| Hotline: 0983.970.780

Cùng một chi phí, phải có được các công trình phục vụ đa mục tiêu

Thứ Sáu 29/11/2024 , 13:00 (GMT+7)

'Với cùng một chi phí, chúng ta phải có được các công trình phục vụ đa mục tiêu, phục vụ đa ngành, phát huy tối đa hiệu quả', Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khẳng định.

Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Vũ Minh Việt, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Lương Văn Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam Tô Văn Thanh chủ trì Diễn đàn.

Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Vũ Minh Việt, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Lương Văn Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam Tô Văn Thanh chủ trì Diễn đàn.

Diễn đàn 'Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long' được tổ chức tại Cần Thơ, chiều 29/11.

Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm “Nước là tất yếu của sự sống, là nguồn lực của quốc gia, có vai trò quan trọng đặc biệt trong phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường. Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là vấn đề cấp bách, tất yếu khách quan; là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân”.

Các đại biểu, diễn giả, phóng viên báo chí, cơ quan truyền thông tham dự trực tiếp Diễn đàn tại Cần Thơ.

Các đại biểu, diễn giả, phóng viên báo chí, cơ quan truyền thông tham dự trực tiếp Diễn đàn tại Cần Thơ.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, mặc dù Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý điều hòa các nguồn nước sẵn có, các hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thói quen sử dụng nước chưa tiết kiệm của người dân đã và đang tạo sức ép rất lớn đến cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tiêu thoát nước cho đô thị, xử lý nước thải.

 

Riêng với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đây là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất cả nước, thế nhưng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước.

Các vấn đề nổi bật bao gồm: Sự gia tăng các chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, việc chuyển hướng dòng chảy sông Mê Kông sang các khu vực khác, suy giảm chất lượng môi trường đất và nước, thay đổi mục đích sử dụng đất kèm theo mâu thuẫn trong phân bổ nguồn nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, khai thác tài nguyên nước vượt quá mức cho phép, cùng với tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng… Những thách thức này đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân địa phương và an ninh lương thực quốc gia.

An ninh nguồn nước tại ĐBSCL chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ảnh: Tùng Đinh.

An ninh nguồn nước tại ĐBSCL chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ảnh: Tùng Đinh.

Thực hiện nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều 29/11, Cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại Cần Thơ.

Tất cảTổng thuật

16 giờ 30 phút

Cùng một chi phí, phải có được các công trình phục vụ đa mục tiêu

ong to van thanh

Trả lời câu hỏi về đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2026-2030, ông Tô Văn Thanh (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết, các đơn vị của Bộ NN-PTNT đang đề xuất danh mục và kinh phí cho xây dựng các công trình liên quan đến khai thác nguồn nước và phòng, chống thiên tai ở ĐBSCL.

Mặc dù vậy, vấn đề này vẫn còn phụ thuộc vào nguồn lực cũng như quá trình phê duyệt danh mục của Nhà nước để phân bổ kinh phí cho ĐBSCL trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trên cơ sở đề án đang xây dựng về đối phó với 5 vấn đề lớn của ĐBSCL gồm sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún thì các giải pháp đưa ra phải giải quyết được nhiều vấn đề. Ví dụ như giải pháp trữ nước, tiết kiệm nước để phục vụ sinh hoạt thì sẽ góp phần giảm khai thác nước ngầm, giảm sụt lún.

Để bảo vệ bờ sông, bờ biển, thì cần tích hợp giải pháp về phát triển kinh tế bằng cách đầu tư hệ thống công trình bảo vệ bờ để thích ứng với nước biển dâng, từ đó giúp tái tạo được hệ thống rừng ngập mặn.

Ngoài ra, cần đầu tư tổng thể các công trình để đảm bảo duy trì 3 phân vùng sinh thái của ĐBSCL: Ngọt, Ngọt lợ, Lợ mặn. Từ đó, đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

"Với cùng một chi phí, chúng ta phải có được các công trình phục vụ đa mục tiêu, phục vụ đa ngành, phát huy tối đa hiệu quả. Đó là quan điểm xuyên suốt của đề án", ông Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khẳng định.

