| Hotline: 0983.970.780

Trương Chính - Bản lĩnh phê bình tuổi đôi mươi

Thứ Tư 07/12/2016 , 13:15 (GMT+7)

Đọc Trương Chính ở thời điểm 2016 - cũng là tròn 100 năm sinh của ông - “Dưới mắt tôi” không phải điển phạm phê bình nhưng cũng cho thấy bản lĩnh phê bình. Bản lĩnh ấy có từ tuổi đôi mươi!

“Dưới mắt tôi” - cuốn sách phê bình đầu tay của PGS.NGƯT Trương Chính (1916 - 2004) được xuất bản lần đầu năm 1939. Sau 77 năm, cuốn sách được tái bản lần đầu tiên do Cty CP sách Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn liên kết phát hành (2016).

17-18-08_truong-chinh-duoi-mt-toi
 

Là thành viên của nhóm Lê Quý Đôn (bao gồm: Lê Thước, Trương Chính, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý) - những ông giáo trong Ban tu thư chuyên soạn sách, từ năm 1958, Trương Chính vẫn giảng dạy văn học ở trường ĐHSP Hà Nội nhưng chủ yếu dịch sách. Vì thế, trong giới khoa học xã hội, nhất là văn chương, biết đến tên tuổi ông chủ yếu là tư cách dịch giả.

Trương Chính dịch nhiều. Ông dịch Thomas Mann (Gia đình Buddenbrook), N.G. Chernyshesky (Làm gì). Đặc biệt văn học Trung Quốc được Trương Chính chuyển ngữ vào Việt Nam qua các tác phẩm của Lỗ Tấn: Gào thét, Bàng hoàng, Chuyện cũ viết lại, Tạp văn... Với văn học trung đại Việt Nam viết bằng chữ Hán, ông cũng tham gia dịch, khảo đính, giới thiệu, nghiên cứu thơ văn Nguyễn Phi Khanh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Nguyễn Quang Bích, Phan Huy Ích. Công phu câu chữ và cẩn trọng là đặc điểm nổi bật ở Trương Chính trong những dịch phẩm và nghiên cứu nói trên.

Tuy nhiên, ít người biết rằng, Trương Chính từng xông xáo “trực chiến” trên lĩnh vực phê bình văn học trước 1945 qua hai tác phẩm “Dưới mắt tôi” (19139) - phê bình văn học - và “Những bông hoa dại” (1941) - nghiên cứu văn học dân gian. Do những biến động của thời tiết xã hội, để đọc toàn vẹn “Dưới mắt tôi” của Trương Chính ở tuổi đôi mươi thì... hiếm. 

“Dưới mắt tôi” - cái tít nghe rất ngạo mạn và xấc xược từ đầu thế kỷ XX của chàng thanh niên 23 tuổi Trương Chính. Tuổi đôi mươi cầm bút viết phê bình có cái ngông của tuổi trẻ song lại tạo ra được chất trong trang viết. Trương Chính cứ thế mà kẻ chỉ thẳng băng trong các bài phê bình. Từ Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, cho đến trẻ nhất là Nguyên Hồng đều được con mắt Trương Chính soi đến.

Trương Chính đánh giá các tác phẩm bằng chính nghệ thuật, ông không viết về cuộc đời. Với ông, có lẽ văn chương phải là nghệ thuật. Có những đánh giá của Trương Chính không quá lâu sau đã thành hiện thực.

Ví dụ, ông phê bình cuốn tiểu thuyết đầu tiên đánh dấu mốc mở đường của văn học hiện đại Việt Nam - “Tố Tâm” của Song An Hoàng Ngọc Phác như sau: “Tố Tâm cạnh những văn phẩm đến sau nó (tôi tránh chữ kiệt tác), mờ hẳn đi. Nếu bây giờ nó bị lãng quên thì cũng không ai lấy làm lạ”.

Hay với Từ Ngọc, tác giả của 3 cuốn tiểu thuyết “Cậu bé nhà quê”, “Khói hương”, “Ngược dòng”, thì Trương Chính thẳng thắn: “Cậu bé nhà quê là một cuốn tiểu thuyết hỏng”; “Ngược dòng là một cuốn tiểu thuyết vô giá trị về mọi phương diện, nội dung và văn thể”. Đánh giá chung về tác giả, ông viết: “Không còn chối cãi, nghệ thuật của ông Từ Ngọc đương còn ở thời kỳ ấu trĩ. Ông chưa thể chiếm một ghế đáng ghen trong văn học nước nhà”.

Tất nhiên, phê bình ngày nay thì khác, những diễn ngôn còn được đọc bằng liên văn bản; được soi chiếu đa ngành từ triết học, hội hoạ, văn hoá, nhân học... Cái cách Trương Chính thể hiện tình yêu của mình vẫn là Tự lực Văn đoàn với những tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam.

Tình yêu đó không thay đổi khi ông viết “Lược thảo lịch sử Văn học Việt Nam” (1955) hay đưa lại những bài viết từ thời "Dưới mắt tôi" vào “Tuyển tập Trương Chính” (2000). Có điều phải thừa nhận rằng những tác phẩm như Trương Chính phê bình nêu trên, qua sàng lọc của thời gian về giá trị nghệ thuật, chúng chỉ còn được nhắc đến với cái tên đánh dấu mốc của văn chương đầu thế kỷ XX với những bước đi chập chững.

“Nhiều người còn ưa thích Trương Chính thẳng thắn, bản lĩnh đến mức trắng phớ khen chê. Dù đây là tư cách đáng quý nhưng phàm đã là viết phê bình thì lẽ nào một mực véo von và ưa tâng bốc mới đạt? Sẽ dễ chịu hơn nếu giờ đây đón nhận “Dưới mắt tôi” mà không phải nghĩ nó là điển phạm phê bình.

Nghĩa là, nó mời mọc chúng ta cùng đọc lại các tác giả, tác phẩm được nhắc đến; cùng dừng lâu ở những cột mốc văn chương vốn đã quen bị thờ ơ, quên lãng.

“Dưới mắt tôi” theo đó, dưới bút mực quá vãng xa xôi, vẫn ở trên hành trình cảo thơm lần giở của hôm nay bền bỉ, chân thành” - (ThS. Mai Anh Tuấn - ĐH Văn hóa Hà Nội).

 

Xem thêm
Vầng trăng thơ ấu: Phim về thời niên thiếu của Bác Hồ

Bộ phim khắc họa thời thơ ấu của Bác Hồ lúc còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng cha mẹ vào Huế sinh sống mang tên 'Vầng trăng thơ ấu'.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.