Việt Nam ở vào vị trí đắc địa, thiên nhiên hào phóng ban tặng cho đất nước này những tiềm năng, không dễ đất nước nào có được. Trong những tiềm năng ấy có các hệ thống sông ngòi từ Bắc đến Nam. Sông trở thành một phần hồn vía của đất trời; người Việt hình thành và phát triển cùng các dòng sông; sông đi cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha; sông là một phần văn hóa phi vật thể, hình thành nên văn hiến Việt Nam.
Dường như quê hương của bất cứ ai cũng đều có một dòng sông chạy qua, dù bé hay lớn. Mỗi người đều lớn lên bên những dòng sông cụ thể. Dù đi đâu, về đâu, trẻ hay già, với một người, dòng sông đều vời vợi ký ức.
Hẳn nhiên, vì thế, trong rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đều có dòng sông. Và một điều chắc chắn rằng, tất cả các nhà thơ đều có viết ít hay nhiều về dòng sông, nếu không có bài thơ riêng về dòng sông nào thì trong thơ họ, dòng sông đều có mặt với tư cách là “nhân vật” ẩn dụ của thi ca.
Tôi đã đọc khá nhiều thơ về dòng sông của nhiều tác giả, sáng tác thơ về dòng sông; tuy nhiên khi đọc “Trần Mạnh Hảo - Tuyển tập thơ” (NXB Hội Nhà văn, 2022) - được coi là cuốn sách bán chạy nhất năm 2022, bản thân có những cảm xúc đặc biệt. Hóa ra, ngoài “Sông Lam” đã trở thành thi phẩm được ngưỡng mộ ngay từ khi xuất bản (năm 1983), Trần Mạnh Hảo còn sáng tác về nhiều dòng sông khác.
Đó là, “Những dòng sông miền Trung”, “Sông Mã hồn lìa khỏi xác”, “Sông Hương”, “Những dòng sông Nam Bộ”, “Lời Trưng Nữ vương trước khi tuẫn tiết dưới dòng sông Hát”, “Nhớ con rạm sông Ninh Cơ”, “Rét cóng mẹ vẫn xuống sông mò Tết”, “Con rạm, con hến nuôi anh”...
Hẳn nhiên, Trần Mạnh Hảo là nhà thơ của những cảm xúc đầm đìa tư tưởng, nên những dòng sông trong thơ ông, chở đầy tư tưởng, óng ánh vẻ đẹp tư tưởng. Chỉ cần đọc qua tên các thi phẩm đã đoán định được, trái tim nhà thơ đau đáu về dòng chảy lịch sử trong dòng chảy của sông.
Dòng sông, không chỉ trong nước mà kể cả ở nước ngoài, nơi Trần Mạnh Hảo có dịp đi qua đều là những “cái cớ” để ông suy tư. Có thể thấy qua “Thăm sông Tiền Đường”, “Bến Thượng Hải lên đèn”...
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo tâm sự, Hà Tĩnh có núi cao là Ngàn Hống, sông sâu như sông La, sông Lam nên âm dương cân bằng. Theo ông, nhờ vậy, Hà Tĩnh mới là đất của thi ca, mới có thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Huy Cận, Xuân Diệu... “Chúng ta là sản phẩm của núi sông, trong lòng có hồn núi sông”, nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhận định.
Theo ông, mặc dù với xứ Nghệ, sông Lam phân định ranh giới Nghệ An - Hà Tĩnh, nhưng “phần hồn” của con sông cả này lại nghiêng về Hà Tĩnh. “Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh / Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du / Sông đứng thành Hồng Lĩnh / Sông đi thành ví giặm trời xanh” (Sông Lam).
...
Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát
Thương đất nghèo sông xanh rớt mùng tơi
Sông ẩn hồn trong vại cà vại nhút
Một củ khoai cũng lấp ló mây trời
...
Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát
Trăng cháy lòng mình sâu quyết liệt cả cơ hàn
Người giàu có nên đất nghèo khô khát
Kìa gió Lào thổi cong sông Lam
Trong bài “Sông Lam”, không chỉ khác biệt ở các thi ảnh ẩn dụ chỉ có Trần Mạnh Hảo phát hiện ra, mà còn là sự hài hòa giữa âm dương, cân bằng của vĩnh cửu. “Chú xem Thanh - Nghệ - Tĩnh là gốc của người Việt cổ, gốc là Mường. Phương Ngữ nghệ chính là gốc của ngôn ngữ Mường. Sau này người Việt cổ xuôi bè ra, đồng bằng, dần dần lập ra thị, gặp văn hóa Hán mới thành người Kinh bây giờ. Phải tự hào về xứ Nghệ, tự hào về Hà Tĩnh, nó nguyên gốc tổ tiên ”, ông chia sẻ.
Mỗi dòng sông không chỉ nguồn sống của một vùng quê, mà còn trở thành “đại diện”. Sông Lam là xứ Nghệ, sông Mã là xứ Thanh, Thạch Hãn là Quảng Trị, sông Hương là xứ Huế, sông Thu Bồn là Quảng Nam, Trà Khúc là Quảng Ngãi, sông Côn là Bình Định, sông Đà Rằng là Phú Yên... Cứ thế mà thành miền Trung, một thời gian lao, vất vả, nhưng kiêu hãnh.
