Trước yêu cầu bức thiết phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thị trường trong nước có xu hướng gia tăng với các loại thịt gia cầm đặc sản, Sở NN-PTNT Hưng Yên đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông (thuộc sở) triển khai hiệu quả loạt mô hình nuôi gà thương phẩm, đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái tại các địa phương trong tỉnh.
Kết quả bước đầu đạt được rất khả quan, nhận thức về chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học của các hộ tham gia mô hình được nâng cao rõ nét, tạo ra được ảnh hưởng lan tỏa trong cộng đồng chăn thả gia cầm nói chung, nuôi gà thương phẩm nói riêng. Qua đó giúp cho công tác bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tốt hơn đáng kể.
Ông Đặng Xuân Thu, Trưởng trạm Khuyến nông Mỹ Văn cho biết, Trạm đã phối hợp cùng các xã lựa chọn được 10 hộ tham gia mô hình và tổ chức được 3 lớp tập huấn quy trình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học với 60 người tham gia mỗi lớp. Đồng thời còn hỗ trợ cho các mô hình 9.000 con giống gà ri lai thương phẩm. Bước đầu đã tạo được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng chăn nuôi gà ở hai huyện Văn Lâm và thị xã Mỹ Hào.
Bà Nguyễn Thị Định ở xã Lạc Đạo (Văn Lâm) đánh giá, tham gia mô hình nuôi gà thương phẩm, an toàn sinh học, bà tâm đắc nhất khi được biết, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng khuẩn cần thực hiện theo "5 đúng” - đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng liệu trình và đúng thời điểm. Thiếu bất cứ khâu trong đó đều dẫn đến giảm tác dụng điều trị bệnh, gây tồn dư thuốc kháng sinh trong cơ thể vật nuôi, làm mất an toàn thực phẩm không đáng có. Đặc biệt, còn dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh trên gà, nghĩa là những loại thuốc này sẽ không thể chữa trị bệnh tương ứng trên gà cho những lần kế tiếp. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, giống như con người mất khả năng miễn dịch, khi nhiễm bệnh chỉ còn mỗi cách chấp nhận thiệt hại, rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Vinh (hộ trong mô hình) ở xã Tống Phan (Phù Cừ) cũng tâm đắc cho rằng, trước đây ông thường dùng thuốc kháng sinh phòng bệnh cho cả đàn gà khỏe, tưởng thế là tốt, không ngờ sau được tập huấn kỹ thuật, ông mới biết, làm như vậy rất tai hại, tốn thuốc, tốn tiền và gây tính kháng kháng sinh trên gà.
Kể từ đó, ông Vinh chỉ định kỳ cho gà ăn thêm tỏi tươi, nước gừng hoặc nước sắc vỏ quả lựu, nước sắc cam thảo dây, giúp giải độc, kích thích tiêu hóa và phòng ngừa các bệnh như cảm cúm, viêm gan và tiêu chảy trên gà.
Cùng với đó, ông Vinh còn nhận được hỗ trợ các con giống gà ri lai khỏe, mắt sáng, lông bông, bụng gọn, chân mập, đi lại nhanh nhẹn, được tiêm vacxin phòng bệnh đúng tuổi. Nhờ vậy, đàn gà nuôi của ông Vinh phát triển ổn định, ít dịch bệnh, độ đồng đều cao, tỷ lệ hao hụt thấp (dưới 3%), chắc chắn cho xuất chuồng đúng kế hoạch, bắt đầu từ Tết Dương lịch trở ra.
Thăm dò thực tế các mô hình khác trong tỉnh, tất cả đều thu được kết quả tương tự như ông Vinh và bà Định. Ngoài ra, chúng tôi còn thấy, các trại gà nuôi đều cách xa khu dân cư, có đệm lót sinh học, giúp chuồng gà không còn mùi hôi thối thoát ra; máng ăn, bình uống cho gà luôn được tẩy rửa sạch sẽ, công tác vệ sinh, tiêu độc chuồng trại đảm bảo đúng kỹ thuật, các loại cám cho gà ăn luôn thơm mới, đúng chất lượng. Nên các đàn gà trong mô hình đều phát triển đồng đều, cân đối, tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi thấp dưới 3%. Trong khi tỷ lệ này ở các trang trại gà ngoài mô hình đều lên tới 10%, đôi khi còn cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (Cán bộ khuyến nông Hưng Yên) cho biết, các đàn gà trong mô hình đã vượt qua thời kỳ hao hụt lớn, thời tiết từ nay đến hết năm cơ bản thuận lợi cho chăn nuôi gà thương phẩm. Gà ri lai có chất lượng thịt thơm, ngon, thời gian chăn nuôi ngắn, trọng lượng xuất chuồng trung bình chỉ khoảng 2,5kg/con, rất phù hợp cho tiêu dùng thường nhật của hộ gia đình hoặc bày đặt trên các mâm tiệc tiệc cưới, lễ, tết, hội nghị, tuần tiết, giỗ, chạp, nhất là vào các tháng cuối năm, nên nhu cầu về loại thịt gà này sẽ còn tăng cao.
Hiện tại, trên thị trường đang bán gà ri lai thương phẩm gần 80.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi sẽ có lãi thu nhập từ 60-80 triệu đồng/1.000 con gà thương phẩm xuất chuồng, chưa tính khoản hỗ trợ giống và vật tư chăn nuôi từ tỉnh.
"Năm 2023 này, tỉnh triển khai được 14 mô hình nuôi 14.000 con gà ri lai thương phẩm theo hướng đảm bảo an toàn sinh học. Bên cạnh được tập huấn kỹ thuật, các hộ này còn được hỗ trợ 50% giá vật tư chăn nuôi, gồm con giống, cám công nghiệp và chế phẩm vi sinh cho làm đệm lót sinh học chuồng trại", bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Cán bộ Khuyến nông Hưng Yên cho biết.