Nhận định việc chỉ đạo thanh, kiểm tra của các cơ quan tỉnh Thanh Hoá về trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh là đúng, khách quan nhưng Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Tuấn Anh cho biết, Thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ Nội vụ có thể thanh tra lại vụ việc…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trả lời các câu hỏi đặt ra tại cuộc họp báo |
Tại cuộc họp báo chiều tối ngày 4/3, đại diện các cơ quan, bộ ngành của Chính phủ nhận câu nhiều câu hỏi về vụ việc thăng tiến của nữ Trưởng phòng Quản lý bất động sản – Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá.
Phóng viên Dân trí đặt câu hỏi, kết luận về vụ việc của các cơ quan tỉnh Thanh Hóa chưa làm dư luận đồng tình vì nhiều vấn đề chưa được làm rõ, trong đó có việc dù khẳng định Sở Xây dựng tỉnh này có sai phạm đối với việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh nhưng cán bộ trực tiếp ký các quyết định bổ nhiệm hiện tại đã đảm nhiệm những chức vụ cao hơn tại UBND tỉnh. Từ góc độ quản lý cán bộ của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ có chỉ đạo gì về việc làm rõ trách nhiệm trong sự việc này?
Trả lời những vấn đề đặt ra, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đáp, với vấn đề báo chí và dư luận đã nêu, chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực này là, các cơ quan tổ chức, trong đó có Bộ Nội vụ là cơ quan được giao kiểm tra làm rõ, xử lý vi phạm, nếu có, về công tác cán bộ.
Ông Tuấn nhận định, thời gian qua, tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thanh tra kiểm tra tổng thể việc quy hoạch bổ nhiệm cán bộ trong đó có trường hợp bà Quỳnh Anh – nguyên Trưởng Phòng quản lý thị trường Bất động sản – Sở Xây dựng.
“Việc lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc quy hoạch, sử dụng cán bộ tại Sở Xây dựng là hoàn toàn đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này vì đối tượng thanh kiểm tra thuộc thẩm quyền quản lý của Sở này. Tỉnh có thể phối hợp với thanh tra tỉnh xem có phù trường hợp này, việc bổ nhiệm có phù hợp với quy định trong việc tiến hành bổ nhiệm hay không” – Thứ trưởng Nội vụ giải thích.
Còn về ý kiến cho rằng kết luận thanh kiểm tra không thuyết phục được dư luận vì sự việc diễn ra tại Thanh Hóa mà lại do chính các cơ quan của tỉnh này tiến hành thanh, kiểm tra, khả năng thiếu khách quan, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phân tích, theo pháp luật về thanh tra, những việc đã được thanh tra tỉnh thực hiện có thể được Thanh tra Chính phủ hoặc Thanh tra Bộ Nội vụ thanh tra lại nếu phát hiện những sai phạm trong quá trình thanh tra.
“ Việc tiến hành thanh tra tại Sở Xây dựng do tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo hoàn toàn đúng với quy định, chức trách của lãnh đạo tỉnh. Chúng tôi luôn bám sát cùng Thanh hóa trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình” – ông Tuấn nói.
Về vấn đề khối tài sản “khủng” của bà Quỳnh Anh mà dư luận đã đề cập, nghi vấn có dấu hiệu tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh xác nhận, đến thời điểm này, khi hoạt động thanh, kiểm tra được tiến hành, đối tượng không còn thuộc diện cán bộ phải kê khai tài sản nữa. Theo đó, nghĩa vụ kê khai giải trình, xác minh về tài sản với người này không còn được điều chỉnh theo pháp luật về phòng chống tham nhũng nữa.
“Tuy nhiên, khi kê khai tài sản được hiểu là một biện pháp để phòng ngừa tham nhũng thì không có nghĩa, người liên quan không còn là cán bộ, công chức, viên chức nữa thì vấn đề tài sản phát sinh thế nào không còn công cụ quản lý. Theo đó, việc này vẫn phải tuân theo sự điều chỉnh của pháp luật nói chung, áp dụng với một công dân bình thường. Chúng ta không hiểu, không còn nghĩa vụ kê khai tài sản nữa đồng nghĩa với việc việc tài sản của đối tượng không còn được pháp luật xác minh, điều chỉnh nữa” – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ giải thích nhưng không xác nhận hay phủ nhận việc có tiến hành xem xét thông tin về khối tài sản “khủng” của người này hay không, cơ quan nào xem xét.