708 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Nông dân Hà Tĩnh làm chủ công nghệ sản xuất, chế tác ngọc trai. Bảo vệ tôm nuôi trước nắng nóng cao điểm. Giá tiêu tuần qua giảm tới 4.000 đồng/kg.
708 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc
Khai thác
Theo Cục Bảo vệ thực vật, cả nước hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc, trong đó có 708 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp phép. Trong số 23 địa phương của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này, Tiền Giang là địa phương có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lớn nhất cả nước, tiếp đến là Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Phước…Việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, ngoài giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, còn đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện trách nhiệm trong sản xuất của nước xuất khẩu.
Nông dân Hà Tĩnh làm chủ công nghệ sản xuất, chế tác ngọc trai
Thanh Nga - Sản xuất
Sau gần 5 năm “nếm mật, nằm gai”, ông Trần Nhật Duật cùng con gái Trần Thị Ánh, trú tại xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã làm chủ được công nghệ nuôi trai lấy ngọc mang thương hiệu “Ngọc trai Thành Quỳnh Giang”. Mỗi năm trang trại này bán ra hàng nghìn viên ngọc từ thô cho đến thành phẩm, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Trước đó, vào năm 2020, ông Trần Nhật Duật thuê và cải tạo 5ha đất ruộng ở xã Đồng Môn để thả nuôi 10.000 con trai. Giai đoạn đầu chưa có kinh nghiệm, trai chết nhiều nhưng sau đó mô hình thành công từ việc nuôi trồng cho đến cấy ghép mô tế bào. Trai giống sau khi được chọn lọc sẽ lần lượt được cấy 4 viên nhân ngọc thô và 4 tế bào. Sau đó thả nuôi tại hồ tạo ngọc. Sau 24 tháng, con trai đạt được 24 lớp phủ, chủ mô hình thu hoạch ngọc sau đó gửi đến các công ty vàng bạc đá quý để kiểm định, phân loại. Hiện, ngọc trai đang được bán với giá từ 300.000 đến 1 triệu đồng/viên, đặc biệt có những viên to, đẹp có thể lên đến hàng chục triệu đồng.
Bảo vệ tôm nuôi trước nắng nóng cao điểm
Văn Vũ - Sản xuất
Những ngày này, thời tiết đang vào cao điểm nắng nóng, có thể dẫn đến tôm nuôi dễ mắc bệnh. Theo ông Đồ Văn Thừa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thả giống tôm hơn 5.900ha, đạt trên 11% kế hoạch, bằng 83% so cùng kỳ. Để mùa vụ nuôi tôm đạt kết quả tốt, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo hộ nuôi tôm trước khi thả giống cần cải tạo ao thật kỹ và diệt bỏ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh có thể ảnh hưởng đến tôm, Cùng với đó, thực hiện các hướng dẫn về cải tạo ao nuôi, bố trí ao nuôi phù hợp, đặc biệt đối với tôm đã thả nuôi thời điểm nắng nóng cần chú ý đến việc cho tôm ăn hằng ngày, thường xuyên đo nhiệt độ trong ao nuôi, nhằm kịp thời có biện pháp bảo vệ đàn tôm khi nhiệt độ nước trong ao tăng cao.
Giá tiêu tuần qua giảm tới 4.000 đồng/kg
Khai thác
Giá hồ tiêu trong nước hiện đã giảm thêm 500 - 1.000 đồng và xuống dưới mốc 90.000 đ/kg. Cũng trong tuần này, thị trường tiêu nội địa giảm mạnh từ 3.500 - 4.000 đ/kg.
Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội VPSA, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 3 vừa qua đạt 25.579 tấn, giảm 28,8% về lượng so với cùng kỳ năm 2023. Luỹ kế đến hết quý I, Việt Nam đã xuất khẩu được 56.712 tấn hồ tiêu các loại, với kim ngạch đạt 235,6 triệu USD, giảm 26,1% về lượng và giảm 0,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam vào năm ngoái đã giảm đến 95,8%, chỉ đạt 1.083 tấn so với 25.919 tấn của cùng kỳ. Con số này thậm chí thấp hơn cả mức 2.138 tấn đạt được vào quý I/2022, thời điểm Trung Quốc đóng cửa vì đại dịch COVID-19.