Liên quan đến việc đầu tư công trình ở cửa sông, lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nói đang trong quá trình triển khai nhưng đòi hỏi chi phí lớn và chưa thể xác định thời điểm hoàn thành.

Do đó, các trạm bơm đã được đầu tư ở Cà Mau, Kiên Giang sẽ có nhiệm vụ riêng, cụ thể là bơm tiêu trong trường hợp xảy ra mưa lớn và giai đoạn triều cường. Ông Tô Văn Thanh khẳng định, những giải pháp công trình này là bắt buộc phải thực hiện để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

15 giờ 50 phút

Đề xuất được hỗ trợ truyền thông về lợi ích bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp

Các đại biểu đặt câu hỏi, hiện nay Bảo hiểm Agribank có loại hình bảo hiểm nào dành cho các doanh nghiệp, cá nhân nuôi trồng thủy sản, trồng lúa… bị thiệt hại liên quan đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước không? Bên cạnh đó, Agribank và ABIC có chính sách cho vay hay bảo hiểm đối với các công trình thủy lợi, công trình cấp nước hay các công nghệ mới cho mục đích sử dụng nước hiệu quả không?

ong quach ta khang

Ông Quách Tá Khang (ảnh), Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Argibank (ABIC), cho biết, trước đây, ABIC đã tham gia bảo hiểm thí điểm nông nghiệp trong phạm vi cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, chương trình bảo hiểm chưa mang lại hiệu quả do rủi ro rất cao (đặc biệt trong ngành nuôi tôm).

“Đối với ĐBSCL, công ty đã triển khai bảo hiểm cho các khách hàng vay vốn để đầu tư sản xuất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và lĩnh vực khác. Tuy nhiên, thống kê sau bão Yagi cho thấy, chỉ có 0,5% doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm. Vì vậy, tôi mong muốn được hỗ trợ truyền thông về lợi ích bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp. Với các công trình của ngành nông nghiệp như công trình thủy lợi, thủy điện, chúng tôi đã tích cực tham gia hỗ trợ rất nhiều. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu bảo hiểm rủi ro cho các công trình đã xây dựng xong”, ông Khang nhận định.

ABIC cam kết đồng hành cùng các đơn vị trong triển khai bảo hiểm tại các dự án nông nghiệp. Trong thời gian tới, ông Khang cho rằng các đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp nên xem xét sử dụng bảo hiểm trong xây dựng các công trình thủy lợi liên quan đến vùng trồng lúa, trồng cây ăn trái để giảm nhẹ tối đa thiệt hại do thiên tai.

15 giờ 30 phút

Đẩy mạnh vai trò của truyền thông về bảo vệ an ninh nguồn nước

ong dinh thanh mung 1

Ông Đinh Thanh Mừng (ảnh), Phó trưởng Phòng An ninh nguồn nước, Cục Thủy lợi, cho biết vấn đề thiếu nước tại ĐBSCL thường chưa được chú trọng đúng mức. Sau đợt hạn mặn 2019-2020, vai trò của việc tăng cường chỉ đạo trong quản lý nguồn nước trở nên cấp thiết. Khác với các loại cây trồng các, cây ăn quả tại ĐBSCL là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi thiếu nước, khó phục hồi hơn, trong khi đây là loại cây trồng quan trọng của vùng và toàn quốc.

“Việc tiết kiệm nước được đánh giá có ý nghĩa lớn hơn bao giờ hết”, ông Đinh Thanh Mừng nhấn mạnh, và thông tin thêm, Bộ NN-PTNT sẽ gửi tài liệu hướng dẫn khoanh vùng và tiết kiệm nước để hỗ trợ địa phương.