..
Những dòng sông miền Trung
Như những thắt lưng đất nước
Thắt lưng đất nước cho chặt
Mà đi xuống biển
Mà đi lên rừng...
(Những dòng sông miền Trung)
Thơ Trần Mạnh Hảo càng độ có lùi thời gian càng ánh lên vẻ đẹp. Biệt tài của ông là khắc họa lên chân dung đất nước, vùng miền bằng thơ. Nếu như người xứ Nghệ tự hào về thi phẩm “Sông Lam”, thì Thanh Hóa được ông tạc nên bằng bài thơ “Thanh Hóa”, Lai Châu tỉnh miền núi Tây Bắc đa diện trong “Gửi Lai Châu” và xứ Quảng không thể không tự hào với bài thơ “Đất Quảng”... Điều này, không phải thi sĩ nào cũng làm được, không phải nhà thơ nào cũng thành công.
Sự quan sát tinh tế của ông làm cho “Những dòng sông Nam Bộ” khác hẳn “Những dòng sông miền Trung”.
...
Những dòng sông như người chạy bộ
Cứ đuổi theo bóng dáng chân trời
Sông khỏe quá chạy hoài thành châu thổ
Chạy qua rồi sông để lại lúa khoai
Để lại lâu đài ruộng nương nhà cửa
Chỉ mang trời nhập với biển khơi
(Những dòng sông Nam Bộ)
Những dòng sông Nam bộ tạo nên mảnh đất “Chín rồng” trù phú, tạo nên “Đờn ca tài tử Nam bộ” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tạo nên phẩm chất “Hai Lúa” phóng khoáng, thơm thảo phù sa.
Sông Hồng, do vị trí đặc biệt chạy qua Kinh thành Thăng Long, gắn với huyền sử Rồng bay (Thăng long) nên Trần Mạnh Hảo có nhiều cảm xúc đặc biệt. Ông có đến 5 bài thơ viết về con sông này: “Sông Hồng”, “Mưa bụi trên sông Hồng”, “Sông Hồng ba mươi bảy độ”, “Nhớ mùa thu ở bãi Phúc Xá sông Hồng”, “Thắp hương ngồi lạy sông Hồng”.
Với "Sông Hồng", Trần Mạnh Hảo xem là hiện thân cả về thể xác lẫn tinh thần của mình. "Sông Hồng" nuôi ông lớn lên bằng lúa gạo, tôm cá, dạy ông biết bơi, biết đắm mình vào cuộc sống. “Khi vừa rời lòng mẹ / Con đỏ hoe như một cục bùn non / Có phải mẹ vừa nhặt con lên từ đáy sông Hồng / Mà hạt phù sa bật khóc?” (Sông Hồng).
Dĩ nhiên, nếu chỉ có thế thì phù sa và sông Hồng không thành nỗi ám ảnh của nhà thơ được. Dù nó thân thuộc quá, gần gũi quá, bình thường quá. Trần Mạnh Hảo lớn lên, tạm biệt dòng sông vào quân ngũ. Cho đến bây giờ, ông đã đi nhiều nước; sự khác biệt của mỗi vùng đất trên thế giới giúp ông nhận ra châu thổ sông Hồng là một đặc sắc, một đặc ân của trời đất. Trong hạt phù sa sông Hồng có đường vân của lịch sử với bao tự hào nhưng cũng không ít suy tư, ẩn ức.
...
Con mới hiểu vì sao biển khát nước
Triệu năm còn ừng ực uống dòng sông
Vì sao Lạc Long quân lấy sông Hồng làm đuốc
Soi nước Văn Lang từng bước Tiên Rồng
Con mới hiểu vì sao hạt thóc
Lại mang hình con mắt mỏi mòn trông
(Sông Hồng)
Sông Hồng còn đi vào nhiều thi phẩm trữ tình khác của Trần Mạnh Hảo. “Rụng cả tâm hồn anh sông Hồng em lắc / Chim ngói mùa thu yêu sắc cốm làng Vòng / Em nồng nàn như gió mùa đông bắc / Ôm nhau làm hay động giấc Thăng Long” (Còn em, còn Thăng Long).
Trần Mạnh Hảo cá tính, mạnh mẽ, yêu ghét phân minh, nhưng là một thi sĩ đích thực, trong tâm hồn ông luôn có vẻ đẹp của trắc ẩn. Nhiều bài thơ về dòng sông rưng rức phận đời, phận người; kể cả xác nhận ông là người nặng lòng với ký ức, quê hương, cố thổ. “Hến sông Đáy, rạm Ninh Cơ yêu dấu / Những con hến xưa to bằng mắt em / Anh nhớ Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Hải Hậu / Mu rạm Ninh Cơ gạch đỏ hơn đèn” (Con rạm, con hến nuôi anh).
Trong Kinh thánh, dòng sông và nước thường tượng trưng cho những ân phước mang lại sự sống. Chúa Jesus phán rằng: “Nếu người nào khát, hãy đến với Ta mà uống”. Nước là biểu tượng cho Đức Thánh linh. Những dòng sông trong thơ Trần Mạnh Hảo, vì thế là sự sống, thấm đẫm tinh thần triết học, mỹ cảm về sinh tồn, trường tồn, nơi hóa thạch của nhiều thông điệp từ ngàn xưa.