Rộng lớn và tiềm năng
Thị trường Halal toàn cầu có quy mô, tiềm năng lớn và đa dạng về lĩnh vực. Theo đó, số lượng tín đồ Hồi giáo năm 2024 đạt khoảng 2,02 tỷ người, chiếm gần 25% dân số thế giới và dự báo sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050.
Hiện nay, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028. Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp các châu lục trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Cognitive Market Research, giá trị thị trường thực phẩm Halal toàn cầu dự kiến đạt hơn 2.500 tỷ USD trong năm nay và sẽ tăng lên 4.900 tỷ USD vào năm 2031, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Người Hồi giáo chỉ tin dùng những sản phẩm Halal (được phép sử dụng), tránh xa những sản phẩm Haram (bị cấm) là yêu cầu mang tính tín ngưỡng tôn giáo và được quy định trong Thiên kinh Quran.
Không những thế, xu hướng tiêu dùng thực phẩm Halal trên toàn cầu đang gia tăng ngay cả ở nhóm dân số phi Hồi giáo do các sản phẩm Halal không chỉ đáp ứng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe, chất lượng, xanh, sạch mà còn có đạo đức trong chế biến và góp phần bảo vệ môi trường.
Ở Việt Nam, tính đến tháng 6/2023, trên cả nước có khoảng 90.000 tín đồ Hồi giáo, sinh sống tập trung 14 tỉnh, thành phố, trong đó đông nhất tại An Giang, TP.HCM, Tây Ninh và Ninh Thuận. Ðã có 4 tổ chức Hồi giáo (Islam) được Nhà nước công nhận.
Trên thế giới, năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam với 10 đối tác thương mại lớn là thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đạt 45,7 tỷ USD, trong đó một số thị truờng Hồi giáo khu vực Trung Ðông - Châu Phi ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao như Bờ Biển Ngà (29%), Nigeria (23,6%), Thổ Nhĩ Kỳ (12%), UAE (5,9%)...
Ngoài ra, Việt Nam và một số quốc gia Hồi giáo đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương thời gian tới (Việt Nam - Malaysia phấn đấu tăng kim ngạch thương mại lên 18 tỷ USD, Việt Nam - Indonesia lên 18 tỷ USD, Việt Nam - UAE lên 10 tỷ USD, Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ lên 5 tỷ USD, Việt nam - Iran lên 2 tỷ USD...).
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam đang đàm phán để sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE trong năm 2024 và nghiên cứu khả năng đàm phán FTA với một số nước Hồi giáo/đông tín đồ Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ...
Năng lực của nông sản Việt Nam
Theo đánh giá của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - NAFIQPM (Bộ NN-PTNT), Việt Nam có năng lực xuất khẩu và thương hiệu thực phẩm, nông sản tốp 20 thế giới, có nhiều mặt hàng tiêu biểu xuất khẩu tốp đầu thế giới như gạo, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá...
Đó cũng là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo và nhiều trong số đó đã được cộng đồng các quốc gia Hồi giáo tin dùng như cà phê, trà, đậu, lương thực thực phẩm...
Hiện nay, một lượng lớn nông sản thực phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với chứng nhận Halal, ví dụ như chứng nhận VietGAP, GobalGAP, chứng nhận hữu cơ, HACCP, ISO... và được người Hồi giáo ưa chuộng.
Cũng theo NAFIQPM, Việt Nam hiện có gần 1.000 doanh nghiệp được chứng nhận Halal với các đơn vị dẫn dắt như TH True Milk, Trung Nguyên... Đó là tiền đề giúp gia tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm Halal thời gian tới.
Một nền tảng nữa để nông sản Việt có thể chinh phục thị trường có giá trị hàng nghìn tỷ USD này là Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với các nước, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, chất lượng cao với các thị trường khắt khe (EU, Mỹ, Nhật Bản...).
Về chính sách, Việt Nam đã ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023.
Bên cạnh đó, Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia được thành lập (tháng 4/2024) góp phần thống nhất quản lý nhà nước về chứng nhận Halal, tạo điều kiện thuận lợi và giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí để thâm nhập hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
Cho đến nay, Việt Nam đang hoàn thiện, xây dựng Nghị định quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal. Hành lang pháp lý được hoàn thiện đảm bảo cho việc quản lý và thúc đẩy các hoạt động liên quan đến phát triển ngành kinh tế Halal thời gian tới.
Ngoài ra, Việt Nam đã bước đầu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Halal giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu, áp dụng đúng vào sản xuất kinh doanh của mình để đạt chứng nhận sản phẩm Halal được thuận lợi.
Khó khăn & giải pháp
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng không thể phủ nhận vẫn còn một số thách thức đối với nông sản Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường Halal. Đầu tiên là chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất, có thể áp dụng cho tất cả các nước.
Thay vào đó là nhiều cơ quan, tổ chức tham gia vào quy trình chứng nhận với những thủ tục khác nhau. Có thể xem đây là rào cản kỹ thuật lớn đối với các sản phẩm muốn thâm nhập thị trường này.
Hiện nay, Việt Nam cũng chưa hình thành được các hệ sinh thái Halal trong khi những quốc gia cung cấp lớn, nhiều kinh nghiệm lại đang chiếm lĩnh thị phần lớn như Australia, Singapore, Thái Lan, Brazil...
Để giải quyết vấn đề này, NAFIQPM cho rằng cần tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển đào tạo, sản xuất và chứng nhận Halal. Cùng với đó là hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế Halal.
Một giải pháp nữa là phải có chiến lược phát triển hệ sinh thái Halal đi cùng với ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương cũng như các thành phần kinh tế, huy động nguồn lực của toàn xã hội để phát triển ngành kinh tế này.