Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ sống được 62 năm trên cuộc đời, mà di sản của ông đồng hành và réo gọi nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ra và lớn lên ở Huế, học cao đẳng ở Quy Nhơn, làm giáo viên ở Bảo Lộc, rồi gắn bó với TP.HCM cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Với hành trang được trải nghiệm trên nhiều vùng đất khác nhau, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những cảm nhận về con người, về cảnh vật khá phong phú. Thử nhìn theo chiều dài con đường sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng không khó khăn gì để nhận ra sự vận động của nhịp điệu làng quê Việt Nam.
Ý thức cội nguồn giúp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tìm thấy cảm hứng với từng sắc thái nông thôn. Trong ca khúc “Chỉ có ta trong một đời”, ông tự họa: “Đời vẽ tôi tên mục đồng/ Rồi vẽ thêm con ngựa hồng/ Từ đó lên đường phiêu linh”. Và bàn chân đi đến đâu thì trái tim ông rung lên chốn ấy. Sau giai đoạn đầu tiên tập trung viết các ca khúc tình yêu đôi lứa, từ năm 1965 thì Trịnh Công Sơn phát hiện “Người con gái Việt Nam da vàng/ Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín” và chuyển sang khai thác chất liệu làng quê. Ca khúc “Chờ nhìn quê hương sáng chói” viết năm 1967, bày tỏ sự sốt ruột: “Chờ đêm không cấm/ Chờ sáng thênh thang/ Chờ lúa thơm lên dưới những bàn tay dân mình”.
Niềm run rẩy “Dòng sông không bão tố/ Trôi một lời tiễn đưa” giúp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thấu hiểu nỗi đau làng quê thời chiến tranh. Năm 1967, ông có ba ca khúc xao xác, trong “Ngụ ngôn của mùa đông” là câu chuyện “Một ngày mùa đông/ Một người Việt Nam/ Đi lên đồi non/ Nhớ về cội nguồn/ Nhớ về đoạn đường/ Từ đó ra đi/ Nhớ về đồng bằng/ Loài chim muông hót/ Nhớ rừng mịt mùng/ Nòi gióng của Tiên”, trong “Đi tìm quê hương” là sự giục giã “Người nô lệ da vàng bước đi, bước đi, đi về ruộng nương/ Người nô lệ da vàng bước đi, bước đi, đi về đồi hoang/ Đi nói với anh em/ Đòi cho quê hương thanh bình/ Dựng xây tương lai Tiên Rồng/ Đi cho thấy quê hương”, còn trong “Hãy cố như” là lời cầu mong “Ruộng đất ơi, hãy cố chờ cùng bãi sắn nương khoai/ Ngày mai đây con sẽ về, dù thân xác thiệt thòi”.
Năm 1968, làng quê Việt Nam ngập tràn khói lửa càng khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn day dứt. Ca khúc “Đôi mắt nào mở to”, ông nguyện ước: “Tìm lại đôi tay cho mẹ về thăm lúa/ Họp chợ đêm nay cho chị gánh em gồng/ Tìm lại con đê cho một bầy em bé/ Tìm hàng tre xanh cho làng mạc miền quê”. Ca khúc “Cánh đồng hòa bình”, ông thầm mơ: “Trên cánh đồng hòa bình này/ Triệu bàn chân đi khai mùa mới/ Ruộng lúa reo cười/ Vì cỏ cây cũng đau thương như người.../ Mẹ ta cười sau lũy tre nắng qua đầy sân/ Bàn chân nào ta bước đi sao nghe nhẹ nhàng”. Ca khúc “Dân ta vẫn sống”, ông khẳng định: “Da lên màu gió sương/ Chân anh qua vạn gập ghềnh/ Từ ruộng đồng hạt lúa nuôi dân ta/ Mầm hòa bình nở trên đời dân khốn khó/ Cùng đứng lên ta đi dựng lại căn nhà tự do”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không mộng mị, mà ông hình dung cụ thể những việc phải làm cho làng quê sau năm tháng cam go. Ca khúc “Dựng lại nhà, dựng lại người” kêu gọi “Ta cùng lên đường/ Đi xây lại tự do/ Lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương/ Những đứa con là sông/ Mừng hôm nay xóa hết căm thù/ Mượn phù sa đắp trên điêu tàn/ Lòng nhân ái lên nụ hồng”. Còn ca khúc “Hãy đi cùng nhau” tha thiết: “Ta hãy đi cùng nhau/ Đến những làng quê nghèo/ Hỏi thăm mùa lúa mới/ Nghe giọng hò thật cao/ Ta hãy vô rừng sâu/ Với bác tiều phu già/ Mừng vui từng giọt lệ/ Ngày vui nhọc nhằn qua”.
Năm 1969, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ca khúc “Những giọt máu trổ bông” nâng niu từng con người nhỏ bé và hắt hiu nơi hẻo lánh: “Từng giọt máu em ươm vườn trái nhỏ/ Từng giọt máu mẹ ngọt bờ đất khô/ Từng giọt máu anh nuôi từng phép lạ/ Từng giọt máu chị thơm lúa thơm ngô”. Với tâm trạng tương tự, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ca khúc “Bà mẹ Ô Lý” bênh vực một số phận bơ vơ giữa bom đạn: “Bí nằm bí ngủ đường xa/ Trên vai mẹ già/ Bao nhiêu vốn liếng/ Nhớ đến một đời đã xới vun/ Hôm nay bỏ vườn với xóm thôn/ Chân mẹ già sao run quá/ Qua xương trắng với máu hồng”.
