| Hotline: 0983.970.780

Con rồng đá Chi Nhị

Thứ Sáu 08/07/2022 , 06:35 (GMT+7)

Đấy là bức tượng chân dung kỳ lạ của một con người, vị thái sư tài ba và hàm oan Lê Văn Thịnh.

LTS: "Dọc đường" là tập ghi chép vừa mới ra mắt của nhà văn Nguyên Ngọc (Nhã Nam và NXB Phụ nữ Việt Nam liên kết phát hành); tập hợp những ghi chép, suy tư về văn chương, giáo dục, đất nước. Được sự đồng ý của Công ty CP Truyền thông Nhã Nam và tác giả, báo NNVN xin trích đăng một phần cuốn sách này để gửi đến bạn đọc.

Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh được xây dựng từ lâu đời trên mảnh đất vốn là nhà riêng của cụ. Hiện trong khu di tích còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật phản ánh về cuộc đời, sự nghiệp của Thái sư. Ảnh: bacninh.gov.vn.

Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh được xây dựng từ lâu đời trên mảnh đất vốn là nhà riêng của cụ. Hiện trong khu di tích còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật phản ánh về cuộc đời, sự nghiệp của Thái sư. Ảnh: bacninh.gov.vn.

Năm 1993, trước ngôi nghè Chi Nhị, nơi thờ thái sư Lê Văn Thịnh triều Lý, ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh, cách cổng nghè chừng vài chục mét, chắc là do mưa gió (thậm chí mới đó mà đã thành truyền thuyết: “qua một đêm mưa to gió lớn chưa từng có…”) bà con lối xóm bỗng thấy nhô lên một mỏm đá, moi ra đôi chút thì đoán có thể là bộ phận của một khối hay một tượng đá lớn.

Bài liên quan

Người ta đã rất cẩn thận đào đất chung quanh, thậm chí không dùng đến cuốc xẻng, chỉ lấy tay moi từng chút một. Cuối cùng, lộ ra một tượng rồng khổng lồ. Có lẽ là pho tượng rồng kỳ lạ nhất, chưa từng thấy kiểu tượng rồng nào giống thế, đẹp nhất, không chỉ ở nước ta. Làng liền cho đốn tre, lấy toàn cật tre già tết thành thừng to như cổ tay, mười tám trai tráng lực lưỡng khiêng làm chín đòn, hè lớn một tiếng mới nhấc được khối đá khổng lồ lên khỏi mặt đất, nhưng bà con bảo, thật lạ, sau đó lại thấy nhẹ bâng, cứ thế trân trọng và thong thả rước “Ngài” vào nghè, và lập miếu thờ. Tượng rồng vừa phát lộ ắt liên quan trực tiếp đến vị thành hoàng được thờ trong chính nghè này, thái sư Lê Văn Thịnh.

Lê Văn Thịnh, ai có quan tâm đến sử đôi chút hẳn đều biết, là nhân vật có lẽ có số phận kỳ lạ nhất ở nước ta, qua gần một nghìn năm mà sự đánh giá của người đời vẫn chưa xong, vụ kỳ án của ông gần suốt một thiên niên kỷ vẫn còn được phán xét theo hai cách hoàn toàn đối lập. Ông sống âm thầm trong lòng kính trọng và thương yêu của nhân dân, “dân đen”. Nhưng không chỉ những bộ lịch sử trịnh trọng của các sử gia bệ vệ như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt Nam sử lược đều nhất loạt lên án ông nặng nề, mà đến một tác giả sân khấu hiện đại tài ba và nghiêm túc là Tào Mạt cũng liệt ông vào hàng phản diện xấu xa trong các vở chèo lịch sử nổi tiếng và rất phổ biến của mình.

Còn ông, gần một thiên niên kỷ, thì vẫn nằm đó, giấu mình sâu dưới lòng đất quê hương, cho đến sau khi Tào Mạt đã mất được mấy năm mới chịu hiện lên cho trai tráng làng Bảo Tháp moi đất tìm ra và đưa trở lại với đời. Nói vậy bởi pho tượng rồng kỳ lạ nọ chính là tượng Lê Văn Thịnh. Tượng chân dung của ông, quả vậy.

Vậy Lê Văn Thịnh là ai và vụ kỳ án của ông là thế nào?

Năm Canh Tuất 1070, vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu, trường đại học đầu tiên của nước ta ở Thăng Long. Năm năm sau, Ất Mão 1075, vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh Kinh Bác Sĩ và Nho Học Tam Trường. Lê Văn Thịnh, sinh năm 1050 ở làng Đông Cữu, huyện Gia Lương, Bắc Giang, đi thi và đỗ đầu, là vị trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, được tôn là “Trạng khai khoa”. Ông được vời vào cung dạy vua, vị vua đó chính là Lý Nhân Tông. Rồi thăng chức Thị lang Bộ Binh. Con người ấy không chỉ văn võ toàn tài, còn là một nhà ngoại giao kiệt xuất.

