Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoạn mục, từ 30 tỷ USD năm 2015 lên 53 tỷ USD năm 2023 (tăng 76%) và hiện đứng trong top 15 các quốc giá xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. NLTS Việt Nam tự hào có mặt tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, trong đó có nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên tỷ USD.
Sự hiện diện ngày càng lớn của nông sản Việt trên thị trường quốc tế là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của người nông dân, doanh nghiệp, các chuyên gia và nhà quản lý trong việc cải thiện chất lượng, đàm phán và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Đây là thành tựu đáng tự hào của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Để làm rõ thêm về chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản và vai trò của các bên liên quan, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT).
Thương hiệu nông sản Việt bước đầu ghi dấu ấn trên trường quốc tế
Ông hãy cho biết quá trình đàm phán các sản phẩm NLTS của Việt Nam diễn ra như thế nào? Ngành NN-PTNT có chính sách mở cửa ra sao để thúc đẩy xuất khẩu NLTS, giúp sản phẩm của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quốc tế?
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Trong những năm qua, Việt Nam đã hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song và đa phương trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông sản Việt Nam được xuất khẩu dựa trên năng lực cạnh tranh và lợi thế về điều kiện khí hậu tự nhiên đa dạng, cùng với sự cần cù, chăm chỉ, sáng tạo của nông dân. Đồng thời, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do vừa là cầu nối, vừa là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến với nông nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường xuất khẩu NLTS ngày càng mở rộng.
Ngành nông nghiệp đã từng bước xây dựng hệ sinh thái cho các ngành hàng NLTS tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết nối giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp, hiệp hội với sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống dịch vụ công. Đây chính là những lợi thế giúp Việt Nam duy trì xuất khẩu NLTS một cách ổn định.
Bên cạnh các hiệp định thương mại tự do mang lại những ưu đãi về thuế, Việt Nam còn nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, dịch bệnh và sinh học. Để đảm bảo phù hợp với các quy định của thị trường quốc tế, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT thường xuyên tham vấn và lấy ý kiến từ các địa phương, doanh nghiệp và nông dân, từ đó xác định những mặt hàng NLTS có lợi thế cần được ưu tiên xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT là đầu mối liên hệ với các cơ quan chuyên môn nước ngoài để đề xuất mở cửa thị trường. Quá trình này bao gồm việc chuẩn bị hồ sơ, khảo sát địa bàn, đăng ký mã số cơ sở nuôi trồng các loại động vật và thực vật, cũng như tiến hành các đàm phán nhằm đạt được lợi ích cho cả hai bên.
Nhờ vào sự tích cực và năng động trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Úc, New Zealand…
Từ quan sát của mình trong những chuyến công tác nước ngoài, sự hiện diện của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế thay đổi thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Trước đây, nông sản Việt Nam xuất khẩu thường chỉ dưới dạng thô và chủ yếu được bày bán tại các khu chợ châu Á ở các quốc gia lớn, nơi có đông đảo người Việt sinh sống. Những sản phẩm này thường không mang thương hiệu Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, nông sản Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện trên các kệ hàng trong siêu thị quốc tế, dù số lượng vẫn còn khiêm tốn. Điều này cho thấy một số doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào quản lý chuỗi cung ứng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu.
Tuy nhiên, so với các sản phẩm khác trên kệ hàng siêu thị tại các thị trường có thu nhập cao như châu Âu, đặc biệt là những sản phẩm mang nhãn “Bio” hoặc “Organic”, sản phẩm chế biến sâu giá trị cao, thì sự hiện diện của nông sản Việt Nam vẫn chưa nhiều. Đây chính là dư địa để chúng ra cần nghiên cứu và khai thác để tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng NLTS của Việt Nam.
Chiến lược xuất khẩu nông sản bền vững
Trong bối cảnh yêu cầu của các thị trường ngày càng nghiêm ngặt, Bộ NN-PTNT đang có những định hướng thế nào để nước ta xuất khẩu NLTS một cách bền vững?
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu NLTS lớn, liên tục xuất siêu, minh chứng cho năng lực sản xuất dồi dào và khả năng xuất khẩu mà vẫn đảm bảo nhu cầu trong nước.
