Có ý kiến rằng di dân sau năm 1471 thực sự tạo nên bộ mặt 'thuần Việt' của người Quảng Nam nói riêng và Đàng Trong từ Quảng Nam đến chân đèo Cả nói chung.
Như đã nói, các ghi chép về di dân chẳng những đã hiếm trong các bộ chính sử, khi có thì lại chỉ ghi vắn tắt một hai câu nên không phải lúc nào cũng rõ ràng.
“Cương mục” tập XII ghi rằng năm 1403, nhà Hồ cho dân các lộ có vốn mà không có ruộng, đem gia đình vào lộ Thăng Hoa, cùng với “người cũ của lộ ấy còn sót lại” được ghi tên vào quân ngũ. Đây là đợt di dân thứ hai vào vùng đất mới chiếm được của Chiêm Thành và là đợt đầu tiên vào vùng đất Thăng, Hoa.
“Người cũ của lộ ấy còn sót lại” là người Việt đã vào trước đây, hay những người Chàm còn ở lại? Những người có vốn thì không phải “khách hộ” hay dân nghèo “xiêu tán”. Các quan địa phương phải chọn đất cho những di dân này ở. Hồ Quý Ly quyết xây dựng vùng làng mạc mới với dân chúng là người Việt. Sợ những người này bỏ về Bắc nếu cuộc sống ở đất mới không khá được, họ bị buộc phải thích tên của châu mình lên cánh tay, đóng dấu như tội phạm để khó trốn chạy. Điều này chứng tỏ việc di dân vào Thăng, Hoa lúc ấy được xem như “một đi không trở lại”. Năm sau, Hồ Quý Ly lại cho vợ con của những người đã đến khi trước được vào Thăng, Hoa khai khẩn lập ấp (“Cương mục”, 329; “Toàn thư”, 438). Tuy gặp gió bão, chết nhiều, nhưng đã có những gia đình đoàn tụ trên đất mới.
Tiếc rằng “Toàn thư” và “Cương mục” không ghi rõ những người có của mà không có ruộng này là từ các lộ nào ở phía Bắc chuyển vào. Phan K. (1967:88) thì cho rằng những người dân này phần lớn là người ở Nghệ An và Thuận Hóa (người Thuận Hóa trước đó cũng gốc gác từ Nghệ An). Theo Phan Khoang, do người Chiêm không có họ nên từ sau đợt di dân này, hễ người nào từ Thăng, Hoa trở vào nam mang họ thì biết đó là dân Đại Việt mới vào. Như vậy đợt di dân thứ nhất vào Thăng, Hoa, đa số cũng là người từ Nghệ An và Thuận Hóa.
Năm 1414, khi Trương Phụ và Mộc Thạnh đã chiếm được Đại Việt và chiêu dụ dân hai phủ Tân Bình và Thuận Hóa, đặt quan cai trị, làm sổ hộ tịch… thì phủ Thăng Hoa vẫn còn do quân Chiêm Thành kiểm soát. Trong khi các phủ Tân Bình và Thuận Hóa ghi rõ ràng số hộ, số người và xã huyện, thuế má ruộng đất, thì phủ Thăng Hoa không chép có bao nhiêu xã, huyện, và bao nhiêu hộ khẩu, lý do là do còn bị Chiêm Thành chiếm đóng nên các phủ chỉ biên tên mà thôi (“Phủ biên tạp lục”, 47). Năm sau Trương Phụ cũng vẫn không kiểm soát hay thu thuế được vì Thăng Hoa vẫn do Chiêm Thành quản (“Toàn thư”, 454; “Cương mục”, 349, 526). Các di dân Đại Việt ở phủ Thăng Hoa lúc ấy chạy tan. Nhiều di dân Đại Việt vào trước đây, nay phải theo Nguyễn Lỗ trở về Thuận Hóa. Số người Việt (gốc Nghệ An) còn lại có lẽ không nhiều (Phan K., 1967:125).
