Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam

Tiếng Chăm có làm thay đổi giọng Quảng Nam không? (I)

Tiếng Chăm có làm thay đổi giọng Quảng Nam không? (I)

Loạt bài trình bày một lập luận chi tiết về tình trạng thiếu cơ sở ngôn ngữ học của quan niệm “Giọng Quảng Nam là do người Chăm nói tiếng Việt mà thành”.

Trong phần này chúng tôi chú trọng vào những câu hỏi: Thứ nhất, có phải cách phát âm tiếng Việt của người Chăm đã ảnh hưởng mạnh lên giọng Quảng Nam không? Nếu có thì là những phương diện gì của ngôn ngữ, ở mức độ nào, và xảy ra như thế nào? Thứ hai, theo chiều ngược lại, liệu tiếng Chăm có chịu ảnh hưởng gì của tiếng Việt không?

Cho đến nay dường như chưa có một tài liệu ngữ học nào về câu hỏi tiếng Chăm ảnh hưởng tiếng Việt như thế nào về mặt ngữ âm.

Trong lời nói đầu cuốn sách nổi tiếng “Tiếng Việt trên các miền đất nước”, khi tóm tắt về nội dung của chương 6, Hoàng T. C. (2004:17) viết “Meillet, nhà ngôn ngữ học Pháp đã từng nhắc nhở các đồng nghiệp rằng khi một ngôn ngữ biến đổi nhiều, tạo ra một bộ mặt mới khác với trước đó thì rất có thể là có một bộ phận dân cư đã thay đổi ngôn ngữ. Thành phần dân cư đã thay đổi ngôn ngữ của mình để nói tiếng Việt là những người Việt gốc Hoa, gốc Khmer và gốc Chăm”.

Dựa vào nhận định này, một số người cho rằng bộ phận dân cư đã thay đổi ngôn ngữ của mình là cộng đồng người Chăm, và kết quả là sự ra đời của giọng Quảng Nam và các giọng nói khác ở Nam Trung bộ. “Rất có thể” không phải là lời khẳng định, càng không phải một châm ngôn không cần minh chứng cho mỗi trường hợp cụ thể. Lưu ý rằng ở đây tác giả Hoàng Thị Châu không phải chỉ nói về người Việt gốc Chăm, và cũng không khẳng định phương ngữ nào của tiếng Việt miền Trung và miền Nam có một “bộ mặt mới khác với trước đó”. Đây có thể chỉ là một gợi ý ban đầu, vì trong chương 6 cuốn sách, khi miêu tả vần trong các phương ngữ Trung bộ và Nam Trung bộ, tác giả không hề nhắc lại hay mở rộng ý này. Nhận định trên của Meillet không áp dụng vào trường hợp của giọng Quảng Nam (tức là tiếng Việt thay đổi nhiều ở giọng Quảng Nam là do người Chăm nói tiếng Việt). Ở Quảng Nam không có hoặc rất hiếm người Việt gốc Khmer.

Trong những công trình của các nhà văn hóa học về ảnh hưởng của Chiêm Thành lên cuộc sống của Đại Việt, các tác giả thường nói về mặt văn hóa mà rất ít bàn về mặt ngôn ngữ. Ngay cả khi với những khẳng định như “Quá trình tiếp xúc ngôn ngữ đi đôi với các nền văn hóa bản địa và ngoại lai, đã làm cho tiếng Việt biến đổi rất sâu xa” (Lý T.H, 2014:113), nhưng những chứng cớ về sự biến đổi rất sâu xa đó của tiếng Việt từ việc tiếp xúc với văn hóa Chăm chỉ ở mức của “những từ ngữ gốc Chăm trong tiếng Việt liên quan đến văn học, nghệ thuật và ngôn ngữ”. Tóm lại là nhóm từ vựng vay mượn. Mà việc tiếng này vay mượn từ ngữ của tiếng khác thì ít nhiều gì ngôn ngữ nào cũng có, thậm chí không thể tránh được trong thời đại thông tin toàn cầu như hiện nay. Việc vay mượn từ vựng không làm “biến đổi rất sâu xa” một ngôn ngữ.

 

Cho đến nay, ngoài các từ vay mượn từ tiếng Chăm, chưa hề có một tài liệu ngữ học nào chỉ ra hoặc đưa ra chứng cứ cho thấy phát âm của người Chăm đã ảnh hưởng đến phát âm tiếng Việt, hoặc đồng tình với cách nghĩ vì người Chăm nói tiếng Việt mà làm biến đổi cách phát âm của một phương ngữ Việt nào đó, thậm chí tạo ra một âm vị nguyên âm mới, và thay đổi cả cấu trúc của vô số vần như trường hợp giọng Quảng Nam.

