LTS: Nhà báo ngoài vai trò truyền dẫn thông tin còn có thể kích hoạt hành động, nâng giá trị cho nông sản Việt. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6, nhà báo Thanh Sơn (Báo Nông nghiệp Việt Nam) trò chuyện 3 nhà báo có nhiều năm theo dõi về kinh tế nông nghiệp gồm nhà báo Công Phiên, nguyên Chủ nhiệm CLB Phóng viên Kinh tế Nông nghiệp TP.HCM, nhà báo Trần Mạnh (Báo Tuổi Trẻ) và nhà báo Ngọc Hùng, nguyên phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Đôi khi truyền thông cũng “ngây thơ” tạo nên làn sóng sợ hãi của cộng đồng
Nhà báo Thanh Sơn:
Chúng ta đang ở trong thời đại thông tin. Có thể nói, truyền thông đang ngày càng tác động nhiều hơn đến mọi mặt của kinh tế, xã hội, và nông nghiệp cũng không phải là ngoại lệ. Là những nhà báo đã có nhiều năm theo dõi về kinh tế nông nghiệp, các anh thấy truyền thông đã tác động như thế nào tới thị trường nông sản trong những năm qua?
Nhà báo Công Phiên:
Truyền thông góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt là những diễn biến thời sự thị trường nông sản. Nhiều năm trước chúng ta thường nghe nói đến cụm từ “liên kết 4 nhà”, “tạm trữ lúa”, sau này thêm “giải cứu nông sản” góp phần giảm bớt khó khăn người cho nông dân khi vào vụ thu hoạch bị tắc đầu ra (xuất khẩu).
Trong những tình huống này truyền thông góp phần phổ biến chính sách, chỉ ra những khiếm khuyết cần khắc phục để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia tạm trữ hay góp phần khơi thông thị trường trong nước với sự hưởng ứng tích cực của các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp và người tiêu dùng...
Truyền thông cũng cảnh báo: tạm trữ hay giải cứu chỉ là tạm thời, cần giải pháp căn cơ cho từng mặt hàng. Việc xuất hiện “cánh đồng mẫu lớn” như giải bài toán, sản xuất gắn thị trường được truyền thông hết lòng ủng hộ. Nhưng truyền thông cũng lên tiếng, cánh đồng lớn không thể là sự hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp mà phải là sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã để giúp cánh đồng nhỏ của nông hộ gắn với thị trường lớn thế giới.
Truyền thông cũng góp công lớn khi hướng dư luận xã hội chú ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay khi báo chí đã liên tục đề cập về sản xuất rau an toàn đầu tiên cả nước ở TP.HCM từ giữa những năm 1990.
Tuy nhiên, đôi khi truyền thông cũng “ngây thơ” tạo nên làn sóng sợ hãi của cộng đồng. Chẳng hạn, thông tin ăn bưởi gây ung thư (thật ra là bưởi chùm, không trồng ở Việt Nam, từ khảo sát ở nước ngoài, báo chí trong nước dịch lại chưa chuẩn năm 2007) khiến cho người trồng bưởi lao đao. Theo điều tra sơ bộ của Sở NN-PTNT Tiền Giang, trong 1 tháng sau khi một số báo đưa thông tin người trồng bưởi trong tỉnh thiệt hại trên 100 tỷ đồng.
Có khi truyền thông vô tình tiếp tay cho nhóm lợi ích làm ngành nghề nào đó phải chật vật, thậm chí doanh nghiệp trên bờ phá sản. Điển hình là năm 2016, nhiều báo dẫn thông tin từ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), công bố từ kết quả khảo sát sơ sài cho rằng trong nước mắm truyền thống có Arsen (thạch tín), khiến người tiêu dùng hoang mang, e ngại nước mắm truyền thống.
Nhà báo Trần Mạnh:
Tôi thấy rằng về cơ bản truyền thông đã giúp đỡ và hỗ trợ cho thị trường nông sản. Hiện nay, gần như tờ báo nào tại Việt Nam cũng có phóng viên chuyên trách hoặc phụ trách lĩnh vực nông nghiệp.
