| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc giải bài toán cung cầu nông sản thời Covid-19

Thứ Ba 15/06/2021 , 15:43 (GMT+7)

Một trong những giải pháp được Trung Quốc triển khai nhiều là xây dựng các mạng lưới nhà kính khổng lồ để đảm bảo nguồn cung sản phẩm thiết yếu.

Nông dân thu hoạch dưa chuột tại nhà kính Hengda ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Nông dân thu hoạch dưa chuột tại nhà kính Hengda ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc gặp vấn đề an ninh lương thực trong giai đoạn phong tỏa xã hội để ứng phó đại dịch Covid-19. Trước cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu chưa từng có này, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải tận dụng tối đa sự hiệp lực giữa tất cả các bên để đảm bảo nguồn cung, tối thiểu ảnh hưởng tiêu cực.

Đa dạng hóa các kênh phân phối giúp cải thiện sự dẻo dai trong hệ thống cung ứng thực phẩm, như chuyển sang nền tảng thương mại điện tử. Ngoài ra, Trung Quốc còn thúc đẩy địa phương hóa sản xuất thực phẩm, củng cố những liên kết giữa đô thị và vùng nông thôn, hỗ trợ người tiêu dùng ở thành phố tiếp cận thực phẩm tươi sạch.

Đổi mới cũng là yếu tố then chốt để vượt qua nghịch cảnh. Một trong những giải pháp được triển khai nhiều là xây dựng các mạng lưới nhà kính bằng kính khổng lồ để đảm bảo nguồn cung sản phẩm thiết yếu.

Tại đảo Sùng Minh, ngay sát thành phố Thượng Hải, công nhân đang thu hoạch và đóng gói cà chua, dưa chuột trong nhà kính vận hành bởi công ty Hà Lan FoodVentures. Đây là một trong số hàng chục cơ sở tương tự tại ngoại ô các “siêu đô thị” của Trung Quốc, áp dụng công nghệ hiện đại quản lý hệ thống tưới tiêu, nhiệt độ và ánh sáng để trồng rau trong phạm vi dễ tiếp cận đối với nhóm khách hàng.

“Đây là xu hướng nhằm đảm bảo nguồn cung một cách bền vững và chuyên nghiệp”, Dirk Aleven, giám đốc FoodVentures, nói với Reuters.

“Xu hướng này tăng mạnh từ lúc Covid-19 xuất hiện và ngày càng quan trọng hơn khi thực phẩm tươi sạch được sản xuất ngay tại nơi tiêu thụ. Trước đó, thực phẩm phải vận chuyển hàng nghìn km, dù vẫn trong lãnh thổ Trung Quốc”.

Là quốc gia sản xuất rau lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã sử dụng nhà kính suốt nhiều thập niên. Sự gián đoạn nguồn cung do ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa ứng phó Covid-19 năm 2020 càng thúc đẩy sự phát triển của nhà kính công nghệ cao.

Để tránh sự gián đoạn tương tự trong tương lai, chính quyền các đô thị đặt mục tiêu xây dựng các khu dự trữ thiết yếu và phát triển các cơ sở phân phối, logistics.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu giàu có, sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm chất lượng cao, ít thuốc trừ sâu cũng góp phần thúc đẩy xu hướng.

Diện tích sử dụng để xây dựng nhà kính tăng 28% trong năm 2020, cao hơn đáng kể so với mức tăng 5,9% của năm 2019, và nhanh hơn tốc độ tăng trưởng 6% của loại hình nhà kính bằng nhựa (chi phí rẻ hơn), công ty tư vấn Richland Sources cho biết.

Nhà kính bằng nhựa giúp bảo vệ cây trồng nhưng được cho là kém hiệu quả hơn nhà kính bằng kính. Nhà kinh bằng kính có thể mang lại những sản phẩm chất lượng cao, bán trực tiếp cho nhà bán lẻ, giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng truyền thống.