Chẳng những tiếng Việt nói chung không bị tác động gì từ tiếng Chăm, mà còn là ngược lại. Chúng tôi sẽ trình bày các nghiên cứu của các nhà ngữ học về những biến đổi trong tiếng Chăm qua tác động của tiếng Việt và các tiếng Mon - Khmer khác, và thử so sánh những âm và cấu trúc trong tiếng Chăm và tiếng Việt. Chúng tôi khẳng định rằng việc người Chăm nói tiếng Việt không đủ sức tạo ra thay đổi gì đặc biệt trong tiếng Việt, và càng không có thay đổi nào mạnh đến mức làm phá vỡ hẳn hệ thống như ở giọng Quảng Nam.

Việc cho rằng vì tiếp xúc với người Chăm mà giọng Quảng Nam thay đổi đến mức khác hẳn các phương ngữ khác ngụ ý nếu không có sự tiếp xúc với người Chăm thì giọng Quảng Nam cũng tựa như các giọng địa phương khác của vùng phương ngữ Nam Trung bộ và Nam bộ. Đây là một giả định khá liều lĩnh và không có điểm tựa.

Thứ nhất, nó mặc định rằng các phương ngữ của một thứ tiếng không thể quá khác biệt nhau. Thứ hai, không giải thích được dù người Chăm sống cùng người Việt ở khắp mọi nơi trên đất Việt, thậm chí cả ngoài Bắc, nhưng chỉ riêng ở Quảng Nam thì người Chăm và người Quảng Nam đã làm gì đó khiến rung chuyển tận gốc rễ một hệ thống để biến nó thành một hệ thống khác hẳn. Thứ ba là, vùng đất Bình Trị Thiên có một giọng nói khác xa giọng Bắc và Nam, cũng thuộc đất cũ của người Chiêm, nhưng không ai cho rằng giọng Bình Trị Thiên là do người Chăm phát âm tiếng Việt mà thành, mặc dù dân ca Chăm với điệu não nùng da diết nếu không nghe ca từ thì dễ nghĩ đó là dân ca Bình Trị Thiên (hay cả dân ca Nam bộ). Thậm chí có khi nghe ca từ bằng tiếng Việt và không biết đấy là đoạn trích từ một phim tài liệu của VTV1 về người Chăm thì cũng khó nghĩ rằng đó là dân ca Chăm, như bài Thei Mai có phát trên Youtube.

Dẫu sao giả định này, như chúng ta đã thấy ở các chương trước, có thể hiểu được về mặt cảm thức: người Việt di cư vào vùng đất phía nam phần lớn xuất phát từ vùng Bắc Trung bộ, một vùng phương ngữ khác hẳn vùng phương ngữ Nam Trung bộ. Giọng Quảng Nam dù có khác thì cũng chỉ có thể khác ở mức “chấp nhận được”, chứ nếu khác quá chừng như vậy thì chắc phải có “yếu tố ngoại nhân”. Và yếu tố đó ở đất Quảng Nam không ngoài ai khác, chính là người Chăm, chủ nhân cũ của dải đất rộng lớn Trung bộ và Nam Trung bộ.

 

Sau đây chúng tôi sẽ bàn vài khía cạnh ngữ âm để thấy vì sao người Chăm nói tiếng Việt ở Quảng Nam không có cái sức mạnh dời non đó như đã được gán oan cho (chuyển một giọng địa phương Việt thành một giọng khác hẳn so với bất kỳ giọng nói nào của tiếng Việt).

Với kiến thức hạn hẹp về lịch sử ngữ âm tiếng Chăm, chúng tôi chỉ sơ lược những điểm trong tiếng Chăm có liên quan đến vấn đề đang bàn. Những người quan tâm muốn tìm hiểu kỹ về tiếng Chăm có thể đọc công trình của các chuyên gia về tiếng Chăm dẫn ở chương này để hiểu thêm về sự phục dựng tiếng Chăm cổ, các nhánh của tiếng Chăm, những vay mượn trong tiếng Chăm (phần lớn là từ các tiếng Mon - Khmer), và sự biến đổi của tiếng Chăm theo thời gian qua con đường nội tại của ngôn ngữ, và đặc biệt là con đường tiếp xúc với các tiếng khác.