Từ khi internet, mạng di động và điện thoại thông minh còn chưa phổ biến, báo chí đã là kênh thông tin quan trọng về các mô hình làm nông nghiệp hiệu quả, truyền tải những thành tựu khoa học mới trong nông nghiệp để nông dân các nơi học hỏi, ứng dụng vào thực tế. Báo chí cung cấp thông tin về thị trường trong nước và quốc tế, qua đó định hướng sản xuất cho nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.
Báo chí cũng là kênh phản biện chính sách hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của nông dân, của doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Như các chính sách “cởi trói” cho hạt gạo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Hay báo chí vào cuộc trong vấn đề nhập khẩu quá nhiều thịt gà giá rẻ đe dọa ngành chăn nuôi trong nước khiến cho các bộ ngành phải vào cuộc.
Báo chí góp phần hạn chế các vấn nạn sản xuất kinh doanh phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật, đẩy nhanh quá trình loại bỏ các chất trừ cỏ độc hại ra khỏi Việt Nam như Paraquat, Glyphosate…
Báo chí góp phần cổ vũ các mô hình làm nông nghiệp hiệu quả, tiên tiến, các thương hiệu mới, các sản phẩm sáng tạo của nông dân và doanh nghiệp ra thị trường.
Rất nhiều các quy định bất hợp lý từ khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh đến xuất khẩu được báo chí phản ánh, tác động đến các bộ ngành để tháo gỡ, chỉnh sửa theo hướng tôn trọng các nguyên tắc thị trường hơn, tôn trọng quyền tự do sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn…
Rõ ràng, thật khó để hình dung một cường quốc về nông nghiệp như Việt Nam lại thiếu vắng đi vai trò của báo chí, truyền thông. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Có nhiều bài báo gây tổn hại cho nông nghiệp một cách vô tình, hoặc có thể là cố ý.
Cố ý ở đây là việc giật tít để câu view chứ không phải để hại ngành nông nghiệp. Ví dụ như thông tin một ông giám đốc ở Cần Thơ nói “90% người Việt ăn gạo bẩn” vào năm 2020. Đây chỉ là một phát biểu của chủ một doanh nghiệp quy mô nhỏ trong một tọa đàm quy mô nhỏ, phóng viên thay vì kiểm chứng lại thông tin đó thì vội vã giật title để câu view dẫn tới nhiều hoang mang cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng phải vào cuộc.
Hay mỗi khi có một vài lô hàng thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị nước nhập khẩu cảnh báo là nhiều cơ quan báo chí trong nước lập tức đăng tải thông tin như toàn bộ thực phẩm của Việt Nam là bẩn, là mất an toàn. Vấn đề an toàn thực phẩm rất phức tạp, mỗi nước có một quy định khác nhau và không thống nhất. Vì vậy, có thể một mặt hàng bị Nhật Bản cảnh báo vì vượt dư lượng chỉ tiêu nào đó vẫn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Indonesia hay châu Âu. Thay vì phân tích để bạn đọc hiểu và đỡ hoang mang, các bài báo này lại viết để làm người tiêu dùng trong nước lo sợ, nước ngoài e dè dẫn tới doanh nghiệp và cả ngành gặp khó.
Nhà báo Ngọc Hùng:
Theo tôi, cái gì cũng có hai mặt cả, truyền thông nói chung cũng không nằm ngoài quy luật ấy nhưng ở một khía cạnh nào đó, truyền thông luôn có tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với thị trường nông sản. Về tác động tiêu cực, tôi xin lấy ví dụ thế này, thời điểm này năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi các cơ quan báo chí không đùng cụm từ “giải cứu vải thiều” trong các bản tin có liên quan đến vải thiều của tỉnh này. Lý do mà phía Bắc Giang đưa ra là khi thông tin “giải cứu” lên báo thì ngay sau đó, giá vải thiểu của tỉnh giảm.
