| Hotline: 0983.970.780

Đại Từ về đích nông thôn mới: [Bài 1] Mở hướng phát triển du lịch nông thôn

Thứ Ba 16/04/2024 , 09:04 (GMT+7)

Với 10 xã nằm ven chân dãy núi Tam Đảo, huyện Đại Từ là vùng đất có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp cùng làng nghề chè lâu đời nổi tiếng.

Cuối năm 2023, UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức công nhận Điểm du lịch sinh thái xóm Đồng Khuân, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển du lịch sinh thái tại nơi đây.

Điểm du lịch sinh thái xóm Đồng Khuân nằm sát chân núi Tam Đảo không chỉ có khí hậu mát mẻ, mà còn sở hữu cảnh quan đẹp, nhất là các thác nước. Xóm Đồng Khuân có tổng số 86 hộ, 395 nhân khẩu, 4 dân tộc cùng chung sống, trong đó trên 80% là đồng bào dân tộc Dao.

Suối Cửa Tử có 7 con thác, chảy len lỏi qua những vách đá, sườn núi, tán rừng. Ảnh: Hoàng Nông Farm.

Suối Cửa Tử có 7 con thác, chảy len lỏi qua những vách đá, sườn núi, tán rừng. Ảnh: Hoàng Nông Farm.

Các dân tộc còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc như: Lễ cấp sắc của người Dao; những làn điệu dân ca Pả Dung; nhiều món ăn truyền thống; nghề trồng và chế biến chè…

Xã Hoàng Nông hiện đã hình thành 3 mô hình homestay, farmstay và làng nghề chè xóm Cầu Đá - một trong những vùng có cảnh quan, không gian vườn chè, đồi chè đẹp nhất tỉnh Thái Nguyên, thu hút đông đảo khách du lịch mỗi dịp cuối tuần.

Homestay của gia đình anh Dương Văn Bảy tại xóm Đồng Khuân, xã Hoàng Nông. Ảnh: Quang Linh.

Homestay của gia đình anh Dương Văn Bảy tại xóm Đồng Khuân, xã Hoàng Nông. Ảnh: Quang Linh.

Thu nhập từ du lịch tăng 3-4 lần so với canh tác chè đơn thuần

Anh Dương Văn Bảy là một trong những hộ dân tiên phong xây dựng homestay tại Hợp tác xã (HTX) du lịch sinh thái Cửa Tử, xóm Đồng Khuân, xã Hoàng Nông.

Chàng nông dân trẻ cho hay, trước đây gia đình chỉ trồng và chế biến chè, thu nhập chưa ổn định. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng tại Hoàng Nông có nhiều thuận lợi, cuối tuần du khách tìm đến để nghỉ dưỡng nên đã mạnh dạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng homestay trên diện tích 7.000m2.

Anh Dương Văn Bảy (trong hình) mong muốn được đào tạo, bồi dưỡng thêm các kỹ năng phục vụ khách du lịch quốc tế. Ảnh: Quang Linh.

Anh Dương Văn Bảy (trong hình) mong muốn được đào tạo, bồi dưỡng thêm các kỹ năng phục vụ khách du lịch quốc tế. Ảnh: Quang Linh.

Hiện nay, homestay của gia đình anh Bảy giải quyết việc làm cho hơn 12 lao động vào mỗi mùa cao điểm du lịch từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm.

“Khởi nghiệp từ lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn không hề dễ dàng. Nhưng bản thân mình luôn có tình yêu mãnh liệt với quê hương, gắn bó với đồi chè, ruộng đồng nên mình hiểu được sự vất vả, khó khăn của bà con nơi đây.

Vì lẽ đó, tôi luôn khao khát về việc phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm giúp gia tăng giá trị lao động, đưa sản phẩm đặc sản quê hương tới đông đảo bạn bè và du khách”, anh Dương Văn Bảy bày tỏ.

Dịch vụ lưu trú tại HTX du lịch sinh thái Cửa Tử bao gồm nhà sàn, nhà hàng, bể bơi và bể nuôi cá. Hầu hết sử dụng các vật liệu xây dựng có nguồn gốc từ tự nhiên, thân thiện với môi trường, được khai thác tại địa phương như tre nứa, lá cọ…

Tại đây, du khách được trải nghiệm quy trình sản xuất, chế biến chè, được thưởng thức xôi ngũ sắc, các loại bánh của đồng bào dân tộc Dao. 

