| Hotline: 0983.970.780

Để công nghệ sinh học dẫn dắt ngành nông nghiệp

Thứ Bảy 05/10/2024 , 08:15 (GMT+7)

Phó Vụ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Hữu Ninh mong muốn các đơn vị quan tâm, cho ý kiến nhiều hơn để công nghệ sinh học thực sự là yếu tố dẫn dắt cho ngành nông nghiệp.

Diễn đàn 'Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế' được tổ chức sáng 5/10, tại Hà Nội, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế” được tổ chức sáng 5/10, tại Hà Nội, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ngày 5/10, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Cây trồng chuyển gen là một thành tựu khoa học hiện đại của nhân loại đã được nghiên cứu thành công từ những năm 80 của thế kỷ XX. Đến năm 1996, cây trồng chuyển gen chính thức được thương mại hóa trên thế giới và việc ứng dụng cây trồng này đã phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có.

Theo thống kê của Tổ chức Quốc tế về Ứng dụng Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp (ISAAA), đến nay đã có 73 nước trên toàn thế giới chấp nhận cây trồng chuyển gen, bởi chúng thể hiện vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, tiết kiệm thời gian và công sức lao động trên đồng ruộng, tiết giảm đáng kể lượng thuốc trừ sâu mỗi vụ.

[Tổng thuật] Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”

Do đó, diễn đàn được tổ chức nhằm đề xuất các giải pháp cụ thể, tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng thời, diễn đàn hướng tới việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và phát triển bền vững trong nông nghiệp, giúp người nông dân tiếp cận tri thức mới; nâng cao khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những tiến bộ và triển vọng về phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nhà báo Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, điều hành phần tham luận của Diễn đàn.

Nhà báo Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, điều hành phần tham luận của Diễn đàn.

Tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn và viện nghiên cứu thuộc Bộ NN-PTNT sẽ trình bày những kết quả nghiên cứu về công nghệ chỉnh sửa gen. Đồng thời, 90 đại biểu tham dự diễn đàn sẽ cùng thảo luận về định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam.

Hình ảnh rất nhiều đại biểu tham gia tại đầu cầu trực tiếp của Diễn đàn do PV Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi lại:

 
 
 
 
 

Quý vị quan tâm có thể tham dự trực tuyến trên nền tảng Zoom tại địa chỉ sau:

Link: https://zoom.us/j/98102733827?pwd=EWudQuiYXgeny4LO3tjAHvbsLblZ1V.1

ID cuộc họp: 981 0273 3827

Mật mã: 202405

Tất cảTổng thuật

11 giờ 45 phút

Để công nghệ sinh học dẫn dắt ngành nông nghiệp

ong nguyen huu ninh1

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, phát biểu tổng kết Diễn đàn.

Tổng kết Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, cần đẩy mạnh thương mại hóa các công trình nghiên cứu về công nghệ sinh học.

Hiện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường biên soạn dự thảo về đề án này. Phó Vụ trưởng Nguyễn Hữu Ninh mong muốn các đơn vị, nhất là khối nghiên cứu, quan tâm, cho ý kiến nhiều hơn để công nghệ sinh học thực sự là yếu tố dẫn dắt cho ngành nông nghiệp.

Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Văn Cao thừa nhận, công nghệ sinh học là lĩnh vực rộng, nhiều nội dung khó, nhưng xuyên suốt hơn 3 tiếng diễn ra chương trình, hàng trăm người đã theo dõi trực tuyến và gửi nhiều câu hỏi tới ban tổ chức.

Nhà báo Trần Văn Cao gửi lời cảm ơn nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát - người đặt nền móng cho công nghệ sinh học nở rộ trong nông nghiệp. Đồng thời, tri ân nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã chung tay vì những thành tựu 10 năm qua của công nghệ sinh học.

11 giờ 40 phút

Sử dụng công nghệ sinh học để bảo tồn gen vật nuôi

Nhập chú thích ảnh

TS. Nguyễn Khánh Vân, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Trọng điểm công nghệ tế bào động vật (Viện Chăn nuôi), chia sẻ một số khó khăn nghiên cứu công nghệ sinh học trong chăn nuôi.

TS. Nguyễn Khánh Vân, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Trọng điểm công nghệ tế bào động vật (Viện Chăn nuôi), đã có những thành công trong tái tạo gen vật nuôi.

Tuy nhiên, TS. Vân chia sẻ một số khó khăn nghiên cứu công nghệ sinh học trong chăn nuôi. “Chúng tôi đã nghiên cứu tạo ra phôi lợn có khả năng kháng bệnh tai xanh. Nhưng hiện nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở giai đoạn tạo phôi, do thiếu cơ sở vật chất và trang trại đạt tiêu chuẩn để phục vụ cho các giai đoạn nghiên cứu tiếp theo. Điều này hạn chế khả năng chúng tôi tiến xa hơn trong ứng dụng thực tế”.