Trả lời câu hỏi về việc hỗ trợ kinh phí cho công tác đẩy mạnh truyền thông bảo vệ an ninh nguồn nước, ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, nhấn mạnh vai trò của Kết luận 36 về an ninh nguồn nước. Theo đó, các nhánh nhỏ của an ninh nguồn nước bao gồm xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, tích nước vào mùa mưa để sử dụng trong mùa khô.

Ông cho biết, trong thời gian tới, hệ thống thủy lợi sẽ được đầu tư với các giải pháp kỹ thuật cụ thể, như hạ thấp cửa lấy nước, phân phối và điều tiết hiệu quả nguồn nước, đồng thời phân bố nguồn nước từ những khu vực dồi dào sang những vùng thiếu hụt. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước bền vững, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, ông Lương Văn Anh cũng cho biết kế hoạch truyền thông tổng thể sẽ được xây dựng trong thời gian tới. Kế hoạch này sẽ lồng ghép nội dung từ các nhánh nhỏ của an ninh nguồn nước, nhằm nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.

15 giờ 20 phút

Đề xuất để người dân xây dựng bể, hồ chứa nước phân tán

Hồ chứa nước để phòng chống hạn mặn của người dân tỉnh Bến Tre

Hồ chứa nước để phòng chống hạn mặn của người dân tỉnh Bến Tre. Ảnh: Bắc Bình/Báo Thanh niên.

Diễn đàn nhận câu hỏi về nguồn nước sinh hoạt nhiều đia phương thiếu hụt, chưa bền vững, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã có một số giải pháp cho vấn đề này, quan điểm của Viện về đề xuất giải pháp cho vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và Cấp nước (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), cho biết, tổng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt cho dân số vào khoảng 1 tỷ m3. Khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến hệ lụy về sụt lún, nước ngầm đang bị suy thoái, nhiễm phèn.

Viện khoanh vùng thực hiện công tác phát triển thủy lợi, ưu tiên tạo vùng nước mặt để phục vụ nguồn nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Những khu vực khó khăn như Cà Mau, Bạc Liêu khi nguồn nước mặt chưa đến, phải sử dùng nước ngầm, Viện khuyến nghị Nhà nước nên đầu tư các hồ chứa nước phân tán, cục bộ, quy mô nhỏ giúp tận dụng lượng mưa lớn, điều tiết nguồn nước phục vụ mùa khô. Khuyến cáo người dân vùng khó khăn, ven biển, đầu tư bể, hồ chứa nước ở các chất liệu khác.

Theo đó, cần khuyến khích ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách đóng vai trò trong việc cho vay hỗ trợ. Sử dụng nước sinh hoạt có nhiều giải pháp như lọc nước biển thành nước ngọt, tuy nhiên, chi phí khá cao. Đối với nông nghiệp, cần ứng dụng các giải pháp tưới tiêu tiết kiệm nước.

15 giờ 10 phút

Chuyển nước ngọt về vùng mặn Nam Cà Mau

Mở đầu phần thảo luận, Diễn đàn nhận được câu hỏi về vùng mặn Nam Cà Mau, trong Quy hoạch Thủy lợi lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022-2030, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đề xuất chuyển nước ngọt về qua kênh Chắc Băng.

Một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc rất kỹ vì nếu triển khai giải pháp này rất tốn kém, do quãng đường chuyển nước lên tới vài trăm km. Với tình trạng hạ thấp mực nước sông Hậu như hiện nay thì trong tương lai không thể chắc chắn có thể dẫn nước được vào hệ thống kênh này. Giống như câu chuyện mực nước sông Hồng bị hạ thấp khiến hàng loạt cống lấy nước từ sông Hồng vào sông Đáy, sông Nhuệ và sông Tích bị "treo". Quan điểm của Viện về vấn đề này như thế nào?

Trả lời câu hỏi, ông Vũ Minh Thiện, Phó Trưởng đại diện của Văn phòng đại diện Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tại TP.HCM, cho biết, nội hàm quy hoạch là có 13 hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh có thể điều tiết nước như Cái Lớn - Cái Bé, Long Xuyên, hay các hệ thống khép kín như Gò Công, Gò Định.

