Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam

Ai đã di dân vào Quảng Nam (III)

Ai đã di dân vào Quảng Nam (III)

Di dân vào Đàng Trong đa phần là người từ Thanh Hóa và Nghệ-Tĩnh, dựa cả trên cứ liệu lịch sử lẫn tính chất liền mạch của những tiếng địa phương.

Năm 1568 vị Tổng trấn Quảng Nam tài ba Bùi Tá Hán qua đời, Nguyễn Bá Quýnh được cử lên thay.

Nguyễn Bá Quýnh người Nghi Lộc, Nghệ An. Như vậy cả hai vị tổng trấn đầu tiên đều là người Nghệ An. Vị Lưỡng tổng trấn sau đó, Nguyễn Hoàng, là người Thanh Hóa. Khi vào trấn thủ Quảng Nam hẳn Nguyễn Bá Quýnh không đi một mình. Thế là có thêm một số di dân người Nghệ An vào. Nhưng rồi Nguyễn Bá Quýnh nhanh chóng được điều ra Nghệ An vào năm 1570. Khi quân Mạc đánh vào Thanh - Nghệ, Nguyễn Bá Quýnh sợ hãi chạy trốn. Nguyễn Hoàng được giao kiêm trấn thủ cả Quảng Nam.

Cũng năm này, Mạc Cảnh Huống (con Mạc Đăng Doanh, người Hải Dương, đã đem gia quyến theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa) đưa gia đình và binh lính vào Trà Kiệu. Năm 1600, Mạc Cảnh Huống lại tiếp tục đưa thêm gia thuộc cùng binh sĩ của mình vào Trà Kiệu (Đặng et al, 1994:89). Ông là người Hải Dương thì có lẽ gia tộc và con cái cũng từ Hải Dương. Còn binh sĩ của Mạc Cảnh Huống, những người được đưa vào Trà Kiệu, thì không rõ là người quê quán ở vùng nào.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng phải nhờ chị gái, bà Ngọc Bảo, xin chồng là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa xa xôi, mục đích sâu xa là để tránh bị chúa Trịnh hãm hại. Trịnh Kiểm đồng ý. Đợt ấy đã có rất đông tướng lĩnh, binh sĩ cùng gia đình của họ ở Thanh Hóa, theo chân Nguyễn Hoàng vào Nam. Có cả một số quan và quân Nghệ An cũng đi theo. Sau đợt Hồ Quý Ly đưa người vào phủ Thăng Hoa năm 1403 và các đợt di dân của nông dân Thanh - Nghệ vào dưới thời Bùi Tá Hán, đây có thể xem là đợt di dân có qui mô lớn thứ ba vào vùng đất nguyên là của Chiêm Thành, và quy mô lớn thứ hai vào vùng Thuận Quảng. Nghệ An và Thanh Hóa đã sớm có cái duyên với đất Quảng Nam, là nơi xuất thân của di dân ngay từ đầu, là quê hương gốc gác của các quan tướng, và của các di dân nghèo. Khi vào đất Quảng Nam những người này đã mang theo với họ giọng nói từ quê cha đất tổ.

 

Buổi đầu vạn sự khó khăn. Nguyễn Hoàng còn phải vừa vất vả đối phó với thổ mục làm loạn, với các vây cánh chúa Trịnh âm mưu tiêu diệt ông, vừa phải lo đánh nhau với quân nhà Mạc. Chiến tranh liên miên giữa nhà Mạc và nhà Lê, xung đột giữa Trịnh và Nguyễn càng làm tình trạng tồi tệ thêm cho người dân lành. Nạn đói xảy ra dồn dập. Nửa sau thế kỷ thứ 16, 13 lần quân Mạc kéo vào đánh quân Lê suốt từ Thanh Hóa vào Thuận Hóa, làm cho dân chúng lầm than, tan tác. Năm 1608, khi hai xứ Thuận, Quảng được mùa to thì từ Nghệ An trở ra gặp đại hạn. Lại một lần nữa, dân xiêu dạt chạy về Thuận, Quảng, nhưng không biết xiêu dạt từ đâu, có lẽ phần lớn từ Nghệ An, nơi thường bị mất mùa và đói kém. Theo Huỳnh C. B. (1996), di dân vào Quảng Nam trong thời chiến tranh Trịnh - Nguyễn phần lớn cũng từ Thanh Hóa và Nghệ An, họ chiếm tỉ lệ 84%.