Một vấn đề khác là sau khi nuôi cấy thành công phôi lợn, Viện Chăn nuôi chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về việc chăm sóc con giống, đặc biệt là sau khi dự án kết thúc. Không rõ con giống sẽ được lưu giữ hay xử lý như thế nào, dẫn đến bất cập trong việc duy trì và tiếp tục các nghiên cứu giống vật nuôi.

TS. Nguyễn Khánh Vân đối chiếu, trong lĩnh vực trồng trọt, sau khi hoàn thành các đề tài nghiên cứu, hạt giống thường được bảo tồn trong kho thí nghiệm để phục vụ cho các nghiên cứu sau này. Tuy nhiên, lĩnh vực chăn nuôi đòi hỏi một cơ chế đặc thù hơn, bởi việc lưu giữ và bảo tồn con giống phức tạp hơn rất nhiều.

Bà Vân đề xuất sử dụng công nghệ sinh học để bảo tồn nguồn gen di truyền của vật nuôi là hướng đi tiềm năng và cần thiết. “Chúng ta có thể sử dụng nguyên liệu di truyền đó để tái đàn, đảm bảo không chỉ duy trì được giống vật nuôi chất lượng cao mà còn góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi trong tương lai”, TS Vân nhấn mạnh.

11 giờ 35 phút

Doanh nghiệp chưa 'mặn mà' với nghiên cứu về công nghệ sinh học

ba dang thi lua

PGS.TS Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản, nêu một số thành tựu nổi bật của ứng dụng công nghệ sinh học trong thủy sản.

Liên quan ngành thủy sản, PGS.TS Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản cho biết, công nghệ sinh học (CNSH), đặc biệt là CNSH hiện đại được ứng dụng rộng rãi như công nghệ di truyền phân tử, chọn giống các đối tượng nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu bệnh, phát triển kit chẩn đoán, nghiên cứu mô, phát triển công nghệ lưu trữ, bảo quản đông lạnh các nguồn tinh trùng, công nghệ chế biến sản phẩm thủy sản…

Nêu một số thành tựu nổi bật của ứng dụng CNSH trong thủy sản, PGS.TS Đặng Thị Lụa, cho biết, nhờ các chương trình chọn giống, kết hợp phương pháp chọn giống truyền thống (di truyền số lượng) và phương pháp chọn giống hiện đại (di truyền phân tử), loài nuôi thủy sản có những tính trạng ưu việt. Có thể kể đến như: cá tra, cá chẽm, cá rô phi, tôm thẻ chân trắng tăng trưởng nhanh; cá tra kháng bệnh gan, thận mủ; cá rô phi chịu mặn, chịu lạnh; tôm thẻ chân trắng kháng bệnh.

Việt Nam đã ứng dụng được công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới, các chỉ thị phân tử, trong định loại và đánh giá đa dạng di truyền các loài thủy sản, lựa chọn vật liệu ban đầu cho bảo tồn và chọn giống…Tuy nhiên, bà Lụa cũng trăn trở về khó khăn áp dụng CNSH trong thủy sản, như các nghiên cứu không có tính kế tiếp, liên tục trong chọn giống, từ đó gây ra độ trễ trong ứng dụng (ví dụ việc chọn giống cá rô phi, cá chép).

Theo bà Lụa, có thể do cơ chế, cách tiếp cận, các nghiên cứu cần có sự phối hợp của doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp lại chưa “mặn mà” với các nghiên cứu, tạo khó khăn cho các Viện. Bên cạnh đó, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản cũng mong muốn có cơ chế để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ứng dụng CNSH trong lĩnh vực thủy sản.

11 giờ 25 phút

Thay vì giải quyết đơn lẻ, các viện nghiên cứu nên phối hợp theo chuỗi

ong phi quyet tien

Ông Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, cho rằng, các viện nghiên cứu nên phối hợp theo chuỗi.

Ông Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học đề xuất Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan khi giao nhiệm vụ, đặt hàng công trình nghiên cứu khoa học nên thực hiện theo chuỗi. Nghĩa là, đặt hàng nhiều đơn vị, cùng phối hợp giải quyết 1 vấn đề, sao cho đầu ra của đơn vị này là đầu vào của đơn vị kế tiếp.

Ngoài ra, công nghệ lõi trong công nghệ sinh học sẽ giúp giải quyết những thách thức phi truyền thống, đồng thời tham gia tích cực hơn vào nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Do đó, cần có những nhiệm vụ chuyên sâu, chuyên biệt về công nghệ lõi.

Hợp tác quốc tế cũng là vấn đề cần lưu tâm, nhất là với đòi hỏi tăng cường chuyển giao, làm chủ công nghệ, theo ông Tiến. Đây là cách “đi tắt đón đầu”, giúp các nhà nghiên cứu xâu chuỗi lại các nhóm nhiệm vụ lõi của ngành, tạo ra cái nhìn tổng thể, giải quyết vấn đề một cách căn cơ, có chiều sâu.

