Tùy bút Trần Mạnh Hảo: Thương nhớ hoa đào

Trần Mạnh Hảo - Thứ Tư, 07/02/2024 , 14:30 (GMT+7)

Có phải hoa đào đã học được phép tiệm tiến, phép ướt át vô chiêu ấm ớ của mưa phùn làm cách nở rất riêng, rất kiêu kỳ của mình?

Hoa đào vào phương Nam.

Hoa đào vào phương Nam.

Năm cũ như một niềm mưa bụi đã phất qua trời, nhường lá non và lộc biếc cho mùa xuân mới. Tôi nghiêng nghiêng cùng vạt nắng mới nghe tóc mình râm ran hồn vía muối tiêu mà rưng rưng hiểu rằng, ngót nghét năm mươi mùa xuân rồi mình đã xa đất Bắc. Từ hồi có hàng không dân dụng, mỗi năm, cứ đến những ngày giáp tết, tôi lại lò dò đến sân bay Tân Sơn Nhất để ngắm hoa đào. Những chuyến bay đào hoa chở đầy hoa đào mang từ Hà Nội vào đây cái hồn vía của mùa xuân đất tổ. Giữa cái nắng chói chang nóng bức của Sài thành, được nhìn ngắm thỏa thuê những cành đào Hà Nội mới tinh khôi còn ngây ngất gió sông Hồng, cả người tôi chợt quặn lên niềm nhớ rét toát mồ hôi.

Với tôi, chỉ một mình hoa mai đâu đã làm nên cái tết nếu không được nhìn thấy hoa đào. Hoa mai Nam Bộ đẹp một cách hồn nhiên, giản dị. Nó nở ào ạt một màu vàng mạnh mẽ, vàng chói lọi, cái vàng của nghệ pha với vàng hoa dành dành, cái vàng của ánh trăng trộn lẫn sắc vàng của thái dương. Sau tết, hoa mai rụng cũng theo tính cách phương Nam khỏe khoắn và dứt khoát của nó. Nghĩa là, nó rụng một cách ào ào, một cách tập thể. Nhưng hoa đào linh hồn của mùa xuân phương Bắc quê hương tôi, hay nói chính xác là quê hương dân tộc Việt Nam thì có cách nở rất khác với hoa mai.

Có phải hoa đào đã học được phép tiệm tiến, phép ướt át vô chiêu ấm ớ của mưa phùn làm cách nở rất riêng, rất kiêu kỳ của mình? Nếu mùa xuân không trang điểm, không đánh tí phấn mưa phùn lên tạo vật, chưa chắc cây đào đã biết cách nở hoa? Do đó, hoa đào nở rồi mà đôi khi ta còn ngờ chưa nở, rụng rồi mà như chưa rụng. Nó đi vào mắt ta, vào xúc giác và vào hồn ta bằng phép tắc hư ảo của mưa phùn, bằng sự vô hình vô phương của rét ngọt, bằng cái nửa hư nửa thực của vòm trời mùa xuân mà chỉ đất Bắc mới có. Riêng tôi, màu hoa đào kia sao rất khó gọi tên. Nó là hồng thắm, hồng tươi, hồng non, hồng khói hay hồng đượm? Đôi khi, như một kẻ tình nhân vô vọng của hoa đào, xin lỗi cụ Dương Khuê, tôi vô phép gọi cái màu hoa đào là màu hồng hồng tuyết tuyết, tức hồng đào vậy!

Chợt nhớ Nguyễn Du: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. Có lẽ, chỉ những câu thơ tuyệt vời như thế này mới xứng với vẻ đài các, sang trọng và quý phái của hoa đào. Trong cái rét chồi rét lộc của mùa xuân, hoa đào nở ra như một chấm nến của tạo hóa làm ấm không gian, ấm lại mắt và hồn người. Ngược lại, giữa cái tết nóng nực của phương Nam, đêm giao thừa Sài Gòn, nếu có một nhành đào nhỏ trên bàn thờ tết, bạn và tôi sẽ cảm thấy dịu mát hơn, thấy tâm hồn mình, thậm chí thể xác mình rất cần thiết một cái gì để sưởi ấm.

Hoa đào chính là nỗi sưởi ấm của trời đất, là niềm sưởi ấm của thi ca. Xin cám ơn những nhành đào Nhật Tân, Ngọc Hà đã hóa thành cây gậy của tâm hồn tôi, dắt nỗi niềm thương nhớ quê hương của kẻ xa xứ này đi qua đêm giao thừa, như nắng xuân dắt chim én về trước cửa.

