| Hotline: 0983.970.780

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: 'Sợ nhất những ĐBQH biết mà không dám nói ra'

Thứ Tư 23/03/2016 , 09:51 (GMT+7)

Là đại biểu quốc hội mà không dám hay không muốn nói lên tiếng nói của nhân dân thì làm sao có thể làm được những việc vì dân.

Chia sẻ trước thềm bầu cử ĐBQH khóa XIV, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, "sợ nhất là những người biết mà không dám nói, đó là sự im lặng của người tốt".

Từng là cái tên đứng đầu trong bốn cái tên được xưng tụng là “tứ nghị” của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong nhiều năm trước đây. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, ĐBQH các khóa VIII, IX, X đã có những chia sẻ tâm huyết với báo Gia đình Việt Nam trước thềm bầu cử ĐBQH khóa XIV. 

Thưa Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, dư luận đang nóng với những câu chuyện trước thềm bầu cử ĐBQH khóa XIV, là một người từng gắn bó nhiều năm với nghị trường quốc hội,  ông nghĩ thế nào về những tiêu chí mới được đặt ra về tư cách của một ĐBQH trong nhiệm kỳ mới này? 

Theo tinh thần của nghị quyết 12 là lựa chọn những người không cơ hội, trong sạch, vì dân, đó là ba tiêu chuẩn chủ yếu để lựa chọn đại biểu quốc hội. Dù là ai, đứng ở cương vị nào đi chăng nữa thì vẫn phải dựa vào tiêu chí này để bầu cử, lựa chọn, nếu họ làm to nhưng không đáp ứng đủ ba tiêu chí đó thì cử tri nhất quyết cũng không bầu.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Sợ nhất những ĐBQH biết mà không dám nói ra" - Ảnh 1
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước


Tôi nghĩ bầu đại biểu lần này, người dân cầm lá phiếu cần cân nhắc cho kỹ càng trước khi bầu cử, không thể làm với tinh thần “làm cho xong đi”. Chất lượng đại biểu quốc hội phụ thuộc vào việc trách nhiệm của người dân trong việc bầu cử đúng người, chất lượng đại biểu quốc hội cao lên thì lợi ích của người dân càng được đảm bảo.

Theo ông, xưa nay tinh thần bầu cử của người Việt như thế nào?

Đại bộ phận người dân Việt Nam rất quan tâm đến công tác bầu cử, chỉ có một số chưa nhận thức hết được vai trò, vị trí của đại biểu quốc hội nên xuất hiện tâm lý “bầu cử cho xong”. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu quốc hội, lợi ích quốc gia không được đảm bảo mà lợi ích bản thân cũng thế. Cho nên cần chấn chỉnh ngay những tư tưởng này. Vận mệnh tổ quốc phụ thuộc vào quốc hội nghĩa là phụ thuộc vào 500 đại biểu, thể hiện ý chí của bản thân, của người dân.

Những người công dân lương thiện, giỏi giang cần được đại diện cho nhân dân để nói lên tiếng nói của nhân dân nhưng cũng là mang trọng trách trong việc giữ gìn, phát huy, xây dựng lợi ích quốc gia.

Những người cơ hội chủ nghĩa, không vì dân, không trong sạch, cơ hội nhất định phải bị gạt đi. Mong rằng người dân Việt Nam ngày càng ý thức được điều này để bảo đảm lợi ích bản thân và lợi ích quốc gia.

Vì một quốc hội trong sạch vững mạnh chính là sức mạnh của toàn dân. Còn nếu quốc hội không hội tụ được những điều đó thì sẽ là một thiệt hại lớn và nhân dân là những người gánh chịu.

Mới đây những tâm tư của nhà sử học Dương Trung Quốc đã khiến dư luận “giật mình”, lời xin lỗi của một đại biểu quốc hội kỳ cựu, được lòng dân khiến ông nghĩ gì?

Dù làm tốt đến đâu không một đại biểu quốc hội chân chính nào dám vỗ ngực tự cho rằng mình đã làm tốt, làm hay, làm trọn vẹn trách nhiệm với nhân dân. Bởi không biết thế nào là đủ.

