| Hotline: 0983.970.780

Trịnh Đình Cửu - người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ Hai 03/02/2020 , 14:14 (GMT+7)

Ông Trịnh Đình Cửu (1906 - 1990), một trong 5 đại biểu chính thức tham gia trong hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), đồng thời là Bí thư Ban Chấp ủy Trung ương lâm thời (tức Ban Chấp hành Trung ương Đảng).

Đồng chí Trịnh Đình Cửu (1906 – 1990).

Trịnh Đình Cửu quê ở làng Định Công Hạ, huyện Thanh Trì, nay thuộc quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Từ thời còn là học sinh trường Bưởi, cậu học trò họ Trịnh đã tham gia các phong trào học sinh yêu nước: đòi ân xá chí sĩ Phan Bội Châu (1925), để tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh qua đời tại Sài Gòn (1926).

Năm 1927, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, sau đó được cử sang Quảng Châu dự lớp được huấn luyện cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy.

Về nước, Trịnh Đình Cửu tham gia phong trào vô sản hoá của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ. Tháng 3 năm 1929, ông là một trong 7 người thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên (Đông Dương Cộng sản Đảng) tại số nhà 5D Hàm Long, Hà Nội.

Ngày 27/6/1929, tại nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, đại biểu các tổ chức cơ sở Đảng ở miền Bắc đã quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua tuyên ngôn, điều lệ của Đảng, quyết định xuất bản Báo Búa Liềm - cơ quan ngôn luận của Đảng và cử ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Đầu năm 1930, Trịnh Đình Cửu đã cùng Nguyễn Đức Cảnh đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng bí mật sang Hương Cảng (Trung Quốc) chuẩn bị hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản trong nước thành một Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), có đại diện các tổ chức Đảng, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Trịnh Đình Cửu được bầu làm Bí thư Ban chấp ủy lâm thời (tức Ban Chấp hành Trung ương Đảng).

Mùa hè năm 1930, khi đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về Việt Nam hoạt động, từ Hải Phòng về Hà Nội. Bí thư chấp ủy lâm thời Trịnh Đình Cửu gặp Trần Phú cùng Nguyễn Thế Rục tại gia đình cơ sở 47 phố Trần Nhân Tông. Từ đây, Trịnh Đình Cửu bố trí đưa Nguyễn Thế Rục về số nhà 16 phố Cầu Gỗ, trên căn gác hiệu “Đào Ký”. Còn Trần Phú được đưa về nhà số 4 phố Hàng Rươi.

Căn phòng nơi đồng chí Trần Phú viết Luận cương Chính trị.

Đồng chí Trần Phú trao tận tay đồng chí Trịnh Đình Cửu lá thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Ban liên lạc Hải ngoại giới thiệu đồng chí Trần Phú về nước hoạt động và đề nghị bổ sung vào Ban chấp ủy Trung ương lâm thời.

Những ngày hè oi ả, Trịnh Đình Cửu truyền đạt với Trần Phú tình hình cả ba kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời: những cuộc bãi công bắt đầu nhen nhóm của vô sản Nam Định, vô sản Vinh - Bến Thủy, nông dân Thái Bình; và cả thất bại của khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân đảng chủ trương…

Để đảm bảo an toàn cho người cán bộ của Đảng từ Hải ngoại về, cơ sở liên tục phải thay đổi. Trịnh Đình Cửu bố trí đưa Trần Phú về gia đình bà Nguyễn Thị Lệ (sau này trở thành vợ của ông) tại phố Phúc Kiến (tức phố Lãn Ông hiện nay). Trần Phú đóng vai dạy học tư đến ở trọ với tên gọi thầy giáo Năm.

Bà Nguyễn Thị Lệ, trực tiếp phụ trách đường dây giao thông liên lạc. Đồng chí Trần Phú trao đổi với đồng chí Trịnh Đình Cửu kế hoạch họp Ban chấp ủy Trung ương lâm thời để thống nhất phương hướng chỉ đạo phong trào. Nhưng trước tình hình lúc đó, Bí thư Chấp ủy Trung ương lâm thời Trịnh Đình Cửu thấy khó mà họp được đầy đủ Ban Chấp ủy Trung ương. Đồng chí Phạm Hữu Lầu, đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) ở Nam Kỳ ra đến nơi phải mất hàng tuần lễ.

Đồng chí Lê Mao và Nguyễn Phong Sắc ở Trung Kỳ đang bận chỉ đạo phong trào ở Nghệ Tĩnh. Tại Bắc Kỳ, sau khi đồng chí Nguyễn Hới bị bắt, chỉ còn lại đồng chí Trần Văn Lan.