Để kiểm soát diện tích 1,98 triệu ha, phải đảm bảo các hệ thống thủy lợi được cấp nước đầy đủ. Chi tiết hơn còn phải tính đến các giải pháp chuyển nước từ vùng thừa đến vùng thiếu, song nó có yêu cầu rất cao về kỹ thuật. Nam Cà Mau thiếu nước, giống vùng ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu. Do đó, lợi dụng các hệ thống thủy lợi gồm cống ven sông Hậu, kênh Xà No và các công trình thủy lợi khác, phối hợp ngăn mặn, cấp nước khi cần.

Trong trường hợp cần, nước có thể được dẫn về sông Đốc, cung cấp cho hàng chục ngàn ha đất ở nam Cà Mau. Về vấn đề được dư luận và báo chí quan tâm, đó là phương án này sẽ làm giảm dòng chảy mùa lũ, tăng dòng chảy mùa khô, chi phí cao, viện phó viện quy hoạch thủy lợi miền nam.

“Tại hệ thống thượng nguồn, như ở Biển Hồ, dòng chảy mùa lũ bị giảm, khiến dòng chảy ngược ở Biển Hồ giảm. Từ đó, lượng nước từ đây chảy ra vào mùa khô cũng bị giảm mạnh. Chúng ta cần đánh giá đầy đủ về các yếu tố tác động”, ông Thiện nói.

14 giờ 50 phút

5 thủ tục xây dựng an ninh nguồn nước

ong vu minh thien

Ông Vũ Minh Thiện (ảnh), Phó Trưởng đại diện, Văn phòng đại diện Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tại TP.HCM, cho biết, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã thông qua và xây dựng được 5 thủ tục xây dựng an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, những năm vừa qua, Việt Nam chưa tham vấn trước với các nước ở hạ lưu về xây dựng các công trình thủy điện. Hiện nay, nước ta còn thiếu thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính sông Mê Kông. Mặc dù đã đàm phán để thống nhất kĩ thuật về thủ tục này nhưng vẫn còn khó khăn do nhu cầu sử dụng nước của các quốc gia đều tăng.

“Thủ tục kiểm tra chất lượng nước cùng hướng dẫn kĩ thuật rất quan trọng trong việc đảm bảo và duy trì nguồn nước sông Mê Kông. Về xây dựng hệ thống thủy điện trên dòng chính, các yêu cầu về cấu phần công trình khiến mức đầu tư tăng lên tới 15-20%, gây khó khăn trong việc xây dựng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã xác định xây dựng 5 hệ thống giám sát về: thủy văn, chất lượng nước, thủy sản và hệ sinh thái hỗ trợ đánh giá chất lượng và số lượng tài nguyên nước chính xác hơn, đồng thời, chúng ta lại có lượng trữ rất lớn về biển hồ. Vì vậy, cần đánh giá vai trò và tính toán lại về trữ lượng nước và các yếu tố khác tác động ĐBSCL”, ông Vũ Minh Thiện chia sẻ.

Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, cho biết, tổng lượng dòng chảy hằng năm của toàn vùng ĐBSCL xấp xỉ 475 tỷ m3, trong đó, 95% dòng chảy từ nước ngoài chảy vào Việt Nam.

“ĐBSCL không thiếu nước, tuy nhiên, vào mùa khô có 2 đợt triều cường lớn nên gây xâm nhập mặn cao. Vì vậy rất cần các giải pháp tổng thể liên quan nguồn nước. Các giải pháp vận hành và khai thác phải được đồng bộ và triển khai liên hệ thống để mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, tôi cho rằng công tác truyền thông quan trọng trong việc cung cấp thông tin về giải pháp khắc phục cho người dân”, ông Lương Văn Anh thông tin.