Tiếng Chăm và tiếng Việt thuộc hai hệ ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Việt là một ngôn ngữ Mon - Khmer, thuộc hệ Austroasiatic. Tiếng Chăm là một ngôn ngữ Mã Lai Đa Đảo (Malayo-Polynesia), thuộc hệ Austronesian. Các tiếng Tiền Chăm (Proto-Chamic) tách khỏi các tiếng Tiền Mã Lai (Proto-Malayic) khoảng một trăm năm trước hoặc sau Công nguyên khi người nói các thứ tiếng Tiền Chăm di cư đến Đông dương (Indochine). Các ngôn ngữ thuộc nhóm Chăm bao gồm nhiều ngôn ngữ, như tiếng nói của các dân tộc Chăm, Ê Đê, Chu Ru, Gia Rai, H’roi, Raglai, Tsat. Phần lớn các tiếng Chăm không có chữ viết.

Tiếng Chăm được dùng dọc bờ biển Việt Nam ít nhất khoảng từ hai ngàn năm nay. Sau năm 1471, Vijaya (Đồ Bàn) bị sáp nhập vào Đại Việt, tiếng Chăm dần dần tách ra thành hai nhánh chính: Chăm Tây (Western Cham) và Chăm Đông (Eastern Cham). Người nói tiếng Chăm Tây sống phần lớn là ở Campuchia và các tỉnh Việt Nam giáp biên giới, như An Giang, Tây Ninh, vùng châu thổ sông Cửu Long. Tiếng Chăm Tây mượn một số từ của tiếng Việt nhưng vay mượn một số lượng từ vựng lớn hơn của tiếng Khmer. Tiếng Khmer là ngôn ngữ giao dịch chính, thậm chí trên vùng đất thuộc lãnh thổ Việt Nam. Người nói tiếng Chăm Đông (hay Chăm Phan Rang) phần lớn sống dọc miền duyên hải phía nam như Phan Rang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai. Hiện nay có khoảng 250 ngàn người nói tiếng Chăm Tây (Western) và tiếng Chăm Đông thì ít hơn rất nhiều, khoảng 35 ngàn người ở Phan Rang, Việt Nam (Grant and Sidwell, 2005).

Trước khi bàn chuyện tiếng Chăm có ảnh hưởng gì lên tiếng Việt không, chúng ta hãy xem kết quả của việc tiếp xúc trong quá khứ giữa tiếng Chăm và tiếng Khmer. Các nhà nghiên cứu tiếng Chăm cho biết từ vựng, và thậm chí cấu trúc ngữ pháp của các tiếng Chăm chịu ảnh hưởng mạnh của các ngôn ngữ Mon - Khmer láng giềng. Về mặt phát âm, khi một tiếng nói đi vay mượn từ ngữ từ một tiếng khác, từ vay mượn này thường phải bị điều chỉnh lại theo hệ thống âm thanh và cấu trúc của tiếng đi vay, như /p/ trong poupeé tiếng Pháp, kẻ cho vay, thành /b/ trong búp bê tiếng Việt, kẻ đi vay; /l/ trong tiếng Anh ‘mail’ kẻ cho vay, bị rơi rụng thành còn meo trong tiếng Việt, tiếng của người đi vay. Trong trường hợp tiếng Chăm thì không như thế.

Vào khoảng thế kỷ thứ 10, tiếng Chăm đã bắt đầu vay mượn nhiều từ vựng của các ngôn ngữ Mon - Khmer. Khi đi vào vốn từ vựng Chăm, những từ Khmer vay mượn chẳng những đã không bị điều chỉnh theo quy luật âm vị học của các ngôn ngữ Mã Lai Đa Đảo (Malayo-Polynesian) là gốc gác của tiếng Chăm, mà lại xảy ra theo chiều ngược lại. Tức là tiếng Chăm, kẻ đi vay, phải chịu thay đổi dưới tác động của tiếng Mon - Khmer là tiếng của bên cho vay. Sự thay đổi này không tùy tiện theo sở thích hay chọn lựa của cá nhân mà xảy ra hàng loạt. Một số âm mượn từ ngôn ngữ Mon - Khmer đã được điều chỉnh và dùng một cách có hệ thống, và được áp dụng theo quy luật vào các từ khác trong tiếng Chăm. Như nguyên âm /ɔ/ và đối lập dài ngắn của nó được vay từ các ngôn ngữ Mon - Khmer (Thurgood, 2010: 59). Ảnh hưởng của những yếu tố vay mượn từ các ngôn ngữ Mon - Khmer đã đưa đến một số những biến đổi trong cấu trúc tiếng Chăm, mà bản thân các ngôn ngữ có nguồn gốc Malaya không chấp nhận nổi: đó là việc tạo ra những nhóm phụ âm đầu trong tiếng Chăm. Điều này làm tăng đáng kể số lượng những dạng cấu trúc có thể có của âm tiết trong tiếng Chăm (xem chi tiết Anthony Grant (2005) tóm lược công trình của Thurgood (1999) về nguồn gốc và biến đổi của tiếng Chăm).