11 giờ 15 phút

Nuôi dưỡng đam mê công nghệ sinh học cho sinh viên nông nghiệp

ts nguyen duc bach

PGS.TS Nguyễn Đức Bách, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tham luận tại Diễn đàn.

PGS.TS Nguyễn Đức Bách, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, là một trong những sinh viên đầu tiên theo học ngành công nghệ sinh học tại Đại học Khoa học Tự nhiên. “Từ khi còn trẻ, tôi mang trong mình khát khao tạo ra những đột phá, những giống cây trồng và vật nuôi có giá trị thực tiễn và có thể thương mại hóa”, ông Bách bày tỏ.

Trải qua 15 năm, ngành công nghệ sinh học ngày càng thu hút sự quan tâm của sinh viên. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, được nuôi dưỡng đam mê từ ghế nhà trường.

“Quan trọng hơn, chúng ta cần phải chứng minh giá trị kinh tế của công nghệ sinh học và cung cấp khả năng tài chính để hỗ trợ các bạn trẻ theo đuổi nghề nghiên cứu khoa học lâu dài. Học viện Nông nghiệp đang nỗ lực giúp các bạn sinh viên tiếp cận với thực tiễn ngay từ sớm”, PGS. TS Nguyễn Đức Bách nói.

Để thực hiện các nghiên cứu, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển. PGS.TS Bách đề xuất cần có thêm đầu tư, không chỉ vào nhân lực mà còn vào cơ sở vật chất. Các chương trình nghiên cứu cần được đầu tư để các sinh viên có thể triển khai một cách bài bản từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến khảo nghiệm có kiểm soát trong nhà màng.

Hiện nay, nhiều vướng mắc chính sách đã khiến các nhà nghiên cứu gặp khó khăn trong việc tiếp cận với doanh nghiệp. Nhiều dự án có giá trị khoa học cao nhưng không thể được áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Theo ông Bách, các nhà quản lý cần điều chỉnh chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào sản xuất thực tế, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội từ công nghệ sinh học.

11 giờ 00 phút

Nghiên cứu cơ chế cởi mở hơn cho công nghệ sinh học

ts nguyen van long

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho rằng, hệ thống thú y cần có công nghệ cao, đủ sức chẩn đoán sớm, phòng ngừa từ xa với dịch bệnh, nhất là các bệnh mới nổi.

“Việt Nam có thể tự hào là sản xuất được rất nhiều vacxin phòng, ngừa bệnh trên đàn vật nuôi. Nguyên nhân là chúng ta làm chủ được khoa học công nghệ”, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết.

Một số loại vacxin chủ lực được ông Long liệt kê, như vacxin phòng chống cúm trên gia cầm, vacxin Dịch tả lợn châu Phi, các sản phẩm chống kháng thuốc…

Theo ông Long, các nhóm bệnh trên vật nuôi chủ yếu chia 2 loại: chỉ xuất hiện trên đàn vật nuôi và có thể lây truyền sang người. Vừa qua, một số chủng virus phức tạp đã xuất hiện, như gây cúm A(H5) trên hổ tại Đồng Nai, và gây bệnh trên bò sữa tại Lâm Đồng.

Đặc thù của ngành thú y là liên tục tiếp xúc với các mầm bệnh mới, các sản phẩm công nghệ sinh học mới từ quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam nằm trong nhóm thị trường lớn về tiêu thụ độc vật. Chính bởi vậy, hệ thống thú y cần có công nghệ cao, đủ sức chẩn đoán sớm, phòng ngừa từ xa với dịch bệnh, nhất là các bệnh mới nổi.

Cục trưởng Nguyễn Văn Long đề xuất một số vấn đề, trong đó nhấn mạnh tới cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển công nghệ sinh học.

“Trình một dự án công nghệ theo cơ chế Nhà nước mất nhiều thời gian, có thể khiến nghiên cứu cơ bản của Việt Nam bị teo tóp”, lãnh đạo Cục Thú y bày tỏ và đề xuất, có một mô hình cởi mở giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp để sớm đưa các nghiên cứu ra đồng ruộng, thay vì “cất vào ngăn kéo”.

Với riêng lĩnh vực thú y, ông Long cho rằng không thể thiếu hợp tác quốc tế. Vì vậy, những kỹ thuật tiên tiến về công nghệ sinh học luôn được hệ thống thú y quan tâm, nghiên cứu để đưa vào sử dụng một cách sớm nhất.

10 giờ 45 phút

Xây dựng hệ thống quản lý sản phẩm chỉnh sửa gen đồng bộ, thống nhất

ts le huy ham

GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cho rằng việc nâng cao công nghệ chỉnh sửa gen là hết sức cần thiết.

GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp thông tin, diện tích ngô, bông, đậu tương biến đổi gen tại Việt Nam tăng rất nhanh. Từ 2015 đến nay, Việt Nam trồng hơn 1,3 triệu ha cây trồng biến đổi gen. “Lợi nhuận của người nông dân khi sử dụng giống biến đổi gen là rất lớn”, ông Hàm đánh giá và nhấn mạnh, rằng người nông dân có thể tăng lợi nhuận trên 1 đơn vị diện tích ít nhất từ 1,5-2 lần so với cây trồng thông thường.

Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, song song với việc ứng dụng các giống chỉnh sửa gen, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các khung pháp lý. Đây là yếu tố quan trọng khi thế giới đã tiến rất xa về chỉnh sửa gen.

Khi bước sang công nghệ chỉnh sửa gen (được thế giới đánh dấu vào khoảng thập niên 1990) bằng cách cắt bỏ, vô hiệu hóa axit nucleic mang tính trạng không mong muốn, Việt Nam có vẻ như bị tụt lại so với trước đây - giai đoạn chuyển gen kiểu cổ điển bằng cách sao chép gen nguồn vào gen mục tiêu.

Việc nâng cao công nghệ chỉnh sửa gen, theo GS.TS Lê Huy Hàm, hết sức cần thiết, nhằm giúp sản phẩm Việt Nam tránh khỏi những ràng buộc không đáng có đối với sản phẩm biến đổi gen (GMO).

“Công việc sắp tới rất nhiều, bao gồm cả công nghệ, hệ thống pháp luật”, ông Hàm thừa nhận và kêu gọi các nhà khoa học, cơ quan truyền thông báo chí chung tay có một hệ thống quản lý sản phẩm chỉnh sửa gen một cách thống nhất.

10 giờ 25 phút

Chỉnh sửa gen không chỉ dừng ở tính kháng bệnh

ts nguyen quy duong

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương phân tích, nghiên cứu chỉnh sửa gen không chỉ dừng ở tính kháng bệnh, bởi giống đang dần trở thành một giải pháp mang tính toàn diện.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Nguyễn Quý Dương thừa nhận, Việt Nam là quốc gia nhiệt đới nên luôn chịu áp lực rất lớn về dịch hại. Trong đó, một số bệnh như khảm lá sắn, sâu keo mùa thu, sâu róm thông, lùn sọc đen… đã gây nhiều thiệt hại cho nền nông nghiệp nước ta.

“Khảm lá sắn từng là một vấn đề nhức nhối, nhưng khi sử dụng một loại giống GMO, gần như thách thức được giải quyết”, ông Dương nói.

Trong quá khứ, giá giống của các loại GMO tương đối cao. Nhờ sự hỗ trợ của Syngenta, Bayer, người dân đã dễ dàng tiếp cận hơn với các giống mới, vừa tăng năng suất, vừa kháng bệnh, giúp giảm lượng thuốc BVTV sử dụng.

Công nghệ sinh học ngày càng trở nên quan trọng, bởi việc chỉnh sửa gen giờ không chỉ có kháng bệnh, mà còn tăng chất lượng như tăng hàm lượng tinh bột, tăng độ sinh khối… Tại Viện BVTV, các nhà nghiên cứu đang tìm cách nghiên cứu ra vacxin cho thực vật, tiến tới hoàn thiện giống sau chỉnh sửa.

“Nghiên cứu chỉnh sửa gen không chỉ dừng ở tính kháng bệnh, bởi giống đang dần trở thành một giải pháp mang tính toàn diện. Đặc biệt, sản phẩm của Việt Nam vẫn dừng ở ngưỡng chỉnh sửa gen, không phải giống biến đổi gen (GMO)”, ông Dương nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, Cục BVTV sẽ lồng ghép công nghệ sinh học vào những chương trình đã triển khai trên toàn quốc như IPHM… để đông đảo bà con nông dân được sử dụng.

10 giờ 15 phút

Có thể tham khảo khung pháp lý của các quốc gia lân cận

ba sonny

Bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á, khuyến cáo Việt Nam nên có đánh giá tổng thể về hành lang pháp lý.

Bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á đánh giá, cây trồng áp dụng công nghệ sinh học giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao sinh kế, đảm bảo thu nhập, nhất là tại các vùng chưa đảm bảo về nước tưới, vùng sâu, vùng xa.

Trải qua quá trình 10 năm phát triển công nghệ sinh học, Việt Nam đang trong giai đoạn rực rỡ nhất, theo bà Sonny. Nguyên nhân bởi đây là quãng thời gian đủ dài để các bên liên quan có những quan sát, nghiên cứu cặn kẽ về các thành tựu đã đạt được.

“Công nghệ chỉnh sửa gen đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam”, bà Sonny nhìn nhận và khuyến cáo Việt Nam nên có đánh giá tổng thể về hành lang pháp lý, cũng như các giống mới xuất hiện (cả về nông sản lẫn dịch hại) để có một cách tiếp cận mới, phù hợp với yêu cầu hiện tại.