Trong thời gian tới, người dân và chính quyền địa phương cần chủ động tích trữ, điều tiết nguồn nước và dịch chuyển thời vụ để hình thành thói quen chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

14 giờ 30 phút

5 công trình phục vụ thủy lợi cho 1 triệu ha ở ĐBSCL

ong le tu do

Theo ông Lê Tự Do (ảnh), Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam, hiện nay, công ty đang thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác 5 hạng mục công trình tại ĐBSCL bao gồm: Cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô; Cống Vũng Liêm; Cống âu thuyền Ninh Quới với tổng diện tích các vùng dự án khoảng 1 triệu ha.

"Do đặc điểm về địa hình, thủy văn, bố trí sản xuất của vùng ĐBSCL rất đa dạng, phong phú; do đó nhiệm vụ của mỗi hệ thống công trình cũng đa dạng theo", đại diện của Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam cho biết.

Cụ thể, Hệ thống công trình thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé - Xẻo Rô, nhiệm vụ trước tiên là kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững. Thứ hai, kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, còn nhiệm vụ góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt và kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Trong khi đó, nhiệm vụ của Cống âu thuyền Ninh Quới là đảm bảo kiểm soát mặn không gây ảnh hưởng đến tỉnh Sóc Trăng và vùng ngọt ổn định của tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh đó là tạo điều kiện chuyển nước ngọt từ sông Hậu cho vùng Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu và phục vụ giao thông thủy bộ.

Ở Cống Vũng Liêm, nhiệm vụ của công trình là kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch, tiêu úng, axit, cải tạo đất. Song song đó, chủ động lấy nước, tiêu nước, lấy phù sa, thau chua, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Một nhiệm vụ nữa của Cống Vũng Liêm là tạo địa bàn bố trí dân cư, kết hợp giao thông thủy bộ tạo thành mạng lưới giao thông thủy bộ liên hoàn.

Với 5 công trình này, trong năm 2023, công ty đã chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp giữa Công ty với Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi, đơn vị khai thác các tỉnh trong quản lý vận hành, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi vùng ĐBSCL do Công ty quản lý (cống âu thuyền Ninh Quới, cống Vũng Liêm, cụm cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô).

"Công ty thường xuyên trao đổi với các địa phương về tình hình sản xuất, nhu cầu dùng nước, kết hợp với các bản tin dự báo của cơ quan Khí tượng thuỷ văn để xây dựng và triền khai chi tiết kế hoạch vận hành các công trình từng tháng", ông Lê Tự Do chia sẻ.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống công trình, ông ty thường xuyên phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá để đề xuất bổ sung, cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình, nhằm hoàn thiện hệ thống, phát huy tối đa hiệu quả vận hành hệ thống công trình.

Song song đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong đảm bảo phòng chống úng, ngập, xâm nhập mặn (theo kế hoạch vận hành hoặc vận hành đột xuất) và đảm bảo an toàn giao thông khu vực công trình.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trong việc thông tin về hoạt động, kế hoạch vận hành (thường xuyên, đột xuất) của công ty cho mọi người nắm rõ, chủ động trong sản xuất và phòng chống thiên tai.

14 giờ 15 phút

Năm 2025, ĐBSCL bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp lên 90%

ong tran duy an

Theo ông Trần Duy An (ảnh), Phó Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi ĐBSCL (Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam), “Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế người dân, toàn vùng có 15 hệ thống thủy lợi phục vụ trên 2,5 triệu ha, chiếm 64% diện tích toàn khu vực. Tuy nhiên, ĐBSCL có những thách thức lớn về an ninh nước ngọt, xói lở bờ sông, bở biển, kênh, rạch. Nhiệt độ nước và lượng mưa, lượng nước triều dựu kiến sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn năm 2030-2050”.