Năm Canh Tuất 1076, nhà Tống sai Quách Quỳ “đem quân chín trướng”, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp, xâm lấn nước ta để trả thù việc Lý Thường Kiệt từng tấn công các châu Ung, Liêm, Khâm của nhà Tống như một đòn đánh phủ đầu chặn trước mưu đồ tiến binh của đối phương. Lần này, trên chiến tuyến sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt lại đánh tan Quách Quỳ. Quân Tống tháo chạy nhưng lại chiếm lấy châu Quảng Nguyên, tức Cao Bằng, Lạng Sơn ngày nay. Năm 1078, vua sai Đào Tống Nguyên sang đòi, nhà Tống đồng ý trả lại phần lớn đất đai, nhưng ngoan cố giữ những vùng đất đai mà thổ dân địa phương đã dâng cho họ, gồm cả hai động Vật Dương và Vật Ác.

Lần này, năm 1084 đến lượt thị lang Bộ Binh Lê Văn Thịnh đi đòi. Ông đến tận trại Vĩnh Bình, cùng bàn việc cương giới với người Tống. Họ bám lấy đất đã cướp, lấy cớ là của thổ dân tự ý đem nộp chứ không phải do họ chiếm. Lê Văn Thịnh dõng dạc biện luận cùng Thành Trạc, sứ giả nhà Tống: “Đất thì có chủ, các quan viên giữ đất ấy đem nộp cho người khác và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao mà lấy trộm đã không tha được, mà trộm của hay “tàng trữ” thì luật pháp cũng không cho phép, huống chi nay lại mang đất lấy trộm dâng để làm dơ bẩn sổ sách nhà vua”. Lý lẽ ràng buộc chặt chẽ khúc chiết, đến luật pháp hiện đại hẳn cũng chỉ rành rọt được đến thế, khéo léo vô cùng mà lại còn mắng thẳng vào mặt sứ thần một nước lớn, cay đến gan ruột. Quả khoa thi đại học đầu tiên của nước Việt đã chọn thật đúng một vị trạng nguyên khai khoa! Nhà Tống buộc phải trả sáu huyện ba động, mà còn lấy làm rất xấu hổ…

Về sau, Lê Văn Thịnh được thăng làm thái sư, ở chức đến mười hai năm, cho đến khi nổ ra vụ án hồ Dâm Đàm. Dâm Đàm tức Hồ Tây ngày nay. Tháng Ba năm Bính Tý 1096, vua Lý Nhân Tông đi thuyền chơi hồ, xem đánh cá. Bỗng nhiên sương mù nổi lên dày đặc, rồi có tiếng chèo rào rào của một chiếc thuyền xáp đến. Vua cầm giáo phóng, thì sương tan, trên chiếc thuyền xáp đến nọ thấy một con hổ chực vồ vua. Có người chài lưới là Mục Thận quăng lưới chụp lấy, thì trong lưới hóa ra lại chính là… Lê Văn Thịnh! Ông bị bắt ngay, lẽ ra phải tội tru di, nhưng vua xét người có công, “thương tình” cho đi đày biệt xứ, đến tận ngày qua đời…

Lịch sử đôi khi cũng rất buồn cười. Ngay tác giả Khâm định Việt sử thông giám cũng không hề ngần ngại giải thích vụ án hồ Dâm Đàm: “Văn Thịnh có tên gia nô người nước Đại Lý (một địa phương đâu đó ở bên Tàu). Tên này có pháp thuật lạ, nhân đó Văn Thịnh manh tâm mưu sự khác…”. Gần một nghìn năm trước, một vụ dựng chuyện bỉ ổi trắng trợn đến thế để hại một người tài ba lỗi lạc kể cũng chẳng phải lạ. Nhưng vẫn còn câu hỏi: vì sao chính Lý Nhân Tông, học trò của Lê Văn Thịnh, lại manh tâm trừ khử ngay người thầy của mình? Trong nhiều cách giải thích, có một lý giải còn gây phân vân: thời đó bên Trung Quốc có phái biến pháp, gọi là Tân pháp, do Vương An Thạch đứng đầu, đề xuất chủ trương cải cách toàn diện chế độ kinh tế - xã hội - quân sự. Cuộc vận động lớn này thất bại do phần đông các đại thần trong triều bị động chạm lợi ích kịch liệt chống lại. Vương An Thạch rốt cuộc phải về vườn sớm. Có phải thái sư Lê Văn Thịnh, con người kinh bang tế thế, có hiểu biết rộng xa, tầm nhìn lớn, từng biết đến cuộc cải cách ở nước láng giềng, và cũng đã nung nấu những ý tưởng nào đó về một con đường đi mới cho dân tộc mình? Nghĩa là, gần một nghìn năm trước, từng có một cuộc đổi mới lớn đã bị nhấn chìm tàn nhẫn ở Hồ Tây, một người anh hùng kiệt xuất của dân tộc, một con rồng Việt anh minh đã từng bị chết đứng tại đây, nơi nay hằng ngày ta vẫn dửng dưng đi qua mà nào có hay?

