn.
Có thể nói, thị trường Halal tại châu Âu đã sẵn sàng cho những bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đây đồng thời là cơ hội quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tham gia đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Giám đốc ECC Halal khẳng định, bằng việc tập trung phát triển các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn Halal và tận dụng tối đa nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu đối với sản phẩm có nguồn gốc đáng tin cậy, các nhà xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn có khả năng khai thác thị trường màu mỡ và đầy tiềm năng phát triển này.
“Việt Nam đang có lợi thế để trở thành nhà cung cấp chính các sản phẩm Halal tới châu Âu. Cùng với sự phối hợp giữa chính phủ, các cơ quan chứng nhận và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta có thể kiến tạo một tương lai thịnh vượng, nơi các sản phẩm Halal do Việt Nam sản xuất được biết tới trên khắp châu Âu”, người đứng đầu ECC Halal nhấn mạnh.