| Hotline: 0983.970.780

Trộm cướp hoành hành trên biển Tây Nam: Ngư dân bỏ biển

Thứ Năm 03/11/2011 , 09:29 (GMT+7)

Tại cửa biển Khánh Hội, nhiều ghe tàu đã cam chịu nằm bờ mặc dù trời yên biển lặng.

Nhiều phương tiện đánh bắt của ngư dân cửa biển Khánh Hội phải nằm bờ vì không còn ngư cụ để ra khơi

Chúng tôi về cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau vào những ngày đầu tháng 11/2011. Lẽ thường, những ngày này cửa biển phải rất sầm uất, nhộn nhịp. Tuy nhiên, tại cửa biển Khánh Hội, nhiều ghe tàu đã cam chịu nằm bờ mặc dù trời yên biển lặng.

Hỏi ra mới biết, nhiều bà con ngư dân không dám ra khơi vì nạn trộm cắp trên biển Tây gần đây diễn ra khá phức tạp. Hàng chục ghe tàu của ngư dân sau khi ra khơi, đã phải chịu thất thoát hàng trăm triệu đồng vì bị trộm ngư cụ như vỏ ốc câu mực, lưới đánh cá, lú dây…

Thấy ngư dân Trần Văn Khỏe (ngụ ấp 1, xã Khánh Hội, huyện U Minh) chủ tàu câu mực CM-5036-TS mặt mày ủ rũ ngồi phơi nắng trên bờ, chúng tôi lại bắt chuyện thì ông Khỏe chán nản nói: “Là con của biển cả, lớn lên và sống nhờ vào biển, nhưng cả tuần nay không dám ra khơi, hỏi làm sao tui không buồn cho được”.

Theo ông Khỏe, bản thân ông cũng như nhiều bà con nơi đây thà chịu buồn vì không được ra biển, còn hơn ra biển để “biếu” không tài sản của mình cho bọn trộm ngoài biển Tây. Lão ngư này bức xúc, đêm 16/10, bọn trộm đã “cuỗm” của ông hơn 3 thiên ốc (tương đương hơn 3.000 vỏ ốc, dụng cụ để ngư dân câu mực trên biển), gây thất thoát của ông hơn 60 triệu đồng. “Như tui là còn ít, chứ có nhiều ghe khác bị bọn chúng trộm một đêm thôi có khi mất hơn 100 triệu đồng”-ông Khỏe nói.

Để chứng minh lời mình nói, ông Khỏe dẫn chúng tôi đến nơi neo đậu 2 chiếc ghe câu mực của bà Lê Thị Hiền. Sau mấy đêm liền mất ngủ, mặt bà Hiền nay hốc hác, mắt thâm sâu. “Gia đình làm lụng mấy năm qua, tích góp mua được 2 ghe câu mực. Từ đầu năm đến nay, đánh bắt không được mấy,  giá cả các loại ngư cụ đều tăng, lỗ lã rất nhiều, vậy mà nhà tui còn bị trộm lấy mất 4 thiên ốc vào đêm 16/10, mất đứt hơn 100 triệu đồng”- bà Hiền kêu khóc.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại cửa biển Khánh Hội, ngư dân làm nghề câu ốc mít rất nhiều. Một vỏ ốc có giá 15.000 đồng, cộng cả tiền mướn luồn dây vào vỏ ốc để thành phẩm thì quân bình một vỏ ốc có giá từ 20 – 23.000 đồng. Ngư dân hành nghề câu mực chỉ cần thả dây có vỏ ốc xuống biển, con mực sẽ tự động chui vào và sau đó chỉ việc kéo lên.

Vậy nhưng, cái cảnh nhộn nhịp đánh bắt trên biển hay những âm thanh hò reo vui mừng vì trúng mùa mực của ngư dân làng chài này bây giờ không còn nữa. Thay vào đó là sự hoang mang không dám ra khơi vì sợ mất của, sợ đối đầu với bọn trộm cướp ngoài biển. Theo nhiều ngư dân địa phương cho biết, bọn trộm cướp trên biển hoạt động có tổ chức với số lượng rất đông. Một đêm bọn này có thể trộm của hàng chục tàu thuyền với nhiều ngư cụ trị giá hàng trăm triệu đồng.

Cùng cảnh ngộ với nhiều ngư dân khác tại cửa biển Khánh Hội là gia đình ông Út Quân. Gặp chúng tôi, ông Quân kể lại: “Chỉ trong một đêm, hơn 80 cái lú dây của tui bị lấy, tính ra tiền phải mất gần 20 triệu đồng. Mất dụng cụ kiếm ăn, nay gia đình tui không biết làm gì mà sống đây”. Theo ông Quân, chuyện trộm cướp lộng hành ở tuyến biển Tây Nam (Cà Mau) đã diễn ra nhiều năm qua. Năm 2010, bọn trộm được người dân gọi là “ma dầu” vì bọn này chuyên hút dầu của ngư dân, có đêm hàng ngàn lít dầu không cánh mà bay.

“Những ngày qua, Đồn biên phòng Khánh Hội đã tiếp nhận hàng chục đơn tố giác của bà con ngư dân hành nghề câu ốc mực trên vùng biển Tây Nam về việc họ bị bọn cướp lấy vỏ ốc, gây thất thoát tổng tài sản lên đến gần 2 tỷ đồng. Đồn biên phòng Khánh Hội đã chuyển toàn bộ hồ sơ, đơn tố giác của bà con ngư dân về Công an huyện U Minh để điều tra, xử lý.

Ngoài ra, lực lượng bộ đội biên phòng Khánh Hội cũng thường xuyên mở các đợt tuần tra, kiểm soát trên địa bàn nhằm trấn áp bọn tội phạm này. Nhưng xem ra vẫn chưa mang lại hiệu quả” - Đại úy Đoàn Văn Thỉnh, Đồn phó nghiệp vụ Đồn biên phòng Khánh Hội (Bộ đội biên phòng Cà Mau)

Chính quyền địa phương có bắt được vài tên nhưng xử lý chưa đến nơi đến chốn nên không ăn thua gì. Còn nhớ, năm ngoái khi biết tin bọn trộm bị bắt, dân ở làng biển này có người còn làm vịt ăn mừng vì tưởng rằng sẽ được yên ổn làm ăn. Ai dè nạn "ma dầu" chưa qua thì nay lại đến lượt bọn trộm ngư cụ hoành hành.

Tôi hỏi vậy chẳng lẽ dân mình sợ bọn trộm hay sao? Ông Út Quân nhăn nhó: “Không sợ, nhưng không làm gì được bọn chúng. Đôi lúc phải đứng nhìn chúng cướp tài sản trước mắt mình mà không biết phải làm sao”. Theo Ông Út Quân, bọn trộm được trang bị máy xe có công suất lớn, vỏ lãi rất tốt nên khi lấy đồ của ngư dân xong, bọn chúng bỏ chạy với vận tốc 60 – 70 km/giờ  nên ngư dân chỉ biết đứng nhìn, không đuổi kịp.

Ngư dân bó tay, vậy còn chính quyền địa phương thế nào? Khi tôi đặt câu hỏi như vậy, nhiều ngư dân chán nản lắc đầu: "Chính quyền biết cả đấy, chúng tôi đã nhiều lần trình báo nhưng càng trình báo thì bọn chúng càng hoạt động mạnh hơn, chứ có thấy ai trừng trị bọn chúng đâu. Do đó, ai muốn đảm bảo tài sản của mình thì chỉ còn cách cho ghe nằm bờ"- một ngư dân than vãn.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.