Như ở trên đã nói, năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông đem quân vào đánh Chiêm Thành thì mới lấy lại được hai đất Đại Chiêm và Cổ Lũy. Trong số ít ỏi dân còn ở lại đó, đa phần là người Chiêm. Vì vậy khi tổ chức lại việc cai trị các châu Đại Chiêm và Cổ Lũy, vua Thánh Tông đã chọn hai người Chiêm đầu hàng là Ba Thái và Đa Thủy làm tri châu, cho được quyền chém trước tấu sau nếu có ai dám không theo lệnh. Quyền sinh sát tối thượng này cho thấy việc bình định dân ở vùng đất mới chiếm được này không dễ chút nào. Trước khi khởi binh vào lấy lại Chiêm Động và Cổ Lũy, vua Lê Thánh Tông ra chiếu kể tội Chiêm rằng “Đàn ông đàn bà của ta nó bắt làm nô lệ, tù tội trốn tránh của ta nó hết thảy bao dung (nghĩa là bắt người dân thường làm nô lệ, còn tội phạm mà vua Lê đày vào trước đây thì thả ra). Dân lưu vong phải chụm chân mà chịu oan”. Vậy có nghĩa là ít nhiều gì cũng đã có người Đại Việt sống ở đó, và là lớp người bị trị trên mảnh đất họ mang danh nghĩa là con dân. Những “đàn ông đàn bà” ở thế kỷ thứ 15 trong chiếu kể tội của vua là những di dân đầu tiên vào sống ở vùng nam Quảng Nam, bắc Quảng Ngãi ngày nay.
Theo Phan Khoang, khác với khi nhà Hồ chiếm Đại Chiêm và Cổ Lũy khiến người Chiêm phải bỏ xứ đi, sau khi vua Lê Thánh Tông lấy lại vùng đất này, nhiều người dân Chiêm ở lại vì vùng đất phía nam Bình Định không màu mỡ phì nhiêu bằng. Cũng theo Phan Khoang, vào cuối thế kỷ thứ 15, sau chiến thắng 1471 trở về, hẳn là vua có xuống chiếu chiêu mộ nhân dân vào ở những vùng đất vừa chiếm lại được, và cả vùng đất mới chiếm (từ Thăng Hoa đến Bình Định). Chỉ là “sử không chép đó thôi”. Đúng là “Toàn thư” và “Cương mục” không ghi gì về các đợt di dân vào thời điểm này, nhưng chúng ta cũng không ngạc nhiên vì đây là thái độ chung đối với các sự kiện di dân. Lúc bấy giờ, Bình Định là đất Đại Việt xa nhất về phía nam. Phan Khoang cho rằng những di dân vào phủ Hoài Nhân (tỉnh Bình Định bây giờ) nơi có đồng bằng phì nhiêu và cửa biển lớn hấp dẫn, rất có thể là những người Nghệ An quen đi biển, quen với sóng gió (sđd, tr. 109). Huỳnh Công Bá (1996: 8) cho biết khoảng cuối thế kỷ thứ 15 trong số những lưu dân ra đi từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương và Cao Bằng thì người Nghệ An nhiều nhất, chiếm hơn 33%.
Như vậy, người của cả hai đợt di dân sớm nhất ở đầu các thế kỷ thứ 14 và 15 là những người có gốc gác Nghệ An. Các di dân này đi lẻ tẻ, hoặc cùng gia đình thành từng nhóm, có khi đi cả thôn xóm, tìm cuộc sống dễ chịu hơn ở vùng đất mới. Con cháu của những di dân ban đầu này sẽ là những người sau này đi sâu vào các vùng đất phía nam mà Đại Việt dần dần lấy được của Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp (Phan K., 126-7).
Một loại di dân nữa không phải tự nguyện, mà là bị đày vào Nam. Vào thời nhà Lê, khi chép về “di dân”, chính sử chỉ ghi chép về những tù nhân - di dân bất đắc dĩ. Tội nhân thì là người khắp nơi trong nước. Tùy theo tội nặng hay nhẹ mà những phạm nhân này bị đày đi gần hay xa kinh kỳ. Tội càng nặng, càng bị đày sâu hơn vào phía nam. Tội nhân lưu đày gần là chỉ vào đến Nghệ An, Hà Tĩnh. Loại bị đày xa hơn là vào vùng Bố Chính (Quảng Bình). Loại bị đày xa nhất là vào các xứ thuộc châu Tân Bình (tên cũ là châu Địa Lý, nay là Lệ Thủy, vùng phía nam của Quảng Bình).
Nghĩa là tận cuối thế kỷ thứ 15, mảnh đất từ Nghệ An vào Quảng Bình được mặc nhiên xem là “đất lưu đày”. Mà đất lưu đày thì không phải nơi người ta muốn đến, không phải là nơi dễ sống, không có hoa trái bốn mùa phủ phê, không có các làng xóm trù mật chào đón. Nhưng cũng có thể những tội nhân này chỉ được đưa vào những nơi rừng thiêng nước độc, hay làng mạc thưa thớt, đồng bằng hoang vu chưa khai thác trồng trọt được bao nhiêu.
Từ sau khi lấy được các vùng đất từ Thăng Hoa vào Bình Định, vua Lê Thánh Tông mới có thể đày tội nhân đi xa hơn. Các mức tội đáng lẽ trước đây bị đày ở Nghệ An, Hà Tĩnh, thì bây giờ giải vào sung quân ở Thăng Hoa. Tội nặng hơn trước đây đày vào Quảng Bình thì bây giờ đi sung quân xa hơn nữa, là Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Tội lưu viễn châu (đày xa) hoặc tội chết mà được tha thì sung quân ở vệ Hoài Nhân (Bình Định), lúc ấy là vùng đất xa nhất về phương Nam thuộc quyền Đại Việt.