Theo đại diện của CropLife, cơ quan quản lý nên là đầu mối tiên phong, sắm vai trò “mở đường” cho công nghệ sinh học, giúp người nông dân có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với công nghệ mới.Bên cạnh việc tự nghiên cứu về biến đổi gen, bà Sonny đề nghị Việt Nam tham khảo công nghệ, chính sách của các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Philippines…

“Khi nhìn vào khung pháp lý của các quốc gia lân cận, CropLife thấy có sự tương đồng với Việt Nam. Tôi tin, các bạn sẽ thu được những kinh nghiệm quý báu khi phát triển các công nghệ sinh học trong tương lai”, bà nhấn mạnh.

10 giờ 5 phút

Thành công tạo giống lúa TBR225 giảm tích lũy kim loại nặng, kháng bệnh bạc lá

ts nguyen duy phuong 1

TS Nguyễn Duy Phương, Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp.

Viện Di truyền nông nghiệp đã sớm tiếp cận với công nghệ đột biến chính xác bằng CRISPR/Cas từ năm 2017. Viện cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được giao thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về ứng dụng công nghệ CRISPR/Cas.

Theo TS Nguyễn Duy Phương, phát triển công nghiệp nặng đã khiến các diện tích canh tác nông nghiệp bị ô nhiễm kim loại nặng, trong đó nguy hiểm nhất là Asen, Cadmium và chì, rất có hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng.

“Định hướng nghiên cứu của viện tập trung vào phát triển dòng lúa đột biến chủ lực TBR225. Dòng lúa được phát triển sau này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc kim loại Cadmium khi lúa được canh tác trên vùng đất có hàm lượng Cadmium cao, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, TS Nguyễn Duy Phương khẳng định.

Bên cạnh đó, giống TBR225 cũng được cải tiến tính kháng bệnh bạc lá. Tính kháng đã được đánh giá qua 3 thế hệ liên tục để chứng minh sự di truyền ổn định. Điều đặc biệt là các đặc tính nông - sinh học, cũng như chất lượng của các dòng lúa TBR225 đột biến, được duy trì tương tự so với giống gốc ban đầu. Giống mới khắc phục hoàn toàn nhược điểm của các chương trình chọn giống phân tử tạo giống lúa kháng bệnh bạc lá bằng các phương pháp khác trước đây.

Các hệ thống CRISPR/Cas9 do Viện phát triển cho phép gây đột biến chính xác đồng thời 4-6 vị trí khác nhau trong hệ gen cây chủ (so với 2 vị trí của hệ thống ban đầu được chuyển giao từ Pháp). Với hệ thống và quy trình gây đột biến chính xác bằng CRISPR/Cas9 đã hoàn thiện, các cán bộ của Viện đã sử dụng công cụ này này để phục vụ cho các nghiên cứu cơ bản.

9 giờ 50 phút

Năng suất ngô trung bình chỉ cải thiện 54kg/ha/năm sau 10 năm trồng ngô chuyển gen

TS. Đinh Công Chính, Cục Trồng trọt, trình bày tham luận tại Diễn đàn.

TS. Đinh Công Chính, Cục Trồng trọt, trình bày tham luận tại Diễn đàn.

Nhìn lại 10 năm giống ngô biến đổi gen được công nhận tại Việt Nam, TS. Đinh Công Chính, Cục Trồng trọt cho rằng cần “bàn” lại để cải thiện năng suất ngô qua từng năm.

Dẫn thống kê từ năm 2015-2023, TS. Đinh Công Chính cho biết diện tích ngô giảm từ gần 1,2 triệu ha xuống 884.000 ha, năng suất năm 2015 đạt 44,8 tạ/ha nhưng đến năm 2023 chỉ tăng lên 50,2 tạ/ha. Như vậy, trong 10 năm qua khi đưa ngô chuyển gen vào sản xuất, năng suất ngô của Việt Nam chỉ tăng được lên 540kg/ha (trung bình tăng 54kg/ha/năm). Trong khi đó, tỷ lệ nhập khẩu tăng từ 58,8% lên 68,6%.

“Nhìn lại mỗi năm, năng suất ngô trung bình chỉ cải thiện nửa tạ/ha là rất thấp! Đây là những con số cần phải thảo luận để có cách làm tối ưu hơn. Ngô chuyển đổi gen rất tốt nhưng làm thế nào để ứng dụng cải thiện năng suất lại là một câu chuyện”, đại diện Cục Trồng trọt đánh giá.

Tính đến hết ngày 30/9/2024, Bộ NN-PTNT (Cục Trồng trọt) đã công nhận tổng số 31 giống ngô biến đổi gen (GMO), bao gồm: 30 giống ngô GMO tạo ra từ giống nền được công nhận theo Thông tư 29 Quy định về các biện pháp lâm sinh và 1 giống ngô GMO được công nhận theo theo Luật Trồng trọt và Nghị định 94 hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

TS. Đinh Công Chính dẫn đánh giá sơ bộ của các địa phương, các giống sinh trưởng phát triển khỏe và phù hợp với cơ cấu mùa vụ tại các vùng trồng ngô nước ta do giống ngô GMO tương đồng so với giống nền ở các tính trạng hình thái đặc trưng.