Sau khi dẹp được loạn lạc, có sẵn ưu thế đất đai phì nhiêu và thực phẩm thiên nhiên tràn trề, các chính sách tiếp sức khuếch trương, khích nông, khích thương, và mở cửa buôn bán với thương nhân nước ngoài của Nguyễn Hoàng và các đời chúa tiếp sau đã tạo nên một cuộc sống Đàng Trong trù mật. Dân chúng sống an bình, nhà nhà yên tâm không sợ cướp trộm.

Cũng thời gian đó, Tổng trấn Bùi Tá Hán đã khuyên nhủ dân chúng bất kể giàu nghèo, nhà quan hay nhà dân, khi nấu ăn thì trong 10 phần gạo nên độn bằng khoai sắn 2 phần. Nếu cuộc sống sung túc, của ăn của để như miêu tả, thì quan Tổng trấn đã không lo xa khuyên quan lẫn dân cần kiệm như thế. Nhưng vị Tổng trấn khuyên nhủ tiết kiệm có lẽ vì “từ xưa, việc cày cấy rất thô sơ, hoa lợi từ lâu không tăng, mà tô tức thuế xâu lại nặng nề” (“Phủ tập Quảng Nam ký sự”, tr. 25-26).

Điều chúng ta quan tâm nhất ở đây là lần đầu tiên chính sử ghi rõ trong đợt di dân với quy mô lớn khi Nguyễn Hoàng vào Nam, là nhóm người này đã xuất phát từ Thanh Hóa. Một nhóm nữa, đông không kém nhóm binh tướng và gia đình đi theo Nguyễn Hoàng, là những người dân ở Nghệ An và Thanh Hóa trôi dạt vào Nam vì những đợt thiên tai đói kém, mất mùa. Số di dân nửa sau thế kỷ thứ 16, đầu thế kỷ thứ 17 vào Thuận Quảng đã nhanh chóng làm tăng số dân Đại Việt ở phần đất Đàng Trong.

“Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn cho biết lúc này, hai thừa tuyên Thuận Quảng đã có 1.226 xã thôn. Theo Lê Quý Đôn, riêng Quảng Nam là  95.731 dân đinh. Đến giữa thế kỷ thứ 18 thì từ Quảng Nam vào Gia Định đã có hơn 165.060 dân đinh (Phan K. 1969:499). Tuy nhiên khi chúa Nguyễn lấy được đất Đồng Nai, “Phủ biên tạp lục” chỉ vắn tắt “lập hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, mở đất nghìn dặm, được hơn bốn vạn hộ” (“Phủ biên tạp lục”, 79) và cũng không nói bốn vạn hộ dân ấy là ai, từ đâu đến.

Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn sau đó đã biến Đàng Trong thành một vùng tự trị mới, một vương quốc mới, như một đối trọng với Đàng Ngoài ở phía Bắc do nhà Trịnh cai trị. Sau khi bị giam lỏng 8 năm ở Đàng Ngoài, năm 1600, Nguyễn Hoàng (Đoan quận công) xin vua Lê đi dẹp phản loạn nhưng giong buồm thẳng về Thuận Hóa, một đi không ngoảnh lại. Đó là phát súng đầu tiên nã vào truyền thống phục tùng triều đình nhà Lê và chúa Trịnh. Sau khi Nguyễn Hoàng mất, con là chúa Nguyễn Phúc Nguyên bỏ luôn tục triều cống vua Lê, đổi tên dinh thành phủ, dùng các từ thường dành cho bậc quân vương. Từ nay, Đàng Trong trở thành một “vương quốc” tự trị dù trên danh nghĩa nhà Nguyễn vẫn chỉ là “Chúa”, kéo dài thêm 8 đời nữa.

