| Hotline: 0983.970.780

Trò chuyện cuối năm với đạo diễn Đặng Nhật Minh

Thứ Hai 23/01/2017 , 14:01 (GMT+7)

Ở tuổi gần 80 nhưng NSND Đặng Nhật Minh vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Câu chuyện của chúng tôi diễn ra sau khi ông vừa có chuyến đi châu Âu dài ngày trở về.


Đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng tấm poster bìa sách của mình tại lễ kỷ niệm 10 năm NXB Trẻ tại Hà Nội. Ảnh nhân vật cung cấp
 

Xin ông cho biết lý do về chuyến đi châu Âu vừa qua của ông?

Thoạt tiên tôi nhận được thư mời của Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết năm nay kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Sỹ.

Trong nhiều hoạt động để kỷ niệm sự kiện đó có việc chiếu phim “Thương nhớ đồng quê” của tôi tại thành phố Lausan (Thụy Sỹ). Ông Đại sứ muốn mời tôi sang dự buổi chiếu phim đó để giao lưu với khán giả.

Đầu tháng 10 chuẩn bị lên đường sang Thụy Sỹ thì tôi nhận được thư của Giám đốc Liên hoan phim quốc tế Amiens (Pháp) mời đầu tháng 11 sang để vinh danh toàn bộ sự nghiệp điện ảnh của tôi đồng thời tham dự các buổi chiếu một chương trình gồm 8 phim truyện của tôi.

Giữa hai sự kiện trên tôi tranh thủ sang thăm con gái đang làm nghề bác sỹ tại Budapest (Hungary). Đấy, từ lời mời này đến lời mời khác rồi kết hợp sang thăm con, loanh quanh cũng gần hai tháng ở châu Âu.

Xin ông cho biết qua kết quả của 2 hoạt động điện ảnh trên?

Sự kiện thứ nhất là buổi chiếu phim “Thương nhớ đồng quê” tại một rạp chiếu bóng lớn ở thành phố Lausan. Bản phim nhựa 35mm được lưu trữ tại Viện Lưu trữ phim Thụy Sỹ còn rất tốt. Buổi chiếu có rất đông khách mời người Thụy Sỹ, cùng các nhân viên làm việc tại các cơ quan của Liên hợp quốc đóng tại Geneva.

Có lẽ đây là lần đầu tiên họ được xem một phim của Việt Nam nên ấn tượng mạnh. Nhiều người không cầm được nước mắt trong khi xem. Cái làng quê Việt Nam trong phim khác xa với làng quê ở Thụy Sỹ nhưng tình cảm con người thì ở đâu cùng giống nhau nên họ cảm thấy rất gần gũi.

Sự kiện thứ 2 diễn ra ở Amiens, một tỉnh ở phía bắc cách Paris 40km.

LHP Quốc tế Amiens không phải là LHP hạng A như Cannes, Venice hay Berlin nhưng nó là một LHP quốc tế uy tín, có bề dầy đã 36 năm. Ban tổ chức LHP Amiens năm nay quyết định trao cho tôi Giải Kỳ lân Vàng danh dự để vinh danh toàn bộ sự nghiệp điện ảnh của tôi đồng thời chiếu một chùm 8 phim của tôi đã làm trong những năm qua.

8 phim đó đã được khán giả Pháp đón nhận như thế nào, thưa ông?

Tôi từng được vài lần vinh danh tại các LHP quốc tế, nhưng đây là lần đầu tiên được vinh danh kèm theo một chương trình gồm 8 phim mà tôi đã làm. Có phim làm cách đây đã 33 năm như “Thị xã trong tầm tay” và phim gần nhất là “Đừng đốt” làm cách đây 6 năm.

Tôi hồi hộp không biết khán giả Amiens đón nhận như thế nào. Nhưng đáng mừng là khán giả đến xem rất đông, buổi chiếu sau đông hơn buổi trước. Tiếc là buổi cuối cùng chiếu phim “Đừng đốt”, tôi lại không được dự để giao lưu với khán giả vì phải tới Paris cho kịp chuyến bay về Hà Nội.

Tôi có nhờ đạo diễn Việt kiều Lê Lâm giao lưu với khán giả và hỏi cảm tưởng của họ về các phim đã xem. Hôm sau về Hà Nội, tôi nhận được thư của đạo diễn Lê Lâm nguyên văn như sau:

“Rất nhiều khán giả đã xem hết cả 8 phim của ông và nhờ tôi chuyển những lời này của họ cho ông:

1. Tất cả phim của  ông đều chứa nhiều tình nhân ái và yêu nhân loại.

2. Phim nào cũng gây nhiều ấn tượng và nói lên nỗi chịu đựng, hy sinh của dân tộc Việt Nam nên gây được rất nhiều cảm tình với mọi khán giả không phân biệt đảng phái, chiều hướng xã hội, văn hoá, tín ngưỡng hay tuổi tác vì chuyện ông kể đi sâu vào tâm hồn con người.

3. Thẩm mỹ phim ông rất đẹp và dịu dàng.

4. Các nhân vật đều có lòng chung thủy, mến chuộng và coi trọng gia đình. Họ nói những điều đó càng ngày càng hiếm trong xã hội đương đại, nhất là ở phương Tây. Vì thế phim ông là gương mẫu ngay cho cả điện ảnh Pháp.

