Tuyển tập truyện ngắn như một cuộc điểm danh tác giả mới

Tuy Hòa - Thứ Ba, 03/10/2023 , 11:08 (GMT+7)

Tuyển tập truyện ngắn do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Công ty sách Sbooks, đã hé lộ nhiều gương mặt văn chương mới.

Tuyển tập "Truyện ngắn đặc sắc 2023".

Tuyển tập truyện ngắn được xem như dự án phối hợp giữa Nhà xuất bản Văn Học và Công ty sách Sbooks, nhằm phát hiện và cổ vũ những tìm tòi ở thể loại văn chương phổ biến này. Cái tên gọi “Truyện ngắn đặc sắc” nghe hơi gióng trống khua chiêng có vẻ kiêu ngạo. Lẽ ra, chỉ nên tạm thời hài lòng với tên gọi “Truyện ngắn chọn lọc”, còn mức độ “đặc sắc” ra sao thì để thời gian và công chúng quyết định. 

Tuyển tập truyện ngắn phát hành đánh dấu hành trình 5 năm của Sbooks khá đầy đặn và sinh động. Người trực tiếp thực hiện tuyển tập truyện ngắn là biên tập viên Đặng Hà chia sẻ: “Tôi mong đây sẽ là một dấu ấn đặc biệt. Trước tiên là bởi cuốn sách này được chuẩn bị suốt 1 năm trời để ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm Sbooks 5 năm thành lập. Tiếp đó là từ ý nghĩa của những tác phẩm mà chúng tôi tìm kiếm, tuyển chọn.

Năm 2023 có thể coi là một năm phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, nhưng cũng là năm mà người ta cảm nhận sâu sắc hơn những nỗi đau. Cuộc sống giờ đi nhanh quá, lãng quên gần trở thành một bản năng, một thói quen. Đến khi giật mình nhớ lại, người ta mới thảng thốt thấy mình bỏ lỡ bao giá trị tốt đẹp, bao tình yêu của người thân…

Như lúc đọc “Lúa dự”, tôi lặng người một lúc bởi con chữ của tác giả Vũ Thanh Lịch: “Cây rơm lúa dự vừa thơm vừa mặn vừa đắng, chơ vơ như giọt nước đóng bánh trên khóe mắt người già”. Bởi vậy, cuốn sách chính là niềm thương nỗi nhớ, là cái níu sống chậm dành tặng độc giả”.

Ở “Lúa dự” của nhà văn Vũ Thanh Lịch có hương thơm của ngọn lúa quê ấp ủ qua bao đời. Ánh mắt của người mẹ ánh lên tia hy vọng khi thấy con dâu chạm vào cái bếp tro trấu của bà, cái bếp bà yêu mà chị đã bao lần thấy nó nhơ nhuốc. Rồi tia sáng ấy lặng xuống, lặng ra được giọt nước mắt khi nghĩ đến bát cơm lúa dự cứ thế bị những đứa con gạt dần ra khỏi cuộc đời xót xa của bà.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khi đọc truyện ngắn “Chợ ký ức” của nhà văn Trần Thị Tú Ngọc, đã nhận định: "Một đời sống chứa đựng nỗi đau buồn và những vẻ đẹp trào nước mắt”.

Bước vào không gian truyện ngắn “Chợ ký ức” của nhà văn Trần Thị Tú Ngọc, độc giả bắt gặp một bà lão đan suốt cả năm trời chiếc khăn len xám xịt, một ông lão tóc chớm bạc đeo chiếc gùi vượt những phiến đá để mang cuộn dây mây xuống chợ. Phiên chợ ấy họp muộn, vào một buổi của mỗi năm, những bước chân rì rào lướt qua những gian hàng, những cái ngó đầu, những ánh mắt thất vọng. Thì ra người ta đi chợ chẳng phải để thực mua bán một món hàng, người ta đang đợi, đang tìm ký ức. Cái quá vãng đã chạy xa tít như một con trâu già bứt thừng chạy đi. Con trâu ấy có quay về thì chẳng còn ai nhận ra nữa, nó thành con trâu già và những người tìm nó cũng già mất rồi. Ngôi nhà cũ chỉ còn là bóng hình bên dòng sông niệm tưởng.

Biên tập viên Đặng Hà trực tiếp tuyển chọn "Truyện ngắn đặc sắc 2023".

Tương tự, truyện ngắn “Di nguyện” của nhà văn Phan Ngọc Chính cảnh tỉnh hiện thực giáo dục, một thế hệ được đào tạo bằng nguyên tắc thành tích, những bộ não được thiết lập sẵn chương trình mà không cần tư duy, không cần học, không cần thực hành. Người lính già trong “Di nguyện” bị cuốn vào cái guồng xoáy ấy, loay hoay để thoát ra nhưng vẫn chật vật giữa mớ lùng nhùng. Chỉ đến khi xa lạc cõi người, ông mới được tự tại, mới được mong về lại với cái tên cái tuổi của mình, chân chính như một cựu binh.

Còn truyện ngắn “Luân xa” của nhà văn Tống Phước Bảo dùng dằng những nỗi đau cứ gieo vào những phận người. Nỗi đau như cơn lũ tràn qua cái miệt ấy, thổi tiếng hát của cô đào mỗi đêm muộn “Nước rằm chảy thấu Nam Vang. Mù u chín rụng sao chàng bặt tăm”. Cái xứ cơ cầu, người ta đi, là đi mãi.

Tuyển tập “Truyện ngắn đặc sắc 2023” như một dấu lặng, dấu lặng sau tất cả hành trình, sau tất cả vội vã, một tiếng vọng an ủi những tâm hồn lạc lõng, một vùng nhớ cho những ai đang vô tình đánh rơi ký ức, cho những phận người lãng đãng bỏ quên đi nếp truyền thống, cô đơn trong dòng chảy cuồn cuộn của nhịp điệu hiện đại hóa.

“Truyện ngắn đặc sắc 2023” quy tụ những tác giả đình đám trên văn đàn như Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Bích Ngân, Nguyễn Ngọc Tư, Vũ Thanh Lịch, Tống Ngọc Hân, Trầm Hương cùng với một lứa tác giả mới như Nguyễn Thị Kim Hòa, Trần Thị Tú Ngọc, Lữ Mai, Lê Vi Thủy, Kiều Duy Khánh, Nguyễn Luân... Chính sự kết hợp mang tính kế thừa thế hệ sáng tác, làm cho tuyển tập truyện ngắn được đa dạng về phong cách và đề tài.

Một số truyện ngắn đáng đọc như “Cơn gió nghiêng”, “Một thế giới khác”, “Ráng chiều đỏ”, “Giữa vật chất này”, “Khuy áo đỏ”, “Hương thôn dã”, “Đá huyết rồng”, “Tấm liễn gia tộc”...

Tuy Hòa
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.