Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Võ Văn Hưng (bên phải) trong lần đi tham quan mô hình cây chanh leo được trồng theo công nghệ cao tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ảnh: Nguyễn Phúc.
Trong nhiều thế kỷ vừa qua, nông nghiệp Việt Nam đã đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế quốc dân, đảm bảo an ninh lương thực và tạo việc làm cho phần lớn dân số. Đặc biệt, trong những thập kỷ gần đây, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê, nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu thủy sản và đạt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hơn 62,5 tỷ USD vào năm 2024.
Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp nâng cao chất lượng đời sống người dân, với hơn 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3,5%.
Tuy nhiên, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên khiến ngành nông nghiệp dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và biến động thị trường toàn cầu. Điều này đòi hỏi một sự chuyển dịch mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp. Cần lấy thị trường làm trung tâm, tăng giá trị gia tăng và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững.
Trước thực trạng đó, việc chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” trở thành yêu cầu tất yếu, giúp ngành nông nghiệp không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững trong dài hạn.
Đây không chỉ là xu thế mà còn là con đường bắt buộc nếu Việt Nam muốn xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Để có thể hiện thực hóa được mục tiêu này, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ chính là những giải pháp đột phá. Thực tiễn cho thấy, chuyển đổi số giúp tối ưu hóa toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp.
Các công nghệ như: IoT (internet kết nối vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo) và Big Data (cơ sở dữ liệu lớn) cho phép thu thập và phân tích dữ liệu từ môi trường sản xuất, giúp nông dân kiểm soát tốt hơn các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông sản.

Chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ là động lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ví dụ, hệ thống cảm biến IoT giúp theo dõi độ ẩm đất, nhiệt độ và chất lượng không khí theo thời gian thực, từ đó điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật một cách chính xác.
Trong khi đó, các mô hình dự báo thời tiết dựa trên AI hỗ trợ lập kế hoạch gieo trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại. Các công nghệ như: drone (máy bay không người lái) và robot nông nghiệp cũng đang được ứng dụng rộng rãi trong việc gieo hạt, bón phân và thu hoạch, giúp giảm chi phí lao động cũng như tăng năng suất.
Một trong những lợi ích lớn nhất của chuyển đổi số là khả năng tối ưu hóa chuỗi giá trị nông sản. Công nghệ blockchain được ứng dụng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn, đảm bảo tính minh bạch, an toàn thực phẩm. Đây được xem là yếu tố then chốt giúp nông sản Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản và Mỹ.
Ở một góc nhìn khác, chuyển đổi số thông qua các hoạt động thương mại điện tử cũng mở ra cơ hội mới cho nông sản Việt Nam. Thay vì phụ thuộc vào thương lái hay các chợ đầu mối, nông dân có thể trực tiếp bán sản phẩm qua các sàn giao dịch nông sản trực tuyến và các nền tảng thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Amazon và Alibaba. Điều này giúp rút ngắn chuỗi cung ứng, giảm chi phí và tăng lợi nhuận.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn tạo điều kiện phát triển hệ thống logistics thông minh, bao gồm kho bãi hiện đại, phương tiện vận chuyển chuyên dụng và các dịch vụ hậu cần hỗ trợ lưu trữ và phân phối nông sản. Điều này giúp giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch và đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Trên thực tế, chuyển đổi số không chỉ là nguồn động lực rất lớn giúp thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp mà còn giúp thúc đẩy sản xuất bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; mà còn là chìa khóa để xây dựng một nền nông nghiệp xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.
Hiện nay, các hệ thống giám sát môi trường và dữ liệu thời tiết giúp nông dân tối ưu hóa sử dụng nước tưới và phân bón, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, công nghệ sinh học kết hợp với Big Data giúp chọn lọc và phát triển các giống cây trồng và vật nuôi có khả năng chịu hạn, chịu mặn và thích nghi với biến đổi khí hậu. Đây là một vấn đề cấp bách đối với Việt Nam, đặc biệt tại các vùng trọng điểm như: Đồng bằng sông Cửu Long, hay một số tỉnh, thành ven biển phía Bắc,...
Việt Nam có tiềm năng, lợi thế rất lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp, dù vậy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Đầu tiên có thể dễ dàng nhìn ra, đó là hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ tại nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khiến nông dân khó tiếp cận công nghệ mới.
Việc thiếu kỹ năng số và kiến thức công nghệ cũng là rào cản lớn, khi phần lớn nông dân chưa quen với việc vận hành các thiết bị và hệ thống số.
Thêm vào đó, chi phí đầu tư ban đầu cho các hệ thống công nghệ cao vẫn còn khá cao so với khả năng tài chính của nhiều hộ nông dân nhỏ lẻ. Việc thiếu cơ chế chính sách đồng bộ và chưa có hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp cũng làm chậm quá trình chuyển đổi.
Để giải quyết những thách thức này, cần có những giải pháp đột phá. Đầu tiên là cần đầu tư mạnh vào hạ tầng số và mở rộng kết nối Internet đến các vùng nông thôn. Đồng thời, tăng cường đào tạo kỹ năng số cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp thông qua các chương trình tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật.
Một giải pháp rất quan trọng khác cần lưu tâm đó là sự hỗ trợ về tài chính và tín dụng ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp trong việc đầu tư công nghệ số.

Quá trình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đinh Mười.
Cuối cùng là cần xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số bao gồm doanh nghiệp công nghệ, cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng nông dân, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp công nghệ mới.
Có thể khẳng định rằng, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp đột phá giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi tư duy sản xuất truyền thống, hướng đến một nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Sự chuyển dịch từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” không đơn thuần là thay đổi quy trình sản xuất mà còn là sự thay đổi căn bản về tư duy, từ việc chỉ chú trọng sản lượng sang tối ưu hóa chuỗi giá trị và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng khoa học và người nông dân trong việc xây dựng nền tảng hạ tầng số, hoàn thiện chính sách và tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp số toàn diện. Khi đó, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ là trụ cột của nền kinh tế mà còn là lĩnh vực tiên phong trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống người dân và tạo động lực tăng trưởng bền vững cho đất nước.