| Hotline: 0983.970.780

Cần quy định về mực nước hồ chứa trước lũ linh hoạt hơn

Thứ Năm 31/10/2024 , 06:28 (GMT+7)

Từ thực tiễn ứng phó bão Yagi, theo các chuyên gia thủy lợi, cần nghiên cứu quy định lại mực nước các hồ chứa trước lũ linh hoạt hơn, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Theo TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, hệ thống hồ đập chứa nước trên sông Đà, sông Lô - Gâm, sông Chảy đã đóng góp tích cực, triệt để trong việc cắt, giảm lũ cho hạ du lưu vực sông Hồng và khu vực Hà Nội, cung cấp nước thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp (nhất là vụ đông xuân), phát triển các ngành kinh tế và sinh hoạt cho người dân khu vực này.

Tuy nhiên, với hình thái thời tiết cực đoan như hiện nay thì quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các sông trong thời kỳ lũ muộn đang đặt ra thách thức đối với các cơ quan quản lý về thủy lợi, phòng chống thiên tai. Và đây cũng là trăn trở của các chuyên gia.

TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam. Ảnh: Hùng Khang.

TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam. Ảnh: Hùng Khang.

Để phục vụ công tác vận hành, đảm bảo an toàn hồ đập, cảnh báo cho người dân vùng ngập lụt, TS. Hà Ngọc Tuấn, đại diện liên danh KIV - WeatherPlus đưa ra giải pháp “Hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành HNT" với công nghệ Nhật Bản (đã được ứng dụng phục vụ điều tiết lũ trong cơn bão số 3 (Yagi).

Qua thực tế vận hành hệ thống HNT hiệu quả an toàn ở cả 3 nhà máy thủy điện (gồm hồ chứa Khánh Khê, Bản Nhùng, Thác Xăng) trên hệ thống sông Kỳ Cùng, một trong những hệ thống sông chịu tác động lớn từ mưa lũ do hoàn lưu bão Yagi gây ra. Dựa vào thông tin dự báo sớm, các nhà máy thủy điện đều vận hành phát điện hạ mực nước triệt để xuống thấp để tăng thu nhập và mở ra dung tích trống nhằm điều tiết lũ an toàn.

TS. Hà Ngọc Tuấn, đại diện liên danh KIV - WeatherPlus. Ảnh: Hùng Khang.

TS. Hà Ngọc Tuấn, đại diện liên danh KIV - WeatherPlus. Ảnh: Hùng Khang.

Qua công tác vận hành hồ chứa, các chuyên gia thủy lợi đưa ra một số nhận định rằng, việc điều tiết của các công trình thủy điện lớn thượng nguồn sông Hồng là một trong những nguyên nhân làm thay đổi phân phối dòng chảy và các đặc trưng mực nước hạ lưu sông Hồng.

Dòng chảy trong mùa lũ có xu hướng giảm, mực nước lũ tại trạm thủy văn Hà Nội (hạ lưu sông Hồng) trong một thập niên gần đây hầu như đều nhỏ hơn báo động 1, hệ thống các hồ chứa thượng nguồn đã cắt giảm lũ hạ du từ 1,1 - 4,2m.

Trong mùa cạn, việc điều hành xả nước tăng cường cho hạ du diễn ra tập trung trong một số thời kỳ (trong đó cao điểm từ tháng 1 đến tháng 2 là thời kỳ đổ ải gieo cấy vụ đông xuân), khi đó hệ thống hồ chứa (Sơn La, Hòa Bình đóng vai trò chủ chốt) sẽ bổ sung một lượng lớn nước xuống hạ du làm cho mực nước dâng nhanh.

Chia sẻ nội dung liên quan đến vận hành hồ chứa và đảm bảo an ninh nguồn nước trên lưu vực sông Hồng, ông Nguyễn Đức Quang - Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Hiện nay chúng ta chưa có đầy đủ dữ liệu để cập nhật được thông tin mưa lũ từ khu vực biên giới đổ về. Đây được coi là trở ngại lớn trong việc dự báo lưu lượng nước đếncác hồ chứa vào mùa mưa lũ”.

Ông Quang cho rằng, việc vận hành các hồ chứa đa mục tiêu trên hệ thống sông Hồng là bài toán rất phức tạp, bởi phụ thuộc vào nhiều số liệu đầu vào, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và hiện tượng thời tiết dị thường xuất hiện không theo quy luật...

Các chuyên gia cho rằng, cần sớm đưa các giải pháp công nghệ trong việc vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng để đảm bảo vận hành linh hoạt hơn, góp phần phòng lũ hạ du hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại.

Trong đó, việc cấp bách hiện nay là nghiên cứu phân cấp lại các cấp báo động lũ, quy định lại mực nước trước lũ linh hoạt hơn, góp phần vận hành hệ thống hồ đập an toàn, đảm bảo an ninh nguồn nước cho lưu vực và cho quốc gia.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.