5. Họ chỉ tiếc là thời gian quá ngắn nên không chiếu lại được lần thứ 2 vì các bạn họ không đi xem được. Họ quảng cáo cho những người xung quanh rất nhiều.

6. Họ hy vọng ông trở lại Amiens lần nữa và hy vọng thành phố Amiens chiếu lại chương trình này để phát hành rộng rãi hơn nữa.

7. Có một cô sinh viên cùng một nhóm bạn ở Đại học Nghệ thuật và Sân khấu TP Amiens gởi lời cảm ông bằng cách trao cho tôi một tờ giấy xin gởi cho ông. Trên giấy cô ta viết: C’était manifique. Merci! (Thật tuyệt vời. Cám ơn!). Ký tên Elizabeth.

Rất đông khán  giả  Amiens đều nói với tôi là chương trình chiếu 8 phim Việt Nam là hiện tượng chính và quan trọng nhất trong LHP Amiens năm nay. Cả 8 phim đều gây ấn tượng lâu nay chưa từng có ở TP Amiens."

Có lần ông chia sẻ rằng sẽ làm phim về cha mình, bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Việc thực hiện bộ phim này đến đâu rồi, thưa đạo diễn?

Hiện tôi có cả thảy 5 kịch bản trong ngăn kéo. Kịch bản “Chim én bay” chuyển thể tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Trí Huân. Đây là tác phẩm từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Các kịch bản “Nước mắt khô”, “Hoa nhài”, “Nhà điều dưỡng nước khoáng” được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của chính tôi. “Huyền nhiệm” là kịch bản phim về cuộc đời của người trí thức đi theo cách mạng. Người ấy là bố tôi. 5 kịch bản điện ảnh này tôi gọi là 5 bộ phim trên giấy vì khi đọc độc giả có thể hình dung rất rõ 5 bộ phim tôi sẽ làm.

Đến thời điểm này ông có nhớ đã viết, đã làm bao nhiêu tác phẩm về Hà Nội không?

Phim về Hà Nội thì tôi có rất nhiều. Thứ nhất là “Hà Nội mùa đông ’46”. “Trở về” là bộ phim nói về một cô giáo dạy học, rất Hà Nội. Thứ ba là “Mùa ổi”, một bộ phim về Hà Nội sau những ngày tiếp quản Thủ đô, về tầng lớp trí thức, tiểu tư sản cũ trong những biến động về thời cuộc. Gần nhất có “Đừng đốt”, nhân vật bác sĩ Đặng Thùy Trâm là cô gái Hà Nội 100%.

Ngoài ra, rất nhiều phim khác cũng mang dấu ấn Hà Nội. Phim “Thương nhớ đồng quê” là quan hệ giữa thành thị và nông thôn, một nông thôn gần sát Hà Nội. “Hoa nhài” là truyện vừa, nếu thành phim thì cũng là phim về Hà Nội.

Phim nói về những người nông thôn ra Hà Nội kiếm sống và người Hà Nội cưu mang, giúp đỡ thông qua câu chuyện của một ông thợ cạo ngồi cắt tóc vỉa hè với cậu bé đánh giày từ nông thôn lên Hà Nội kiếm sống.

Chúng tôi được biết ngày 10/10 vừa qua kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô ông được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú. Điều gì khiến ông dành nhiều cảm xúc và tâm huyết cho các bộ phim về Hà Nội của mình như thế?

Tôi là gốc Huế nhưng ở Huế chỉ có những năm tuổi thơ, trưởng thành thì gắn bó với Hà Nội. Tôi gắn bó với Hà Nội đến bây giờ là 60 năm. Hà Nội là mảnh đất hình thành nên tính cách, nhân cách của mình. Tôi có một tình yêu Hà Nội rất mãnh liệt. Đi đâu cũng nhớ Hà Nội.

Vì tình yêu đó mà tôi làm phim và tất cả phim tôi làm về Hà Nội không phải do Hà Nội đặt hàng. Cứ tự mình rung động, khi cảm xúc tràn đầy thì thoát ra ngòi bút rồi từ ngòi bút đi lên hình ảnh. Ngay phim “Hà Nội mùa đông ’46” có hình ảnh Bác Hồ từ đầu đến cuối. Nhiều người cứ tưởng tôi làm theo đơn đặt hàng nhưng không có đơn đặt hàng nào cả. Kịch bản “Mùa ổi” cũng thế. Tôi đã từng nhận không ít giải thưởng và danh hiệu nhưng với tôi, đây là lần hạnh phúc và cảm động nhất.

Khi lên nhận danh hiệu Công dân ưu tú, tôi được đứng cạnh những con người cực kỳ bình dị nhưng đẹp đẽ của Hà Nội. Tôi rất cảm động khi được đứng cạnh họ. Nhận danh hiệu Công dân ưu tú, tôi còn có cảm giác hạnh phúc như mình đang yêu và được yêu. Tôi là người yêu Hà Nội và được Hà Nội yêu lại mình.

Xin cảm ơn đạo diễn!

Xem thêm
Dàn nghệ sĩ khách mời 'đốt cháy' sân khấu 'Đêm mùa Đông #3: Nguyện'

Vừa qua, ca sĩ Will, Khải cùng Ngô Trúc Linh đã đem đến bữa tiệc cảm xúc tại đêm nhạc gây quỹ từ thiện 'Đêm mùa Đông #3: Nguyện'.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.