Anh Bàn Văn Linh, Giám đốc Hợp tác xã du lịch sinh thái Cửa Tử chia sẻ, dù mới thành lập từ năm 2023 nhưng HTX đã thu hút đông đảo người dân trong xóm Đồng Khuân tham gia. Hiện nay, toàn HTX có thể đáp ứng nhu cầu lưu trú cho 150 khách với đầy đủ lịch vụ ăn uống, tham quan suối Cửa Tử, hái chè, trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao…

Một góc homestay tại HTX du lịch sinh thái Cửa Tử. Ảnh: Quang Linh.

Một góc homestay tại HTX du lịch sinh thái Cửa Tử. Ảnh: Quang Linh.

“Dù mới chuyển dịch sang kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch trải nghiệm, nhưng các hộ tham gia HTX đều có thu nhập tăng 3-4 lần so với việc chỉ canh tác chè truyền thống”, anh Bàn Văn Linh cho biết.

Bên cạnh lợi thế về khí hậu và cảnh quan, Đại Từ còn là địa phương có vùng chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với nghề sản xuất, chế biến chè đặc sản từ lâu đời, các sản phẩm chè ngon nổi tiếng.

Đặc biệt, Đại Từ còn là An toàn khu cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp với 169 điểm di tích lịch sử và danh thắng.

Đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển du lịch

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, huyện Đại Từ đã lập Đề án phát triển du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí dự kiến hơn 260 tỷ đồng với một số nội dung chính như: Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết xây dựng điểm du lịch xã La Bằng, Hoàng Nông; mở rộng và tôn tạo di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên ở xã La Bằng; hỗ trợ vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch xã Hoàng Nông, La Bằng; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 37 vào hai xã La Bằng và Hoàng Nông...

Theo ông Nguyễn Khắc Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông, xã hiện có khoảng 450ha chè, sản lượng đạt trên dưới 5.000 tấn.

Đồi chè Cầu Đá tại xã Hoàng Nông. Ảnh: Quang Linh.

Đồi chè Cầu Đá tại xã Hoàng Nông. Ảnh: Quang Linh.

Những năm qua, địa phương đã tích cực chỉ đạo đưa các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, cải tạo, thâm canh, tăng diện tích chè kinh doanh. Cùng với đó, bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nhiều loại cây ăn quả lâu năm như bưởi, nhãn, vải, cam về trồng, tạo thành vùng cây ăn quả trên 40 ha.

Việc mở rộng diện tích thâm canh cây chè và các cây ăn quả cũng là một trong những yếu tố góp phần phát triển du lịch địa phương. Khách du lịch đến với Hoàng Nông, đến thăm thung lũng Cầu Đá đều có chung cảm nhận đây là một trong những vùng chè có cảnh quan đẹp hàng đầu tại tỉnh Thái Nguyên.

Du lịch sinh thái là hướng đi được cấp ủy, chính quyền địa phương khuyến khích phát triển, nhằm đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của huyện Đại Từ. Ảnh: Hoàng Nông Farm.

Du lịch sinh thái là hướng đi được cấp ủy, chính quyền địa phương khuyến khích phát triển, nhằm đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của huyện Đại Từ. Ảnh: Hoàng Nông Farm.

Chia sẻ về lợi thế về điều kiện tự nhiên của địa phương, ông Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy Đại Từ cho rằng, xã La Bằng và Hoàng Nông có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch sinh thái nhờ thừa hưởng khí hậu và môi trường của Vườn quốc gia Tam Đảo.

Đánh giá thực tế cho thấy, việc liên kết giữa các hộ dân trong quá trình tham gia các hoạt động theo mô hình HTX đã phát huy được tính cộng đồng, đoàn kết, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, giúp người dân gia tăng thu nhập.

Để thúc đẩy phát triển du lịch, huyện Đại Từ cũng ưu tiên nguồn lực cho cơ sở hạ tầng, giao thông. Tiêu biểu là Dự án mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 37 đi xã Hoàng Nông với mức đầu tư trên 77,7 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện cũng chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về phục vụ du khách, phát triển sản phẩm đặc trưng cho người dân xã Hoàng Nông, La Bằng.

Người dân xã Hoàng Nông và La Bằng đều có chung mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Song song với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp như quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp, xây dựng bộ tiêu chuẩn về sản phẩm du lịch nông nghiệp từ tên gọi đến nội dung hoạt động, cung cấp kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị sản vật cho các nông hộ, cũng như tăng cường vai trò của truyền thông.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.