Ôi, màu hoa đào Hà Nội - Thăng Long đã mấy trăm năm là nỗi ám ảnh khôn cùng, là tên gọi của nỗi sầu xa xứ của cha ông ta đi mở đất phương Nam? Tôi cứ hình dung những trăm đêm mai vàng của lịch sử trước phút giao thừa, nơi cha ông ta nhớ về cố quận, thở một câu vọng cổ lên trời, nhìn những vằn lửa riu riu trên thanh củi ướt mà thương nhớ hoa đào đến quằn quại trong hồn vía vô biên vô thức của mình.

Giờ đây, chỉ cần chưa đầy hai tiếng đồng hồ, hoa đào đã vút bay như chớp mắt qua hành trình khắc khoải nhớ thương của lịch sử hành phương Nam của dân tộc, để có một chỗ đứng bên cạnh hoa mai trong chợ hoa Sài Gòn.

Tôi là đứa con út ít còi cọc của sông Hồng. Tuổi thơ và tuổi thanh niên của đứa con một dòng họ truyền đời làm ruộng chưa một lần được thấy Hà Nội thủ đô đã phải vượt Trường Sơn vào tận miền Đông Nam Bộ. Những đêm giao thừa sống trong căn hầm vùng giáp ranh, hay dưới tán rừng già Phước Long, Lâm Đồng, chỉ có những nhánh mai vàng thay ngọn đèn soi sáng, không hiểu sao một nỗi nhớ đến cháy bỏng, đến ngất ngư về Hà Nội, nơi chưa một lần tôi được tới. Tâm hồn tôi thuở đi học từng đã nhập vào làm một với mảnh đất nghìn năm văn vật bằng văn chương của Tự Lực văn đoàn. Nhánh đào hoa trước vườn nhà tôi thơ ấu mỗi độ tết đến từng rủ rê trí tưởng tượng của tôi theo một thứ ong bướm siêu việt mà rù rì tới tận Thăng Long. Hà Nội - hình ảnh tình nhân của tâm hồn tôi, một người tình chưa rõ mặt mà sao nỗi nhớ lại cụ thể, đắm say và mủi lòng đôi khi đến tê tái mây trời chừng này?

Cái khoảng cách từ Hà Nội thật đến cái Hà Nội trong tưởng tượng của tôi chính là khoảng cách từ hòa bình đến chiến tranh, giữa hậu phương và tiền tuyến, là khoảng cách giữa sự sống và cái chết, giữa hi vọng và tuyệt vọng. Những năm rừng núi bom đạn ấy, đêm nằm ngủ dưới ánh hỏa châu của đạn thẳng, pháo bầy, đôi khi tôi hay nghĩ dại: lỡ mình chết giữa chiến trường thì mãi mãi không thể có hi vọng nhìn thấy Hà Nội, dù chỉ một lần duy nhất trong đời. Bên bờ sông Đặc - Quýt dưới trận B.52, đêm trong hầm tối, trước khi chết, người bạn vừa bị tử thương của tôi thều thào: mày với tao chưa hề biết thủ đô, cố sống mà về, nhớ thay tao đến ngắm sông Hồng chỗ cầu Long Biên... Bạn chết. Những dòng máu cuối cùng của bạn chảy đẫm ướt áo tôi. Sông Hồng không còn cuồn cuộn chảy trong động mạch của bạn nữa.

Ôi, trong hành trình xuôi phương Nam của lịch sử dân tộc, có người Việt nào ra đi mà lại không mang theo dáng chảy của sông Hồng trong huyết quản mình? Khi mỗi người Việt ngã xuống trên chiến trường, cũng có nghĩa là máu sông Hồng đã đổ thành linh hồn của phù sa trên khắp quê hương? Tôi chợt nghĩ cái màu đỏ tươi của hoa đào kia chính là sứ giả của sông Hồng gởi vào phương Nam cho mỗi đứa con tha phương trọn vẹn cái tâm huyết của lịch sử, cái chấm phá của hồn thiêng đất nước tổ tiên thương nhớ gọi cháu con về.