Dĩ nhiên, mỗi chúng ta trong vai trò phóng viên, nhà báo luôn phải tuân thủ quy tắc đưa tin khách quan, nếu có hiện tượng giải cứu nông sản thì phải thông tin đến bạn đọc, nhưng câu chuyện “chúng tôi không muốn được giải cứu” của vải thiều Bắc Giang là một bài học cho những ai đưa tin về thị trường nông sản - đôi khi sự khách quan trong đưa tin lại tạo ra những dấu hiệu “tiêu cực” cho thị trường.
Tuy nhiên, đó chỉ là một ví dụ còn thực tế, trong những năm qua, truyền thông đã hỗ trợ tích cực cho thị trường nông sản và cả trong tương lai, truyền thông vẫn tiếp tục đóng vai trò này, tôi tin vậy.
Tôi cũng xin nói thêm, ngoài việc truyền thông đưa tin về giá cả nông sản tăng hay giảm, vai trò của báo chí cũng có tác dụng làm cho thị trường đi vào ổn định hơn bằng những bài báo phân tích bình luận của các chuyên gia trong ngành, qua đó, giúp các nhà làm chính sách có những điều chỉnh phù hợp để thị trường nông sản phát triển bền vững hơn.
Nông sản gặp họa bởi truyền thông bôi bẩn
Nhà báo Thanh Sơn:
EU từng là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam nhưng sau khi bị truyền thông bôi bẩn, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang khu vực thị trường này đã liên tục giảm mạnh. Điều đó cho thấy, truyền thông sai lệch có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với một mặt hàng nào đó. Ở Việt Nam, nhiều mặt hàng nông sản cũng từng gặp họa bởi những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng, không đúng sự thật hoặc bị làm quá lên trên báo chí, truyền thông. Những lần nông sản gặp nạn truyền thông như vậy, là do các nhà báo đã thiếu sự cẩn trọng, tỉnh táo cần thiết khi tiếp nhận, xử lý thông tin hay do sự thiếu hiểu biết của người cầm bút? Khi tiếp nhận những thông tin không tốt về một mặt hàng nông sản nào đó, anh sẽ xử lý như thế nào?
Nhà báo Trần Mạnh:
Câu chuyện cá tra xuất khẩu sang EU như anh vừa nói là một điển hình của truyền thông sai lệch. Nhưng nó cũng bắt nguồn từ việc khi ấy Việt Nam thiếu kiểm soát trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm này. Với lợi thế trời cho về vùng nuôi, thời tiết, khí hậu và nhân công giá rẻ, cá tra Việt Nam có sức tăng trưởng quá nóng sang các thị trường như Mỹ, EU đe dọa ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản tại các nước này dẫn tới họ sử dụng truyền thông để “đánh”.
Điều kiện nuôi cá tại Việt Nam, một quốc gia đang phát triển sẽ khó mà đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của Mỹ hay EU ngay từ đầu. Nhất là khi mà mục đích của truyền thông EU là vạch lá tìm sâu, bôi bẩn thì kiểu gì cũng có vấn đề.
Tôi cho rằng, để xảy ra những sự cố như vậy là do nhà báo và cơ quan báo chí chưa thực hiện hết chức năng và nhiệm vụ của mình.
Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động báo chí là phải xác minh thông tin. Đó là phải kiểm tra, kiểm chứng một thông tin trước khi đưa ra cho độc giả. Ngoài kiểm tra độ chính xác, người làm báo còn cần phải đánh giá bối cảnh của thông tin và tác động của thông tin tới xã hội.
Bối cảnh của thông tin ở đây là quy mô của sự việc. Lấy ví dụ trong một báo cáo về kiểm tra an toàn thực phẩm của châu Âu có 20 lô hàng Việt Nam vi phạm. 20 lô hàng trong số hàng triệu lô hàng xuất khẩu là một tỉ lệ rất nhỏ. Nhưng nếu nhà báo chỉ tập trung viết về dư lượng độc hại trong thực phẩm Việt Nam sẽ tạo ra một bức tranh méo mó về an toàn thực phẩm nói chung. Cần phải đưa con số, hay vụ việc vào trong bối cảnh để có phân tích, so sánh.