Để xuất khẩu NLTS bền vững, việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế là vô cùng quan trọng. Những tiêu chuẩn này thường dựa trên cơ sở khoa học và tuân thủ theo thông lệ quốc tế.
Như theo số liệu của Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), các chỉ số thống kê cho thấy mức độ đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đã được nâng cao đáng kể. Ví dụ, vào quý I/2024, tỷ lệ các cơ sở đủ điều kiện về ATTP nông lâm thủy sản đạt 99,4%, tỷ lệ cơ sở ký cam kết đạt 92%; tỷ lệ sản phẩm đạt yêu cầu đạt 99,6%, hơn 2.500 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn được duy trì.
Tỷ lệ các lô hàng bị trả lại hoặc không đạt yêu cầu ngày càng giảm, thể hiện nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương và sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan của Bộ. Ngoài ra, việc tiến hành các cuộc đàm phán thương mại để mở cửa cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng, nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia cho cả hai bên và thúc đẩy Chiến lược hội nhập kinh tế trong ngành nông nghiệp.
Cùng với việc nông sản Việt Nam vươn ra thị trường mới, chúng ta cần nâng cấp công nghệ chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch. Ông nhận định thế nào về cơ hội và thách thức trong các lĩnh vực này?
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Đây thực sự là một bài toán lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, vì tỷ lệ sản phẩm chế biến tinh và chế biến sâu hiện nay vẫn còn thấp, cả trên thị trường nội địa lẫn quốc tế. Khi so sánh với các quốc gia khác, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế trong ngành chế biến thực phẩm.
Để cải thiện tình hình này, ngành chế biến thực phẩm cần có những nỗ lực và cố gắng rất lớn. Chúng ta cần tiến hành nghiên cứu chiến lược, định hướng một cách rõ ràng và rà soát toàn bộ chuỗi chế biến. Điều quan trọng là phải có sự phối hợp liên ngành giữa Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ để tránh tình trạng phân mảnh trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, cần thiết lập các cơ chế để đảm bảo thu hút đầu tư và du nhập công nghệ chế biến lương thực, thực phẩm. Chúng ta đã tập trung mạnh vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung nhiều vào các mô hình nhà kính, nhà lưới, chăn nuôi công nghệ cao. Trong khi đó, lĩnh vực chế biến thực phẩm và phối trộn các mặt hàng nông sản khác nhau vẫn chủ yếu do các làng nghề thủ công hoặc doanh nghiệp quy mô nhỏ đảm nhận, phục vụ nhiều cho thị trường trong nước.
Do đó, việc đầu tư nghiên cứu và phát triển một cách bài bản trong lĩnh vực này chế biến thực phẩm rất cần thiết. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi đầu tư, tín dụng, thuế, nhập khẩu đối với các doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm. Thêm vào đó, cần quan tâm hơn nữa thúc đẩy các mô hình đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đặc biệt từ khu vực nông thôn trong phát triển ngành chế biến thực phẩm.
Chúng ta cũng cần học hỏi thêm kinh nghiệm từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… bởi trong lĩnh vực này, vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Với dư địa lớn trong hợp tác chuyển giao kỹ thuật, phát triển khoa học nông nghiệp, ông cho biết tầm quan trọng hình thức đối tác công tư (PPP) đối với ngành nông nghiệp nước ta?
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Việt Nam là nước tiên phong trong việc thúc đẩy đầu tư theo hình thức PPP cho phát triển nông nghiệp bền vững. Đây là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng cường đầu tư vào chế biến sau, giá trị gia tăng và ATTP của sản phẩm nông nghiệp. Mô hình PPP của nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là mô hình tiên tiến và phát triển nhất trong các quốc gia Đông Nam Á theo đánh giá gần đây của Đại học Harvard.
Diễn đàn Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV) có sự tham gia của nhiều tập đoàn đa quốc gia, mang lại nguồn lực đầu tư lớn vào Việt Nam. Những tập đoàn này không chỉ thúc đẩy sản xuất, mà còn giúp chúng ta nắm bắt được nhu cầu mới của thị trường và những thay đổi về chính sách từ các quốc gia nhập khẩu NLTS Việt Nam. Họ cung cấp thông tin mới về khoa học và công nghệ, đồng thời là kênh thông tin quan trọng, phối hợp với các cơ quan nhà nước để phát triển các sản phẩm mới và quy trình mới, hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, PSAV còn là nền tảng quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam. Hợp tác công tư đóng góp vào việc đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về chính sách, đồng thời đưa ra những sáng kiến đầu tư mới nhằm xây dựng các cụm ngành đổi mới sáng tạo nông nghiệp, vườn ươm công nghệ cao và các trung tâm đào tạo nông dân ở cấp xã.