Càng bị đày xa thì càng xa gia đình quê quán, xa kinh đô với các tiện nghi và cơ hội sinh sống, càng dễ làm nản chí những người muốn bỏ trốn. Nếu đất lưu đày mà trù mật dễ sống, tôm cá gạo thóc đầy sẵn thì cũng không đến phần tội nhân. Vì vậy những miêu tả về một Đàng Trong sung túc trong “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An vào giữa thế kỷ thứ 16 thì ít nhất đó không phải là một Đàng Trong dành cho tất cả mọi người, nhất là nếu sự trù mật là do thiên nhiên ưu đãi.
Tuy sử sách ghi chép lờ mờ về những di dân thời vua Lê Thánh Tông, Phan Khoang nhận định là họ có tầm quan trọng. Những người này yên tâm làm ăn, lập làng xóm vì từ lúc ấy trở đi Chiêm Thành đã suy yếu. Họ không lo bị Chiêm Thành liên tục đánh phá như những người trước đó vào xứ Thuận Hóa. Nguyễn Đ. V. (2008) cho rằng cuộc di dân sau năm 1471 mới thực sự tạo nên bộ mặt “thuần Việt” của người Quảng Nam nói riêng và Đàng Trong từ Quảng Nam đến chân đèo Cả nói chung.
Tuy nhiên sau đó dưới thời Lê Mạt, dân Thuận Hóa, Quảng Nam cũng còn phải sống trong cảnh loạn lạc vì thổ hào nổi lên đánh nhau, đánh những tướng tá theo phe nhà Mạc, hoặc các tướng nhà Mạc đánh lẫn nhau. Xa hơn về phía bắc, dân hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An phải sống trong sợ hãi thường xuyên vì những cuộc đánh phá, cướp của, bắt người của Chiêm Thành cuối triều Hậu Lê (đầu triều Lê Trung Hưng, khoảng thế kỷ thứ 16). Rồi nạn cướp bóc hoành hành, bắt người cướp của giữa ban ngày mà pháp luật không làm gì được (“Đại Việt sử ký toàn thư” II, tr. 184).
Nói riêng về Quảng Nam, trước khi Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ Thuận Hóa, thì từ năm 1546 Bùi Tá Hán đã giữ chức Tổng trấn. Ông là người châu Hoan (nay là nam Nghệ An và toàn bộ tỉnh Hà Tĩnh). Một tài liệu vừa được công bố năm 1996 là “Phủ tập Quảng Nam ký sự” (Lê & Vũ, 1996), gồm 30 trang viết tay bằng chữ Hán cổ của một người họ Mai. Tài liệu này nói về công trạng đánh giặc, cai quản, và cải cách đời sống, sinh hoạt ở đất Quảng Nam của Bùi Tá Hán giữa thế kỷ thứ 16. Ông Lê Viết Hòa, người cuối cùng sao chép lại bản “Phủ tập Quảng Nam ký sự” vào năm 1914 cho hay là tập ký sự được viết vào khoảng những năm 1558 - 1571.
Theo “Phủ tập Quảng Nam ký sự”, dưới thời Tổng trấn Bùi Tá Hán, trấn Quảng Nam dân cư thưa thớt, nhiều “nông dân nghèo từ Thanh Hóa, Nghệ An và một phần của Hải Dương đã lũ lượt đổ vào Quảng Nam” sinh sống. Tổng trấn đã sắp xếp cho họ lương ăn 5 tháng đầu, làm nhà tranh cho ở, cấp cho ruộng đất canh tác. Việc đưa dân nghèo từ Thanh Hóa và Nghệ An, nơi đông người nhưng thiếu lương thực, vào Quảng Nam, nơi đất rộng người thưa, đã là chủ trương của Nguyễn Kim từ trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa (“Phủ tập Quảng Nam ký sự”, 30-31). Đây là tài liệu duy nhất ghi nguồn gốc cũng như bến đỗ của di dân thế kỷ thứ 16, là tài liệu duy nhất ghi rõ là di dân ồ ạt đi từ Thanh Hóa, Nghệ An và Hải Dương vào Quảng Nam sinh sống lập nghiệp. Tiếc là con số nông dân này không được ước lượng, mà chỉ ghi là “lũ lượt kéo nhau vào đây”. Cuộc di dân quan trọng này cũng đã không được ghi chép lại trong bất kỳ cuốn sử nào.