Đối với vụ, vùng trồng ngô chịu áp lực cao về sâu hại bộ cánh vảy (sâu đục thân, đục bắp, đục cờ), sử dụng giống ngô GMO thể hiện khả năng kháng sâu với các nhóm sâu bệnh mà giống được chuyển gen kháng. Ngược lại, ở những vụ, vùng không chịu áp lực cao về sâu hại, giống ngô GMO cho năng suất trung bình không cao hơn rõ ràng so với giống truyền thống; chất lượng hạt thương phẩm tương tự giống truyền thống.

TS. Đinh Công Chính kiến nghị, cần tập trung vào sự thay đổi đa dạng sinh học về số lượng, thành phần các loại côn trùng, động vật trên vùng trồng cây ngô và hệ sinh thái các loài thực vật có quan hệ gần gũi với cây ngô: sự sụt giảm có thể dẫn đến biến mất của một hay một số loài côn trùng đặc biệt nhóm họ cánh vảy; một số côn trùng họ cánh vảy như nhóm sâu đục thân, đục bắp, ăn lá đang là sâu hai chính trên cây ngô sẽ trở thành sâu hại thứ yếu (các loài này chúng ta đã có nhiều nghiên cứu, hiểu rõ về đặc điểm sinh học sinh thái, phòng trừ), một số loài sâu hại thứ yếu sẽ trở thành sâu hại chủ yếu (các loài này chúng ta chưa có nghiên cứu về sinh học, sinh thái, phòng trừ) điều này sẽ rất nguy hiểm khi mới xuất hiện rất khó phòng trừ.

Đặc biệt là hệ vi sinh vật đất cũng rất có thể có sự ảnh hưởng tương tự như với côn trùng đã nói ở trên.

Tác động (trực tiếp hoặc gián tiếp) lâu dài hàng chục năm, trăm năm mang tính tích lũy của việc sử dụng sản phẩm GMO làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi tới con người và động vật. Vấn đề thương mại, gian lận thương mại giữa giống GMO và giống nền.

Ở thời điểm trước mắt, đại diện Cục Trồng trọt đề xuất các đơn vị cung ứng giống cần phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT các tỉnh để có thông tin cụ thể về vùng quy hoạch, vùng sản xuất ngô tập trung, chuyên canh quy mô lớn tại địa phương để lập kế hoạch phát triển trung và dài hạn. Tổ chức đánh giá thật chi tiết vùng, thời vụ và chân đất chịu áp lực cao về sâu hại và ngược lại để xây dựng kế hoạch phát triển ngô GMO đạt hiệu quả cao nhất. Chỉ khuyến cáo gieo trồng ngô GMO ở những vùng, vụ, chân đất chịu áp lực cao về sâu hại và đã xây dựng mô hình trình diễn.

Với những địa phương chưa xây dựng mô hình trình diễn, chưa xác định được vùng, vụ, chân đất chịu áp lực cao về sâu hại không khuyến cáo nông dân gieo trồng ngô GMO để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế.

9 giờ 40 phút

Ứng dụng CRISPR/Cas phát triển giống đậu tương giàu dinh dưỡng

ong do tien phat

TS Đỗ Tiến Phát - Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Từ phương pháp chọn giống dựa trên kỹ thuật gây đột biến truyền thống đến chuyển gen, hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam đã áp dụng hệ thống CRISPR/Cas. Phương pháp này cho phép nhà nghiên cứu thêm hay xóa một đoạn gen, tùy chỉnh mức độ biểu hiện của gen đích, hay thay đổi cấu trúc nhiễm sắc thể… theo chủ đích, cho phép độ chính xác cao.

TS Đỗ Tiến Phát - Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đại diện nhóm nhà khoa học đã phát triển và ứng dụng thành công các hệ thống CRISPR/Cas trong nghiên cứu cơ bản và cải tạo các giống cây thuốc lá, đậu tương, đu đủ, cà chua, dưa chuột và lúa. Các kết quả nghiên cứu được xuất bản trên nhiều tạp chí quốc tế uy tín, đã khẳng định thành công của nhóm.

Điển hình, các nhà khoa học đã chỉnh sửa gen, gây đột biến trên giống đậu tương ĐT26, cho ra đời giống đậu mới có hàm lượng đường khó tiêu giảm từ 30-50%. Giống đậu này đang được khảo nghiệm trong nhà lưới qua các vụ để đánh giá tính ổn định gen di truyền. Thời gian tới, các nhà khoa học sẽ khảo nghiệm giống đậu mới trên đồng ruộng có kiểm soát.