Thời gian sau đó, dân chúng đói kém vì mất mùa, số thuế thu được ở Thanh Hóa và Nghệ An vốn dĩ đã ít hơn thuế thu Thuận Hóa, nên triều đình nhà Lê trông vào tiền thuế ở đất Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng nhận thấy so với trấn Thuận Hóa thì đất đai trấn Quảng Nam còn phì nhiêu trù mật hơn nhiều. Phần nữa, dân Quảng Nam lại đông nên thuế thu được nhiều hơn ở Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng quyết định lập dinh, xây kho trữ lương thực bên kia đèo Hải Vân, nay thuộc Duy Xuyên, Quảng Nam, và cho con trai thứ 6 trấn ở đó. Hơn chục năm sau các giáo sĩ đạo Công giáo vào đấy sống và giảng đạo. Thanh Chiêm, Quảng Nam là nơi chữ Quốc ngữ đã được hình thành và hoàn thiện. Đàng Trong của các chúa Nguyễn nghiễm nhiên trở thành một vương quốc tự trị, với một nền văn hóa có những khác biệt quan trọng, một nền kinh tế trẻ trung đầy sức sống, ngoại thương phồn thịnh, thuận lợi hơn Đàng Ngoài cũ kỹ với một nền nông nghiệp ngắc ngoải vì thiên tai thường xuyên.

Năm 1627, khởi đầu cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn dài 45 năm.

 

Năm 1648, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan đánh thắng quân Trịnh ở cửa biển Nhật Lệ, Quảng Bình. Đó là chiến thắng lớn nhất của chúa Nguyễn. Trận này quân Nguyễn bắt được ba vạn quân Trịnh. Vài bộ tướng chúa Nguyễn đề nghị giết tướng, thả quân về bắc, hoặc đem số tù binh này đi đày ở núi cao, hải đảo. Chúa Nguyễn không nghe theo. Chúa cho về bắc một ít tướng nhỏ, còn ba vạn hàng binh thì chia ra 50 đơn vị, cấp cho trâu bò và lương thực, đưa đi khai hoang từ vùng Thăng, Điện vào Phú Yên. Những “di dân” bất đắc dĩ này là đợt di dân qui mô lớn thứ ba vào xứ Quảng Nam. Ba vạn tuy có thể phóng đại nhưng vẫn là con số vô cùng lớn. Chừng đó người vốn xuất phát từ Đàng Ngoài, lập ra làng xóm, làm thành một cộng đồng to lớn, tập trung nhiều nhất ở Phú Yên.

Điều quan tâm hàng đầu của chúng ta, tuy không phải là quan tâm của những nhà chép sử xưa, là những tù binh Trịnh chúa Nguyễn bắt được ở Quảng Bình vốn xuất thân từ vùng nào ở Đàng Ngoài? Họ là người Nghệ An, Thanh Hóa hay Quảng Bình, hay từ một vùng nào khác? Chỉ biết trong số tù binh đó có ông tổ 4 đời của anh em Nguyễn Tây Sơn, người gốc Nghệ An, bị đưa vào sống ở Quy Nhơn.

Chúng ta đành phải suy đoán. Cứ theo trình trạng ưu tiên cho vùng Thanh - Nghệ trong việc tuyển và dùng quân lúc đó, thì binh lính đánh giặc của chúa Trịnh phần lớn là dân Thanh - Nghệ. Đợt tuyển binh năm 1375 dưới thời Trần Duệ Tông, những người già yếu bị thải ra, bổ sung bằng dân đinh khỏe mạnh, thậm chí cả “những người ngụ cư ở Thanh Hóa và Nghệ An đều lấy vào quân đội” (“Cương mục”, 297). Theo Trương et al (2001) thì ngay từ buổi đầu thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, lính mới tuyển đa số là từ 3 phủ Thanh Hóa và 12 huyện Nghệ An. Binh lính này được cấp cho ruộng đất hậu hĩnh. Đấy là đội quân túc vệ có nhiệm vụ canh giữ cung Lê phủ Chúa, và là“lực lượng quân sự chính trong cuộc chiến tranh với chúa Nguyễn” (2001: 347). Cho nên chúng ta có thể cho rằng trong số ba vạn quân Trịnh mà chúa Nguyễn bắt được ở trận đánh Quảng Bình rồi đưa vào khai khẩn lập ấp từ Thăng Bình vào Phú Yên, đại đa số là người Thanh Hóa và Nghệ An.