Năm 1972, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tiếp tục phản ánh sự quạnh vắng của làng quê, với ca khúc “Khói trời mênh mông” buồn thương: “Ta đã về đây bỗng im tiếng động/ Đã về trên sông những cánh bèo xanh/ Có còn trong em những đêm gió lộng/ Ngồi bên hiên nhìn bến nước đầy dâng”, với ca khúc “Rừng xưa đã khép” ngậm ngùi: “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô/ Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa/ Rừng thu lá úa, em vẫn chưa về/ Rừng đông cuốn gió, em đứng bơ vơ”. Đồng thời, trong ca khúc “Tôi biết, tôi yêu”, ông nhắn nhủ tinh thần tự lực tự cường: “Ruộng đồng ơi, hãy cố nuôi dân này/ Đừng chờ thế giới, hãy gắng riêng mình thôi”.
Năm 1973, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau khi khép lại dòng ca khúc Da Vàng, đã có ý nghĩ về sự tái hồi giữa con người với làng quê. Ca khúc “Giọt lệ thiên thu” bồi hồi: “Núi đứng quanh năm, đất muôn đời nằm, riêng ta rộn ràng/ Đứng giữa thiên nhiên, thân ta nằng nặng, thân chim nhẹ nhàng/ Muốn nói đôi câu giữa chốn thương đau/ Chim xanh bạc đầu, cây xanh bạc đầu, vội vàng tôi theo”, còn ca khúc “Có nghe đời nghiêng” nôn nao: “Chân đi xa trái tim bên nhà/ Thềm đá nằm, thềm đá nghe mưa/ Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ/ Tạ ơn chim chiều hót cho cha/ Trời đất kia có hay ta về”. Thậm chí, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phác thảo “Mùa phục hồi” thật khoan dung: “Xin cho lá mùa xuân xanh trên rừng hoạn nạn/ Xin cho những bàn chân hãy nối trên tật nguyền/ Xin cho mặt đường lặng lẽ đêm đêm/ Xin cho bầu trời rộn tiếng chim muông/ Và còn bao cánh đồng đang chờ lúa mới lên thơm”.
Khi chiến tranh gần kết thúc, thì làng quê trong âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng tươi tắn hơn. Ca khúc “Ra đồng giữa ngọ” viết năm 1974: “Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ/ Miệng môi hồng đỏ như đóa hoa vông/ Hoa vông mùa hè lập lòe thinh không/ Hoa vông chào mừng mùa hè thênh thang/ Thênh thang cùng diều cùng diều lên nhanh”.
Đất nước thống nhất, làng quê Việt Nam cũng có thêm nhịp điệu mới từ trái tim Trịnh Công Sơn, Năm 1980, ông có một vệt ca khúc xưng tụng quê hương thanh bình. Ca khúc “Tôi sẽ nhớ” thì thầm “Tôi sẽ nhớ màu nắng nơi quê nhà/ Nhớ những chiều lặng lẽ cơn mưa/ Cùng tôi sống là biết bao bè bạn/ Có tấm lòng như một đóa hoa”. Ca khúc “Chiều trên quê hương tôi” náo nức: “Chiều trên quê hương tôi/ Có khi đây một trời mưa bay/ Có nơi kia đồi thông nắng đầy/ Có trên sông bờ xe sương khói/ Chiều trên quê hương tôi/ Nắng phơi trên màu ngói non tươi/ Gió mang tin một mùa sẽ tới/ Có mưa lâu hoặc cơn nắng dài”. Ca khúc “Em đến từ nghìn xưa” vương vấn: “Em đã đến giữa quê hương/ Có những nghìn năm xưa/ Hóa thân em bây giờ/ Nên tôi vẫn nhìn thấy em/ Giữa đám đông xa lạ/ Vì em như chim trắng/ Giữa trống đồng bước ra”. Và ngay cả ca khúc “Cánh chim cô đơn” cũng ấm áp: “Hẹn về nghiêng cánh vui bên làng xưa/ Có con sông vạm vỡ/ Có bóng cây vườn cũ/ Hẹn đền em nỗi lo/ Những ngày tháng qua”.
Làng quê thay da đổi thịt sau ngày non sông liền một dải, được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn miêu tả ở nhiều góc độ. Ca khúc “Biển sáng” viết năm 1981: “Sóng ru ngàn đời lời hát của biển khơi/ Tàu ra đi và buông lưới tung ngang trời/ Có những chàng trai vì quá yêu biển khơi/ Lòng thênh thang tựa những áng mây trôi/ Ra đi suốt bốn mùa/ Niềm vui theo cá trên thuyền về/ Vì tình yêu sống một đời trong nắng mưa”. Ca khúc “Mênh mông Đồng Tháp” viết năm 1986: “Mùa nước mênh mông không thấy bờ thấy bến/ Những cánh cò cánh nhạn đùa mặt nước long lanh/ Màu tím bâng khuâng bên hoa vàng đốm nhỏ/ Riêng em là hoa của Đồng Tháp sen hồng”.
Nhịp điệu làng quê, với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chính là vẻ đẹp nguồn cội. Được cày cấy và được hát ca trên đất đai ngàn đời của tổ tiên là một hạnh phúc lớn lao, được ông thể hiện qua ca khúc “Về trong suối nguồn” viết năm 1986: “Quê hương trẻ mãi như tâm hồn thiên nhiên/ Em đi qua đó không bao giờ muộn phiền/ Xanh xanh cây lá biển hát chiều mưa/ Quê hương nằm thức bên bờ biển bao la/ Sau cơn chinh chiến núi non vẫn mượt mà/ Bay đi trong mưa nắng những câu chuyện thần tiên”.