Theo Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và Thoát lũ đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050, vùng thượng nguồn sẽ cần kiểm soát lũ, cải tạo các trục thoát lũ, và ứng phó với các tình huống bão lũ cực đoan; vùng giữa: Hoàn thiện hệ thống thủy lợi, xây dựng các hệ thống chuyển nước để cung cấp nước cho các khu vực xa nguồn. Nghiên cứu các giải pháp kiểm soát mặn trên dòng chính sông Mê Kông; vùng hạ lưu: Xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sinh hoạt, nâng cấp tuyến đê biển và ứng dụng công nghệ thu trữ nước trong mùa khô.

Tầm nhìn đến năm 2050, ĐBSCL sẽ ứng dụng các giải pháp hiện đại để cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, các hệ thống cấp thoát tách rời cho một số khu vực có điều kiện thuận lợi. Đồng thời, các giải pháp tận dụng nguồn nước biển ngoài khơi để phục vụ sản xuất cũng sẽ được triển khai.

ĐBSCL sẽ xây dựng 5 nhà máy cấp nước vùng với tổng công suất 1,5 triệu m³/ngày đêm, sử dụng nguồn nước từ dòng chính Mê Kông. Các nhà máy này được đặt tại vị trí không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Các công trình kiểm soát mặn, dẫn nước, chuyển nước, và trữ nước sẽ được hoàn thiện kết hợp với các giải pháp phi công trình. Bên cạnh đó, việc di dời dân khỏi các điểm sạt lở nguy hiểm, mở rộng diện tích bơm tiêu bằng động lực và xây dựng các công trình chống ngập úng cho đô thị là những ưu tiên hàng đầu.

Đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam nhận định, với những giải pháp toàn diện, ĐBSCL không chỉ hướng tới mục tiêu tăng tần suất bảo đảm cấp nước lên 90% vào năm 2025 mà còn tiến xa hơn trong việc xây dựng một vùng nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển hài hòa với tự nhiên.

14 giờ 00 phút

Hệ thống thủy lợi là tiền đề để chuyển đổi nông nghiệp

ong tran minh tuan

Chia sẻ về thực trạng, dự báo các thách thức đảm bảo an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL, ông Trần Minh Tuấn (ảnh), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và Cấp nước (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), cho biết, do vị trí đặc điểm cuối nguồn, hằng năm dòng chảy về ĐBSCL đạt hơn 400 tỷ m3. Tuy nhiên, vùng nước nội sinh chỉ chiếm 5% (hơn 22 tỷ m3), vậy vấn đề xuất hiện lũ, hạn mặn trong mùa khô đều phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng lưu.

“ĐBSCL không thiếu nước, quan trọng là nước mặn hay nước ngọt. Hiện nay, nguồn nước tại khu vực ĐBSCL đang bị tác động bởi 3 thách thức chính gồm nguồn nước từ thượng lưu, từ biển vào và vấn đề nội tại (phát triển kinh tế dẫn đến xả thải và hạ thấp lòng dẫn dẫn đến biến động triều, khiến xâm nhập mặn biến động lớn, thay đổi theo từng giờ”, ông Tuấn chia sẻ.

Hiện hệ thống thủy lợi của vùng ĐBSCL được hình thành khá đồ sộ với mật độ kênh mương lớn, khoảng 43.000, là hệ thống hồ chứa tự nhiên giúp trữ nước, tích nước… giúp chủ động cho sản xuất nông nghiệp, làm tiền đề để chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, phát huy vai trò chủ động kiểm soát nguồn nước.

Theo ông Tuấn, các giải pháp điều hành thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất tốt, giảm thiểu ảnh hưởng về mức thấp so với tác động của hạn, xâm nhập mặn, trong đó có công tác truyền thông, điều hành phối hợp giữa các đơn vị.

Đại diện Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng, về phía Nhà nước, cần hoàn thiện quản lý tổng hợp như quản lý sản xuất, dự báo thị trường, nâng cao dự báo nguồn nước xâm nhập mặn, hiện đại hóa công tác giám sát… Bên cạnh vai trò của Nhà nước, ông Tuấn cũng khuyến cáo từ phía người dân cần chủ động với các giải pháp tích nước, tưới tiết kiệm, phòng chống hạn mặn.