Năm 1655 ghi dấu một chiến thắng lớn khác của quân Nguyễn. Chúa Nguyễn đem quân ra tận Hà Tĩnh đánh quân Trịnh và thắng trận. Sau hai năm, quân chúa Nguyễn chiếm được 7 huyện phía nam sông Lam (sông Cả), thuộc Hà Tĩnh và ở đó kiểm soát một thời gian. Thậm chí năm 1658, mặc dù có tướng Trịnh đóng ở Nghệ An nhưng dân ở đây vẫn theo chúa Nguyễn. Trong thời kỳ kiểm soát 7 huyện này, chúa Nguyễn đã kịp thu thuế, thậm chí bổ nhiệm người địa phương vào các chức quan để trị an, làm yên lòng người, và cho những người có văn tài ra làm quan. Nhiều người ở Bắc Hà cũng kéo vào Nghệ An theo chúa Nguyễn.

Năm 1660 các tướng nhà Nguyễn cãi vã nhau và chia rẽ, quân Trịnh phản công. Quân Nguyễn thua, phải bỏ lại 7 huyện này để rút vào Đàng Trong. Trong mấy năm chiếm giữ 7 huyện này, quân Nguyễn đã bắt một số đông dân (không rõ là bao nhiêu) đưa vào Thuận Quảng để khai phá đất hoang. Như vậy có thể cho rằng những di dân - nông dân bất đắc dĩ đợt này là cũng lại là người dân bản địa Hà Tĩnh. Có lẽ cũng có một số quan viên và gia đình họ theo vào. Gì thì cũng gọi là tình đồng hương.

Vì không có các tài liệu ghi chép về dân số Đàng Trong, các nhà nghiên cứu sau này phải dựa vào con số các xã để ước tính số dân, bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ 15. Chỉ riêng ở Thuận Hóa, từ năm 1417 đến 1770, Li (1998) nhận xét có sự gia tăng dân số khá cao vào cuối thế kỷ thứ 15 và cho rằng nguyên nhân rõ ràng là do di dân, nhưng di dân đi từ đâu vào thì không rõ.

Điện Bàn là vùng đất trù phú và đông dân nhất dưới thời chúa Nguyễn, lúc ấy có tổng số xã nhiều nhất trong 8 huyện, 4 châu thuộc thừa tuyên Thuận Hóa (“Thiên Nam dư hạ tập”, 1483, trích theo Huỳnh Công Bá, sđd). Li (1998:30) ước tính dân số Điện Bàn vào khoảng hai thế kỷ này có độ tăng trưởng hàng năm là 0,78%, dựa vào con số 66 xã năm 1555 trong “Ô Châu cận lục”, và 197 xã trong “Phủ biên tạp lục” năm 1776. Li Tana lưu ý trong số những huyện của phủ Điện Bàn, chỉ có 3 huyện là còn thấy tên làng cũ. Thêm nữa, danh sách tên các làng phụ thuộc làng gốc còn dài hơn tên các làng gốc, cho nên tác giả nhận định sự gia tăng dân số đột ngột này chỉ có thể là từ di dân, và đặc biệt là sự gia tăng dân số quan trọng bậc nhất dưới thời các chúa Nguyễn đã xảy ra ở Quảng Nam, tăng hơn rất nhiều so với di dân vào vùng Thuận Hóa nơi đất đai chật hẹp và cằn cỗi. Nhưng gốc gác của các di dân vào Quảng Nam thì cũng vẫn mù mờ.