Nhất là trong tình cảnh trong những nhiệm kỳ đại biểu vừa qua, có những đại biểu quốc hội không chỉ làm đúng mà còn làm ngược lại với trách nhiệm và quyền hạn mà người dân giao cho mình. Một số đại biểu còn bị kỷ luật vì làm sai, lạm dụng. Tôi chỉ nói đơn giản, quốc hội có 500 đại biểu nhưng có bao nhiêu người thể hiện được mình trên các diễn đàn quốc hội chứ chưa nói đến trong thực tiễn hoạt động của mình? Nói trước quốc hội còn không dám thì sau đó anh có làm được một cách mạnh mẽ?

Là đại biểu quốc hội mà không dám hay không muốn nói lên tiếng nói của nhân dân thì làm sao có thể làm được những việc vì dân. Trong nhiệm kỳ 14 này, tôi mong quốc hội sẽ loại bỏ được bớt những thành phần đại biểu cơ hội, không dám đấu tranh vì nhân dân.

ĐBQH Dương Trung Quốc có so sánh rằng công tác chống tham nhũng ở nước ta từ trước đến nay như đánh trận giả, còn ông thì sao?

Nạn tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam được nói đến nhiều. Hầu hết tất cả các ý kiến đều hô hào nhưng làm thì chưa đến đâu. Tôi nhớ có những kỳ quốc hội suốt mấy ngày liền chỉ nói về vấn đề tham nhũng. Bản thân tôi từng có những chất vấn trước các lãnh đạo cao cấp của chính phủ rằng: “Nói về chống tham nhũng, ý kiến nào cũng hùng hồn, quyết liệt nhưng tôi nói, những người tinh hoa nhất đang có mặt trong 500 đại biểu quốc hội nhưng chưa thấy một ai tự phê bình về mình, tự nhận mình tham nhũng. Vậy thì tham nhũng ở đâu, ở trong nhân dân thì không phải rồi.

Nói thế để biết chúng ta đã nói nhưng không nói đúng thực tế, không dám tự phê về mình. Nói nhưng không làm, nói thì rất hay, rất hùng biện nhưng kết quả lại không thấy. Trong 500 đại biểu quốc hội, kiểu gì cũng có người tham nhũng, không thể không có được.

Lời xin lỗi của nhà sử học Dương Trung Quốc đã trở thành một hiệu ứng. Nhiều người cho rằng những người đáng ra phải xin lỗi thì đã không dám nói ra?

Những người không đáp ứng đủ tiêu chí của một đại biểu quốc hội nhưng vẫn lọt vào danh sách 500 đại biểu thì sẽ không bao giờ nói lời xin lỗi mà họ còn làm những việc ngược lại với tư cách, trách nhiệm của mình trong vai trò của một đại biểu quốc hội.

Lời thú nhận “không làm tròn nhiệm vụ với nhân dân” không chỉ được đồng chí Dương Trung Quốc bây giờ nói ra mà tôi cũng đã từng nói trong nhiệm kỳ trước đây của mình. Kết thúc nhiệm kỳ quốc hội khóa X, có người vỗ vai tôi: “Ông Thước là cũng có tiếng đấy”, nhưng tôi nói chưa ăn thua gì, bao nhiêu chuyện của dân mà tôi chưa là được cho nên chưa hoàn thành nhiệm vụ đâu.

Ông nhắn gửi điều gì với các thế hệ đại biểu quốc hội kế tiếp để quốc hội lại có một Nguyễn Quốc Thước, một Dương Trung Quốc thứ 2?

Bây giờ đừng nhắc đến tên ai vì mỗi người có một vai trò và không ai có thể thay thế ai cả. Tôi chỉ nhắn những người sau là những gì đại biểu quốc hội trước đây đã làm được, đó là những người thương dân, vì dân, sống chết cho dân thì những ĐBQH khóa sau cần lấy đó làm tấm gương học tập.

Chúng tôi mong rằng đừng có những ĐBQH trong suốt nhiệm kỳ không có tiếng nói, chính kiến gì, hay nói những vấn đề vô thưởng vô phạt, nói cũng được mà không nói cũng xong. Sợ nhất là những người biết mà không dám nói, người ta gọi đó là sự im lặng của người tốt. Điều này vô cùng đáng sợ.

Tôi cũng rất mong các cử tri hãy tỉnh táo khi bầu cử để tránh để lọt những người như thế vào danh sách ĐBQH.

Cám ơn những chia sẻ của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước!

(giadinhvietnam.com)

Xem thêm
Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.