Về giải pháp về khoa học, công nghệ trong việc sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, ứng dụng công nghệ hiện vẫn chưa đầy đủ, thiếu thiết bị hỗ trợ dẫn đến sự vận hành theo cảm quan, hiệu quả hạn chế. Như vậy, cần tiếp tục phổ biến tới người dân ứng dụng khoa học công nghệ trong tưới tiết kiệm nước, hiệu quả trong các vùng trồng như trồng cây ăn trái…

13 giờ 45 phút

Chủ động nguồn nước có vai trò quan trọng

ong dinh thanh mung

“Hạn mặn lịch sử 2015-2016 và 2019-2020 khiến chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò của chủ động nguồn nước. Ngay cả các nước trên thế giới cũng vậy, họ cũng khuyến cáo với Chính phủ, Bộ NN-PTNT về việc này”, ông Đinh Thanh Mừng (ảnh), Phó Trưởng phòng An ninh nguồn nước (Cục Thủy lợi), nói.

Phó Trưởng phòng An ninh nguồn nước nhắc tới một trong các giải pháp kỹ thuật cao, đó là lọc nước ngọt từ nước biển. Đây được coi là biện pháp đòi hỏi nhiều khoa học công nghệ và vốn.

Đối với các nguồn nước ngoài biên giới, cơ chế phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thượng nguồn đã hình thành thông qua hợp tác song phương, đa phương, như: Hợp tác Mê Kông thông qua Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, các hoạt động hợp tác cụ thể như hợp tác Mê Kông - Lan Thương, Mê Kông - Sông Hằng, Mê Công - Nhật Bản, Mê Kông - Hàn Quốc, Quan hệ Đối tác Mê Kông - Mỹ (MUSP); Sáng kiến Những người bạn của Mê Kông (FOM); hợp tác song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Chính phủ Việt Nam hợp tác giúp Chính phủ Lào lập một số quy hoạch thủy lợi lưu vực sông.

Các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước đã và đang góp phần đảm bảo cho Việt Nam không bị ảnh hưởng tiêu cực, bị động từ các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn, cũng như chủ động điều phối, phối hợp để điều tiết hài hòa nguồn nước đảm bảo cho sản xuất và cung cấp nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Một số tỉnh có đường biên giới với nước bạn đã phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách giải quyết tranh chấp, xung đột nguồn nước liên quốc gia với các tỉnh của nước bạn, như hoạt động hợp tác giữa tỉnh Đăk Nông và tỉnh Mondulkiri (Campuchia).

Với đặc điểm là quốc gia nằm ở hạ lưu 2 lưu vực sông lớn quan trọng (sông Hồng và sông Mê Kông), Việt Nam vẫn đang đối mặt trước nguy cơ phải gánh chịu nhiều tác động bất lợi từ các chương trình, dự án phát triển trên dòng chính ở phía thượng nguồn.

Giai đoạn tới cần tiếp tục mở rộng hợp tác đi vào chiều sâu, toàn diện, thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể, đa ngành, cân bằng giữa phát triển kinh tế với xã hội và môi trường, nhằm khai thác tốt và phát huy hiệu quả các mối quan hệ lợi ích đan xen, sẵn sàng cho mọi kịch bản phát triển lưu vực khi chúng ta nằm ở vị trí cuối nguồn các lưu vực sông lớn.

Đại diện Cục Thủy lợi cho biết, việc sạt lở bờ sông ở vùng ĐBSCL dường như chưa nhận được sự quan tâm cần thiết.

5 Bộ có hoạt động triển khai là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và cơ quan đầu mối là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao nhiệm vụ cụ thể tới từng đơn vị thông qua chương trình công tác hàng năm của Bộ, đặc biệt là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Công Thương đưa tin trên Cổng thông tin điện tử, hướng dẫn lồng ghép nội dung quản lý, sử dụng tiết kiệm, điều tiết linh hoạt các nhà máy thủy điện, an toàn vận hành đập, hồ chứa thủy điện.