Trong quá trình tác nghiệp của mình, khi tiếp cận một thông tin không tốt về một sản phẩm nào đó, tôi thường đặt ra các câu hỏi. Và đầu tiên đó là thông tin này có chính xác hay không? Nguồn phát ra có đủ chức năng, vai trò và uy tín cho thông tin?
Câu hỏi tiếp theo là: Vi phạm nghiêm trọng đến mức nào? Nếu chỉ vượt ngưỡng an toàn ở một tỉ lệ nhỏ thì có nhất thiết phải làm một bản tin lớn để gây hoang man dư luận. Bởi vì các ngưỡng này khác nhau ở các quốc gia.
Sau đó là câu hỏi: Vụ việc này có phải là phổ biến? Như trên đã nói, nếu chỉ là một vài lô hàng trong hàng triệu lô hàng bị kiểm soát phát hiện vi phạm, thì đó là điều có thể không cần thông tin. Còn nếu đây là vụ việc phát hiện liên tiếp trong 3 tháng thì đó là một câu chuyện cần đào sâu. Vì liên tục vi phạm thì đó nhiều khả năng là do lỗi hệ thống.
Câu hỏi cuối cùng: Nếu đưa thông tin này thì đem lại điều gì cho bạn đọc, cho người sản xuất, cho ngành hàng. Nếu chỉ là vụ việc nhỏ, cá biệt thì cần gì phải làm cho bạn đọc hoang mang, cho người sản xuất lo lắng, cho doanh nghiệp khó khăn. Còn nếu là việc lớn thì phải thông tin để cảnh báo, phải buộc các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý.
Nhà báo Ngọc Hùng:
Chuyện cá tra Việt Nam bị “truyền thông bẩn” và hệ quả đúng như nhưng anh đã đề cập. Tuy nhiên, trước khi nói về “truyền thông bẩn” thì cũng cần nhìn nhận lại là Việt Nam đã xử lý truyền thông trong vụ việc này chưa được tốt kiến cho từ một vụ việc nho nhỏ nhưng sau đó loang dần ra và không kiểm soát được.
Tôi xin kể chuyện này, có một hiệp hội ngành nghề nọ, sau một năm xuất khẩu thành công, khi có một nhà báo đề cập đến việc cung cấp thông tin tổng kết cuối năm cho báo chí thì được trả lời là sản phẩm của chúng tôi chủ yếu xuất khẩu nên “không cần” báo chí trong nước đưa tin.
Kết quả, sau đó, khi có vụ việc gì, cánh báo chí nông nghiệp cũng ngại đưa tin liên quan. Tôi nhận thấy, từ sau vụ này, nhiều đồng nghiệp của tôi ở các báo ít có những tin bài liên quan đến ngành nghề này nữa. Việc một hiệp hội ngành hàng từ chối cơ hội hợp tác với báo chí trong nước, có thể, một ngày nào đó họ sẽ trả giá đắt cho vấn đề nào đó.
Tại sao tôi nói vậy? Nếu nhìn một cách tổng thể thì hiện tại có nhiều tờ báo ở Việt Nam đã có phiên bản tiếng Anh rồi và khi cần những thông tin tốt, hay phản biện lại những thông tin xấu từ báo chí nước ngoài thì những tờ báo có phiên bản tiếng Anh này là kênh truyền thông rất hiệu quả. Tôi nhắc lại chuyện này không phải để trách ai cả mà mong muốn khi đọc được bài viết này, các hiệp hội ngành hàng xem xét lại chính sách làm truyền thông của họ để nông sản Việt Nam được hỗ trợ tốt hơn.
Nhà báo Công Phiên:
Làm báo trong giai đoạn bùng nổ thông tin, chịu nhiều áp lực về thời gian bởi của sự cạnh tranh gay gắt giữa các báo, đài và mạng xã hội như hiện nay để tránh tai nạn nghề nghiệp sẽ khó hơn trước đây nhiều.