Tập ký sự tuy ngắn ngủi, chỉ viết tay và được sao đi chép lại vài lần, không tránh khỏi “tam sao thất bổn” như ông Lê Viết Hòa thừa nhận. Các nhà nghiên cứu dựa theo văn phong và các chi tiết khác, xác nhận tính khả tín của tập ký sự tuy cũng có tác giả đặt một số câu hỏi về mức độ chân thực của tài liệu (Lê Hồng Khánh, 2022. “Mấy nghi vấn về tập sách Phủ tập Quảng Nam ký sự”. Tạp chí Thế giới Di sản, số 5, trang 61). Nếu “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An (người Quảng Bình, thi đỗ Tiến sĩ thời Mạc Tuyên Tông) và “Xứ Đàng Trong” của Borri viết sau đó thường được nhắc đến, thì có lẽ những giá trị của chi tiết ghi trong tập ký sự này nên được xem xét về độ tin cậy và đánh giá đúng mức.
Trong số các “di dân bất đắc dĩ”, có thể còn một nhóm khác mà không có tài liệu nào nhắc đến. Đó là việc mỗi khi quân Đại Việt vào đánh Chiêm Thành mà thua trận, thì trên đường rút về, trong số hàng chục ngàn, trăm ngàn binh sĩ Đại Việt đó, liệu có những người chọn ở lại Quảng Nam hay Bình Định luôn không? Ví dụ như năm 1367, vua sai Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình kéo quân vào đánh Chiêm Động (Quảng Nam), bị mai phục, thua tan tác. Thế Hưng bị bắt, Tử Bình chạy về Bắc. Liệu có bao nhiêu tù binh bị bắt giữ? Bao nhiêu binh lính trong đoàn quân bại trận ở lại? Hay vào năm 1377, vua Trần Duệ Tông đem quân vào đánh thành Chà Bàn. Vua bị trúng kế quân Chiêm, bị phục kích và chém chết cùng các đại tướng khác (“Cương mục”, 298). Đó là vị vua duy nhất của Đại Việt bị chết trận, và là vị vua cuối cùng có khí phách của triều đại nhà Trần. Khi cả vua và tướng tử trận, quan quân tan vỡ, hẳn có những người trốn ở lại trên đường bị quân Chiêm truy đuổi, hoặc kẹt lại đâu đó không về được. Rồi trận vua Lê Thánh Tông vào đánh Chiêm Thành năm 1471, trong “Toàn thư” và “Cương mục” các số liệu ghi không nhất quán, nhưng Li (1998:23) thừa nhận không thể đoán số binh sĩ giải ngũ và ở lại Quảng Nam vì không thể biết được có bao nhiêu binh lính trong đội quân. Tác giả ước tính nếu số người ở lại khoảng 5 ngàn quân, thì đó là một con số đủ để tạo ra những thay đổi quan trọng về dân số và chính trị.
Điều quan trọng với chúng ta ở đây, là khi có vài ngàn binh lính đã ở lại, thì trong số đó có phải phần lớn xuất xứ từ Thanh Hóa và Nghệ An không? Điều đó có lẽ mãi mãi sẽ là ẩn số. Tuy nhiên, việc lính giải ngũ ở lại đã được nêu ra trong “Phủ tập Quảng Nam ký sự”. Theo đó, trong tờ biểu Bùi Tá Hán trình tâu năm 1556, ông đề nghị rút hết quân lính ở các đồn điền Quảng Nam lúc đó, ai muốn về quê quán thì cấp lương 6 tháng đủ ăn cho họ về, ai muốn ở lại Quảng Nam làm ăn thì cấp ruộng công điền cho họ (Lê &Vũ, 1996: 28).
Cuối cùng nhóm cư dân bất đắc dĩ vốn là tù nhân của Chiêm Thành. Những lần Chiêm Thành đánh ra bắc, khi thắng hay thua trận, họ cũng thường bắt người Đại Việt đưa về, nhất là dưới thời Chế Bồng Nga. “Toàn thư” chép năm 1362 quân Chiêm ra cướp, bắt người ở Hóa Châu (nam Thừa Thiên và bắc Quảng Nam) đem về. Lúc này vị vua anh hùng Chế Bồng Nga vừa mới lên ngôi. Năm 1371, quân Chiêm tiến ra thẳng kinh kỳ Thăng Long, đốt cung điện, cướp châu báu, sách vở, bắt con gái Việt mang về nước.
Đấy là bối cảnh của những đợt di dân về phương Nam trước chúa Nguyễn. Thời kỳ sau này số di dân vào Đàng Trong còn thêm tù binh Đàng Ngoài của chúa Nguyễn, và tù binh người Chăm bị bắt ra Đàng Ngoài.