“Chúng tôi chứng kiến xu hướng không thể đảo chiều từ khi đại dịch thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng hóa trực tuyến nhiều hơn, sẵn sàng chi mạnh tay hơn cho những lựa chọn tốt cho sức khỏe và thương hiệu nông sản tin cậy”, Xin Yi Lim, giám đốc điều hành về tính bền vững và tác động đến nông nghiệp tại Pinduoduo, nền tảng thương mại điện tử có nhiều người dùng nhất Trung Quốc, cho biết.

Trong quá khứ, việc sản xuất rau của Trung Quốc tập trung vào một số khu vực nhất định, đòi hỏi các chuỗi logistics đông lạnh phức tạp để đảm bảo thực phẩm có thể vận chuyển đến các chợ bán buôn trong những thành phố lớn.

Điểm yếu của hệ thống tập trung này trở nên rõ ràng trong năm 2020. Covid-19 bùng phát từ một chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán và một chợ bán buôn thực phẩm tại thủ đô Bắc Kinh đã “bẻ gãy” dòng chảy hàng hóa đến người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm, vứt bỏ cây trồng.

“Đại dịch thúc đẩy ngành thực phẩm tươi giảm số lượng trung gian trong mạng lưới cung ứng”, Gayathree Ganesan, nhà phân tích tại Economist Intelligance Unit, nhận định.

Người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng chi mạnh tay hơn cho những lựa chọn tốt cho sức khỏe. Ảnh: Reuters.

Người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng chi mạnh tay hơn cho những lựa chọn tốt cho sức khỏe. Ảnh: Reuters.

Xây dựng trong phạm vi gần thành phố để giảm khoảng cách đến người mua, các nhà kính thường là liên doanh giữa công ty bất động sản Trung Quốc với đối tác về nhà kính đến từ Hà Lan, quốc gia chủ chốt trong công nghệ nông nghiệp.

Nhà kính của FoodVentures ở ngoại ô Thượng Hải là một ví dụ điển hình. Với diện tích tương đương 3 sân bóng đá và cao 2 tầng, một bộ phận của cơ sở này trồng cà chua cherry theo mô hình canh tác thẳng đứng, sản lượng lên đến 120 tấn/tháng.

Nông sản từ các nhà kính thường được bán trực tiếp trên các nền tảng thương mại điện tử và siêu thị, bỏ qua trung gian và chợ bán sỉ, vốn là các yếu tố truyền thống trong chuỗi cung ứng rau Trung Quốc.

Carrefour China, 80% thuộc sở hữu của gã khổng lồ bán lẻ Suning của Trung Quốc, cho biết đang hợp tác với các nhà kính quanh các thành phố đã phát triển ổn định trong hai năm qua để đáp ứng lực cầu từ người tiêu dùng.

Xu hướng này khả năng gia tăng hơn nữa tại các thành phố chủ chốt. Một tài liệu từ chính phủ Trung Quốc gần đây cho thấy Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng hơn 2 lần “diện tích cơ sở nông nghiệp năng suất cao” lên hơn 300 hecta vào năm 2025.

Mức tăng trưởng đó sẽ củng cố hơn nữa vị thế là nhà sản xuất rau hàng đầu thế giới. Quốc gia này đang chiếm 75% hoặc hơn sản lượng dưa chuột, đậu xanh, rau chân vịt và măng tây toàn cầu.

Xu Dan, CEO của công ty vận hành nhà kính Beijing HortiPolaris, cho biết Trung Quốc có thể gặp một số trở ngại khi hướng đến trồng trọt hiện đại.

“Thách thức lớn nhất là con người – những người có hiểu biết để quản lý các nhà kính để sản xuất rau chất lượng. Hầu hết nông dân đều đang già đi và cách canh tác cũng lỗi thời, thay thế lượng lớn nông dân như vậy thực sự là thách thức lớn”.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.