Những tai nạn này có cả nguyên nhân của sự thiếu cẩn trọng, thiếu sự tỉnh táo cần thiết khi tiếp nhận, nhất là những thông tin có khả năng gây chấn động hay cố tình gây nhiễu của nhóm lợi ích nào đó. Tai nạn dễ xảy ra ở những anh em mới theo dõi lĩnh vực, chưa kịp tích lũy kiến thức chuyên môn dẫn đến việc xử lý thông chưa chuẩn xác.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là những anh em có thâm niên không bị “dính chấu”. Điển hình là vụ nước mắm bẩn năm 2016 mà 50 cơ quan báo chí bị Bộ TT-TT xử phạt.
Đó là bài học nhớ đời mà anh em làm báo viết về lĩnh vực nông nghiệp bị “sụp hầm”. Bài học rút ra, khi tiếp nhận những thông tin không tốt về một mặt hàng nông sản nào đó luôn thận trọng, cân nhắc và với kỷ năng người làm báo, tự thẩm định trước các thông tin nhạy cảm. Tham vấn chuyên gia lĩnh vực cũng giúp nhiều khi đặt bút viết.
Trung thực với chính mình và viết với ngòi bút có trách nhiệm
Nhà báo Thanh Sơn:
Truyền thông sai lệnh đã từng gây họa cho nhiều nông sản. Nhưng ở chiều ngược lại, truyền thông đúng đắn, tâm huyết và có trách nhiệm đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị, hình ảnh của nhiều nông sản Việt Nam. Anh nghĩ thế nào về vai trò dẫn dắt của truyền thông trong việc nâng tầm cho nông sản Việt?
Nhà báo Ngọc Hùng:
Theo tôi, báo chí vẫn là kênh dẫn dắt thông tin tốt cho nông dân, cho doanh nghiệp, qua đó, giúp nâng tầm cho nông sản Việt trên thị trường thế giới. Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ 4.0, không còn hữu xạ tự nhiên hương nữa mà thời đại của truyền thông, quảng cáo, đặc biệt là tại thị trường thế giới. Vì thế, vai trò của báo chí, truyền thông rất quan trọng. Tôi cũng rất mừng vì sau những nỗ lực Báo Nông nghiệp Việt Nam đã cho ra kênh truyền thông bằng tiếng Anh. Đó là một kênh để giúp nông sản Việt tiếp cận dễ dàng hơn với thế giới rộng lớn ngoài kia.
Nhà báo Công Phiên:
Từ những vụ việc trên đây cho thấy, vai trò dẫn dắt của truyền thông, của người làm báo là điều không thể phủ nhận. Người viết cần có cái tầm để phân biệt đúng sai, cái tâm để giúp cảnh báo bản thân những cám dỗ có thể sa vào. Trung thực với chính mình và viết với ngòi bút có trách nhiệm. Viết không phải để giật gân, câu view.
Nhà báo Trần Mạnh:
Như tôi đã nói, báo chí truyền thông góp một phần quan trọng trong việc định hình ngành nông nghiệp Việt Nam ngày hôm nay. Bằng kinh nghiệm thực tế làm về nông nghiệp trong hơn 10 năm qua, tôi thấy rằng báo chí đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của nông sản và thương hiệu nông nghiệp Việt thông qua các bài viết cung cấp thông tin thị trường, tiến bộ kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn, góp ý thay đổi chính sách, hỗ trợ quảng bá thương hiệu…
Ngay nay, doanh nghiệp có nhiều kênh để truyền tải thông tin của mình ra thị trường, ra thế giới. Nhưng các cơ quan báo chí chính thống vẫn đóng một vai trò nhất định trong việc hỗ trợ nâng tầm cho thương hiệu doanh nghiệp và nông sản Việt nói chung.