Giữa những ngày hè chói chang, đồng chí Trần Phú và đồng chí Trần Văn Lan - Thường vụ Ban chấp ủy Trung ương lâm thời đã trực tiếp xuống các cơ sở ở Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Yên… hòa mình vào với công nhân, nông dân các địa phương. Thậm chí, Trần Phú còn trực tiếp tham dự những cuộc sinh hoạt chi bộ Đảng ngay trên đình làng Hạ Lý.

Trong thời gian đó, đồng chí Trịnh Đình Cửu đã tìm được một cơ sở mới cho cơ quan Trung ương. Khi đồng chí Trần Phú và Trần Văn Lan trở về Hà Nội, đã được chuyển đến làm việc tại ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm.

Nhà 90 phố Thợ Nhuộm – nơi khởi thảo Luận cương Chính trị (1930). Ảnh: Phạm Hùng.

Ngôi nhà hai mặt tiền, ba tầng, tầng dưới cùng xây kiểu hầm đá, cửa sổ nhỏ tò vò, có song sắt kiên cố. Chủ ngôi nhà là Đuy-ô - Thanh tra tài chính thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương. Chủ nhà ở tầng hai. Còn anh bếp Tạ Văn Bân cùng những người làm thuê khác trong nhà mỗi người ở một căn phòng phụ. Riêng anh bếp Bân ở dưới tầng hầm, coi sóc mọi công việc trong nhà.

Đồng chí Trịnh Đình Cửu và Tạ Văn Bân đã bố trí một buồng nhỏ, phía trong của tầng hầm đá làm nơi đồng chí Trần Phú làm việc, nghỉ ngơi. Hàng ngày, bà Nguyễn Thị Lệ lo việc chợ búa, cơm nước và mua báo chí cho đồng chí Trần Phú theo dõi tình hình. Các đồng chí Nguyễn Thế Rục và Trần Văn Lan thường đến đây hội ý. Chính trị nơi đây, đồng chí Trần Phú (sau này là Tổng Bí thư của Đảng) đã khởi thảo và hoàn thiện bản Luận cương Chính trị của Đảng.

Luận cương Chính trị (1930).

Năm 1931, Trịnh Đình Cửu bị thực dân Pháp bắt. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Lệ, vợ ông sau này cho biết, ông bà xuống Hải Phòng đón đồng chí Lê Duẩn từ trong Nam ra để chuẩn bị cùng sang Trung Quốc. Ba người trú ngụ tại một ngôi nhà ở phố Cầu Đất, Hải Phòng.

Do có phản bội chỉ điểm, mật thám Pháp phát hiện và bắt một lúc cả ba người và sau đó đưa về giam tại nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội. Cả ba người đều bị kết án tù khổ sai. 

Sau đó, Trịnh Đình Cửu bị đày ra Côn Đảo. Đến năm 1936, nhờ thắng lợi của Mặt trận Bình dân bên Pháp, tù chính trị tại các thuộc địa được ân xá, ông được trả tự do. Dù sức khỏe giảm sút nhiều, vợ chồng ông vẫn hoạt động bí mật cho Đảng đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Năm 1946, ông Trịnh Đình Cửu (bí danh Lê Đình) được bầu vào Xứ ủy Bắc Kỳ, làm Chính trị viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Chính ủy Trường Đại học Trần Quốc Tuấn).

Năm 1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được thành lập (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), ông Trịnh Đình Cửu được cử làm Phó Giám đốc nhà trường.

Trịnh Đình Cửu (1906 - 1990) là con ông bà Tú Mẫn. Ông Tú Mẫn xưa học hành đỗ đạt, có thời gian đã ra làm quan trong chế độ Pháp thuộc. Tuy làm quan, nhưng rất căm ghét thực dân Pháp. Sau này ông thôi làm quan, về mở lớp dạy học tại nhà riêng. Bà Tú Mẫn làm nghề buôn tơ lụa Hà Đông, có nhà ở 61 phố Hàng Đào, Hà Nội và có cửa hàng bán tơ lụa. Hai ông bà dồn tất cả tiền của cho con cái ăn học.

Trịnh Đình Cửu cùng những thanh niên có học thức cùng trường, cùng lớp như Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự  đã sớm nuôi chí giành độc lập tự do cho đất nước. Họ đều là những thanh niên ưu tú của Đảng, danh nhân của đất nước.

Sau khi qua đời, ông Trịnh Đình Cửu được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, tên ông được đặt cho một đường phố (dài 2.500 mét) thuộc quận Hoàng Mai, Thủ đô Hà Nội năm 2018.

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD

Chiều 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sơn La hỗ trợ hơn 1.500 hộ nghèo, cận nghèo có nơi ở mới

Công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong các năm vừa qua tại tỉnh Sơn La từng bước tháo gỡ khó khăn trong đời sống của nhân dân...