Sự thay đổi dữ dội này xảy ra trong khoảng hai thiên niên kỷ, những thay đổi về hình dạng cơ bản của từ, nguyên âm và phụ âm, và thậm chí trong vài trường hợp còn thay đổi cả cấu trúc thiết yếu của hệ thống âm vị. Chẳng hạn các từ hai âm tiết (âm tiết phụ trước một âm tiết chính) chuyển sang iambic (âm tiết có trọng âm mạnh theo sau âm tiết không có trọng âm) rồi thành từ đơn tiết. Các phụ âm cuối trong tiếng Chăm bị gộp lại rồi dần dần biến mất, cũng như mất dần đối lập về thanh tính của phụ âm tắc (Thurgood, 1999:6). Dưới những tác động của các ngôn ngữ Mon - Khmer ở Đông Nam Á (Bahnaric, Katuic, Viet-Muong, Khmer), tiếng Chăm xảy ra những thay đổi lớn như phát triển thanh điệu, âm vực, các phụ âm thanh hầu và chuyển dần sang tính chất đơn âm hóa (Solnit, 1993:109). Tuy nhiên về mặt giản hoá cấu trúc, Brunelle (2022) so sánh chữ viết khắc trên đá (stone inscriptions) của tiếng Chăm cổ và chữ viết Chăm qua nhiều thời kỳ và cho rằng quá trình rơi rụng các tiền tố và hậu tố (affixes) trong tiếng Chăm đã xảy ra từ rất sớm, trước cả thế kỷ thứ 9. Số tiền tố, hậu tố còn lại bị rơi rụng trong tiếng Chăm Đông hiện đại trong khoảng thế kỷ thứ 19 và 20. Vì vậy tác giả cho rằng ảnh hưởng của tiếng Mon-Khmer trong sự giản hóa cấu trúc ngữ pháp không sâu đậm như trong các giải thích trước đây mà đã xảy ra rất lâu.

 

Nhìn chung, các tiếng nhóm Chăm mang trong mình một lịch sử dày dặn và rõ rệt, chứa đựng những phức tạp của biến đổi ngôn ngữ gồm những chuyển biến trong nội bộ ngôn ngữ, và những ảnh hưởng của các ngôn ngữ lân cận (Thurgood, 1999:2). Các tiếng Chăm do đó là minh họa phong phú cho việc một ngôn ngữ nhóm Nam Đảo (Austronean) bị thấm các đặc trưng của các ngôn ngữ Mon - Khmer (thuộc nhóm Austroasiatic). Ngược lại, trường hợp tiếng Chăm ảnh hưởng lên tiếng khác không được nhắc nhiều, tuy cũng có, như tiếng Chăm đã để lại dấu vết Austroasian của mình trong tiếng Katu qua các từ vay mượn (Reid, 1994).

Thế còn tiếp xúc với tiếng Việt thì sao? Tiếng Chăm chẳng những không làm tiếng Việt thay đổi gì về mặt cấu trúc, mà theo nhiều nhà nghiên cứu, chính là ngược lại: cũng như tiếng Chăm thế kỷ thứ 10 bị ảnh hưởng của tiếng Mon - Khmer, tiếng Chăm Đông bị ảnh hưởng của tiếng Việt mà từ một tiếng không có thanh điệu, dần dần hình thành thanh điệu (xem thêm Phu et al 1992, Edmondson & Gregerson 1993, Brunelle 2005), và phần lớn từ vựng trở thành từ đơn âm tiết như trong tiếng Việt.

Tóm lại như đã nói ở trên, chưa có một tài liệu nào cho thấy tiếng Việt bị ảnh hưởng của tiếng Chăm về mặt ngữ âm - âm vị. Nếu cứ cho là có, thì tiếng Chăm tác động lên tiếng Việt theo cách gì?

Andrea Hoa Phạm
Trương Khánh Thiện
TL
.

Tin khác

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/01/2025
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/01/2025
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 10/01/2025
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/01/2025
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 07/01/2025
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/01/2025
Có một người tu hành như thế

Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 03/01/2025
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/01/2025
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/12/2024
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 23/12/2024
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/12/2024
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/12/2024