Nhà báo Thanh Sơn:
Phản biện chính sách, thúc đẩy việc hình thành chính sách cũng là một vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Với kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhà báo cần làm gì để tham gia tích cực hơn vào việc phản biện các chính sách, đồng thời thúc đẩy sự ra đời nhiều hơn nữa của các chính sách mới và cần thiết?
Nhà báo Công Phiên:
Nhà báo có điều kiện tham gia các sự kiện, hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ và nghe các vị lãnh đạo phát biểu trong lĩnh vực phụ trách nên luôn cập nhật và nắm rõ các chủ trương, chính sách mới của nhà nước. Nhưng nếu không nắm chắc thực tiễn cuộc sống đang diễn ra sẽ khó có thể phản biện hay đề xuất một vấn đề cụ thể. Khi tiếp cận đời sống người dân nông thôn sẽ giúp phát hiện cái mới hay cảnh báo nguy cơ, tệ nạn nào đó ở nông thôn.
Báo chí từng cảnh báo về sự bần cùng hóa của những tỷ phú nhất thời nhờ bán đất, nhưng do không biết quản lý đồng tiền nên sau một thời gian đã xài hết số tiền có được, phải trở lại làm thuê cho chủ mới ngay trên mảnh đất trước kia là của mình...
Sự phản biện của báo chí về chính sách đều từ thực tiễn. Chính thực tiễn sẽ cho thấy chủ trương hay chính sách nào đó có thực sự “đi vào cuộc sống” hay không. Nhờ thực tế mới nắm bắt người làm nông nghiêp, ở đây là nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp gặp bất lợi trước những hạn chế hay chủ trương không còn phù hợp.
Nhà báo Trần Mạnh:
Việt Nam đang trong quá trình vừa xây dựng mới, vừa hoàn thiện các quy định pháp luật, vừa cập nhật bổ sung cho phù hợp với thông lệ quốc tế nên có rất nhiều vấn đề trong luật và các quy định liên quan đến ngành nông nghiệp.
Trong bối cảnh mà nhiều quy định pháp luật, các quy định của các bộ ngành và đơn vị liên quan rối rắm và nhiều lúc mang tính chất “làm khó” doanh nghiệp và nông dân, vai trò của báo chí là cực kỳ quan trọng trong phản biện, đóng góp ý kiến sửa đổi, thay đổi và hoàn thiện chính sách. Điều này đã được chứng minh bằng nhiều quy định vô lý, đi ngược thị trường, làm khó doanh nghiệp… bị báo chí phản ánh đã phải thay đổi.
Nhưng để phản biện được chính sách thì nhà báo cần hiểu sâu sắc lĩnh vực mà mình phụ trách, hiểu về quy trình ban hành văn bản pháp luật của các cơ quan, hiểu và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật, của thị trường.
Nhà báo cũng phải biết giới hạn của mình. Nhà báo là người cung cấp thông tin, không phải là người soạn luật, hay chuyên gia kinh tế. Do đó, trừ một số trường hợp cá biệt, nhà báo không thể hiểu sâu sắc các khía cạnh pháp lý như các chuyên gia. Vì vậy, nhà báo cũng cần phải dựa vào các chuyên gia này để đồng hành trong phản biện chính sách cho chính xác, hiệu quả hơn.
Nhà báo Ngọc Hùng:
Phản biện chính sách là một phần công việc của phóng viên, nhà báo phải thể hiện trong các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, để phản biện chính sách hiệu quả đòi hỏi nhà báo ngoài cái tâm thì phải có sự nhạy bén về tâm lý. Người xưa nói “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, ý là muốn một người trước khi nói hãy suy nghĩ cẩn thận. Báo chí cũng vậy, nếu không cẩn thận từng câu chữ trong những bài viết phản biện chính sách thì có thể bị tác dụng ngược. Đó là khi cơ quan ra chính sách thay vì tiếp nhận theo thông mang tính cầu thị thì lại nghĩ tờ báo đó đang “đánh đấm để ăn tiền”.
Nhà báo Thanh Sơn: Xin cảm ơn các anh đã giành thời gian tham gia cuộc trò chuyện rất hữu ích này.