“Quan trọng nhất, chúng tôi đã quan sát, tính trạng nông - sinh học vốn có của cây đậu tương vẫn duy trì qua nhiều thế hệ, không bị thay đổi”, TS Đỗ Tiến Phát khẳng định và kỳ vọng những giống này sẽ sớm được đưa vào thực tiễn, phục vụ sản xuất.

Cùng với đó, nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp để phát triển các dòng đậu tương đột biến hàm lượng dinh dưỡng Omega-9 tăng vọt trên 80%, so với giống gốc chỉ 20%. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây của giống đậu tương chỉnh sửa gen của Mỹ và Trung Quốc đã được thương mại hóa gần đây.

9 giờ 20 phút

5 năm tới, công nghệ sinh học sẽ tập trung vào kỹ thuật di truyền

ong nguyen huu ninh

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), cho rằng, khi nghiên cứu CNSH nên ưu tiên một số lĩnh vực có khả năng cho ra sản phẩm thực tiễn, có giá trị kinh tế.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) đã có những chia sẻ về quá trình các nước đang triển khai ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) và Việt Nam đang ứng dụng thế nào.

Sự phát triển vượt bậc của CNSH trên thế giới xuất phát từ nhiều nguyên nhân như dân số tăng, nhu cầu an ninh lương thực cần đảm bảo, biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai dịch bệnh. Như vậy, cần thiết phải điều chỉnh áp dụng công nghệ tạo ra những giống mới để tạo ra sản phẩm đem lại hiệu quả sản xuất tốt hơn cho người dân, đáp ứng nhu cầu về an ninh lương thực.

Để đảm bảo ứng dụng CNSH tạo ra sự đột phá, những kỹ thuật nhân giống hiện đại, kỹ thuật di truyền và chỉnh sửa bộ gen đã cung cấp các giống mới với các tính trạng mong muốn như: tính chịu hạn, kháng bệnh, chống chịu mặn; sử dụng chất dinh dưỡng, tăng năng suất và sức sống tự nhiên, hiệu quả sử dụng nước…

Tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh nhận định, nghiên cứu khoa học công nghệ luôn có độ trễ so với thực tế. Những điều chỉnh hôm nay phải nhiều năm sau mới bắt đầu phát huy tác dụng. “Tác động của công nghệ sinh học, vì thế, tương đối khó cảm nhận”, ông Ninh nói.

Gần nhất, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị đã xác định, xây dựng công nghệ sinh học trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng.

Trước mắt, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đề xuất Bộ NN-PTNT tập trung xây dựng, khai thác tối đa hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm, tập trung vào những công nghệ tế bào, công nghệ nano.

Trong giai đoạn từ nay đến 2030, số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ bị giảm so với cách đây 10 năm. Một phần nguyên nhân, theo ông Ninh, là rào cản về các cơ chế, chính sách, điển hình là Nghị định 70.

Cụ thể, kết quả nghiên cứu thuộc phạm vi đầu tư của ngân sách Nhà nước sẽ được xem là tài sản Nhà nước. Vì vậy, doanh nghiệp thời gian qua kém mặn mà trong việc phối hợp, đầu tư nghiên cứu công nghệ sinh học.

Do nguồn lực bị giới hạn, khi nghiên cứu CNSH nên ưu tiên một số lĩnh vực có khả năng cho ra sản phẩm, sản phẩm có giá trị kinh tế. Lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận định, trong khoảng 5 năm tới, công nghệ sẽ tập trung vào kỹ thuật di truyền, bao gồm chỉnh sửa gen, nhân giống vô tính và tái tổ hợp ADN.

Do nguồn lực bị giới hạn, nên nghiên cứu CNSH nên ưu tiên một số lĩnh vực có khả năng cho ra sản phẩm thực tiễn, có giá trị kinh tế. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận định, trong khoảng 5 năm tới, CNSH sẽ tập trung vào kỹ thuật di truyền, bao gồm chỉnh sửa gen, nhân giống vô tính và tái tổ hợp ADN.

8 giờ 45 phút

Phim tài liệu 'Cây trồng công nghệ sinh học - 10 năm bén rễ tại Việt Nam'

z5898003363737_a2b13383c2bb9fb3c9e7e9390355e9a8

Ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, giới thiệu phim tài liệu về chặng đường 10 năm cây ngô chuyển gen do các tập đoàn nước ngoài sản xuất được Bộ NN-PTNT cho phép trồng thương mại tại Việt Nam.

Những năm qua, các hình thái thời tiết khốc liệt đã và đang gây tổn thất nặng nề về kinh tế, hạ tầng và đặt biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp, đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực toàn cầu. Để góp phần giải quyết vấn đề nói trên, một thế hệ cây trồng mới đã được tạo ra, có khả năng kháng một số loại sâu, bệnh nguy hiểm, chống chịu với các hình thái thời tiết cực đoan với tên gọi: cây trồng chuyển gen.

