| Hotline: 0983.970.780

Mùa mặn ở miền Tây: [Bài 1] Khi mặn vào ruộng, thóc đã trên bờ

Thứ Hai 24/02/2025 , 06:00 (GMT+7)

ĐBSCL Xâm nhập mặn đã xuất hiện trên các sông lớn ở ĐBSCL. Sóc Trăng điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông nghiệp, trong khi người dân Bến Tre chắt chiu từng giọt nước ngọt.

LTS:

Xâm nhập mặn đã trở thành câu chuyện quen thuộc ở miền Tây, nhưng mỗi năm lại mang đến những thách thức khác nhau. Mùa khô năm 2024 - 2025, miền Tây tiếp tục đối mặt với tình trạng hạn mặn, nhưng ranh mặn không quá sâu. Đây là một tín hiệu tích cực đối với người dân miền Tây, đặc biệt là những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề trong các đợt hạn mặn lịch sử. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể chủ quan, bởi hạn mặn vẫn là một nguy cơ thường trực, tác động đến sản xuất nông nghiệp, nguồn nước sinh hoạt và đời sống của hàng triệu người dân.

Loạt bài “Mùa mặn ở miền Tây” sẽ cung cấp góc nhìn toàn diện về thực trạng và giải pháp ứng phó với hạn mặn năm nay, những điểm sáng trong công tác phòng, chống hạn mặn, cũng như thách thức còn tồn tại để miền Tây tiếp tục thích nghi tốt hơn.

Không để bị động khi mặn đến

Nằm ở cuối nguồn sông Hậu, Sóc Trăng là một trong những địa phương ven biển thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Còn nhớ, mùa khô 2023 - 2024, địa phương này có trên 9.400ha xuống giống lúa đông xuân ngoài kế hoạch, tập trung tại các huyện Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và TP Sóc Trăng.

Huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã hoàn thành thu hoạch lúa đông xuân trước khi hạn mặn đến. Ảnh: Kim Anh.

Huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã hoàn thành thu hoạch lúa đông xuân trước khi hạn mặn đến. Ảnh: Kim Anh.

Đến cao điểm xâm nhập mặn, trên 1.400ha lúa của huyện Long Phú và Trần Đề bị khô hạn, thiếu nước. Trong đó, trên 906ha bị thiệt hại dưới 30%; gần 459ha ảnh hưởng từ 30 - 70% và gần 39ha bị ảnh hưởng trên 70%.

Đây cũng là địa phương duy nhất ở ĐBSCL ghi nhận thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trong đợt hạn mặn 2023 - 2024. Dù những con số trên không quá lớn, nhưng một lần nữa cho thấy rủi ro tiềm ẩn khi xâm nhập mặn xảy ra.

Rút kinh nghiệm từ đó, trong mùa khô 2024 - 2025 này, Sở NN-PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) Sóc Trăng đã tăng cường khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa đông xuân muộn ở những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Như tại huyện Long Phú, đến nay địa phương đã hoàn thành thu hoạch lúa đông xuân. Ngoài ra, diện tích xuống giống vụ lúa đông xuân muộn 2024 - 2025 đã giảm khoảng 1.000ha so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn khoảng 800ha.

Kết quả quan trắc và dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn cho thấy, mùa khô 2024 - 2025, xâm nhập mặn tại Sóc Trăng xuất hiện từ giữa tháng 1/2025, với cường độ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các mùa khô 2015 - 2016 và 2019 - 2020.

Người dân huyện Kế Sách chủ động lắp đặt hệ thống tưới tự động để giữ ẩm cho đất trong mùa khô hạn. Ảnh: Kim Anh.

Người dân huyện Kế Sách chủ động lắp đặt hệ thống tưới tự động để giữ ẩm cho đất trong mùa khô hạn. Ảnh: Kim Anh.

Ghi nhận thực tế tại huyện Kế Sách, độ mặn đo được trên sông Hậu tại Phèn Đen (thị trấn An Lạc Thôn), kênh Rạch Vọp tại Cầu Lộ (xã Thới An Hội) và trong nội đồng tại Mỏ Neo (xã Đại Hải) đều trên 1‰. Riêng tại thị trấn Kế Sách, độ mặn lên đến 4,8‰, thời gian mặn kéo dài trên 10 ngày.

Ngành chuyên môn cảnh báo, từ nay đến tháng 5/2025, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục xảy ra trong các đợt triều cường và nếu kéo dài ở mức gây thiệt hại, nguy cơ 10.000ha cây ăn trái ở tỉnh Sóc Trăng sẽ suy kiệt do thiếu nước tưới.

Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện Kế Sách tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp trữ nước để bảo vệ vùng trồng cây ăn trái và lúa đông xuân muộn.

Không bị động như nhiều năm trước, ngay từ đầu mùa khô 2024 - 2025, ông Đặng Tuấn Kiệt ở ấp An Hòa, xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách) đã chủ động cải tạo 1,5ha vườn mít, đảm bảo thông thoáng. Đồng thời, ông cũng mua thêm thiết bị đo độ mặn để kịp thời lấy nước tích trữ vào mương vườn khi độ mặn ở ngưỡng cho phép.

Đặc biệt là ông Kiệt đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước tại vườn để giữ ẩm cho nền đất, hạn chế thiệt hại cho cây trồng.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (bìa trái) kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp trong mùa hạn mặn. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (bìa trái) kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp trong mùa hạn mặn. Ảnh: Kim Anh.