Bộ Tài chính hoàn thiện cơ chế chính sách bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; hoàn thiện việc lập các quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

13 giờ 30 phút

Nâng cao nhận thức là nhiệm vụ hàng đầu

Nhập chú thích ảnh

Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Vũ Minh Việt phát biểu mở đầu Diễn đàn.

Phát biểu mở đầu Diễn đàn, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Vũ Minh Việt chia sẻ, thế giới của chúng ta ngày càng thấy rõ vị trí của nước. Nước có tầm quan trọng đặc biệt và vĩnh viễn đối với dân sinh, kinh tế và an ninh quốc gia.

Hiện nay, biến đổi khí hậu toàn cầu là thách thức lớn trong thế kỷ 21, gây nên tình trạng nước biển dâng, ngập lụt ngày càng rộng lớn, dự đoán tình hình khô hạn, mưa lũ sẽ ngày càng dữ dội cùng nhiều loại hình thiên tai khác.

"Bởi vậy, việc đảm bảo tính nhất quán và toàn diện trong quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai là rất cần thiết", ông Vũ Minh Việt nhấn mạnh.

Có thể thấy, công tác đảm bảo an ninh nguồn nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh nguồn nước còn nhiều hạn chế. Kết luận số 36 của Bộ Chính trị ngày 23/6/2022 về an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả. Ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao. Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nước. Hợp tác quốc tế về đảm bảo an ninh nguồn nước chưa cao...”.

Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, ở nước ta, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức rất lớn từ thượng nguồn (nhất là hoạt động đầu tư các công trình trên dòng chính và sông nhánh Mê Kông khiến lượng nước và phù sa về đồng bằng suy giảm).

Nước biển dâng và tốc độ truyền triều gia tăng do khai thác cát khiến lòng sông bị mở rộng, tác động gia tăng úng ngập và xâm nhập mặn. Cùng với đó là hàng loạt hệ lụy như sạt lở bờ sông, bờ biển, mực nước sông Cửu Long bị hạ thấp, chất lượng nguồn nước suy giảm, gây khó khăn cho công tác cấp nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất, đảm bảo sinh kế của người dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Cũng theo ông Vũ Minh Việt, để thực hiện các mục tiêu về đảm bảo an ninh nguồn nước, nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên được Bộ Chính trị nêu rõ tại Kết luận số 36, đó là: "Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nước trong tình hình mới".

Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, hôm nay, tại TP Cần Thơ, Cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL”.

Ông Vũ Minh Việt nhấn mạnh, với sự hiện diện của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý và nhà nghiên cứu am hiểu về ĐBSCL, Diễn đàn rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu để vùng đất Chín Rồng đạt được mục tiêu tổng quát, bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp, thủy sản, kinh tế quan trọng, thiết yếu.

"Cùng với đó, mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Đưa ra các giải pháp chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững ĐBSCL dựa trên quan điểm “Chủ động sống chung với lũ”, “Sống chung với mặn và lợ”, “Chống ngập lụt ở các đô thị”...", Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ thêm.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Khoa học công nghệ là đột phá đưa đất nước phát triển

Tổng Bí thư mong muốn, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học nỗ lực cùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước trong giai đoạn mới.

Ngành nông nghiệp Bến Tre duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện

Bến Tre Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản tỉnh Bến Tre tăng trưởng 2,12%. Nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt ở mức cao so với kế hoạch.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Một cuộc họp 'vô tiền khoáng hậu' vì dân của thành phố Hạ Long

QUẢNG NINH Hội nghị của thành phố Hạ Long hôm nay không như thường lệ, cán bộ phải phát biểu vo, hiểu đến đâu nói đến đó và 'cấm' mang tài liệu vào để đọc.