Bộ phim dẫn chứng thành công của nông dân Ngô Văn Tùng (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Từ năm 2015, ông đã tiến hành trồng giống ngô kháng sâu, có khả năng chịu lạnh vào mùa đông. Ông Tùng cho biết, giống ngô đổi mới cho ra năng suất cao và hàm lượng dinh dưỡng đảm bảo. Nhờ đó, ông chủ động được thức ăn cho đàn bò 100 con trong suốt cả năm. Mỗi con bò sữa cần khoảng 50kg thức ăn mỗi ngày, trong đó 90% là thức ăn thô xanh được ủ chua, băm nhuyễn.

Học theo ông, rất nhiều hộ dân khác cũng đã trồng cây ngô chuyển gen để lấy sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.Với cách thức diễn đạt sinh động, dễ hiểu bằng video thực tế kết hợp với đồ họa mô phỏng, người xem sẽ có cái nhìn chân thực nhất về cách thức để tạo ra những cây trồng bằng cách chuyển gen, chỉnh sửa gen và được lắng nghe ý kiến của nông dân, các nhà quản lý, nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này.

Những thước phim nhìn lại sau 10 năm các giống ngô kháng sâu bệnh được chính thức gieo trồng tại Việt Nam, do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

8 giờ 40 phút

10 năm kiên trì chọn tạo nhiều giống cây trồng năng suất cao

z5897964254484_4f7937941c322060a80234354a847d5d

Tính từ trái qua: Nhà báo Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam; nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát; PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) đồng chủ trì Diễn đàn.

Nhà báo Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, một trong những đóng góp quan trong về công nghệ sinh học là phát triển và công nhận các giống ngô biến đổi gen. Quá trình này được xây dựng và đẩy mạnh dưới thời Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, cùng với sự tham mưu, đề xuất và góp sức của nguyên Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh.

“Nhờ sự quan tâm của Bộ NN-PTNT, chiến lược phát triển công nghệ sinh học đã có 10 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, giúp nhiều lĩnh vực trồng trọt thực sự có diện mạo mới”, nhà báo Trần Văn Cao nói.

Theo Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, vấn đề công nghệ sinh học rất được giới khoa học và cơ quan quản lý quan tâm. Thông qua ban tổ chức diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến chia sẻ tâm huyết liên quan đến lĩnh vực này, nhằm kịp thời có những định hướng phát triển mới trong bối cảnh nền nông nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức mới như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai.

8 giờ 30 phút

Thế giới có khoảng 200 triệu ha cây trồng biến đổi gen

ong cao duc phat

TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI, phát biểu khai mạc Diễn đàn.

TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI cho biết, những kết quả của công nghệ sinh học đã giúp ngành nông nghiệp có nhiều thành tựu đột phá trong 30 năm qua. Trong đó, những công nghệ nổi bật có nuôi cấy mô giúp lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là các sản phẩm như ngô, đỗ tương, bông… có năng suất vượt trội, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, giảm lượng thuốc BVTV, cải thiện chất lượng đất, môi trường.

Theo thống kê, thế giới có khoảng 200 triệu ha cây trồng biến đổi gen. Tỷ lệ chiếm nhiều nhất là đậu tương, lên tới gần 80% diện tích. Ngoài ra, diện tích trồng ngô cũng tới hơn 25%. Bên cạnh nuôi cấy ngô, công nghệ sinh học giúp đẩy mạnh sử dụng các chế phẩm sinh học, giúp đảm bảo mùa vụ, nâng cao thu nhập cho người dân.

“Điều đáng tiếc là áp dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng ngày càng tăng và chưa đạt mục tiêu của Đảng, Nhà nước đặt ra. Trong đó, cản trở chính là nhận thức”, ông Phát nói.

Thông qua không gian của diễn đàn hôm nay, TS Cao Đức Phát hy vọng các bên liên quan cùng thống nhất và quyết tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển công nghệ sinh học một cách hiệu quả.

Hiện công nghệ sinh học đã phát triển sang công nghệ vi sinh, công nghệ nano, công nghệ tế bào, công nghệ chỉnh sửa gen… giúp ngành nông nghiệp đạt được những đỉnh cao mới. Giới hạn áp dụng công nghệ sinh học cũng không còn bó buộc trong trồng trọt, mà mở ra sang chăn nuôi, thủy sản.

Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ số, công nghệ AI… cũng là một bước đệm giúp công nghệ sinh học có thể phát triển mạnh hơn. Do đó, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kêu gọi cần phải có chiến lược đào tạo nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để tận dụng xung lực từ công nghệ sinh học.

Xem thêm
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Pháp ngữ

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên Tạp chí Influences nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng cứu nạn thành công 6 thuyền viên

Chiều 4/10, các chiến sĩ Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng) cứu nạn thành công, đưa vào bờ an toàn 6 thuyền viên gặp nạn trên vùng biển huyện Trần Đề.