Tại huyện Cù Lao Dung, phần lớn vùng trồng cây ăn trái tập trung ở khu vực đầu cồn, nơi dễ bị ảnh hưởng khi mặn từ sông Hậu lên cao và lấn sâu. Hiện tại, ranh mặn 4‰ gần như bao phủ toàn huyện. Nhờ chủ động tuyên truyền từ trước, nông dân đã tích trữ nước từ mùa mưa năm trước, nên khu vực sản xuất nông nghiệp vẫn đảm bảo nguồn nước ngọt tưới tiêu.

Các nhà máy nước gần cửa sông bị nhiễm mặn

Tại “xứ sở cây giống” của ĐBSCL, từ Tết Nguyên đán đến nay, xâm nhập mặn đã xuất hiện trên các nhánh sông của tỉnh Bến Tre, khiến một số nhà máy nước gần cửa sông bị nhiễm mặn. Điều này kéo theo nước sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại xã Hương Mỹ (huyện Mỏ Cày Nam), khu vực này cách cửa sông khoảng 30km, nên mức độ nhiễm mặn trên các sông, rạch khá cao.

Chị Lê Thị Ngọc Trang ở ấp Thạnh Tây (xã Hương Mỹ) cho biết, từ Tết đến nay, nước máy bị nhiễm mặn nên gia đình chị chỉ sử dụng để tắm giặt, còn việc nấu ăn phải dùng nước mưa được dự trữ trong 3 cống (lu xi măng) với dung tích khoảng 3m3. Mở vòi nước nhà chị Trang nếm thử, phóng viên cảm nhận rõ vị mặn chát, rửa mặt bị rít.

Chị Trang bộc bạch, nếu mặn kéo dài như năm ngoái, gia đình chị phải sử dụng dịch vụ đổi nước ngọt với giá cao, trên 100.000 đồng/m3. Mỗi tháng, nhu cầu sử dụng nước của gia đình chị gần 20m3. Nước mưa dự trữ trong 3 - 4 cống chỉ để nấu ăn. Nếu xài tiết kiệm, tối đa khoảng 2 - 3 tháng là hết, không kịp tới mùa mưa.

Sau cuộc trò chuyện với chị Trang, phóng viên tìm đến nhà máy nước của Doanh nghiệp tư nhân Tân An, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả xã Hương Mỹ, với khoảng 2.000 khách hàng.

Ông Võ Văn Thủy, chủ nhà máy nước này cho hay, các bể dự trữ nước của nhà máy có dung tích khá nhỏ, chỉ khoảng 1.300m3, sử dụng được hơn 2 ngày. Do đó, khi độ mặn ngoài sông cao, nước sinh hoạt đã qua xử lý sẽ bị nhiễm mặn theo. Công suất của nhà máy khoảng 150m3/giờ nhưng hiện tại chỉ hoạt động khoảng 20 khối/giờ.

Để giảm nồng độ mặn, nhà máy này thường xuyên đo mặn trên từ các nhánh sông Hàm Luông, Cổ Chiên để kịp thời điều tiết lấy nước. Đồng thời, trước khi xâm nhập mặn xuất hiện, UBND Hương Mỹ cũng thông báo đến bà con dự trữ nước sinh hoạt trong các lu, cống để dùng trong những ngày mặn.

Các bể trữ nước của nhà máy nước Tân An (xã Hương Mỹ) có dung tích khá nhỏ (khoảng 1.300m3), chỉ đảm bảo cấp nước trong 2 ngày. Ảnh: Minh Đảm.

Các bể trữ nước của nhà máy nước Tân An (xã Hương Mỹ) có dung tích khá nhỏ (khoảng 1.300m3), chỉ đảm bảo cấp nước trong 2 ngày. Ảnh: Minh Đảm.

Về khu vực vương quốc cây giống hoa kiểng Chợ Lách, độ mặn dao động từ 0,1 - 0,3‰, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Độ mặn này vẫn trong mức cho phép để người dân tưới hoa kiểng, ăn uống. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, nhiều nhà vườn đã chuẩn bị sẵn sàng các ao trữ nước.

Anh Nguyễn Hoàng Tú, ấp Phú Hưng, xã Hưng Khánh Trung B có 5.000m2 trồng tắc (quất), mai vàng, cây giống… Anh đã xây dựng hồ chứa nước 300m3, đủ khả năng cấp nước liên tục trong 1 tuần.

“Ở đây, nước lấy từ từ 2 con sông chính là Hàm Luông và Cổ Chiên, nhưng độ mặn không đồng đều. Theo thông báo của cơ quan chức năng, trước khi lấy nước tôi cũng đo mặn. Sông nào nước ngọt nhiều hơn thì lấy nước”, anh Tú nói.

Dù độ mặn tại Bến Tre hiện thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2024, nhưng người dân vẫn đang phải chống chịu với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong những tháng tới.

Xem thêm
Công bố quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng đoàn Kiểm tra số 1908 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư công bố quyết định kiểm tra năm 2025 với TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Hà Nội lắp đặt camera giám sát vệ sinh môi trường tại bốn quận trung tâm

Hà Nội lắp camera giám sát tại 4 quận trung tâm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trung nhằm phát hiện, xử lý hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định.

‘Di sản vàng’ bên bờ biển xanh: [Bài 1] Báu vật ở Sa Huỳnh

Quảng Ngãi Gò Cỏ ẩn hiện giữa núi rừng bên bờ biển xanh đêm ngày rì rầm sóng vỗ. Nơi đây còn ẩn chứa bao điều kỳ thú làm say đắm lòng người.

Bình luận mới nhất