Chính ngày 30 tháng tư năm 1975, tôi đã gặp Sài Gòn trước khi biết Hà Nội. Từ cuối sông Hồng, để đến được Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, tôi đã phải đi bộ hàng chục năm trời, vượt Trường Sơn xuôi Nam theo hành trình lịch sử, băng qua cuộc chiến tranh, băng qua cái chết, vuốt mắt cho bao nhiêu đồng đội, nhận lấy bao lời trăn trối, lầm lũi sống sót cho đến ngày hòa bình. Và tết năm 1976, thay mặt nhiều bạn bè đã khuất, được đặt bàn chân chiến trường lên đất thiêng Hà Nội mà lòng tôi, mắt tôi sao còn rưng rưng khói lửa? Tôi tìm ra cầu Long Biên, đi lạc vào những phố hoa đào, để đứng ngắm sông Hồng trong chiều ba mươi tết năm 1975 - 1976.

Sông Hồng hay chính ngọn đuốc Lạc Long Quân soi nước Văn Lang thuở ấy? Giáp tết, sông Hồng chảy ngầm như máu, như một dòng hoa đào kì vĩ vừa đổ từ trời xuống, lượn từ thượng lưu theo dáng một con rồng có vẻ sắp bay lên. Sông Hồng rót xuống đáy lòng mình hết thảy mùa đông, hết thảy rét mướt, để dành trọn mùa xuân ấm áp cho đôi bờ. Sông Hồng nâu sẫm và gầy guộc như một nhành đào khổng lồ của trời đất đang bế Hà Nội lên như bế một nụ đào vĩ đại và vĩnh cửu.

Cái xương sống của nền văn minh lúa nước Giao Chỉ, nền văn minh bay lên bằng đôi cánh chim Lạc, cớ sao lúc này Người lại im lặng đến chừng ấy, để mặc đôi bờ cát phơ phơ ngon lành như da thịt ? Có phải sông Hồng từng để quên những giấc ngủ mơ hồ triệu năm xưa, để quên những giấc chiêm bao hùng vĩ thời Sơn Tinh, Thủy Tinh của mình lại giữa lòng Hà Nội thành những chiếc hồ lãng mạn như Hoàn Kiếm, Thiền Quang, Bảy Mẫu, Hồ Tây...? Đó chính là những dòng chảy ngắt quãng của sông Hồng khi chuyển dòng, nơi tâm hồn dòng sông nghỉ ngơi và mơ mộng cùng với Hà Nội muôn đời.

Cuối đông, đầu xuân, sông Hồng chợt trầm tĩnh lại với tuổi tạo hóa minh triết của mình, hát ru cho phù sa ngơi nghỉ đặng hóa nên ruộng đồng châu thổ. Gương mặt sông chợt sáng lên theo dáng những mặt hồ. Rồi sông Hồng bí mật gởi lên những nhánh hoa đào cái màu máu phù sa bất tử, cái màu đã làm nên châu thổ và văn minh Lạc Việt chúng ta.

Đêm nay, đêm giao thừa của Sài Gòn náo nhiệt chói lọi hoa mai vàng và đỏ rực rỡ dưa hấu, tôi lặng ngồi chiêm ngưỡng Hà Nội, gởi hồn vía ra thủ đô nghìn năm thương nhớ bằng cuộc độc thoại với hoa đào. Giờ đây, chắc gió xuân đang mơn mởn chảy trên các phố phường Hà Nội để dẫn niềm vui đi hái lộc. Cho lòng tôi làm hạt sương năm mới rơi trên trên nhành cỏ non năm cũ của vạt đất chân Tháp Rùa, được ngắm những chùm pháo hoa mô phỏng cách bung nở của hoa đào. Ôi, cái rét ngọt đầu năm, những vạt mưa phùn hư thực, cái trã thịt đông trong chạn, cái vị dưa hành còn ngấm nỗi cay nồng của giá rét, giữa Sài Gòn dầu có bỏ ra bạc tỉ đi nữa, dễ gì mua được?

Phút giao thừa, nghĩ đến đất Bắc quê hương, tự nhiên đứa con phiêu bạt này chợt cay cay khóe mắt nhớ mẹ già ngồi tựa cửa trông con.

Nay mẹ đã theo sương gió lên trời. Bỗng nhiên tay tôi chợt vịn lấy nhánh hoa đào làm chiếc gậy, để hành trình cùng thiên nhiên, cùng đất nước và dân tộc đi vào một năm mới đầy hứa hẹn. Những chấm hoa đào đang chúm chím kia làm tôi có cảm tưởng là chính những giọt mồ hôi của sông Hồng vừa chảy qua năm cũ, chảy qua lịch sử máu xương hùng vĩ để làm nên tình yêu và nỗi nhớ của tôi trong mùa xuân ngút ngát hoa đào này...

Trần Mạnh Hảo
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.