Thôn Cát và thôn Trỉa là hai thôn xa nhất của xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Nếu trời nắng ráo, từ trung tâm xã đi vào hai thôn này cũng phải mất vài giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy dù quãng đường chỉ dài khoảng 13-15 km.
Khi trời mưa, người dân 2 thôn này muốn đi ra ngoài phải chạy xuống QL9, đi qua huyện Cam Lộ với quãng đường gần 30 km.
Tuy nhiên, mưa lớn những ngày qua đã khiến mọi con đường đều bị cô lập bởi nước dâng cao, sạt lở đất và mất sóng điện thoại. Lương thực người dân đang cơ bản đáp ứng nhưng nhu yếu phẩm khan hiếm.
Sau nhiều ngày không thể tiếp cận cũng như không thể liên lạc được với 2 thôn Cát, Trỉa, chính quyền xã Hướng Sơn hết sức lo lắng. UBND xã Hướng Sơn cũng không có phương tiện để vượt lũ vào nắm tình hình của người dân.
Trước tình hình đó, ông Hồ Văn Tình, trưởng thôn Cát đã cùng một nhóm người vượt nhiều ngầm tràn, điểm sạt lở ra QL9, nơi có sóng điện thoại để mua nhu yếu phẩm cho người dân và điện thoại báo cáo tình hình mưa lũ.
Ở các điểm này, nhóm vượt lũ phải dùng gậy khiêng xe máy vượt qua dòng nước chảy xiết, sâu quá đầu gối. Ra đến QL9, trưởng thôn Cát Hồ Văn Tình báo cáo về UBND xã Hướng Sơn để tìm biện pháp, đồng thời mua lương thực, nhu yếu phẩm để tiếp tế cho bà con, nhất là trong tình hình hiện nay, cô lập, chia cắt có thể tiếp tục kéo dài.
"Hai thôn Cát, Trỉa đang bị cô lập, đường sá hư hỏng nặng. Sóng điện thoại cũng không có. Sạt lở lấp đường lấp cả dây cáp viễn thông nên người dân giờ rất khó khăn", trưởng thôn Hồ Văn Tình thông tin.
Do bị nước lũ chia cắt, hoạt động dạy và học tại 2 thôn Cát, Trỉa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đình Sâm, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Sơn cho hay một số giáo viên tranh thủ tạnh mưa đã lội nước lũ vào dạy học trong ngày 29/10. Nhưng sáng 30/10, một số giáo viên bộ môn vẫn chưa vào được thôn.
"Anh em vào dạy thì phải phụ nhau đẩy và gánh xe qua chỗ nước lũ. Lương thực dự trữ được khoảng một tuần, nếu hết thì phải vay mượn ở bà con. Chúng tôi mong chính quyền hỗ trợ để khắc phục nhanh sạt lở, chia cắt chứ để người dân tự khắc phục thì rất khó", ông Sâm chia sẻ.
Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho biết, hai thôn Cát, Trỉa có diện tích lúa nước khá lớn, lương thực trước mắt không thiếu nhưng chia cắt khiến bà con gặp nhiều khó khăn trong buôn bán, cuộc sống hằng ngày.
"Khó dự báo việc chia cắt kéo dài bao lâu. Xã đang đề xuất huyện có phương tiện để thông tuyến sớm vào với bà con", ông Tường cho hay.
Chủ động phương án 4 tại chỗ
Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết, hai thôn Cát, Trỉa đi lại rất khó, huyện đã giao xã chủ động phương tiện, 4 tại chỗ để tiếp cận, hỗ trợ người dân. Về lâu dài, chính quyền đang bàn phương án để làm đường kiên cố vào đây.