Chiến lược đưa nông sản Việt vươn xa trên thị trường thế giới
Vậy, có thể thấy rằng Việt Nam đang trở thành “địa chỉ xanh”, thu hút nhiều dự án quốc tế thúc đẩy các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững. Ông nghĩ thế nào về vai trò của các tổ chức quốc tế trong kết nối nông sản Việt Nam để xuất khẩu sang nước ngoài?
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chính những định hướng này đã tạo ra cảm hứng lớn cho cộng đồng quốc tế. Điều này vừa giúp chúng ta huy động được các nguồn lực hỗ trợ, đồng thời xây dựng hình ảnh Việt Nam là đối tác thân thiện, có trách nhiệm với các vấn đề của toàn cầu.
Cụ thể, chúng ta đã tích cực huy động sự hỗ trợ và phối hợp với các đối tác quốc tế để xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của ngành đến 2030 bao gồm Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí metan đến 2030 trong ngành nông nghiệp, Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về “Rừng và sử dụng đất”, Kế hoạch hành động chuyển đổi hệ thống LTTP Việt Nam “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”, Chương trình phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Ngoài việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, các tổ chức quốc tế còn hướng dẫn, nâng cao năng lực cho các nhà quản lý và nông dân. Đây chính là những bước đi quan trọng để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Những tổ chức này không chỉ giúp quảng bá thương hiệu bền vững và các giá trị, tri thức bản địa, mà còn tạo thêm động lực để chúng ta phát triển một cách bền vững. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra các sinh kế mới, giúp nông dân chuyển đổi sang những mô hình sản xuất hiện đại và bền vững hơn.
Với những tác động trên, ông kỳ vọng như thế nào về tương lai của các doanh nhân nông nghiệp, nông dân và HTX?
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Qua quá trình hội nhập kinh tế quốc tế kéo dài, các doanh nhân nông nghiệp, nông dân và HTX của Việt Nam đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, từ đó trở nên tự tin hơn khi tham gia vào thị trường quốc tế. Trước đây, chúng ta chủ yếu tập trung vào các thị trường gần, dễ tính nhưng hiện tại, nông sản Việt Nam đã vươn xa hơn đến những thị trường xa, khó tính hơn. Đa phần các thị trường lớn đều đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe, nhưng các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam ngày càng chủ động trong việc đáp ứng các yêu cầu đó.
Cùng với nông dân, các cơ quan nhà nước cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc phối hợp với doanh nghiệp và nông dân để hỗ trợ mở cửa thị trường nước ngoài, đồng thời sẵn sàng đối phó với những rủi ro có thể xảy ra trên thị trường xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT đã thiết lập các cơ chế thông tin nhanh chóng, giúp truyền tải các quy định và yêu cầu từ thị trường quốc tế đến địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội thông qua các phương tiện truyền thông, diễn đàn và hội thảo. Điều này giúp các bên liên quan nắm bắt kịp thời các quy định mới và thực hiện tốt hơn các yêu cầu từ thị trường quốc tế.
Đặc biệt, khi đối mặt với các động thái không có lợi từ thị trường, chẳng hạn như việc áp dụng các tiêu chuẩn mới hoặc những biện pháp trừng phạt thương mại, Bộ NN-PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các bên liên quan và các hiệp hội ngành hàng để xử lý. Sự hợp tác này nhằm đảm bảo rằng giữa hai Chính phủ có thể giải quyết những nút thắt một cách hiệu quả và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Về dài hạn, Việt Nam cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, xây dựng quy hoạch ổn định và giám sát nguồn cung phù hợp cho các thị trường. Cần cân đối giữa năng lực sản xuất và nhu cầu tiêu dùng, tránh những cú sốc ngắn hạn dẫn đến sự phát triển không bền vững, như tình trạng “chặt - trồng - chặt” đang là một vấn đề khó giải quyết trong nhiều ngành hàng hiện nay.
Xin cảm ơn ông!