Từ khi có chiến tranh Trịnh - Nguyễn, dân chạy loạn, đi sâu vào Đàng Trong khá đông. Năm 1672 khi chiến tranh Trịnh - Nguyễn kết thúc, Đại Việt chia cắt thành Đàng Ngoài và Đàng Trong, lấy sông Gianh ở Quảng Bình làm ranh giới. Chuyện đi lại giữa hai vương quốc khó khăn hơn trước, hoặc có thể bị cấm hẳn. Để bảo vệ Đàng Trong, Đào Duy Từ thiết kế và chỉ huy xây dựng Lũy Thầy ở Đồng Hới. Lũy tuy rất kiên cố và hiệu quả trong việc ngăn chặn quân Trịnh, song không có thành lũy nào không vượt được. Theo gia phả của một số dòng họ thì vẫn có ít nhất 63 gia đình ở bắc Quảng Nam có ông tổ di dân vào thời kỳ này (Huỳnh C. B., 1996). Lúc đó, 63 gia đình “vượt biên” thành công, trên đất liền hay bằng đường biển, không phải là con số lớn.

Mặc dù chiến tranh Trịnh - Nguyễn kết thúc năm 1672 nhưng việc chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài chỉ chấm dứt năm 1802, khi vua Gia Long thống nhất sơn hà. Như vậy trong thời gian gần một thế kỷ rưỡi chia cắt, những làn sóng di dân qui mô lớn, tự nguyện hay không, từ phía bắc vào nam khó còn có thể xảy ra. Trong số di dân đến được bắc Quảng Nam vào thời kỳ này, người Nghệ An chiếm một nửa (Huỳnh C. B., 1996). Dân chúng Đàng Trong ít nhất là được hai thế kỷ yên ổn khai khẩn đất hoang, xây dựng cuộc sống.

Mỗi khi lấy thêm được đất phương Nam, di dân phía Bắc Đàng Trong đi tiếp sâu vào Nam. Sau khi chiếm được hai phủ Diên Ninh và Thái Khương của Chiêm Thành (nay là Khánh Hòa), chúa Nguyễn cho di dân đến ở, sử không chép cụ thể là dân ở tỉnh nào của Đàng Trong đến. Tuy nhiên sau khi nhà Nguyễn chiếm được những vùng đất của Chân Lạp, thì di dân Đại Việt là những người từ các vùng Quảng Nam, Bình Định di cư vào.

Đóng góp vào việc mở mang khai khẩn vùng đất này còn là các thanh niên nam nữ “người Mọi” ở các đầu nguồn, được bán vào các nhà giàu cho làm nô tì, lấy nhau sinh con đẻ cái, sinh cơ lập nghiệp, đóng góp vào kho thóc trù phú của vùng (Phủ biên tạp lục”, 442). Li Tana nhận định việc mua bán nô lệ một cách tự nhiên ở Đàng Trong là điều chưa từng bao giờ xảy ra trong lịch sử Đại Việt, và là một trong những nét làm xã hội Đàng Trong khác biệt hẳn Đàng Ngoài. Đàng Trong không phải là phần “nối dài” của Đại Việt do vua Lê chúa Trịnh cai trị (Li 1998). Tuy nhiên, sử sách vẫn chép có quy định của vua Đại Việt cấm lấy người Chiêm Thành bị đưa ra Bắc trước đó đem về làm nô tì. Có quy định tức có thể đã xảy ra.

Có thể tóm lại rằng, về xuất xứ, bất kể thời kỳ nào, những cuộc di dân vào Đàng Trong, dù tự nguyện như của nông dân, tướng sĩ, hoặc bất đắc dĩ như những tù binh Đàng Ngoài chúa Nguyễn bắt được hay tù nhân Đại Việt bị Chiêm Thành bắt đưa về, đại đa số họ đều là người từ Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh. Điều này quan trọng vì nó cho thấy tính chất liền mạch của những tiếng địa phương từ nam đèo Hải Vân trở vào cực Nam mà các nhóm di dân đem vào Đàng Trong, đặc biệt là vào vùng đất Quảng Nam. (Hết)

Andrea Hoa Pham
Trương Khánh Thiện
TL
.

Tin khác

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/01/2025
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/01/2025
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 10/01/2025
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/01/2025
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 07/01/2025
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/01/2025
Có một người tu hành như thế

Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 03/01/2025
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/01/2025
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/12/2024
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 23/12/2024
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/12/2024
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/12/2024