| Hotline: 0983.970.780

Trung tuần tháng 5 giá phân bón hạ nhiệt?

Thứ Năm 06/05/2021 , 10:28 (GMT+7)

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, khoảng trung tuần tháng 5/2021 giá phân bón trong nước khả năng sẽ hạ nhiệt khi hai nhà máy ure đang bảo dưỡng cho sản phẩm trở lại.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá dầu khí thế giới tăng nên các mặt hàng phân bón đều tăng giá 25 - 30% thời gian qua. Ảnh: Nguyên Huân.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá dầu khí thế giới tăng nên các mặt hàng phân bón đều tăng giá 25 - 30% thời gian qua. Ảnh: Nguyên Huân.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, việc giá phân bón, trong đó có phân ure thời gian gần đây tăng mạnh do một số nguyên nhân sau.

Đầu tiên là giá các nguyên liệu dầu khí, hóa chất, đầu vào của ngành sản xuất phân bón trên thế giới đều tăng 30 - 40% thời gian qua nên tác động trực tiếp tới mặt hàng ure, DAP, SA,lưu huỳnh,...

Thứ hai, do dịch Covid-19 khiến giá cước vận tải, container rỗng bị thiếu trầm trọng đẩy giá cước vận tải biển tăng mạnh, nhiều tuyến đường biển tăng trên 100% cũng là một nguyên nhân khiến giá phân bón toàn cầu tăng.

Thứ ba, do Trung Quốc, thị trường sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới thời gian gần đây gặp khủng hoảng về than đá và khí đốt đã ảnh hưởng gián tiếp tới ngành sản xuất phân bón làm nguồn cung giảm. Hiện, Chính phủ Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu phân bón để ưu tiên mùa vụ trong nước nên nguồn cung phân bón thế giới bị thiếu hụt.

Nguyên nhân thứ tư, do hai nhà máy sản xuất ure trong nước là Phú Mỹ và Hà Bắc cùng dừng máy để bảo dưỡng định kỳ từ giữa tháng 4, trong khi Nhà máy Đạm Ninh Bình mới cho sản phẩm trở lại từ ngày 23/4 đã khiến mặt hàng ure trong nước có thời điểm thiếu cục bộ, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên đang vào mùa mưa.

Ông Nguyễn Đức Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho biết, dự kiến ngày 15/5 tới đây Đạm Hà Bắc sẽ bắt đầu có sản phẩm trở lại sau thời gian bảo dưỡng định kỳ với sản lượng khoảng 1.000 tấn ure/ngày.

Ông Ninh chia sẻ, theo kế hoạch đáng lẽ Đạm Hà Bắc phải bảo dưỡng định kỳ dây chuyền từ năm 2020, nhưng do dịch Covid-19, chuyên gia nước ngoài không sang được nên đơn vị buộc phải bảo trì đúng lịch mùa vụ tại miền Bắc năm nay, bởi không còn lựa chọn nào khác.

Để đảm bảo cung ứng phân bón kịp thời cho đại lí và bà con nông dân, trong thời gian bảo dưỡng, Đạm Hà Bắc phối hợp với Đạm Ninh Bình để chia sẻ, cân đối nguồn hàng ure. Hơn nữa, theo ông Ninh, khoảng cuối tháng 5 là hết mùa vụ ở phía Bắc nên nhiều khả năng giá phân bón sẽ hạ nhiệt.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sau khi dừng máy bảo dưỡng định kỳ từ ngày 18/4, dự kiến Nhà máy Đạm Phú Mỹ sẽ bắt đầu cho ra sản phẩm trở lại ngày 18/5 tới đây với công suất khoảng 2.400 tấn ure/ngày.

Như vậy, cùng với Nhà máy Đạm Cà Mau công suất trên 2.000 tấn/ngày, Nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 1.000 tấn/ngày, trung tuần tháng 5 khi Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Hà Bắc cùng cho ra sản phẩm trở lại, nguồn cung mặt hàng ure trong nước sẽ dồi dào hơn nên ure nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt nếu giá dầu khí thế giới không biến động quá lớn.

Bộ NN-PTNT khuyến cáo bà con nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân NPK để giảm áp lực cho phân ure và DAP. Ảnh: Nguyên Huân.

Bộ NN-PTNT khuyến cáo bà con nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân NPK để giảm áp lực cho phân ure và DAP. Ảnh: Nguyên Huân.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết, do các nhà máy ure trong nước bảo dưỡng định kỳ trùng thời điểm nên thời gian qua Đạm Cà Mau đã cố gắng chạy tối đa 115% công suất để cung ứng ure ra thị trường bù đắp lượng thiếu hụt.

Bên cạnh đó, nếu như năm 2020, Đạm Cà Mau xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn ure sang thị trường Campuchia, Ấn Độ thì năm 2021 này gần như tạm dừng mọi hoạt động xuất khẩu để ưu tiên hoàn toàn cho thị trường trong nước.

Bà Hiền cam kết, Đạm Cà Mau luôn giữ giá bán ure thấp hơn ure nhập khẩu từ 500 - 600 đồng/kg. Đơn cử như tháng 3, tháng 4, Đạm Cà Mau giữ giá ure hạt đục 8.300 - 8.800 đồng/kg và phải đến hôm nay (6/5) mới tăng thêm 200 đồng lên 9.000 đồng/kg do giá khí và nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi cũng như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tiêu, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh, doanh nghiệp nhập khẩu phân bón lớn tại Việt Nam, hiện giá ure trên thị trường thế giới dao động từ 345 - 370 USD/tấn. Cộng chi phí vận chuyển khoảng 50 USD/tấn, thuế nhập khẩu 6% khi về tới cảng của Việt Nam giá đã lên tới 9,4 - 9,5 triệu đồng/tấn.

Sau khi qua các đại lí cấp 1, cấp 2 giá ure đến tay bà con nông dân hiện đã đội lên trên 10 triệu đồng/tấn, nếu bà con nông dân mua trả chậm chi phí có thể còn cao hơn do phải chịu lãi vay.

Trước việc một số mặt hàng phân đơn trong nước là ure, DAP tăng, một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân hiện nay là tăng cường sử dụng phân bón tiết kiệm, sự dụng phân bón hữu cơ, phân NPK để giảm áp lực cho phân ure và DAP.

Không chỉ phân bón ure tăng mà hầu hết các mặt hàng phân bón khác của thế giới đều tăng mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá dầu khí tăng từ năm 2020 đến nay, trong đó SA tăng từ 3,6 triệu đồng/tấn lên gần 5 triệu đồng/tấn, DAP tăng từ 10 - 11 triệu đồng/tấn lên 14 - 15 triệu đồng/tấn, kali tăng từ hơn 6 triệu đồng/tấn lên trên 7 triệu đồng/tấn.

Xem thêm
Bệnh thối đen hoa lan và cách phòng trị

Hoa lan là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao và thu hoạch quanh năm, tuy nhiên rất hay bị bệnh nhất là bệnh thối đen gây thiệt hại lớn cho nhà nông...

Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về thuế khô dầu đậu tương

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vừa cùng gửi văn bản nêu những vướng mắc về mã số hàng hóa của mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Toàn Thắng Corporation hợp tác chiến lược với Hannam Bio Hàn Quốc

Toàn Thắng Corporation và Hannam Bio sẽ hợp tác trong phát triển sản xuất vi sinh vật có lợi, tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển bền vững ngành thủy sản.