Pho tượng con rồng ôm mối hờn oan ngàn năm này bị vùi lấp trong khuôn viên đền thờ Thái sư Lê văn Thịnh. Ảnh: vr3d.vn.

Pho tượng con rồng ôm mối hờn oan ngàn năm này bị vùi lấp trong khuôn viên đền thờ Thái sư Lê văn Thịnh. Ảnh: vr3d.vn.

Một người nghệ sĩ vô danh, không biết tự bao giờ - có người bảo là ngay vào thời Lý, có người lại bảo ấy là vào thời Hậu Lê - đã quyết định thể hiện hình tượng con rồng ôm mối hờn oan ngàn năm ấy, để lại cho muôn đời. Ấy là một con rồng lớn, khoanh mình thành hình tròn, đường kính đến hơn một mét, thân hình vạm vỡ, lớp lớp vảy dày và lớn, đầu rồng nhô lên cao mà lại cúi xuống, miệng rồng răng rất sắc tự cắn sâu vào chính thân mình, sâu ngoắm, đến chừng có thể tóe máu, chân rồng móng vuốt nhọn hoắt tự bấu vào da thịt chính mình, như muốn tự xé nát chính thân mình, sâu đến tận ruột gan. Có lẽ trong lịch sử nghệ thuật Đông Tây, chưa bao giờ nỗi oan câm lặng nghìn năm của con người lại được thể hiện quyết liệt đến thế. Vậy mà vẫn còn chưa thôi. Hai tai rồng, được tạc rất rõ, bên tai phải rỗng, thông, tai trái lại bịt kín. Dường như từ nghìn năm trước, con người tài ba xuất chúng mà số phận đau thương đó đã dự liệu được bao tiếng thị phi của các thế hệ nối tiếp người đời, ông muốn chỉ nghe một nửa, một nửa khinh bỉ gạt ra ngoài tai. Kể cả những phán quyết đầy quyền uy của những kẻ được thời thế đưa lên làm chủ lịch sử.

Người nghệ sĩ vô danh đã tạc nên pho tượng kỳ lạ này là ai vậy? Đương nhiên hẳn ông vô cùng ngưỡng mộ người anh hùng Lê Văn Thịnh và đồng cảm vô cùng sâu sắc với nỗi oan muốn xé tung trời đất của người xưa. Nhưng có phải chỉ có vậy? Nghệ thuật bao giờ cũng thế, nó cần những nguyên mẫu, nhưng là để nói về cả cái nhân quần rộng lớn, những nỗi đau lớn của con người chân chính suốt lịch sử trường tồn của giống loài. Con rồng đá Chi Nhị là một tác phẩm như vậy. Đấy là bức tượng chân dung kỳ lạ của một con người, vị thái sư tài ba và hàm oan Lê Văn Thịnh. Mà cũng là chân dung của Con Người. Con Người tự cắn xé đến muốn nát chính thân mình, trong quá trình đau khổ biết bao để có được một cuộc sống làm người cho ra Người.

Nguyên Ngọc

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

 

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười ba: Câu chuyện cây đu đủ

Cây đu đủ, như bao loại cây khác trong thiên nhiên, có thể trở thành một nguồn tài nguyên vô tận cho những bạn trẻ khởi nghiệp khai thác.

Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia

THỪA THIÊN - HUẾ Nghề làm bún Vân Cù (thị xã Hương Trà) và lễ hội điện Huệ Nam (thành phố Huế) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 12/2024.

Ra mắt câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền'

Câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền' chính thức ra mắt, đánh dấu bước ngoặt phát triển nông nghiệp bền vững. 18 thành viên Ban chủ nhiệm là những doanh nông tiêu biểu.

Chính sách logistics xanh của Bỉ

Những biện pháp logistics xanh mà Bỉ áp dụng gồm giảm phát thải carbon, tăng cường sử dụng vận tải đa phương thức, phát triển đội xe điện...